Sự tàn nhẫn của Qidian: Hợp đồng ký kết hợp tác chuyển thành khế ước bán mình

by admin
sự tàn nhẫn của qidian: hợp đồng ký kết hợp tác chuyển thành khế ước bán mình

    “Hút cạn giọt máu đầu tim” – Tập đoàn văn học mạng Duyệt Văn: Hợp đồng ký kết hợp tác chuyển thành khế ước bán mình.
    Hôm qua, ngày 2 tháng 5 năm 2020 tập đoàn văn học mạng Duyệt Văn (Dưới đây sẽ gọi là Duyệt Văn) đưa ra văn bản thông báo thay đổi điều kiện trong hợp đồng ký kết với các tác giả sáng tác văn học mạng.

 

sự tàn nhẫn của qidian: hợp đồng ký kết hợp tác chuyển thành khế ước bán mình

    “Chào mọi người! Về hai vấn đề mọi người thắc mắc là hợp đồng của Duyệt Văn và miễn phí toàn diện sách mạng, chúng tôi đã cực kỳ quan tâm cho nên sẽ nói rõ với mọi người ở đây:

1. Vấn đề mà mọi người thảo luận là trong hợp đồng của Duyệt Văn vào tháng 9 năm 2019 chứ không phải như bên ngoài đưa tin là vào 28 tháng 4 năm 2020.

2. Ngày 27 tháng 4 năm 2020 vừa nhậm chức trong đội ngũ ban điều hành, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý và phê bình đối với hợp đồng của đội ngũ quản lý cũ. Cho nên chúng tôi đã xem xét lại vô cùng kỹ càng, sau đó tiến hành điều chỉnh những điều khoản không hợp lí để có thể cùng nhóm tác giả hợp tác về lâu về dài, xin mọi người yên tâm.

3. Vừa mới bắt đầu nhậm chức tại Duyệt Văn, chúng tôi khẳng định rằng hình thức hoạt động đọc sách trả tiền nhất định phải được duy trì, hơn nữa chúng tôi còn đang tiến hành điều tra và thử nghiệm những hình thức hoạt động mới sáng tạo hơn. Những tin đồn bên ngoài cho rằng Duyệt Văn sẽ phổ biến hình thức đọc miễn phí là hoàn toàn sai sự thật.

4. Wechat Reading là một trong những đối tác của Duyệt Văn. Vấn đề mà mọi người chú ý là Wechat Reading lại cho đọc miễn phí những nội dung mà Duyệt Văn giới hạn dựa trên bản quyền, thật ra đây là đường lối quản lý sai lầm của chúng tôi. Chúng tôi sau khi trao đổi với Wechat Reading, hai bên thống nhất rằng sẽ hủy bỏ phương thức hoạt động này, không gây ra bất kỳ tổn hại vào về mặt lợi nhuận của tác giả.

5. Tác giả là nguồn sống đối với Duyệt Văn. Môi trường nội dung không chỉ là của Duyệt Văn, mà còn là của mọi người. Hiện tại lắng nghe rất nhiều ý kiến phê bình và đóng góp, chúng tôi nghĩ đây không phải là sự khó khăn, mà là cơ hội để thấu hiểu nỗi lòng của mọi người, và nó trở thành những tài sản quý báu chúng tôi thu hoạch được. Vào ngày 3 tháng 5 năm 2020, chúng tôi sẽ đưa ra cuộc hội ý bàn tròn giữa ban lãnh đạo và các nhóm tác giả văn học. Hy vọng mọi người có thể thẳng thắn đề nghị, đóng góp tương lai phát triển của Duyệt Văn.

    Duyệt Văn đi con đường tìm tòi, học hỏi để đến được ngày hôm nay, có mắc phải sai lầm, có đi đường quanh co, nhưng chúng tôi luôn trực diện đối đầu với cam go thử thách. Hy vọng mọi người có thể cùng chúng tôi sáng tạo ra môi trường thuộc về chính chúng ta trong tương lai.” Trình Võ, Hầu Hiểu Nam và đội ngũ quản lý mới của tập đoàn Duyệt Văn. Ngày 2 tháng 3 năm 2020.”

