Người truyền ký ức

by admin

Có một bộ phim kể về một chàng trai yêu say đắm một cô gái. Sau một lần cãi vã, định bụng tìm tới hiệu sách nơi cô gái làm việc để xin lỗi chân thành thì anh bắt gặp cô gái đang ở bên một chàng trai khác, tỏ vẻ không hề quen biết với anh. Bao ký ức đẹp đẽ giữa hai người khiến anh sụp đổ khi nghĩ cô muốn ​ trừng phạt anh bằng cách lãng quên anh. ​

Cô gái thực ra đã chọn cách lãng quên anh. Ở bên anh quá đau khổ và tổn thương, cô tìm tới một công ty làm dịch vụ xóa bỏ phần trí nhớ không mong muốn. Tất cả những gì cô cần làm là đặt lưng xuống giường, nhắm mắt lại để kỹ thuật viên dần xóa bỏ ký ức về anh trong tâm trí cô. ​

Từng chút một, ký ức đau khổ biến mất, cô gái cũng nhẹ nhõm đi, như trút khỏi vai mình một gánh nặng. Một sớm mai thức giấc, cô lại như chưa từng gặp một người như anh, chưa từng khổ đau và tổn thương. ​

Ký ức quan trọng đến nhường nào? Có những ký ức đẹp đẽ vô ngần thì cũng có những ký ức khiến người ta phải dằn vặt khổ đau. Những ký ức đau đớn ấy có tác dụng gì ngoài việc khiến cuộc đời con người thêm mệt mỏi? ​

Trong cuốn sách “Người truyền ký ức”, có lẽ loài người đã trải qua thật nhiều biến cố tới một giới hạn không còn chịu nổi nữa, họ quyết định loại bỏ mọi ký ức họ có, để cuộc sống trở nên giản đơn và vô lo vô ưu. Họ quyết định rằng kể từ nay, loài người sống trong một cộng đồng “Đồng nhất” – tất cả đều có một cuộc sống như nhau cho tới tuổi mười hai đứa trẻ sẽ được hội đồng chỉ định một nghĩa vụ sống, một trách nhiệm trong cộng đồng mà nó sẽ đảm nhiệm tới suốt đời. ​

Không nghi ngờ gì, cộng đồng “Đồng nhất” là một cộng đồng bền vững. Không có ký ức đau thương, không có xung đột chiến tranh, không cần suy nghĩ và lựa chọn, mọi thứ trong cuộc đời một đứa trẻ từ khi sinh ra đều đã được viết sẵn, đứa trẻ chỉ cần tuân theo bản luật lệ đó, cộng đồng sẽ đảm bảo cho nó một cuộc đời sung túc, ấm no và vô ưu. ​

Nhưng từ bỏ mọi ký ức cũng sẽ xóa đi mọi niềm hân hoan và hạnh phúc mà con người từng có. Một đứa bé sẽ không cảm nhận được sự thích thú khi một vạt nắng ấm áp chạm lên tay, chẳng bao giờ sung sướng vùi mình trong tuyết trắng. Không có ký ức, con người không biết tới tình yêu thương, không biết tới rung động, không thể cảm nhận được niềm hạnh phúc. ​

Người truyền ký ức có thể xếp vào thể loại sách hư cấu phản địa đàng (dystopian novel). Nếu từng đọc nhiều tác phẩm thuộc thể loại này, có lẽ bạn sẽ tìm được kha khá những điểm chung của nó. Ở đó sẽ có một xã hội lạ kỳ, một thế giới nơi mọi thứ nằm dưới một cơ chế quản lý độc tài, nơi có những luật lệ không thể không tuân theo, đó là nơi tồn tại những nghi thức như một thứ tôn giáo tín ngưỡng. Tuy vậy, ở mỗi một tác phẩm là một chủ đề thú vị riêng, phản ánh những vấn đề riêng, dự đoán những viễn cảnh riêng. ​

Ở Người truyền ký ức, có lẽ tầm quan trọng của ký ức là điều mà cuốn sách quan tâm nhất. Mình nghe nói cảm hứng để viết nên cuốn sách này xuất phát từ một lần tác giả tới thăm người cha của mình, khi đó đã già cả, chịu đựng dày vò của chứng bệnh mất trí nhớ. Mọi ký ức dài hạn của ông lúc đó đã biến mất. Nhìn vào ông lão ấy, tác giả nhận ra cha mình chẳng còn buồn đau. Mọi ký ức đau buồn giờ đã không còn ngự nơi tâm trí người cha nữa. Không nhớ – Không buồn – Không đau. ​

Trong tác phẩm của mình, Lois Lowry xây dựng nên cộng đồng Đồng nhất thực sự hoàn hảo – một sự hoàn hảo tiệm cận tới Utopia, cho đến khi bà dần dần lật lại, để tất cả người đọc có thể thấy mặt kia của thế giới đó. Không ký ức – Không đau buồn – Vậy thì cũng không có hạnh phúc. ​

Trở lại bộ phim mà mình đã nhắc tới đầu tiên, chàng trai sau khi biết cô gái chọn quên mình đã quyết định cũng dùng chính dịch vụ đó để quên đi cô gái. Trong khi lang thang trong chính ký ức của mình, anh gặp lại cô gái trong từng khoảnh khắc ký ức của hai người. Có một cảnh khi họ lần đầu gặp nhau ở bờ biển, sau cuộc chuyện trò thật vui vẻ, cô gái nói: “Vậy đấy, tất cả những ký ức này rồi sẽ tan biến”. “Anh biết”. “Mình phải làm gì đây?” ​

Anh nói : “Hãy tận hưởng nó”.​

Năm 2009, thực tế đã có một dự án khoa học nghiên cứu một sản phẩm có thể giúp bạn xóa bỏ những ký ức đau buồn mới xảy ra. Thí nghiệm dược phẩm đó cho thấy con người đã từng nhiều lần có mong muốn xóa bỏ những buồn đau trong đời. Đến giờ ta vẫn sống và chịu đựng mỗi ngày, không có một sản phẩm nào có thể “xóa” được ký ức, chưa có một cộng đồng nào như “Đồng nhất” trong Người truyền ký ức tồn tại. ​

Cuốn sách khẳng định một điều rằng, không có khổ đau, con người không thể cảm nhận được niềm hân hoan hạnh phúc.​

You may also like

Leave a Comment