Bữa sáng từ trước đến nay vẫn được cho là lành mạnh, thậm chí còn quan trọng hơn các bữa ăn khác. Ngay cả các hướng dẫn dinh dưỡng chính thức ngày nay cũng khuyên chúng ta nên ăn sáng.
Chúng ta vẫn được biết rằng bữa sáng giúp giảm cân, và bỏ qua bữa sáng có thể làm tăng nguy cơ béo phì. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây đã bắt đầu đặt câu hỏi về tính chính xác của vấn đề trên.
1/ Bỏ ăn sáng thì cũng chẳng làm sao?
Câu “Bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày,” đã được phát minh vào giữa thế kỉ XIX bởi hai tín đồ Giáo hội Cơ đốc Phục lâm James Caleb Jackson và John Harvey Kellogg, để buôn bán cái thứ ngũ cốc ăn sáng họ vừa mới sáng chế ra. Chuẩn rồi, chính là cái ngũ cốc Kellogg đấy. Thế rồi thị trường thịt xông khói cũng chạy theo trào lưu đó, lôi kéo được 5000 bác sĩ xác nhận rằng ăn chất đạm vào bữa sáng đem lại những lợi ích sức khỏe, và cho xuất bản cả những bài báo cam kết rằng điều này đã được khoa học chứng minh.
“Tôi thấy trường phái coi bữa sáng là quan trọng hiện được nhiều người ủng hộ. Nhưng ít người biết đứng đằng sau những nghiên cứu đó là ngành công nghiệp thức ăn chế biến sẵn. Do bữa sáng mọi người dậy phải chuyển bị cho con đi học, vội vàng đi học nên thường dùng đồ ăn chế biến sẵn”, TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng Việt Nam giải thích.
Theo chuyên gia nên có cái nhìn đúng đắn hơn về bữa sáng. Việc ăn sáng hay không sẽ tùy thuộc vào cá thể của từng người.
2/ Bỏ bữa sáng có gây tăng cân?
Nhiều người cho biết bữa sáng làm tăng cảm giác no trong ngày. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy cả người bỏ ăn sáng lẫn người ăn đủ bữa có tổng lượng calo tiêu thụ hàng ngày gần như tương đương.
Trên thực tế, một số nghiên cứu thậm chí đã chỉ ra rằng bỏ bữa sáng có thể làm giảm lượng calo tổng thể lên đến 400 calo mỗi ngày.
Đây là một nghiên cứu kéo dài 4 tháng so sánh các khuyến nghị nên ăn hoặc bỏ bữa sáng ở 309 nam giới và phụ nữ thừa cân hoặc béo phì. Sau 4 tháng, không có sự khác biệt về cân nặng giữa các nhóm. Đơn giản là mọi người ăn hay bỏ bữa sáng không quan trọng.
Những người bỏ bữa sáng, trung bình, nhẹ hơn 1 pound so với những người ăn sáng. Nói cách khác, bỏ bữa sáng không phải nguyên nhân dẫn đến thừa cân.
3/ Bỏ bữa sáng thậm chí có thể có một số lợi ích sức khỏe
Bỏ bữa sáng là một phần của nhiều phương pháp nhịn ăn gián đoạn. Điển hình là phương pháp 16/8, bao gồm 16 giờ liên tục không ăn và 8 giờ còn lại để ăn uống.
Khoảng thời gian ăn uống này thường dao động từ bữa trưa cho đến bữa tối, nghĩa là bạn bỏ bữa sáng hàng ngày.
Nhịn ăn gián đoạn đã được chứng minh là có hiệu quả giảm lượng calo, giảm cân và cải thiện sức khỏe trao đổi chất. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là nhịn ăn gián đoạn hoặc bỏ bữa sáng không phù hợp với tất cả mọi người. Một số người có thể thu về những tác động tích cực, trong khi số khác có thể gặp phải một số vấn đề như bị nhức đầu, giảm lượng đường trong máu, ngất xỉu và thiếu tập trung.
Vì vậy nếu có thói quen bỏ bữa sáng hoặc không kịp ăn sáng vì điều kiện công việc, môi trường sống, các chuyên gia khuyến nghị nên tối ưu hóa chất dinh dưỡng vào các bữa còn lại. Một số người nhất định, chẳng hạn huấn luyện viên hoặc vận động viên sẽ cảm thấy tốt hơn khi ăn sáng sau buổi tập.
4/ Bữa sáng là tùy mỗi người
Bạn có thể ăn hay bỏ bữa sáng không quan trọng, miễn là bạn ăn uống lành mạnh trong thời gian còn lại trong ngày. Bữa sáng không “khởi động” quá trình trao đổi chất của bạn và việc bỏ qua nó không tự động khiến bạn ăn quá nhiều và tăng cân .
Cuối cùng, bữa sáng không phải là bữa ăn bắt buộc và các món ăn nên được nấu theo sở thích cá nhân. Nếu bạn cảm thấy đói vào buổi sáng và bạn thích ăn sáng, hãy tiếp tục và ăn một bữa sáng lành mạnh. Một bữa ăn giàu protein sẽ là lựa chọn số một.
Tuy nhiên, nếu bạn không cảm thấy đói vào buổi sáng và không cảm thấy rằng bạn cần ăn sáng, bạn không nhất thiết phải ăn chỉ vì mọi người nói nên làm như vậy.
TS.BS Hồng Sơn cho hay, một bữa ăn sáng cần phải có tinh bột, protein, chất xơ và vitamin. Nên tránh ăn đồ chiên, xào, đồ ngọt, chất béo vào buổi sáng có thể gây ra đầy bụng, khó tiêu.
Đối với trẻ em, người có cân nặng ở mức thấp hoặc công việc bận rộn nên ăn sáng trong khoảng thời gian từ 7h-8h sáng. Người thừa cân, béo phì nên đẩy bữa sáng lên gần bữa trưa.
“Như vậy không có một khung giờ “vàng” ăn bữa sáng cho tất cả mọi người như rất nhiều người đang nghĩ”, TS.BS Hồng Sơn lưu ý.
Ngoài ra, chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo thêm, không nên ăn bữa tối quá muộn. Thời gian tốt nhất để ăn bữa tối là trước 19h và đi ngủ trước 23h. 4 tiếng là khoảng thời gian cần thiết để cho thức ăn trong dạ dày được tiêu hoá.
Nguồn tổng hợp: RVN, Vnxpress, Thanh niên, Nhịp sống kinh tế.