Trên thực tế, có quá nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không xem xét, phân tích kỹ lưỡng các vấn đề cấp bách trước khi đưa ra quyết định. Thật tiếc, điều đó thường gây tổn hại lớn cho tổ chức của họ. Tuy nhiên, tin tốt là, vấn đề này hoàn toàn có thể được giải quyết nhờ khả năng tư duy phản biện, thứ có thể được cải thiện thông qua học tập và rèn luyện thường xuyên.
Trên thực tế, có quá nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không xem xét, phân tích kỹ lưỡng các vấn đề cấp bách trước khi đưa ra quyết định. Thật tiếc, điều đó thường gây tổn hại lớn cho tổ chức của họ. Tuy nhiên, tin tốt là, vấn đề này hoàn toàn có thể được giải quyết nhờ khả năng tư duy phản biện, thứ có thể được cải thiện thông qua học tập và rèn luyện thường xuyên.
Trong đó, có ba điều đơn giản có thể làm hằng ngày giúp bản thân trở thành một nhà tư duy phản biện hiệu quả hơn, bao gồm:
- Đặt câu hỏi cho các giả định
- Lập luận thông qua logic
- Đa dạng hóa góc nhìn và quan điểm của bản thân.
Nghe thì có vẻ hiển nhiên, nhưng trau dồi ba thói quen này sẽ giúp bạn có những lập luận rõ ràng và vững chắc.
Cách đây vài năm, một giám đốc điều hành đã khẳng định với tôi rằng công ty của ông ấy hiện đang ở vị trí dẫn đầu, đồng thời tự tin “Khách hàng sẽ không rời bỏ chúng tôi để sang phía của đối thủ cạnh tranh, đơn giản vì việc này khiến họ tốn quá nhiều chi phí.” Không may là, chỉ trong vòng vài tuần sau đó, Procter & Gamble, gã khổng lồ trong ngành sản xuất, đồng thời là đối tác, khách hàng lớn của công ty này, đã quyết định không gia hạn hợp đồng, điều đó hoàn toàn nằm ngoài dự kiến của ông.
Trong suốt 20 năm qua, tôi đã hỗ trợ hàng loạt các tổ chức, công ty gặp khó khăn trong việc tiếp cận sai phương thức quản lý. Đôi khi, vấn đề của họ là không kịp thích ứng với thay đổi công nghệ, khi khác lại đơn giản bắt nguồn từ quyết định sai lầm của những cá nhân đứng đầu. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, những vấn đề này nói chung đều xuất phát từ một nguyên nhân gốc rễ: Thiếu tư duy phản biện.
Có nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp chỉ đơn giản là không tư duy, lập luận qua tình huống cấp bách, đồng thời không dành thời gian xem xét, đánh giá mọi mặt của vấn đề. Ngược lại, họ có xu hướng nhanh chóng đi đến kết luận đầu tiên và bỏ qua tất cả bằng chứng, dữ kiện đi sau đó. Tệ hơn nữa là họ sẽ chỉ chấp nhận chuỗi các dữ kiện chứng minh cho niềm tin trước đó của mình. Có thể nói, thiếu siêu nhận thức – hay tư duy về nhận thức – là yếu tố cốt lõi khiến những nhân vật quan trọng này trở nên tự tin thái quá.
Tin tốt là khả năng tư duy phản biện có thể được nâng cao thông qua học tập. Nhằm hỗ trợ mọi người làm được điều đó, tôi đã thành lập Tổ chức phi lợi nhuận có tên Reboot Foundation (cung cấp các công cụ và tài nguyên giúp trau dồi năng lực tư duy phản biện, hiểu biết về phương tiện truyền thông và thực hành phản tư). Dựa trên kinh nghiệm cá nhân của tôi cũng như công trình nghiên cứu của các chuyên gian đang làm việc trong tổ chức, tôi đã tổng hợp lại ba điều đơn giản mà bạn có thể làm để cải thiện kỹ năng tư duy phản biện của mình:
- Đặt câu hỏi cho các giả định
- Lập luận thông qua logic
- Đa dạng hóa góc nhìn và quan điểm của bản thân.
Giờ thì, bạn có thể nghĩ “Ồ tôi đã thực hành chúng trước đó rồi mà”. Chắc chắn bạn có thể làm và đã làm rồi, nhưng vấn đề nằm ở việc nó không thực sự tâm huyết như bạn tưởng. Thực chất, việc nghiêm túc trau dồi ba thói quen quan trọng này sẽ giúp bạn có được kỹ năng tư duy phản biện và qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân trong thị trường việc làm thời nay.
