Tiếp theo bí kíp du lịch Ý như người bản địa lần trước, ở bài này em xin chia sẻ dăm…

by admin
Tiếp theo bí kíp du lịch Ý như người bản địa lần trước, ở bài này em xin chia sẻ dăm…

Tiếp theo bí kíp du lịch Ý như người bản địa lần trước, ở bài này em xin chia sẻ dăm điều không nên làm khi thăm Ý (nhằm mục đích vui vẻ là chính hihi). Những điều này, theo một cách nào đó, là luật bất thành văn mà người Ý đều tuân theo một cách khá vô thức, và thường ngầm lắc đầu ngán ngẩm hoặc cười khuẩy khi khách du lịch “phạm phải”. Thế nên, nếu muốn thăm Ý “chuẩn Ý”, hãy ghi nhớ những điều sau.
Dislcaimer: GIỌNG VĂN NHÍ NHỐ! không có chủ đích xúc phạm hay áp đặt. Dùng từ mạnh chỉ có mục đích CHÂM BIẾM TRÊU ĐÙA. Ngày nay mỗi cá nhân đều tự do, làm gì cũng được. Những điều này không vào luật. Không ai can thiệp các bác muốn làm gì ý kiến sao. Cá nhân em thấy, họ có ý kiến rồi chỉ cho còn là chuyện hay, bởi họ muốn chia sẻ cuộc sống của họ cho mình.
Em là người sống và đi du lịch kiểu đến đâu thì thích quan sát người ta một tí xem cách sống cách nghĩ các kiểu của họ như thế nào, xem văn hoá nó ra làm sao. Nhưng với con mắt của người ngoài cuộc và thời gian giới hạn, rào cản ngôn ngữ nên hiển nhiên ở mỗi nơi chỉ có hiểu biết tí ti. Viết ra bài viết chỉ để vui. Để vui! Không chính xác.
1. Đừng gọi cappuccino sau 10h sáng (và sau các bữa ăn)
Hoặc 12 giờ trưa. Khoảng thời gian này tuỳ từng nơi. Nhưng nói chung người Ý xem cappuccino là thức uống cho bữa sáng. Chỉ có trẻ con mới gọi cappuccino sau bữa sáng thôi, bởi cappuccino có sữa. Ngày nay khách du lịch xâm chiếm Ý rồi nên bar vẫn phục vụ cappuccino cả ngày. Nhưng đừng quên họ sẽ cười “khinh bỉ” nếu các bác gọi cappuccino vào những giờ “oái oăm” đấy.
Người Ý, do bữa ăn lớn và phong phú, nên thường kết thúc bằng cà phê để giữ tỉnh táo (một nỗ lực không mấy khả năng chống lại căng da bụng trùng da mắt). Thế nhưng sau bữa ăn, chỉ nên gọi espresso hoặc macchiato. Tránh xa mọi loại cà phê có sữa ạ.
2. Không bao giờ được bỏ parmesan (parmiggiano) lên hải sản
Parmigiano Reggiano là một trong những sản phẩm ẩm thực đặc trưng của Ý với tên tuổi nổi tiếng khắp thế giới. Bất kì ai yêu phô mát nói riêng và ẩm thực Ý nói chung đều dễ dàng nghiện Parmigiano. Parmigiano trong ẩm thực Ý đóng vai trò từa tựa mì chính trong ẩm thực mình, tức là rắc lên các món ăn để vị của món thêm đậm đà. Tuy nhiên, parmigiano sinh ra không dành cho hải sản (hoặc bất kỳ một loại nguyên liệu nào “dưới nước” cả). Dùng parmigiano sai món là các bác sẽ có nguy cơ bị dòm như một kẻ phá hoại cái đẹp của ẩm thực địa phương đó ạ.
3. Đừng gọi nguyên liệu không phù hợp địa phương và thời tiết
Ý được thiên nhiên ban cho cái phước có được thời tiết thuận lợi để nuôi trồng. Rau củ thịt thà của Ý, mặc dù ở thời đại công nghiệp này đã “chán” nhiều, thì vẫn được xem là ngon hàng đầu ở châu Âu. Nhờ vậy mà người Ý rất chú trọng vào độ hợp mùa của thực phẩm, cũng như đem lòng tự hào với sự tươi ngon trong ẩm thực của họ. Muốn ăn ngon khi thăm Ý, hãy tuân theo luật cơ bản: gọi thực phẩm đặc trưng của địa phương, và gọi món có nguyên liệu đúng mùa. Ví dụ như, đến Florence mà gọi cá thì người ta chắc chắc đang thầm khinh bỉ. Xuống Napoli mà ăn pizza có dứa có thịt rất nhiều khi người ta từ chối phục vụ luôn.
