“Ảo tưởng tần số” là cái chi?

by admin

“Những gì ta thấy phụ thuộc chủ yếu vào những gì ta tìm kiếm.” – John Lubbock

Đã bao giờ bạn quan tâm đến một thứ gì đó mới mẻ rồi bỗng thấy nó xuất hiện thường xuyên chưa? Bạn tự hỏi tại sao trước giờ nó vẫn sờ sờ ra đó mà mình lại không thấy nhỉ.

Tâm trí bạn không nhìn thực tế một cách khách quan mà lại chăm chăm tìm kiếm thứ gì đó mới mẻ mà bạn quan tâm trong môi trường sống quanh bạn.

Nó giống như việc dạy con chó của bạn nhặt bóng tennis. Sau đó, nó đi khắp xóm tìm kiếm và tha về những quả bóng tennis dính đầy nước dãi. Hành động của con chó đáng yêu này minh họa cho việc bộ não của bạn muốn làm hài lòng bạn. Quả bóng tennis là thứ mới mẻ mà bộ não đang tập trung vào.

Hiện tượng này được gọi là “ảo tưởng tần số”, dưới đây là vài ví dụ khác:

  • Bạn học một từ mới và thấy nó xuất hiện ở mọi nơi ngay sau đó. Bạn thậm chí còn nhìn thấy nó trong giấc mơ của mình!
  • Bạn mua một chiếc xe mới thì bỗng dưng thường xuyên gặp những chiếc xe tương tự ở trên đường. Bạn không tin nổi sao có nhiều người muốn bắt chước mình thế.
  • Bạn có con. Bạn bắt đầu thấy bà bầu và em bé ở khắp nơi.

Bộ não của bạn đang cố tìm ra thứ mà bạn đang quan tâm trong môi trường sống xung quanh. Đến lượt bạn, bạn phản ứng thái quá và đánh giá sai về tần suất xuất hiện, không nhận ra điều đó trước giờ vẫn diễn ra như thế. Bạn chỉ không chú ý nên không thấy. Con người ngớ ngẩn thế đấy!

Thuật ngữ “ảo tưởng tần số” được đặt ra vào năm 2006 bởi một nhà ngôn ngữ học của Đại học Stanford tên là Arnold Zwicky. Ông mô tả dạng thiên kiến nhận thức này là sự kết hợp của hai dạng thiên kiến khác:

  • Thiên kiến chú ý có chọn lọc (xu hướng nhận thấy những thứ nổi bật đối với chúng ta và hạ thấp những thứ còn lại – ND).
  • Thiên kiến xác nhận (tìm kiếm những thông tin hỗ trợ cho giả thuyết của mình trong khi bỏ qua những bằng chứng phản bác – ND).

Ảo tưởng tần số gây tò mò hơn là rắc rối, nó làm sai lệch nhận thức khách quan của bạn. Sự đánh giá của bạn có xu hướng thiên về thứ mà bạn đang quan tâm.

Giải pháp là nhận diện ra được hiệu ứng này. Sau đó, bạn sử dụng “thiên kiến chú ý có chọn lọc” xem mình bị thu hút bởi thứ gì, rồi kiểm tra xem ta có bị “thiên kiến xác nhận” về thứ đó không.

Chết tiệt! Con chó Fluffy của tôi lại vừa tha về một quả bóng tennis khác…

Theo: Thái Đức Phương

You may also like

Leave a Comment