BA THẬP KỶ TRUY LÙNG HUNG THỦ SÁT HẠI “HOA HẬU NHÍ”

by admin

Cái chết của “hoa hậu nhí” JonBenet vào năm 1996 gây khó khăn cho cơ quan cảnh sát vì chứng cứ bị xáo trộn, gia đình nạn nhân không hợp tác điều tra.

Sau hơn 3 thập kỷ, đây vẫn là một trong những vụ án nguội nổi tiếng nhất nước Mỹ.

??Cuộc đời ngắn ngủi

JonBenet Ramsey Patricia, sinh ngày 6/8/1990, giành giải thưởng Hoa hậu nhí bang Colorado, Mỹ, khi mới lên 6 tuổi. Cô bé sở hữu làn da trắng, mái tóc vàng, khuôn mặt bầu bĩnh với nụ cười rạng rỡ. Từ nhỏ, cô bé đã góp mặt trên trang bìa của nhiều tờ báo lớn và được mời tham dự các chương trình quảng cáo. Em được kỳ vọng sẽ trở thành hoa hậu thế giới trong tương lai.

Tuy nhiên, tương lai tươi sáng của JonBenet đã chấm dứt vào ngày định mệnh 26/12/1996. Ngày hôm đó, bà Patsy Ramsey, mẹ của JonBenet, gọi điện cho cảnh sát thông báo rằng con gái mình bị bắt cóc tại nhà riêng ở thành phố Boulder, bang Colorado. Trên giường trong phòng ngủ của cô bé, gia đình tìm thấy một mảnh giấy đòi 118.000 USD tiền chuộc.

Tuyên bố là thành viên của tổ chức nước ngoài, hung thủ đe dọa sẽ giết JonBenet nếu gia đình cố tình báo cáo sự việc cho các cơ quan điều tra hoặc thông đồng với cảnh sát giăng bẫy.

Ban đầu, gia đình nghĩ JonBenet chỉ bị bắt cóc nên đã chuẩn bị tiền chuộc để cứu con gái. Số tiền bọn bắt cóc yêu cầu bằng đúng khoản lợi nhuận mà ông John Ramsey, cha của JonBenet, thu về nhờ kinh doanh.

Sau khi chuẩn bị tiền chuộc, gia đình Ramsey vẫn gọi điện cho 911 thông báo về vụ bắt cóc. Kể từ đó, họ không hề nhận được bất cứ cuộc gọi nào từ nhóm bắt cóc.

Nhưng đến khoảng 1 giờ 30 phút chiều cùng ngày, gia đình phát hiện thi thể của JonBenet trong tầng hầm tại nhà riêng. Dây thừng quấn quanh cổ JonBenet, tay bị trói ngược trên đầu và miệng bị bịt kín.

Người cô bé được phủ một tấm chăn mỏng. Trên người JonBenet có dấu hiệu bị bóp cổ, hộp sọ có vết nứt. Theo lời khai của gia đình nạn nhân, lần cuối cùng JonBenet được nhìn thấy là vào đêm ngày 25/12, khi cô bé lên giường đi ngủ.

Sau kết quả khám nghiệm tử thi, gia đình đã đưa JonBenet về quê hương ở bang Georgia để chôn cất. Cái chết của JonBenet trở thành vụ án gây chấn động nước Mỹ vào thời điểm bấy giờ. Điều đặc biệt danh tính của hung thủ vẫn là một bí ẩn chưa có lời giải, bất chấp nhiều nghi phạm và dấu vết được phát hiện trong những năm qua.

Theo Bảo tàng Tội phạm Washington, gia đình JonBenet có thể đã mắc một số sai lầm sau khi phát hiện thi thể nạn nhân. Họ không thể giữ ngôi nhà trong hiện trạng ban đầu từ khi cô bé mất tích đến lúc tìm thấy thi thể.

Gia đình cũng đã động chạm vào thi thể nạn nhân khiến nhiều bằng chứng bị hủy hoặc bị sai lệch. Do đó, cơ quan điều tra đã gặp khó khăn trong việc thu thập và phân tích chứng cứ.

