“Anh với bố có hay cãi nhau không?” 

by admin

Nắng chiều tràn qua khung cửa sổ, chiếu thẳng xuống cơ thể trần trụi của em, khiến làn da vốn trắng mịn của người tựa như trong suốt. Hoàng hôn bên ngoài phản chiếu vào đôi mắt em một luồng sáng màu vàng cam, tuyệt đẹp.

Tôi nhìn em chăm chú, vừa vẽ lại đường cong mê người của em lên giấy khổ lớn, vừa đáp: “Bố anh mất lâu rồi.”

Ngước mắt lên nhìn em lần nữa, tôi nói tiếp: “Hồi ông mất, anh cũng chỉ bằng tuổi em bây giờ. Độ…”

“Hai mươi tuổi à?” Em chủ động tiếp lời tôi.

“Ừ.”

Im lặng một hồi, em lại lên tiếng: “Anh có bao giờ thắc mắc khi những ông bố buồn, họ sẽ làm gì không?”

“Bố người khác thì không biết, nhưng trước khi ly hôn, mỗi khi buồn bố anh thường tâm sự cùng mẹ. Sau khi ly hôn, ông ra ngoài uống rượu qua đêm mới về.”

Nhìn thấy cái chau mày của em, tôi hỏi: “Sao thế? Em cãi nhau với bố em à?”

“Chuyện từ mấy hôm trước cơ, nhưng tối qua mẹ vừa gọi điện cho em. Bà bảo bố em đang ốm, dặn em có thời gian thì về thăm ông. Có lẽ, chỉ có lẽ thôi… ông buồn em tới phát ốm.” Em nói, nhưng hình như người không chắc chắn về câu cuối lắm, dừng mất giây mới thêm chữ “nhỉ?” vào cuối.

“Em không muốn về hả?”

“Ừm, cũng không hẳn là không muốn. Nhưng em với bố thì có chuyện gì để nói đâu. Càng lớn, em càng không hợp tính bố. Ông độc đoán, nghiêm khắc, lại còn gia trưởng nữa.”

Tôi cười xoà: “Sao lại kể xấu bố mình trước mặt người ngoài như thế.”

“Nhưng mà em tức lắm!”

Rồi em lại tiếp tục kể lể về sự uất ức mà bản thân phải chịu đựng.

Năm mười tuổi, em ốm một trận to.

To cực.

Cả nhà lo sốt vó lên. Em không chịu ăn cơm uống thuốc, cứ đòi bà đòi mẹ phải mua cho cái này, phải dỗ bằng cái kia. Nhưng bố em có vẻ chẳng thương xót gì em, còn đứng một bên bảo: “Trẻ con ham dầm mưa dãi nắng, đứa nào mà không ốm vài trận. Mấy hôm lại khoẻ ngay ấy mà.”

Năm mười hai tuổi, em đứng cuối lớp.

Em bảo em không muốn học, cũng học không giỏi. Sau này, em muốn làm mẫu ảnh.

“Ông nghe xong thì tát cho em một cái nổ đom đóm mắt, anh ạ.” Em hậm hực, cứ như thể cái tát ấy vừa xảy ra ngày hôm qua chứ không phải là từ tám năm trước.

“Ông bảo em rằng mày không lo học đi thì có mà mẫu chó! Người thì xấu, gầy tong teo, lại còn học dốt. Ai thèm thuê mày làm mẫu? Mơ mộng vớ vẩn.”

Thế là em tức. Quyết trở thành mẫu ảnh cho bằng được. Để dằn mặt bố mình.

Năm mười bảy tuổi thì em thành mẫu ảnh thật.

Em thành danh nhờ chương trình nữ sinh thanh lịch. Có điều em không phải là thí sinh, em chỉ tới cổ vũ cho bạn, rồi tình cờ được một nhiếp ảnh gia chụp ngẫu nhiên vài tấm.

Vậy là em cũng dần nổi tiếng với nét đẹp góc cạnh không giống bất kì ai.