Đặt câu hỏi cho các giả định
Khi làm việc với một tổ chức, tôi thường bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi về chính các nhận định của công ty này. Có lần, tôi đóng giả là một người mua sắm để đến thăm hàng chục cửa hàng của một chuỗi bán lẻ. Nhờ đó, tôi sớm phát hiện ra rằng họ đã đánh giá mức thu nhập khả dĩ của khách hàng cao hơn nhiều so với thực tế. Chính bởi vậy, họ mắc sai lầm trong việc định giá các mặt hàng thời trang của mình và khiến cho doanh thu chững lại. Thực chất, nếu điều này được cải thiện (quần, áo được định giá thấp hơn), họ có khả năng sẽ kiếm thêm được cả chục triệu đô mỗi năm.
Tất nhiên, thật khó để đặt câu hỏi và nghi ngờ về mọi thứ. Hãy tưởng tượng một ngày bạn đặt ra cho chính mình hàng loạt câu hỏi: Bầu trời có thực sự xanh không? Điều gì sẽ xảy ra nếu người bên cạnh tôi không phải là đồng nghiệp của tôi mà là chị gái sinh đôi của cô ấy? Làm thế nào để tôi thực sự biết rằng tình hình kinh tế sẽ cải thiện vào ngày mai?
Bước đầu tiên để đặt câu hỏi về các giả định này là tìm ra thời điểm thích hợp để làm việc đó. Hóa ra, phương pháp đặt câu hỏi đặc biệt hữu ích khi được đặt trong tình huống đòi hỏi sự đánh đổi và có tính mạo hiểm cao.
Do đó, nếu vấn đề bạn đang thảo luận là về chiến lược dài hạn của công ty, dựa trên chi phí cơ hội và nỗ lực nhiều năm của cả một tập thể, hãy đảm bảo rằng những câu hỏi sau sẽ được suy nghĩ để trả lời: Làm thế nào để bạn biết rằng hoạt động kinh doanh chắc chắn sẽ tiến triển? Các nghiên cứu nói cho bạn điều gì về tương lai và tiềm năng phát triển của thị trường? Bạn đã dành đủ thời gian để thật sự hiểu khách hàng mục tiêu, bằng cách đặt mình vào vị trí của họ hay chưa?
Một cách khác để đặt câu hỏi về các giả định của bạn là xem xét các lựa chọn thay thế. Bạn có thể hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu khách hàng của chúng tôi đổi ý? Sẽ thế nào khi các đối tác kinh doanh ngừng ký kết hợp đồng? Những câu hỏi như vậy sẽ giúp bạn có được quan điểm mới và quan trọng hơn nữa là giúp trau dồi tư duy một cách thường xuyên hơn.
Lập luận thông qua logic
Nhiều năm về trước, tôi nhận được yêu cầu tư vấn cho một hãng đồ lót lớn trong giai đoạn doanh thu từ sản phẩm chính của họ ngừng tăng trưởng và không ai có thể hiểu được lý do tại sao.
Sự thật, hóa ra khá đơn giản, là công ty đã mắc sai lầm trong việc đi đến kết luận quá chung chung dựa trên lượng thông tin hạn chế. Cụ thể, công ty này tin rằng tất cả các khách hàng quốc tế của họ đều có sở thích về đồ lót giống nhau. Vì vậy, họ phân phối cùng một mẫu mã đến mọi cửa hàng trên khắp khu vực Châu Âu.
Khi nhóm của tôi bắt đầu trò chuyện với nhân viên bán hàng và bản thân người tiêu dùng, chúng tôi nhận ra rằng khách hàng ở các quốc gia khác nhau có thị hiếu và sở thích rất khác biệt. Ví dụ, phụ nữ Anh có xu hướng mua áo lót ren có màu sắc tươi sáng. Trong khi đó phụ nữ Ý chuộng áo lót màu be, không có ren, còn ở Hoa Kỳ thì ưa chuộng sử dụng áo ngực thể thao.
Trong thực tế, việc thay đổi cách tư duy, lập luận đã giúp công ty này cải thiện đáng kể lợi nhuận của mình. Thật may là thực hành logic chính thức đã có từ thời Aristotle, cách đây ít nhất 2.000 năm. Trong hai thiên niên kỷ đố, tư duy logic đã chứng tỏ giá trị của nó bằng cách giúp chúng ta đưa ra những kết luận đúng đắn hơn.
Vì vậy, tại tổ chức của bạn, hãy chú ý đến “chuỗi” logic được xây dựng bởi một lập luận cụ thể. Hãy tự hỏi bản thân: Lập luận của bạn có hợp lý và được hỗ trợ bởi các bằng chứng, thông tin đáng tin cậy hay không? Tất cả các thông tin có hỗ trợ, bổ sung cho nhau để chứng minh tính đúng đắn của kết luận cuối cùng hay không?
