Độc lạ Tam Quốc: Bị sếp ép làm thông gia, nhanh trí say sưa 60 ngày để trốn tránh!

by admin

Từng nghe một câu trong Thế thuyết có điều chả nhớ rõ như thế nào nữa nhưng đại ý là thế này (dịch kiểu mách qué): Làm danh sĩ thì có cái mợ gì khó, chỉ cần thường vô sự, sảng khoái mà rượu bia, Ly Tao chẳng quên. Thế là đủ để thành danh sĩ rồi.
Tự cổ chí kim chẳng phải là Thánh hiền lưu danh mà là Ẩm giả (kẻ uống) lưu danh. Danh sĩ thời Nguỵ Tấn, Đường, Tống… không ai không uống, không ai không mê rượu.
Thời kỳ Tam Quốc Ngụy Tấn, huyền học dần phát triển, ở huyện Sơn Dương tỉnh Hà Nam có 7 vị danh sĩ, bọn họ suốt ngày uống rượu, đàn ca, không màng thế sự, được người đời sau xưng là “Trúc Lâm thất hiền”, bài này xin nói về nhân vật số 2 trong “Trúc Lâm thất hiền” – Nguyễn Tịch.
Trúc Lâm thất hiền theo thứ tự là Kê Khang, Nguyễn Tịch, Sơn Đào, Hướng Tú, Lưu Linh, Vương Nhung và Nguyễn Hàm. 7 vị này đều rất có cá tính và tài hoa, nhưng những câu chuyện về Nguyễn Tịch lại có rất nhiều.
Trong “Đằng Vương Các Tự” Vương Bột có nói “Nguyễn Tịch ngông cuồng, há cười nổi chuyện khóc cùng đường” ý nói Nguyễn Tịch thường tự mình lái xe, cứ đi theo sở thích, đợi tới khi phía trước hết đường mới khóc to rồi quay lại. Thật ra, Nguyễn Tịch khóc không chỉ vì hết đường đi tiếp, mà còn là vì tuyệt vọng và đau đớn khi cả nhà rơi vào hiểm cảnh, chúng ta cùng tìm hiểu về cảnh ngộ mà Nguyễn Tịch gặp phải nhé.
Nguyễn Tịch sinh ra vào năm Kiến An 15 nhà Hán, 3 tuổi đã mất cha, lúc đó thiên hạ đại loạn, người mẹ vất vả nuôi ông khôn lớn, ông cũng chăm chỉ học hành, văn võ làu thông. Thuở thiếu thời Nguyễn Tịch cũng có chí hướng cao lớn, từng muốn gầy dựng sự nghiệp lẫy lừng. Nhưng sau khi trưởng thành, nhìn thấy hoàng quyền Tào Ngụy ngày càng sa sút, Ngụy đế Tào Phương yếu đuối, quyền bính bị Tào Sảng nắm trong tay, Nguyễn Tịch vô cùng căm hận bất bình.
Nguyễn Tịch cả đời trung thành với Tào Ngụy, đến khi Tư Mã Ý phát động biến lăng Cao Bình, tiêu diệt Tào Sảng, nhà Tư Mã hoàn toàn khống chế triều đình, Nguyễn Tịch quyết đoán từ quan, Tào Ngụy và nhà Tư Mã liều lần phái người mời chào Nguyễn Tịch, nhưng ông đều từ chối. Vì tránh chuốc thêm chuyện thị phi, ông chọn cách bo bo giữ mình, suốt ngày đóng cửa đọc sách hoặc du sơn ngoạn thủy, không thì cũng say sưa túy lúy, không chen vào những chuyện bên ngoài.
Sau khi Tư Mã Ý qua đời, Tư Mã Sư lên nắm quyền, ép Trúc Lâm thất hiền phải vào triều làm quen. Nguyễn Tịch từng vào triều một thời gian ngắn, làm trung lang theo hầu Tư Mã Sư. Tư Mã Sư vì để lôi kéo lòng người, còn phong Nguyễn Tịch làm quan nội hầu, sau này lại từ quan.
