Bằng các phương tiện hiện đại thời bấy giờ như máy ảnh, máy bay, địa đồ, sự giúp sức của người dân địa phương và các cơ quan khoa học, tác giả Le Breton (Pháp) đã đưa đến độc giả cái nhìn chân thực về vùng đất Nghệ An Hà Tĩnh đầu thế kỷ 20. Những ghi chép, hình ảnh về vùng đất này đã được ông ghi lại trong cuốn sách “An Tĩnh xưa”, vừa được Omega + ra mắt bạn đọc.
Các bức ảnh này được Hippolyte Le Breton chụp bằng máy ảnh hiện đại. Ông đã thực hiện công việc khảo sát thực địa và ghi chép trong quãng thời gian làm hiệu trưởng trường Quốc học Vinh (1924-1928). Tác giả Hippolyte Le Breton giảng dạy và làm hiệu trưởng ở nhiều trường học khác nhau trên xứ Đông Dương. Nơi cuối cùng ông phụ trách là trường Trung học Albert Sarraut ở Hà Nội. 28 năm ở Việt Nam, ngoài việc dạy học và làm quản lý, ông còn miệt mài đi và viết, đã công bố đến 29 công trình nghiên cứu trên các tạp chí như Đông Dương (Revue Indochinoise), Nam Phong, Thái Bình Dương (Revue du Pacifique), và Tập san Những người bạn cố đô Huế; ngoài ra, còn chuẩn bị 9 di cảo… Hầu hết các công trình của ông đều thuộc về lĩnh vực khảo cứu địa chí, lịch sử, văn hóa; nhiều nhất là về tỉnh Thanh Hóa, mà ông thường ưa dùng là xứ (le pays) với 9 tác phẩm và xứ An – Tĩnh, có 8 công trình đã xuất bản.
Dưới đây là những hình ảnh về An Tĩnh xưa được tác giả Hippolyte Le Breton ghi lại.
– Nguồn: An ninh Thủ đô –
———————
An Tĩnh xưa (chuyên khảo lịch sử về vùng Nghệ An – Hà Tĩnh xưa) được Le Breton soạn thảo trong thời gian giảng dạy và làm hiệu trưởng ở trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh, 1924-1928), thành quả xứng đáng từ những lớp tham quan dã ngoại được tổ chức thường xuyên, kết hợp với sự giúp đỡ của nhiều đồng nghiệp, học trò và đặc biệt nhất là nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu, tổng hợp, phân tích tư liệu của ông.
Ngoài phần giới thiệu, mở đầu và kết luận, tác phẩm có hai Đề mục lớn (một số bản dịch khác gọi là Thiên); riêng Đề mục 2 có đến tám chương. Đây thực sự là một công trình đồ sộ về tư liệu; khoa học về phương pháp nghiên cứu, diễn giải, và nhất là về tâm huyết, trí tuệ, như ông đã tự dẫn câu của chính mình làm đề từ: “Hiểu tức là yêu thương; yêu thương tức là hiểu. Hai lời lẽ này dựa vào nhau, cần biết gắn lại với nhau bằng một bàn tay khỏe mạnh và khéo léo”. Khi tiếp xúc với tác phẩm này, nhiều người đã khẳng định ngay giá trị không thể chối cãi của nó.