Ngoài ra, nhận thức được những sai lầm phổ biến cũng có thể cho phép bạn suy nghĩ, lập luận logic hơn. Ví dụ: khi tranh luận, hay suy nghĩ một vấn đề, mọi người thường mắc phải một lỗi ngụy biện có tên “hậu định” (post hoc). Cụ thể, mọi người tin rằng “vì sự kiện Y xảy ra sau kiện X, nên sự kiện X chắc chắn phải là nguyên nhân dẫn đến Y”.
Nếu áp lối suy nghĩ này trong việc kinh doanh, một nhà quản lý có thể tin rằng doanh số của họ tăng mạnh vào mùa xuân chỉ đơn giản bởi vì các đại lý bán hàng được truyền động lực bởi các bài phát biểu hùng hồn đợt đầu năm từ ban giám đốc – nhưng cho đến khi giả định đó được chứng minh, không có cách nào người quản lý đó có thể biết liệu niềm tin của họ có đúng hay không.
Đa dạng hóa góc nhìn và quan điểm của bản thân.
Trong nhiều năm liền, tôi là cộng sự nữ duy nhất trong nhóm chuyển đổi của McKinsey. Ngày nay, tôi tham gia tư vấn cho hơn nửa tá nhân vật trong hội đồng quản trị và vẫn thường là người châu Á, là phụ nữ duy nhất trong phòng họp.
Nhờ nền tảng và kinh nghiệm sống của mình, tôi có xu hướng nhìn mọi thứ khác biệt so với mọi người xung quanh. Điều này thường đem lại lợi thế cho tôi. Tuy nhiên, tôi cũng không hoàn toàn miễn nhiễm với lối suy nghĩ theo số đông. Khi ở cạnh những người có cùng tuổi tác, tư tưởng chính trị, xu hướng tôn giáo, tôi cố gắng thu thập các ý kiến, quan điểm khác nhau. Điều đó giúp tôi trở có thể nhìn nhận mọi vấn đề theo cách thấu đáo hơn.
Mọi người có xu hướng bị thu hút bởi những người có chung quan điểm và suy nghĩ. Nhất là trong thời đại internet đang trở nên phổ biến, không khó để tìm thấy một hội nhóm có cùn chung lối sống, sở thích với mình. . Chính vì vậy, các thuật toán và truyền thông xã hội có thể khiến tầm nhìn của chúng ta trở nên hạn hẹp, khi chỉ cung cấp những tin tức, câu chuyện phù hợp với niềm tin cá nhân của mỗi người.
Đây thực sự là một vấn đề nan giải. Nếu vòng tròn quan hệ xã hội của chúng ta chỉ toàn những người có lối suy nghĩ và tư duy tương tự, chúng ta sẽ trở nên cứng nhắc và có ít cơ hội để thay đổi niềm tin của mình. Thật vậy, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, quan điểm của chúng ta sẽ càng trở nên phân cực khi các quan điểm đó càng được nhiều người lắng nghe và đồng tình.
Vì vậy, điều quan trọng hơn cả, là vượt qua được cái bóng của bản thân và thoát ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Bạn có thể làm điều đó dần dần bằng cách bắt đầu từ bước nhỏ. Ví dụ, nếu bạn làm việc trong lĩnh vực kế toán, hãy kết bạn với những người làm trong lĩnh vực marketing. Nếu bạn luôn đi ăn trưa với nhân viên cấp cao, hãy thử đi xem một trận bóng với đồng nghiệp cấp dưới của mình. Tự rèn luyện bản thân theo cách này sẽ giúp bạn thoát khỏi việc suy nghĩ theo lối mòn để qua đó tiếp nhận những quan điểm sống và vốn hiểu biết phong phú hơn.
Trong môi trường làm việc nhóm, hãy cho mọi người cơ hội đưa ra ý kiến của mình một cách độc lập mà không bị ảnh hưởng bởi bất cứ ai. Ví dụ: khi cần lời khuyên, tôi sẽ thường giữ lại cách nghĩ của mình, đồng thời yêu cầu các thành viên trong nhóm gửi riêng ý kiến của họ qua email. Chiến thuật này giúp mọi người đưa ra quan điểm độc lập, không bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của số đông.
Mặc dù những chiến thuật đơn giản này nghe có vẻ dễ dàng hoặc thậm chí rất hiển nhiên, nhưng trong thực tế, chúng lại rất hiếm khi được áp dụng, đặc biệt là trong giới kinh doanh, khi mà có quá nhiều công ty, tổ chức không dành thời gian để khuyến khích quá trình lập luận thấu đáo.
Tuy vậy, như đã nói, tư duy phản biện đóng một vai trò quan trọng. Mặc dù may mắn cũng phần nào đó đóng góp vào sự thành bại của một công ty, nhưng về dài hạn, sự thành công của họ được hình thành chính nhờ lối tư duy đúng đắn.
Vượng Hoàng dịch | Harvard Business Review