    Hiện tại Duyệt Văn đã hoàn toàn thuộc về Đằng Tấn. Thật ra trước đó, tối ngày 27 tháng 4 năm 2020, Duyệt Văn đã ra thông báo rằng ban điều hành sẽ có sự biến động, điều chỉnh cũng như bố trí thay thế Ngô Văn Huy và các nhân sự trong đội ngũ quản lý. Kết quả, vị được mệnh danh là “cha để của văn học mạng” Ngô Văn Huy rời khỏi ban điều hành và người tiếp quản thay ông là Phó tổng giám đốc kiêm giám đốc điều hành điện ảnh thương mại của Tập đoàn Đằng Tấn – Ông Trình Võ.

    Theo báo cáo hàng năm của Duyệt Văn, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019, thì Duyệt Văn đang hợp tác với 8,100,000 tác giả trên mạng, số lượng tác phẩm đạt 12,200,000 bộ và số lượng bản gốc sở hữu là 11,500,000 bộ. Là kho tồn trữ văn học mạng lớn nhất thị trường Trung Quốc. Mọi người luôn hiếu kỳ, sau khi thay thế Ngô Văn Huy thì Trình Võ sẽ vận hành hệ thống văn học mạng khổng lồ này như thế nào.

    Cuối cùng, ngày 2 tháng 5 năm 2020 khi bản hợp đồng mới đối với các tác giả sáng tác đang ký kết ra đời, thì mọi người đã hiểu được Đằng Tấn sẽ vận hành Duyệt Văn theo hướng tàn nhẫn như thế nào.

    Xin được phép trích một vài điều kiện được thêm vào trong hợp đồng đối với tác giả như sau (Ảnh 3, 4, 5):
(Chú thích: Bên A – Duyệt Văn, bên B – tác giả)

Điều 1. Bên B phải giao toàn quyền sở hữu tác phẩm cho bên A vô điều kiện, bên A sử dụng bản quyền tác phẩm để kinh doanh không cần sự đồng ý của bên B.

Điều 5. Bên B phải hoàn thành tác phẩm theo thời gian và số lượng chữ đã định. Nếu bên B không hoàn thành thì xem như là vi phạm hợp đồng nguyên tắc. Bên A sẽ ngưng phân bổ nhuận bút và truy cứu trách nhiệm pháp luật đối với bên B.

Điều 5.4. Dựa trên những phương thức tuyên truyền của bên A, bên A có quyền căn cứ trên tình huống tại thời điểm lúc bấy giờ của tác phẩm mà đưa ra phương thức tiêu thụ cũng như lập ra một phương thức tiêu thụ mới. Phương thức tiêu thụ mới sẽ không giống với mô hình truyền thống và cũng không loại trừ những thao tác sau: “Nhấn vào xem phần quảng cáo sản phẩm / Xem giao diện được chỉ định / Hoàn thành nhiệm vụ sẽ đổi lấy phụ phí xem tác phẩm”,… Bên B phải chủ động tuyên truyền và khuyến khích đọc giả sử dụng dịch vụ. Hành động này được xem là đẩy mạnh tiêu thụ, không phải là xâm hại lợi ích bên B.

Điều 11.1. Cả hai bên A và B hiểu rõ, mối quan hệ giữa hai bên không phải là hình thức hợp đồng lao động hay hợp đồng tuyển dụng theo như “Luật lao động của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”. Bên A sẽ không có trách nhiệm chi trả hay cung cấp bất kỳ chế độ phúc lợi xã hội nào ngoài nhuận bút như: Phí công tác, phí bảo hiểm xã hội, phí giao thông, phí thông dịch,…

Phụ lục:
1.1. Sau khi bên B chết đi, bên A toàn quyền sở hữu tác phẩm và thời hạn kéo dài 50 năm.
1.2. Trong quá trình hợp tác, nếu bên B không phù hợp với điều kiện sáng tác và những yêu cầu của bên A thì bên A có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Mời bên thứ ba tiếp nhận bàn giao mà không cần sự cho phép của bên B.