4. Đừng gọi món mặn vào bữa sáng
Người Ý thường ăn nhẹ vào buổi sáng. Một bữa sáng chuẩn Ý thường là cà phê đi kèm một phần bánh ngọt be bé, kiểu như một cái cornetto có nhân hoặc một miếng bánh táo. Họ hầu như không bao giờ ăn đồ mặn vào bữa sáng, và chả có bữa nào là brunch hết nha (brunch là “sáng tạo” của truyền thông Mỹ thôi ạ).
5. Đừng dùng cocktail với bữa ăn
Ở Ý, cocktail chỉ xuất hiện khi đi chơi buổi tối (hoặc trong trường hợp aperitivo. chỉ trước bữa ăn). Trong bữa ăn chỉ nên dùng vang hoặc nước. Trong trường hợp pizza thì có thể là bia hoặc nước ngọt. Còn lại, đừng dùng các món đồ uống “lạc quẻ” khi ăn uống ở Ý.
6. Đừng bao giờ say nơi công cộng
Dân Âu uống nhiều vang vì ngày xưa vang rẻ hơn nước sạch. sau này họ uống vang vừa là thưởng thức vừa để giúp tiêu hoá và khiến đồ ăn ngon miệng hơn. Không một người Ý nào uống để say hết.
Đồ uống có cồn đóng vai trò quan trọng trong văn hoá Ý nói riêng và châu Âu nói chung. Tuy nhiên, người Ý coi thường người uống say đến mức “mất kiểm soát” nơi công cộng. Đối với họ, uống vừa đủ để có thời gian vui vẻ là quan trọng hơn cả. Thế nên họ không bao giờ uống đồ có cồn mạnh trong bữa ăn. Và sau bữa ăn họ cũng chỉ dùng đồ có cồn để tiêu hoá thôi ạ.
7. Đừng gọi các món Ý phiên bản nước ngoài
Người Ý là tín đồ của ẩm thực truyền thống. Họ đặc biệt trân trọng cái lưỡi của mình và khá là xét nét với những thể loại “cải biên” không ra thể thống gì (người Ý biết khá rõ cái gì ăn với nhau thì hợp nên đừng tranh cãi điều này). Thăm Ý, hãy hỏi người địa phương hoặc bồi bàn xem món ăn hoặc nguyên liệu đặc trưng của điểm đến là gì. Quên luôn việc gọi mỳ ý thịt viên (báng bổ! thịt viên là món chính riêng, không ai ăn với mỳ!) hay bí tết được nướng chín (well done) đi nhé (có nhiều nhà hàng em đi ăn, họ đề luôn biển ở ngoài là không bán thịt bò chín).
8. Đừng hỏi các loại sốt sa lát
Đối với người Ý, hỗn hợp trộn sa lát cơ bản thường chỉ gồm dầu oliu, chanh, dấm balsamo, tiêu và muối. Tất cả các loại sốt khác đều là phát minh nước ngoài. Và dù phổ biển đến đâu thì họ cũng không bao giờ thật sự thừa nhận những loại sốt này là một phần trong ẩm thực của họ.
Tương tự, hãy tem tém lại việc sử dụng sốt cà chua (hoặc bất kì loại sốt công nghiệp nào). Sốt cà chua với người Ý thì chỉ ngon khi đó là passata trong các món ragu hoặc meatball hoặc lasagna hoặc melanzane thôi. Còn sốt cà chua đóng hộp (ketchup) là một thứ gia vị nước ngoài kì quái mà chỉ những cái lưỡi tầm thường mới ưa thích.
9. Ra nhà hàng, đừng dùng bánh mỳ với dầu oliu
Ở nhà, việc dùng bánh mỳ với dầu oliu là khá bình thường. Người Ý biết dầu oliu là ngon và không ngại cho nó lên mọi món ăn có thể. Nhưng ở ngoài hàng thì không nên dùng bánh mỳ với dầu olive nhé. Tuỳ sự kiện, trường hợp, bối cảnh mà bánh mỳ có thể dùng để ăn kèm salad hoặc dùng scarpetta. (Đọc thêm phần này ở bài trước của em nha. Hoặc follow page/account cá nhân để tiện đọc thêm về văn hoá Ý)
10. Đừng đánh đồng mafia ở mọi nơi với nhau (và nói về mafia như thể đấy là đặc trưng của Ý)
Mafia là tội phạm có tổ chức của Sicily, gọi cụ thể là Cosa Nostra, chứ không phải của toàn Ý. Ở Napoli thì là Camorra. Đừng đánh đồng mọi tổ chức tội phạm là như nhau, và chỉ nên bàn về những vấn đề này dựa trên tinh thần thuần tuý tìm hiểu chứ không bao giờ nên khăng khăng một mực theo đuổi chủ đề đến cùng. Cuộc chiến chống mafia ngoài đời thực rất đẫm máu. Không một người Ý nào cảm thấy thoải mái khi bị dò xét về những vấn đề này.
