Cuối mỗi buổi biểu diễn, họ đều thiêu một vũ công nữ. (Pt.1)

by admin

Tấm vé được đựng trong một cái phong bì. Bên ngoài phong bì là một cái tên được viết tay. Samuel Singer. Đó chính là tên tôi. Không có địa chỉ người gửi.

Nó được gửi đến thẳng văn phòng làm việc của tôi, ai đó đã đặt trên bàn làm việc. Có hai tấm vé bên trong, một nâu hạt dẻ, một mạ vàng. Biểu tượng được in trên tấm vé là một cô gái với mái tóc đen,hai con ngươi khác màu, một bên xanh dương, một bên xanh lá và làn da nhợt nhạt đang cười. Đằng sau cô là ngọn lửa rực rỡ.

“Đến và thưởng thức buổi diễn hấp dẫn tại:

Vũ đoàn Ballet của Madame Taglioni

Kỉ niệm 50 năm vở Le Papillon

Hội trường Masaniello

VÉ MỘT NGƯỜI”

Tôi lật từng tấm lại, phía sau một tấm ghi “Đêm thứ nhất” và tấm còn lại ghi “Đêm thứ hai.”

Thành thật mà nói, lúc đầu tôi còn nghĩ đây là một cú chơi khăm quái quỷ đến từ một đồng nghiệp nào đó. Hẳn là Heather, bằng cách đưa tôi tấm vé đến một buổi biểu diễn giả. Nhưng sau một hồi tra cứu, khá là bất ngờ, tấm vé và buổi biểu diễn này đều là thật.

Vũ đoàn Ballet của Madame Taglioni là một trong những vũ đoàn riêng biệt, kín kẽ nhất thế giới. Trừ khi bạn quen biết một ai có đặc quyền, còn không? Nằm mơ bạn cũng chẳng chạm được cái góc vé. Tôi không nghĩ mình có quen một ai như thế. Nhưng có vẻ, ai đó biết tôi.

Bọn họ diễn vở Le Papillon. Theo như những gì tôi đọc được, vũ đoàn này luôn diễn vở Le Papillon, từ khi mà Madame Taglioni diễn vai Farfalla. Farfalla là một vai diễn ai ai cũng thèm muốn, vai diễn mà mọi vũ công phải nỗ lực phấn đấu để giành được nó – một cô gái bị biến thành bướm bởi tên phản diện của vở kịch.

Trên trang web chính thức của đoàn kịch, có hẳn một trang nói về những Farfalla nhiều năm trước. Có nhiều chân dung của những người phụ nữ trẻ, lùi về năm mươi năm chính là Madame Taglioni. Tóc trầm, một bên mắt xanh dương, một còn lại xanh lá – quá rõ ràng, cô ấy chính là nguồn cảm hứng để thiết kế ra tấm vé đó. Năm nay, Farfalla là một cô gái tên Emma Livry. Tôi chưa bao giờ nghe đến cái tên đó, nhưng nghĩ lại thì bản thân có biết gì về múa ba lê nhỉ? Một điều lạ lùng là, phía dưới tất cả các bức chân dung đều có số năm nằm trong ngoặc đơn, nó giống như những cột mốc. Tôi khá khó khăn để xác định được ý nghĩa của chúng. Phần lớn chúng khá ngắn ngủi, đặc biệt là khi tôi kéo về trước. Hai mươi năm, khoảng đó. Ban đầu, tôi nghĩ chúng là khoảng thời gian họ làm việc ở đoàn múa của Taglioni, cho đến khi một vài con số nằm ở mức năm mươi, sáu mươi, thậm chí trải rộng đến bảy mươi. Bức ảnh của Madame nằm ở vị trí đầu tiên, nhưng vị trí của người kế nhiệm thì bị bỏ trống. Chỉ có một vài cái bị như thế. Điều này làm tôi khựng lại, nhưng tôi chẳng nghĩ về chúng quá lâu.

Bây giờ ngẫm lại, đáng tôi nên biết điều.

Nó không phải là kiểu câu chuyện mà tôi thường quan tâm, nhưng tôi sẽ nhận những gì tôi có thể làm. Dạo gần đây khá yên ắng, nhất là sau vụ nhà McAfee. Không những vậy, tôi cũng muốn xả hơi đầu óc sau lần trải nghiệm khủng khiếp ấy. Và theo đánh giá theo mức độ nổi tiếng của các sự kiện trên mạng, một trải nghiệm mà chỉ những người trong cuộc mới biết tại Vũ đoàn Ba lê của Quý bà Taglioni sẽ là một bài viết mục Tật Xấu cần. Dù sao đi nữa, đó là những gì tôi nghĩ.