 

Toàn bộ nội dung 5 trang hợp đồng mới của Duyệt Văn có thể tóm gọn lại bằng 5 dòng như sau:
1. Bản quyền tác phẩm không còn thuộc về tác giả, mà thuộc về Duyệt Văn. Thời gian kéo dài hơn 50 năm kể từ thời điểm tác giả chết.
2. Duyệt Văn và tác giả không còn là quan hệ hợp tác mà là Duyệt Văn ủy quyền cho tác giả sáng tác văn chương.
3. Tác giả mặc dù được Duyệt Văn thuê để sáng tác nhưng lại không được hưởng bất kỳ đãi ngộ cơ bản nào dành cho người lao động, kể cả bảo hiểm xã hội.
4. Duyệt Văn sẽ được tùy ý sử dụng tác phẩm mà các tác giả sáng tác vào bất cứ thời điểm nào, bất cứ mục đích gì và không cần thông qua sự đồng ý của tác giả.
5. Duyệt Văn không chỉ sở hữu tác phẩm, còn sở hữu tác giả. Nói cách khác, nếu tác giả muốn sáng tác cho một đơn vị khác, điều đầu tiên phải làm là thông tin cho Duyệt Văn, nếu Duyệt Văn đồng ý hủy hợp đồng thì tác giả mới có thể đến đơn vị khác sáng tác.

    Chỉ cần các bạn là một người sáng tác văn học hay là người kiếm sống bằng nghề viết lách sẽ hiểu được điều kiện hợp đồng như vậy tàn ác đến cỡ nào.

Bài viết này xin được phép giải thích lí do vì sao hợp đồng này “hút cạn giọt máu đầu tim” của các nhân sĩ viết lách.

 

Đầu tiên, nguy cơ chiếm đoạt.

Trong hợp đồng có đề cập:

    “Trong quá trình hợp tác, nếu bên B không phù hợp với điều kiện sáng tác và những yêu cầu của bên A thì bên A có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Mời bên thứ ba tiếp nhận bàn giao mà không cần sự cho phép của bên B.”

    Điều kiện sáng tác và yêu cầu là hai đề mục không được giải thích cụ thể, đây cũng thuộc về khái niệm chung nhất. Điều này có nghĩa là, chỉ cần Duyệt Văn muốn đá tác giả ấy đi, chỉ cần tìm bừa một lí do nào đó là có thể chiếm đoạt bút danh, sau đó thuê một người khác viết tiếp dưới bút danh đó.

    Đây không chỉ xâm hại lợi ích cá nhân mà còn là xâm hại về mặt tinh thần. Tất cả tác giả đều phải vừa sáng tác cho kịp tiến độ đề ra, vừa phải nơm nớp lo sợ Duyệt Văn sẽ vứt bỏ mình bất cứ lúc nào, rồi tìm một người thay thế. Điều khoản như vậy chính là đang xem tác giả như cỏ rác, cần thì lấy không cần thì đạp đi.

    Và còn: “Dựa trên những phương thức tuyên truyền của bên A, bên A có quyền căn cứ trên tình huống tại thời điểm lúc bấy giờ của tác phẩm mà đưa ra phương thức tiêu thụ cũng như lập ra một phương thức tiêu thụ mới. Phương thức tiêu thụ mới sẽ không giống với mô hình truyền thống và cũng không loại trừ những thao tác sau: “Nhấn vào xem phần quảng cáo sản phẩm / Xem giao diện được chỉ định / Hoàn thành nhiệm vụ sẽ đổi lấy phụ phí xem tác phẩm”,… Bên B phải chủ động tuyên truyền và khuyến khích đọc giả sử dụng dịch vụ. Hành động này được xem là đẩy mạnh tiêu thụ, không phải là xâm hại lợi ích bên B.”

    Chúng ta có thể hiểu, tác giả nhận nhuận bút không phải bằng tiền mặt mà bằng số lần đọc giả xem quảng cáo trên trang diễn đàn. Tuy nhiên, số tiền quảng cáo của thương hiệu đó mỗi tháng trả cho Duyệt Văn bao nhiêu, tác giả hoàn toàn không biết. Hơn nữa, chỉ số tính như thế nào, công thức ra sao, một lần xem giá trị bao nhiêu tiền, chi trả theo hình thức nào,… Duyệt Văn không đề cập. Điều quan trọng nhất là, nhuận bút thông qua đọc giả xem quảng cáo sẽ là ai chi trả, Duyệt Văn hay thương hiệu hợp tác? Hơn nữa còn bắt tác giả hỗ trợ tuyên truyền để đẩy mạnh tiêu thụ.