Nhưng sau khi Tư Mã Sư chết, Tư Mã Chiêu lên ngôi, do Trúc Lâm thất hiền có thái độ không hợp tác, Tư Mã Chiêu quyết định ra tay với họ. Kê Khang bị ép tới chết, Sơn Đào phải cúi đầu trước nhà Tư Mã, trở thành quan to trong triều. Hướng Tú, Nguyễn Hàm cũng bị ép phải vào triều làm quan, Trúc Lâm thất hiền sụp đổ. Nguyễn Tịch vì để mình không bị cuốn vào phân tranh chính trị, không thể không giả điên, từ đó ẩn cư không màng thế sự.
Nguyễn Tịch có một người con gái, không rõ tên gì, nhưng cô này không chỉ xinh đẹp mà còn văn hay chữ tốt. Tư Mã Chiêu nghe vậy bèn quyết định làm thông gia với Nguyễn Tịch, muốn để Tư Mã Viêm (sau là Tấn Vũ đế) lấy con gái Nguyễn Tịch. Thật ra, hành động này của Tư Mã Chiêu không chỉ đơn giản là ưng ý con gái của Nguyễn Tịch, mà còn muốn thông qua cuộc hôn nhân này để lôi kéo những vị danh sĩ khác. Để thể hiện thái độ chiêu hiền đãi sĩ của bản thân, Tư Mã Chiêu còn tự mình tới nhà, xin được cưới con gái Nguyễn Tịch cho con trai mình, điều này khiến Nguyễn Tịch vô cùng khó xử.
Biết tin Tư Mã Chiêu muốn tới cầu hôn, trong lòng Nguyễn Tịch cực kỳ sợ hãi. Ông vốn tính cao ngạo, xem thường chuyện làm thông gia với Tư Mã Chiêu, nhưng Tư Mã Chiêu nắm quyền hành trong tay, ông lại không dám mạo phạm, ngẫm nghĩ thật lâu, cuối cùng Nguyễn Tịch nghĩ ra một cách: Uống rượu!
Thế là lúc Tư Mã Chiêu tới nhà, Nguyễn Tịch không chỉ uống say bí tỉ, mà còn say hẳn 60 ngày. Uống rượu say, Nguyễn Tịch không nói năng gì, Tư Mã Chiêu đợi chờ mòn mỏi cũng không có được câu trả lời, cuối cùng đành phải từ bỏ.
Chiêu này của Nguyễn Tịch, vừa không từ chối thẳng, cũng không hề đồng ý, Tư Mã Chiêu không nghe được câu trả lời của Nguyễn Tịch, lại không thể chờ mãi ở nhà Nguyễn Tịch, thế là mọi chuyện đều êm xuôi.
Chiêu uống rượu này của Nguyễn Tịch sau này còn được dùng thêm một lần nữa. Danh tướng Chung Hội thời Tam Quốc là đệ tử của Tư Mã Ý, luôn trung thành hết lòng với nhà Tư Mã. Kê Khang đứng đầu Trúc Lâm thất hiền cũng vì đắc tội Chung Hội mà bỏ mình. Vì giải quyết Nguyễn Tịch, Chung Hội nhiều lần phái thuộc hạ đến nhà Nguyễn Tịch nhờ chỉ bảo, cố gắng bắt bẻ lời ăn tiếng nói của Nguyễn Tịch.
Ai ngờ, lần nào người của Chung Hội tới, Nguyễn Tịch cũng uống say bất tỉnh nhân sự, mặc kệ người ta hỏi gì, ông cũng không nói, Chung Hội không thể bắt bớ được gì.
Sách sử có viết: Chung Hội nhiều lần mượn cớ, muốn buộc tội Nguyễn Tịch, nhưng bị ông mượn cớ say rượu nên kế hoạch thất bại.
So với Kê Khang, Nguyễn Tịch chọn cách mượn rượu tránh tai bay vạ gió rõ ràng cao minh hơn hẳn. Nhưng tuy Nguyễn Tịch được chết già, nhưng câu chuyện của ông đều mang nỗi xót xa không thể nói thành lời.

You may also like

Leave a Comment