Qua khám nghiệm tử thi, cảnh sát rút ra một số kết luận quan trọng. Đầu tiên, nguyên nhân dẫn đến cái chết là bị ngạt và chấn thương não. Xung quanh ngôi nhà không có dấu chân dù hôm đó, trời đổ tuyết lớn. Căn hầm nơi thi thể nạn nhân được tìm thấy cũng là căn phòng khó tìm thấy nên giả thuyết cho rằng hung thủ là người quen biết với gia đình nạn nhân.

??Hung thủ trong bóng tối

Ngày 1/1/1997, gia đình JonBenet xuất hiện trong cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình CNN. Họ khẳng định, một kẻ giết người giấu mình đang rình rập trong bóng tối. Gia đình JonBenet hứa trao thưởng hậu hĩnh cho những ai có thông tin về kẻ giết người. Sau đó, cơ quan điều tra đã nhận được hơn 500 bức thư, hơn 1.100 cuộc điện thoại báo cáo về vụ án nhưng đều là thông tin sai lệch.

Tuy nhiên không lâu sau, giới truyền thông đưa tin ông bà Ramsey trở thành nghi phạm chính trong vụ án. Từ bằng chứng về việc xung quanh ngôi nhà không có dấu chân, căn hầm nơi thi thể nạn nhân được tìm thấy khó tìm thấy, truyền thông nghi ngờ hung thủ chính là người thân trong gia đình.

Ngoài ra, nội dung yêu cầu tiền chuộc cũng rất đáng ngờ. Thông thường, kẻ bắt cóc sẽ đòi một khoản tiền chung chung nhưng trong tờ giấy, nghi phạm đã chỉ cụ thể là 118.000 USD.

Khoản tiền này khớp với số tiền thưởng kinh doanh của ông John. Các đồng nghiệp của ông John cũng thừa nhận rất ít người biết về khoản tiền thưởng đó, ngoài những người thân quen hoặc chính ông John.

Cảnh sát nhanh chóng đưa ông bà John và Patsy Rasmey vào diện tình nghi chính trong vụ án. Giả thuyết cho rằng, hai người đã vô tình sát hại

JonBenet và sau đó dàn dựng hiện trường thành vụ đột nhập, bắt cóc và giết người. Nhưng cha mẹ JonBenet đã cương quyết phủ nhận những lời buộc tội.

Việc cha mẹ JonBenet có phải thủ phạm của vụ án đã gây ra tranh cãi trong một thời gian dài. Nhiều điều tra viên đã phản đối giả thuyết này. Họ lập luận rằng trong căn hầm có một cửa sổ thông với bên ngoài nên hung thủ có thể đã đột nhập từ đây và vô tình phát hiện căn hầm này tương đối khép kín so với căn nhà. Số khác vẫn chĩa nghi ngờ vào cha mẹ JonBenet.

Những bất đồng này khiến việc điều tra trở nên rối ren và tiêu tốn nhiều thời gian hơn. Cho đến năm 2003, vụ việc đã có bước ngoặt mới. Thông qua phương pháp xét nghiệm ADN mới nhất, các chuyên viên pháp y đã bóc tách được vết máu trên quần áo của JonBenet. Kết quả ADN cho thấy vết máu thuộc về một người đàn ông chưa xác định.

Vì ADN này không trùng khớp với những người thân trong gia đình JonBenet, ông bà Ramsey mới chính thức được loại khỏi vòng điều tra.

Nghi phạm tiếp theo là John Mark Karr, giáo viên tại một trường trung học địa phương. Tháng 8/2006, hắn thừa nhận là hung thủ giết chết JonBenet. Người đàn ông này khai rằng đã đón JonBenet từ trường về nhà cô bé. Tại đây, hắn ta đánh thuốc mê, hãm hiếp cô bé và không may khiến em tử vong.

John Mark Karr làm vậy vì quá hâm mộ vẻ đẹp trong sáng của nạn nhân. Tuy nhiên, mẫu ADN và lời khai của Karr không trùng khớp với tình tiết sự việc. Tương tự, một nghi phạm khác là Gary Olivia, người đã thú nhận với bạn bè rằng đã sát hại JonBenet cũng bị loại khỏi cuộc điều tra do mẫu ADN không trùng khớp.