Điều này có nghĩa, Duyệt Văn không chỉ chiếm đoạt tác phẩm, mà còn chiếm đoạt cả tiền tác giả đáng phải được nhận.

 

Thứ hai, chế độ nô lệ.

Trong hợp đồng có đề cập:

    “Cả hai bên A và B hiểu rõ, mối quan hệ giữa hai bên không phải là hình thức hợp đồng lao động hay hợp đồng tuyển dụng theo như “Luật lao động của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”. Bên A sẽ không có trách nhiệm chi trả hay cung cấp bất kỳ chế độ phúc lợi xã hội nào ngoài nhuận bút như: Phí công tác, phí bảo hiểm xã hội, phí giao thông, phí thông dịch,…”

    Duyệt Văn thuê tác giả viết sách, nhưng quan hệ không phải là nhà tuyển dụng với người lao động. Vì vậy, Duyệt Văn sẽ không cung cấp bất kỳ quyền lợi hợp pháp nào của người lao động dành cho tác giả viết sách. Bạn làm công nhưng không có quyền lợi thì gọi là quan hệ gì?

Chính là chủ nô và nô lệ.

Chỉ có nghĩa vụ, không có quyền lợi.

Chế độ như vậy không phải là chà đạp tôn nghiêm và danh dự của toàn bộ nhân sĩ viết lách hay sao?

Thứ ba, giết chết chủ nghĩa nhân văn.

Trong hợp đồng có đề cập:

    “Bên B phải hoàn thành tác phẩm theo thời gian và số lượng chữ đã định. Nếu bên B không hoàn thành thì xem như là vi phạm hợp đồng nguyên tắc. Bên A sẽ ngưng phân bổ nhuận bút và truy cứu trách nhiệm pháp luật đối với bên B.”

    Sáng tác văn học không phải là một cuộc cách mạng công nghiệp hay chế tạo một công trình sản xuất máy móc. Những tác phẩm nghệ thuật vốn dĩ không thể chuẩn hóa, tất cả đều dựa vào năng lực sáng tạo và tâm hồn bay bổng của con người. Nếu mọi nội dung đều có thể quy trình hóa thành chuỗi dây chuyền sản xuất, nâng cao tiến độ, gia tăng hiệu suất, thì vốn dĩ không còn cần đến con người nữa. Duyệt Văn đang cố tiêu diệt giá trị độc lập cơ bản của các tác giả, muốn biến các tác giả thành công cụ phục vụ lao động để nâng cao lợi nhuận và sản lượng.

    Bạn hoạt động không khác gì máy móc, thì bạn dần dần không còn tưởng tượng hay sáng tạo thêm gì nữa. Tất cả những điều bạn làm chỉ là thao tác được lập trình sẵn. Chủ nghĩa, giá trị nhân văn dần dần cũng không còn.

    Từ những điều trên, các tác giả đã từng hợp tác với Duyệt Văn đang kêu gọi đình công, không muốn tiếp tục ký kết với tập đoàn.

    Những điều mà họ làm có khác gì đang uống máu tác giả mà sống, ăn thịt tác giả để kiếm tiền đâu. Trước kia những tệ nạn như sách lậu, tác phẩm bị mang đi khắp nơi trên mạng xã hội, các tác giả vẫn chấp nhận những điều đó để thỏa mãn đam mê sáng tác. Hơn nữa họ hy vọng rằng, những câu chữ họ viết sẽ mang lại giây phút giải trí cho mọi người. Hiện tại ngay cả lòng nhiệt huyết cũng bị chà đạp, ngoại trừ đình công ra thì các tác giả tiểu thuyết mạng không còn cách nào để chống lại thế lực của các nhà tư bản.

    Đây chính là “hút cạn giọt máu đầu tim” của các nhân sĩ viết lách. Những điều mà 427 lo lắng nhất đã thật sự xảy ra, quả thực xứng với câu “vô độc bất trượng phu”.

Người viết: Đan

    Viết xuống “Sự tàn nhẫn của Qidian: Hợp đồng ký kết hợp tác chuyển thành khế ước bán mình” không dễ, mọi người tán dương chính là động lực để tiểu biên tiếp tục kiên trì viết tiếp! Hẹn gặp lại a…

You may also like