Một năm sau, em quyết định không thi đại học.

Bởi em biết dù thi cũng chẳng đỗ.

Bố em không tin tương lai em có thể sống tốt mà không học đại học. Ông phạt em quỳ trước hiên nhà suốt ba tiếng đồng hồ. Mẹ khuyên em đi vào xin ông tha cho, nhưng em không chịu. Vì em thấy mình không sai.

Mấy hôm trước, em và bố lại cãi nhau to. Em tắt phụt điện thoại ngang chừng và không chịu liên lạc từ hôm ấy.

“Mẹ bảo em với bố em giống nhau, tính nóng như lửa. Mà hai ngọn lửa cạnh nhau thì đúng là không ai dập tắt được.”

“Thế mẹ em thì sao?” Tôi hỏi em khi đang vẽ lại mái tóc của người. Tóc em trông cũng lộn xộn như chính mối quan hệ của em với bố em vậy.

Nhưng nó vẫn đẹp.

“Bà ấy hả? Bà dịu dàng lắm, giống như suối nguồn. Em thích tâm sự cùng bà mỗi tối, kể chuyện của em cho bà nghe. Khi ấy, bà cũng sẽ cho em biết chuyện ở nhà của bà.”

“Em có biết tại sao em lại gần gũi mẹ em hơn không?”

“Tại sao?” Nằm lâu ở mãi một tư thế khiến em mỏi lưng, cơ thể hơi nhướn lên một chút.

“Tại vì em và mẹ em có sự đối thoại.” Tôi trả lời. Trong lòng đột nhiên nhớ tới người bố đã mất vì tai nạn giao thông cách đây 7 năm.

“Có bao nhiêu câu chuyện em chưa kể với bố mình? Có bao nhiêu câu chuyện em chưa từng nghe từ bố mình? Em thử đếm xem.” Tôi nói với em, nhưng lại dường như đang nói với chính mình.

“Có thể em thấy ông ấy không hiểu em. Thế còn em, em có thực sự hiểu bố mình không? Em có biết ông ấy thích gì không?”

“Em… em… có biết ông ấy thích gì không?” Em vô thức lẩm bẩm nhắc lại câu hỏi của tôi.

“Sự thấu hiểu, được bắt đầu bằng đối thoại, em à. Em không nên giống như anh.”

“Giống như anh, là sao?”

Lúc trả lời câu hỏi của người, tôi thấy lòng mình nặng trĩu. Giống như bị một tảng đá lớn đè lên.

“Một ngày nọ, em trở về nhà. Muốn kể về những chuyện hôm nay cho bố mình, nhưng ông đã không còn ở đó để nghe lời em nói nữa.”

Bức phác hoạ tôi vẽ gần xong, người mẫu của tôi nằm trên giường cũng đã mỏi nhừ.

Tôi đặt bút xuống, nhìn vào đôi mắt trong veo đã hơi ửng đỏ của em.

Có lẽ vì bị nắng chiều chiếu vào quá lâu.

Cũng có thể vì em vừa tìm ra được điều gì đó, điều mà bản thân em suýt thì đánh mất nó.

“Hôm nay tới đây thôi.” Tôi bảo.

Em dạ một tiếng rồi ngay lập tức vùng dậy khỏi giường, vội vàng mặc quần áo vào. Vừa xỏ lại giày, em vừa lấy điện thoại gọi điện cho ai đó. Tôi đoán có lẽ người ở đầu dây bên kia là bố của em.

Lúc em bước ra khỏi phòng, cánh cửa vẫn chưa kịp khép lại, tôi nghe thấy em mở đầu cuộc điện thoại bằng một câu, cũng chính là câu năm xưa tôi muốn nói với bố mình mà không kịp.

“Bố à, con kể bố nghe nhé. Hôm nay con…”

Viết bởi Dạ Hi.

Cre ảnh: Pinterest

You may also like

Leave a Comment