Như thường lệ, theo một cách đáng sợ, kinh khủng khiếp đáng kinh ngạc, tôi lại sai.

Nhà hát khá kỳ quặc. Nếu như bạn gọi đó là một cái nhà hát. Hội trường Masaniello, cách Habitsville một tiếng lái xe, hoặc một tiếng ba mươi phút nếu xuất phát từ Rhode Creek, như tôi đã làm. Đoàn múa lưu diễn khắp thế giới, nhưng lạ lùng thay, họ luôn diễn vở Le Papillon tại Hội trường Masaniello. Bên ngoài khá vắng lặng, ban đầu, tôi ngỡ mình đã đến sai địa chỉ. Nó nằm trên một con đường đầy bụi bặm ở trung tâm thành phố Augustus. Mặc dù tôi đã đến thành phố này nhiều lần, nhưng con đường này thật sự khác lạ.

Bên ngoài toà nhà trùng khớp với địa chỉ mà tôi tìm được hoàn toàn không có bất kỳ tấm bảng hiệu nào, hoặc trang trí bất cứ thứ gì khác, và nó chắc chắn không đủ lớn để chứa hết lượng khán giả cho một buổi biểu diễn lớn mà tôi đã tưởng tượng ra. Hơn nữa, dường như không có ai ở đây.

Toà nhà không một chút ánh sáng, đèn đường thì tắt, ánh vàng mờ đục của làn sương mù ẩm ướt bắt đầu bao phủ con đường. Vỉa hè thì lộn xộn và bụi bặm, mặt đá lát thì nứt gãy. Những mặt tiền cửa hàng tối hù, mấy cánh cửa sổ đều bị bịt kín làm con đường trở nên u ám. Tôi bắt một chiếc taxi đến đây, và gần như cảm thấy hối hận vì điều đó, đứng một mình trong khung cảnh lờ mờ này. Tôi chỉ vừa đưa điện thoại lên tai sắp gọi một cuốc xe quay về, thì một giọng nói đã cản tôi lại.

“Anh đến xem buổi biểu diễn đúng không?”

Tôi giật mình, lia mắt nhìn qua hàng sương mù. Bước lên vài bước, tiến đến toà nhà cuối đường, nơi đáng ra phải là rạp hát. Ở kia, nói vọng qua mấy cái lỗ nhỏ trên tấm kính phía trước anh ta, một cậu trai trẻ. Cậu đứng ở cái bàn đằng sau tấm kính, mặc một bộ vét sa tanh màu hạt dẻ. Cậu cười với tôi, nó không phải là một nụ cười đáng sợ. Chỉ là một nụ cười lịch sự, nụ cười của những người phục vụ khách hàng.

Tôi bước lại đó. “Tôi nghĩ vậy. Buổi diễn ba lê?”

Cậu ta gật đầu, và tôi ngay lập tức cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi đã bắt đầu nghĩ nó là một trò lừa gạt. Hoặc tôi đã sai ở đâu đó. Cậu chỉ vào khe hở nhỏ  phía dưới tấm kính.

“Xin hỏi vé ạ.”

Tôi chìa ra tấm vé “Đêm thứ nhất”. Cậu ta kiểm tra tấm vé, rồi sau đó chỉ về phía bên phải. “Đi về hướng cánh cửa kia, đằng sau cánh cửa, thưa ngài.”

Một cánh cửa gỗ cũ kỹ, không giống như một cánh cửa dẫn đến một buổi biểu diễn ba lê thượng đẳng. Tôi chần chừ. Điều này không an toàn chút nào, càng không phải một quyết định sáng suốt. Nhưng tôi là một nhà báo. Nếu tôi muốn những câu chuyện hay ho, tôi không thể chỉ làm những việc bình thường. Dù cho điều đó đưa tôi đến rắc rối. Và vâng, tôi đang tự đưa mình vào một tình huống rắc rối nghiêm trọng.

Tôi mở cánh cửa, ngay lập tức cảm thấy bối rối. Thay vì một hội trường, hay một căn phòng, như những toà nhà bình thường, đó là một cầu thang đi xuống. Tôi quay đầu nhìn về phía cậu trai, người vẫn đang quan sát tôi.

“Chỉ cần đi xuống dưới?” tôi hỏi.

“Chúc ngài có một buổi biểu diễn thú vị.” Cậu gật đầu điềm tĩnh.

Vậy nên, tôi đi xuống.

