Lúc tôi còn nhỏ, tôi là một người hay nhốt mình trong nhà, ngoài những lúc đi học ở trường ra thì tôi rất ít khi được đi đâu chơi cùng với lũ bạn chung xóm. Một phần gia do gia đình quá khắt khe với tôi trong việc chọn bạn mà chơi, nên họ sợ tôi hỏng người khi chơi chung với mấy đứa chung khu bởi chỗ tôi sống là một nơi khá phức tạp, một phần tôi cũng chẳng thích nói chuyện với người khác, tôi cũng sợ nơi đông người và không làm gì ngoài bó buộc bản thân ở nhà. Từ đấy căn nhà đối với tôi là nơi quá dỗi thân thuộc, tôi có không thể nào tưởng tượng được cái cảm giác nhớ nhà sẽ như thế nào. Là một người thường xuyên nhâm nhi những cuốn truyện hay những bài thơ mang đầy tính biểu cảm, đôi khi tôi còn bắt gặp những cách nói rằng:
“Chỉ cần một nơi về mãi nhớ,
Bước chân vào…cửa mở đón chào…!
Gia đình luôn chứa ngọt ngào,
Mâm cơm nghi ngút …chứa bao ân tình”.
“Thật là cường điệu khi nói như vậy!” – Tôi nghĩ.
Tôi là một đứa thích ngắm hoàng hôn, bởi nếu thích ngắm bình minh thì tôi chả có khả năng dậy sớm. Tôi luôn mong mình có một chuyến đi đến một nơi nào đó khác nhà mình để có một trải nghiệm thật khác biệt khi ở đó thì thực sự tuyệt vời hơn so với việc ngày nào cũng đón hoàng hôn với một góc nhìn quen thuộc: tôi ngồi vắt vẻo trên một cành cây cao, nhìn bóng mặt trời sáng nhẹ buổi chiều và đợi nó dần tắt lịm như ngọn lửa bếp than hồng trong đêm đông. Dù khá đẹp nhưng nó cứ lặp đi lặp lại khiến tôi cảm thấy thật chán chường. Vì thế cho nên, khi lên cấp Ba, tôi quyết định học xa nhà!
Tôi bắt đầu vào cấp Ba ở một nơi không nhà xa cho lắm, nhưng cũng đủ để tạo cho tôi cảm giác xa nhà và nhớ nhà, thời gian tôi trở về nhà sẽ phải hiếm hoi hơn.
Tôi sống ở phố thị, một nơi mà người đi ngoài đường đông đúc, chen chúc đi trên đường để đến nơi làm việc, nơi học tập hằng ngày như những chú kiếm chăm chỉ xếp chi chít thành hàng dài không ngừng di chuyển kiếm ăn. Tôi sống ở một nơi mà mặt trời mọc ở sau một màng sương xám bụi bặm và lặn cũng sau bức màn khói bụi xám xịt ấy. Dẫu thế tôi cũng khá hứng thú với những thứ mới mẻ ở xung quanh mình, tôi tỏ ra hiếu kỳ khi tất cả những điều lạ lùng trước mắt tôi. Những con người mới, cách sống mới, thật khác biệt so với vòng lặp vô tận ở nhà. Cuộc sống “mới” mà tôi có được là một cuộc sống mà tôi luôn muốn được trải nghiệm lúc mình còn nhỏ, và tôi nghĩ đây là trải nghiệm vui vẻ nhất của tôi. Hẳn là vậy.
Cho đến khi tôi nhận ra rằng cuộc sống ấy khác biệt hơn những gì mình nghĩ.
Lúc ở nhà mình, tôi hay ngồi học đến khuya. Mỗi lần tôi như sắp gục xuống cái bàn học đặt trong không gian ba mét vuông rưỡi thì luôn có một bàn tay của mẹ đặt nhẹ lên lưng tôi, hỏi han tôi đủ thứ để chắc chắn rằng tôi ổn với đống tập vở trên bàn, và nhiều khi có kèm theo một ly trà hoa lài thơm lừng nào đó do chính tay mẹ tôi pha vì mẹ biết ông cụ non của mẹ thích uống trà. Nhiều khi có một vài chuyện xung quanh tôi khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, mẹ đều tỏ ra lo lắng cho tôi như vậy, nhưng mẹ ít khi tỏ lời an ủi mà chỉ làm những thứ nhỏ nhặt vì tính khí hai người cũng không hạp nhau mấy. Bởi ít có dịp gần gũi với nhau, nên tôi cũng không thường để ý đến mẹ.