Một giả thuyết khác là hung thủ là người thân thiết với gia đình nạn nhân. Trong số này, nghi phạm lớn nhất là bà Linda Hoffman-Pugh, quản gia của gia đình Ramsey. Người này không chỉ có chìa khóa nhà, tường tận lịch trình của gia đình Ramsey, mà còn có khả năng xem trộm bảng lương, tiền thưởng của ông John.

Hơn nữa, chứng cứ ngoại phạm của bà Linda thiếu chắc chắn. Vào thời điểm JonBenet mất tích, bà Linda khai rằng đang ngủ một mình, không có nhân chứng chứng minh lời khai này. Nhưng bà Linda chưa bao giờ bị buộc tội chính thức do những nghi ngờ này không có cơ sở trực tiếp.

Nghi phạm tiếp theo là ông Michael Helgoth, người sống ở khu vực lân cận và có khả năng đột nhập vào gia đình Ramsey. Tuy nhiên, ông Michael đã chết chỉ 2 ngày sau khi án mạng xảy ra. Cơ quan điều tra cho rằng, ông ta bị thủ tiêu bởi đồng bọn trong vụ bắt cóc. Nhưng vì nghi phạm đã chết nên giả thuyết này cũng rơi vào ngõ cụt.

??Giả thuyết chấn động

Nhưng giả thuyết gây sốc nhất là anh trai của JonBenet, Burke Ramsey, khi đó 9 tuổi, chính là hung thủ sát hại em gái. Ý tưởng này bắt nguồn từ bộ phim tài liệu “Vụ án của JonBenet Ramsey” (The Case of: JonBenet Ramsey) do CBS phát hành năm 2016.

Trong cuộc phỏng vấn làm tư liệu cho bộ phim, nhân viên khám nghiệm y khoa khi ấy cho biết đã tìm thấy dứa trong dạ dày của JonBenet. Cơ quan điều tra cũng tìm thấy một bát dứa trong bếp. Nhưng bà Patsy cho biết không hề chuẩn bị dứa cho JonBenet.

Từ đó, giả thuyết cho rằng, Burke đã chuẩn bị dứa để ăn nhẹ vào đêm khuya nhưng em gái JonBenet đã ăn vụng một mình. Burke được cho là dùng một vật nặng, như đèn pin, đập vào đầu em gái. Cha mẹ của JonBenet cho rằng, con gái đã chết nên dàn dựng vụ bắt cóc và sát hại em.

Tuy nhiên, sau khi chương trình được phát sóng, Burke và ông John đã đệ đơn kiện đơn vị phát hành. Burke Ramsey đã đòi CBS bồi thường 750 triệu USD cho những giả thuyết vô căn cứ.

Cho đến nay, vụ sát hại JonBenet vẫn là một trong những “án nguội” được quan tâm nhiều nhất tại Mỹ. Cơ quan điều tra vẫn lưu tâm đến những tình tiết và giả thuyết của vụ án này còn cộng đồng bày tỏ sự thương cảm đối với nạn nhân xấu số.

Ông Jim Clemente, cựu điều tra viên FBI, cho rằng lý do vụ án JonBenet vẫn là một bí ẩn bởi gia đình Ramsey không muốn nó được giải quyết. Điểm mấu chốt là lá thư đòi tiền chuộc dài 3 trang được các chuyên gia ngôn ngữ phân tích và chỉ ra có sự dàn xếp với lỗi sai có chủ ý. Điều khiến cơ quan điều tra băn khoăn nhất là khoản tiền chuộc chính xác đến từng con số, 118.000 USD.

Độ dài của lá thư cũng rất đáng nghi. Thông thường, với những lá thư đòi tiền chuộc, hung thủ chỉ viết khoảng 50 – 60 từ trong khi thư nhà Ramsey nhận được có đến 385 từ. Trong khi nội dung bức thư có thể tóm gọn trong 3 câu. Gia đình Ramsey có thể đã giả mạo bức thư này để đánh lạc hướng cuộc điều tra.

Song cho đến nay, tất cả những nghi ngờ trên đều chỉ là giả thuyết và không nghi ngờ nào có bằng chứng xác đáng. Nhiều thập kỷ sau vụ giết người, nước Mỹ vẫn chung một câu hỏi: Ai là hung thủ sát hại “hoa hậu nhí” JonBenet Ramsey?

Nguồn: giaoducthoidai

You may also like

Leave a Comment