Ông là người được đánh giá là bậc kỳ tài, khối lượng tác phẩm để lại đồ sộ, phong phú, trải khắp lĩnh vực.
Đáp án là Tagore!
Rabindranath Tagore (1861-1941) là nhà thơ Bengal, triết gia Bà La Môn và nhà dân tộc học chủ nghĩa người Ấn Độ. Ông là con út trong gia đình danh gia vọng tộc bậc nhất ở Calcutta (thủ phủ xứ Ấn thời thuộc Anh, vùng Bengal, Đông Bắc Ấn).
Tên Rabindranath theo nghĩa gốc ngôn ngữ Bengali là Thần Thái Dương (Lord of the Sun), tên tắt thân mật là Rubi. Từ Tagore là Anh ngữ hóa từ Thàkur tiếng Bengal.
Cha ông là Debendranath Tagore, nhà triết học và hoạt động xã hội nổi tiếng, từ lâu muốn con mình trở thành luật sư nhưng Tagore không thích. Từ nhỏ, Tagore được hun đúc trong một môi trường văn hóa rất ưu việt. Khi đi học, ông được lĩnh hội nhiều lĩnh vực nhưng thích nhất thơ ca, tiểu thuyết và kịch.
Năm 1913, Tagore đoạt giải Nobel Văn học và trở thành người châu Á đầu tiên nhận giải Nobel. Tiếp nối ông, nhiều nhà văn châu Á khác đoạt giải Nobel như: Shmuel Yosef Agnon (Israel); Kawabata Yasunari, Oe Kenzaburo (Nhật Bản); Orhan Pamuk (Thổ Nhĩ Kỳ); Mạc Ngôn (Trung Quốc).
Sinh thời, Tagore từng nói cuộc đời ông có ba thứ cần phải theo: “Thứ nhất, tôi là người Ấn Độ, tôi theo sự thật; cái gì là sự thật, là chân lý đấy là ông chủ của tôi. Thứ hai, tôi là nhà thơ thì phải yêu cái đẹp; người phụ nữ Ấn Độ, phong cảnh Ấn Độ, tâm hồn người Ấn Độ quá đẹp nên không thể không yêu. Thứ ba, là cái thiện, nếu thiếu cái thiện, ta không phải là con người”.
Năm 49 tuổi, Tagore xuất bản bằng tiếng Anh tập thơ Gitanjali (theo tiếng Bengal có nghĩa là Thơ dâng). Thơ dâng gồm 103 bài thơ nhỏ không đề, được chọn ra từ những bài được viết từ năm 1900 bằng tiếng Bengal rồi dịch sang tiếng Anh.
Thơ dâng là món quà ông thành kính dâng lên cha mình, mà cũng có thể hiểu đó là món quà ông muốn dâng tặng cho đời. Thi phẩm này là lý do cho việc đề cử trao giải Nobel Văn học năm 1913, được đánh giá là những vần thơ tuyệt diệu, mang cảm nhận sâu sắc, độc đáo, thể hiện tài năng thơ ca đặc biệt khác thường.
Thơ dâng được công nhận là kỳ công thứ hai của văn học Ấn Độ (sau Sakuntala của Kalidasa – nhà thơ lớn Ấn Độ thế kỷ thứ 5).
Tagore đã viết hơn một nghìn bài thơ với khoảng 50 tập trong suốt sự nghiệp. Ngoài Thơ dâng, những tập thơ tiêu biểu của ông còn Balaca, Người làm vườn, Mùa hái quả, Ngày sinh, Thơ ngắn…Thơ của Tagore được đánh giá giàu tinh thần nhân loại, là chiếc gạch nối giữa những truyền thống văn hóa Ấn Độ và văn hóa hiện đại phương Tây.
Người làm vườn là một trong những tập thơ nổi tiếng của Tagore, tiêu biểu cho giọng thơ giàu chất trữ tình và chất triết lý của ông, vừa thể hiện tâm hồn Ấn Độ, vừa bao quát tinh thần nhân loại. Các bài thơ trong Người làm vườn không có nhan đề mà chỉ đánh số thứ tự.
Bài số 28 được xem là một trong những bài thơ hay nhất của Tagore, có mặt trong nhiều tuyển tập thơ tình thế giới. Bài thơ với nhiều tầng lớp hình ảnh tượng trưng và so sánh đôi mắt như trăng muốn vào sâu biển cả; đời anh là viên ngọc, đóa hoa…
Giọng điệu triết lý của bài thơ còn được thể hiện ở những câu có các từ lặp đi lặp lại: nếu, chỉ còn, nhưng; đặt giả định rồi khẳng định. Bản dịch của bài thơ này từng được đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ Văn chương trình THPT.
Đôi mắt băn khoăn của em buồn
Đôi mắt em muốn nhìn sâu vào tâm tưởng của anh
Như trăng kia muốn vào sâu biển cả
Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em
Anh không giấu em một điều gì
Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh.
Nếu đời anh chỉ là viên ngọc
anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh
và xâu thành một chuỗi
quàng vào cổ em.
Nếu đời anh chỉ là một đoá hoa
tròn trịa dịu dàng và bé bỏng
anh sẽ hái nó ra để đặt lên mái tóc em.
Ngoài lĩnh vực thơ ca, Tagore còn được đánh giá là nhân vật xuất sắc trong vai trò nhạc sĩ và triết gia.
Tagore được cả thế giới tôn vinh là một trong số ít nhân tài toàn diện của thế giới với nhiều vai trò như nhà viết kịch, nhà thơ, nhạc sĩ, tiểu thuyết gia, nhà giáo dục, triết gia và nhà nhân văn học.
Ngoài hàng nghìn bài thơ, Tagore để lại 12 bộ tiểu thuyết dài và vừa, nhiều luận văn, hàng trăm truyện ngắn, ký, kịch, hơn 2.000 tranh vẽ và hơn 2.000 bài hát. Ngày nay, di sản bài hát của ông được gọi là Rabindra Sangeet và được xem là kho tàng văn hóa Bengal, ở cả Tây Bengal thuộc Ấn Độ lẫn Bangladesh.
Các bài hát của ông được chọn làm quốc ca của cả Ấn Độ và Bangladesh. Jana Gana Mana – quốc ca của Ấn Độ – là năm đoạn đầu của một bài thơ của Tagore viết bằng tiếng Bengal. Trong khi đó, Amar Sonar Bangla là quốc ca của Bangladesh với phần lời được Tagore viết năm 1905.
Tagore từng thăm Sài Gòn vào tháng 6/1929 trong sự ngưỡng mộ, chào đón của giới văn sĩ, trí thức lúc bấy giờ.
Theo Vnexpress