Khi đến đây – một nơi mới hơn, tôi phải sống một mình .Và với phong cách sống mới mẻ này, tôi cũng phải đối mặt với những khó khăn mới hơn, nhưng tôi không thể nào vượt qua chúng một cách dễ dàng được như trước nữa. Những kiến thức, bài tập, những hạn chót mà tôi phải chạy đua với chúng để thoát khỏi cái tình huống mà tôi bị chúng đè bẹp bằng con điểm không tròn trĩnh và rồi bị đẩy xuống vực sâu của sự tuyệt vọng. Tất cả bọn chúng chất chồng lên cái bàn nhỏ xíu, nhỏ hơn cái bàn học ở nhà tôi và một không gian hẹp với bốn bức tường đơn giản tạo cảm giác ngột ngạt cho tôi vào lúc đêm khuya, khoảng gần hai giờ sáng. Tôi cũng ngã gục và chìm dần vào hư vô của tiềm thức nhưng chẳng có bàn tay nào kéo tôi lại nữa, lúc này tôi chỉ có thể gượng mình ngồi dậy, pha cho mình tách trà túi lọc rẻ tiền lần thứ năm trong ngày và tự nhắc mình: Nếu gục ngã lúc này, mọi thứ sẽ kết lúc, sẽ tốt hơn nếu tiếp tục cố gắng để được uống thứ trà hoa lài thơm lừng ấy”. Rồi tôi bỗng bàng hoàng: “Mẹ của mình đã từng thức khuya thế này sao?”, rồi sực nhớ lại những lời mà mẹ càm ràm tôi khi tôi thức khuya rằng mẹ chỉ có thể đi ngủ khi thấy tôi yên tâm say giấc, nhiều khi mẹ cảm thấy bồn chồn khi thấy ánh đèn học bên phòng tôi vẫn le lói ánh sáng vắt qua khe của nhỏ xíu, nên mẹ đi qua đi lại để xem tôi có cần gì nữa không, miết nó thành thói quen, mà như vậy thì không tốt cho cả hai. Bởi mẹ hay thức khuya như vậy cho nên trán mẹ có thêm nhiều nếp nhăn. Những lúc có tôi bên cạnh mẹ nhờ tôi nhổ tóc bạc thì thấy chúng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Mẹ đã luôn hy sinh để bên cạnh tôi, không một phút giây nào mẹ bỏ tôi lại. Mẹ đã yêu thương tôi hết mực, kể cả khi tuổi già, sức yếu có đến tìm mẹ mỗi một nhanh hơn. Trong lúc mơ mà ấy, những cảm súc như yêu thương, bứt rứt, nhớ nhung, mệt mỏi, áp lực, … chúng cứ giằng xé lẫn nhau trong thâm tâm tôi. Tôi cố hít thở thật sâu để giúp bản thân tỉnh táo hơn, nhưng không khí nặng mùi khen khét của bụi nhà máy, khói xe mà tôi không quen hít thở khiến tôi khựng lại, cảm thấy khó chịu. Tôi lại nhớ về ánh hoàng hôn buổi chiều, ánh mặt trời như bếp than hồng dần tắt, tôi ngồi trên gốc cây và dần thả hồn mình vào bầu trời ban đêm tối mịt.
Ngày hôm sau, tôi vội vã gọi điện về nhà, rồi tức tốc về quê. Thật lạ, đấy là con đường quen thuộc, nhưng mà sao tôi có cảm giác thật háo hức và xen lẫn yên bình khi nghĩ về nhà của mình đang ở trước mắt. Tôi thật mong mình mau mau về nhà để chụp lại bước ảnh hoàng hôn ấy để khoe với đám bạn rằng: hoàng hôn ở nhà tôi là khung cảnh kỳ diệu nhất.