Đẹp làm sao. Nhà hát được phủ một màu trắng và trang trí bằng những viên ngọc. Được thiết kế theo phong cách French Provincial, nơi này khá sáng sủa và thoáng đãng. Phía xa có một chiếc bàn dài bày những chiếc bánh ngọt tinh xảo, cầu kì, và một nhân viên bartender phục vụ cocktail cho các vị khách. Diện tích nhà hát khá khiêm tốn, mục đích giữ cho lượng khách của buổi biểu diễn tính luôn luôn nằm trong một số lượng hạn chế, nhưng hôm nay ở đây chỉ có vài người. Tôi nhanh chóng ngồi xuống hàng ghế gần cuối, tránh gây quá nhiều chú ý lên bản thân, từ đó tôi có thể quan sát những gì diễn ra trong rạp hát mà không bị ai để ý. Vì sự bí ẩn bao trùm lên buổi diễn này, và tấm thiệp mời đáng ngờ kia, tôi nhận ra rằng tốt nhất là nên giữ im lặng việc một phóng viên đang ngồi ở nơi này. Nhưng càng nhìn, tôi càng nhận ra là.

Có điều gì đó rất lạ ở nơi này. Đầu tiên, tất cả khán giả ở đây đều là những người giàu có. Tôi ăn mặc xuềnh xoàng dã man, nhưng nó không phải việc lạ lùng ở đây. Mọi người ở đây không phải giàu có ở mức độ bình thường. Họ giàu theo kiểu kỳ dị. Những chiếc kính đơn tròng, gậy khảm đá quý, những khuôn mặt được đánh trắng bệch – một người phụ nữ xoắn mái tóc thành một chiếc lồng một cách kỹ lưỡng, bên trong là một con vẹt xanh lớn. Kia một người đàn ông với hàm răng và bộ móng được khoan đầy toàn lỗ tròn. Một quý bà lớn tuổi đeo một chiếc vòng cổ lấp lánh những hạt giống răng người được đánh bóng, rồi xâu chuỗi chúng lại với nhau như những viên ngọc trai.

Chắc mọi người cũng đoán được rồi, tôi hoàn toàn lạc lõng ở nơi này. Tất cả người ở đây đều phô trương sự giàu có của mình. Họ hoàn toàn được phép làm những gì mình muốn, làm quen với việc phải có những thứ tốt nhất trong những thứ tốt nhất. Vậy thì tại sao không có ai ngồi ở ba hàng ghế đầu?

Không hề có ghế được đặt trước, người tới trước sẽ được phục vụ trước. Vầng, như nhiều người chọn chỗ ngồi, họ đều lặng lẽ tránh ba hàng ghế đầu tiên đó. Cậu nhóc người đã thu vé tôi ngoài kia không hề đưa ra một chỉ dẫn đặc biệt nào, ít nhất là với tôi.

Ánh đèn nhá lên, một người phụ nữ trẻ ngồi cạnh tôi, nhìn khá bình thường, ngoại trừ cái vòng thuỷ tinh lớn mà cô đang đeo. Có một con cá vàng nhỏ đang bơi bên trong nó.

“Không thể tin được là chúng ta đang ở đây, đúng không?” Cô thì thầm với tôi. Mắt cô mở rộng với sự phấn khởi khi được là một khán giả của buổi diễn này.

“Đúng vậy.” Tôi nói, giọng giả trân.

“Đặc biệt khi Emma Livry đóng vai Farfalla,” cô bồi thêm đầy thích thú. “Cô ấy thật tài năng.”

“Ừmmmm,” tôi đồng ý. 

Cuộc nói chuyện lắng dần, ánh đèn đã được hạ xuống chỉ còn sáng lờ mờ.

Cô gái sát bên tôi thở dài. “Tôi chỉ hy vọng là cô ấy có thể làm tốt.”

“Vâng—” Tôi trở nên lơ đãng trả lời. Tiếp đó tôi giật mình. “Cái gì cơ?”

Cô quay sang nhìn tôi. “Màn Hai. Tôi mong cô ấy có thể làm tốt. Rằng không bị thương quá nặng.”

“Bị thương vì cái—” Tôi trả lời, nhưng còn chưa kịp nói hết, đám đông đã vỗ tay bùng nổ chói tai.

Quý bà Taglioini, với mái tóc trắng toát, tôi có thể thấy vẫn là đôi mắt hai màu xanh dương và xanh lá ấy đang lánh lấp dưới ánh đèn spotlight, có chút khập khiễng bước lên sân khấu.

(Còn tiếp…)

You may also like

Leave a Comment