11. Đừng ăn mặc hở hang ở Ý
Có thể xem Ý là một trong những đất nước “có gu” nhất thế giới (điều này thường chỉ đúng ở miền Bắc, từ Rome trở lên. Miền Nam vẫn ăn mặc như hạch vậy. Đến Napoli mà ra đường nhiều khi còn tưởng vào sở thú). Thế nhưng, dù ở những chốn có người ăn mặc lố bịch đến đâu thì luật bất thành văn chung là không quá hở hang. Người Ý hầu như không bao giờ mặc đồ vừa bó vừa hở cả trên lẫn dưới. Họ ăn mặc rất “vừa đủ”, trừ trường hợp ra biển. Hãy lựa đồ vừa phải khi thăm Ý. (Ăn mặc không đúng là nhà thờ nhà hàng tống cổ như chơi đó).
12. Đừng đi tất với dép quai hậu (và nên chú ý phục trang cho hợp sự kiện)
Đây là một lỗi thời trang cực kỳ cơ bản (thế mà đầy nước vẫn có nhoé). Người Ý khá chú trọng ăn mặc và họ sẽ lắc đầu không đồng tình khi thấy dép quai hậu (hoặc dép nói chung) với tất; tất có màu ngoài đen với trắng; tóc ướt ra đường; hoặc ăn mặc lệch sự kiện nói chung. Người Ý không ngại việc ăn vận lên đồ “lộng lẫy”, miễn là hợp hoàn cảnh. Đến Ý, hãy chú ý một chút thời trang cho đỡ lạc quẻ nhé.
Nói thế thôi, chớ dân miền Nam Ý ăn mặc cũng đơn giản hài hước lắm. Ở Napoli còn có thể nói là thảm hoạ thời trang luôn ý.
13. Đừng dùng bữa ở các tụ điểm du lịch
Các hàng quán sinh ra để phục vụ du lịch đều khá tệ. Nếu muốn ăn ngon và đúng kiểu Ý, hãy hỏi người bản địa. Cũng đừng tin cả các trang mạng review, ngay cả tripadvisor hay yelp. Người Ý nói chung thích đi ăn hàng quen và hiếm khi lên mạng đánh giá lắm. Thế nên hàng quán toàn được đánh giá bởi những cái lưỡi ngoại quốc không hiểu “tinh hoa” khẩu vị Ý là gì.
14. Đừng quá tin google map
Ý nổi tiếng với những thành phố có đường xá chằng chịt nhiều ngõ nhỏ. Đừng dựa vào bản đồ. Đường ở miệng nên được áp dụng triệt để khi thăm Ý nhé.
15. Đừng tin lịch di chuyển của các phương tiện công cộng
Ý nổi tiếng thế giới với phong cách sống “từ từ”. Người Ý mang tai tiếng “không biết giờ giấc là gì”. Cùng với đó là xe cộ hoặc các phương tiện giao thông công cộng nói chung đều rất…linh hoạt. Ngoại trừ tàu thuyền máy bay thì đa số di chuyển trong Ý bằng phương tiện công cộng đều là… tuỳ cơ ứng biến. Thế nên đừng quá tinh vào các lịch trình hoặc các app tra phương tiện công cộng. Cứ đến và chờ thôi…
16. Đừng “ciao” trong mọi trường hợp
Người Ý rất thân thiện và cởi mở. Thường khi vào hàng quán họ đều chào mừng. Nhưng từ “ciao” mang tính thường nhật. Gặp người không quen không nên “ciao” mà nên dùng phiên bản trang trọng hơn là “buongiorno” (chào buổi sáng), hoặc chiều trở đi thì “buonasera”. Ciao chỉ dùng với người đã quen hoặc trong các tình huống thân mật thôi.
Túm lại,
Đây chỉ là một vài điều be bé trong vô vàn những “luật ngầm” kiểu Ý cực kì thú vị trong văn hoá Ý mà em muốn chia sẻ với mọi người trong những bài tiếp theo. Mọi người hãy đón đọc nhé! Đừng quên chia sẻ với em cảm nhận và trải nghiệm của mọi người về văn hoá, con người đất Ý nha. Mọi người đnwgf quên follow page và blog của em để cập nhật các bí kíp, cẩm nang du lịch, những câu chuyện du lịch cũng như cảm nhận văn hoá nhé.





You may also like

Leave a Comment