Không khám chữa bệnh, các bác sỹ pháp y vẫn ngày đêm “giải mã sự thật”, nói thay nỗi oan khuất của người bị hại, trả lại lẽ công bằng cho xã hội.
Theo thượng tá, bác sĩ Trần Ngọc Sơn (Phó Giám đốc Trung tâm giám định pháp y, Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an), trong thực tế giám định pháp y, nhiều vụ việc ngoài vận dụng tốt kiến thức chuyên môn để đưa ra những kết luận chính xác, các giám định viên còn phải có kiến thức sâu rộng về hiện trường và dấu vết. Đôi khi chính những kiến thức này đã giúp ích nhiều cho cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, kết thúc vụ án.
“Kinh nghiệm nhiều năm trong công tác khám nghiệm, thu thập dấu vết cho thấy những dấu vết chính dễ nhìn thấy ngay nhưng đôi khi những dấu vết nhỏ, dấu vết phụ lại là quan trọng, là nút mở để tìm ra thủ phạm. Những tình tiết nhỏ nếu vô tình bỏ qua đôi khi sẽ ảnh hưởng đến tính chất vụ án”, bác sĩ Sơn nói.
Vết thương hình nan quạt
Vào đầu năm 90 của thế kỷ trước, khi đó bác sĩ trẻ Trần Ngọc Sơn được phân công đi trợ giảng lớp đào tạo giám định viên pháp y của ngành Công an, mở tại Công an tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương). Thời điểm đó, tỉnh này xảy ra một vụ án mạng đau lòng khi nạn nhân là hai chị em ruột, người em trai chết ngay tại chỗ, còn cô chị cả tên H được đưa đi cấp cứu và sống sót.
Mọi hướng điều tra đều tập trung truy tìm kẻ lạ mặt, song suốt quá trình điều tra, thủ phạm vẫn là một ẩn số và vụ án có nguy cơ rơi vào bế tắc. Lúc này, cơ quan điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã mời bác sĩ Trần Ngọc Sơn trực tiếp tham gia giám định và từ đây những nút thắt quan trọng của vụ án bắt đầu được tháo gỡ.
Đã hơn hai chục năm trôi qua, nhưng những lời khai “ráo hoảnh” của cô chị gái trong vụ án đó vẫn khiến bác sĩ Sơn ám ảnh: “Bố mẹ cháu đi làm vắng nhà, chỉ có hai chị em đang ăn trưa thì một kẻ bịt mặt ập tới, đe dọa và vung dao chém cả hai chị em, vì quá bất ngờ, hai chị em cháu không kịp kêu cứu”.
“Hiện trường không bị xáo trộn, đĩa cá kho chỉ vơi đi mấy lát, bát rau luộc còn trên lưng nửa, nồi cơm mới được xới vào hai chiếc bát con mà hai chị em còn ăn dở, vết máu chưa kịp khô… Đáng chú ý là con dao gây án lại chính là con dao của gia đình nạn nhân”, bác sĩ Sơn cho biết thêm. Rồi những bất thường chưa có lời giải khi cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai của nhân chứng đang làm đau đầu cơ quan điều tra.
Những người hàng xóm cạnh nhà nạn nhân cho biết có hai tình tiết rất đáng quan tâm, đó là: tại thời điểm xảy ra vụ án, họ không hề nghe thấy bất kỳ tiếng chó sủa nào, mặc dù con chó của gia đình nạn nhân được tiếng là dữ dằn và sẵn sàng lao ra cắn bất cứ người lạ mặt nào khi đến nhà nếu không được sự trông coi cẩn thận của gia chủ. Và lúc vụ án xảy ra, con đường dẫn đến cổng nhà H. đang được một số người dân mang thóc ra phơi, và họ khẳng định: không hề có người lạ mặt nào đi vào…
Việc khám nghiệm tử thi nạn nhân là người em trai xấu số của H và nghiên cứu những vết thương trên thi thể người em trai được tiến hành ngay lập tức. Bác sĩ Sơn cho biết, khi án mạng xảy ra, hai chị em ăn cơm và ngồi đối diện nhau. Những vết thương trên thi thể người em trai có hướng từ trên xuống, sâu và tập trung nhiều ở phần đầu, mặt phía bên trái nạn nhân, còn những vết thương trên cơ thể H nông, chỉ đủ gây chảy máu, tập trung nhiều ở cánh tay bên trái, theo chiều hướng hình nan quạt từ ngoài vào trong và trong tầm với tay phía bên phải H.
Một câu hỏi được đặt ra lúc này: “Nếu có thủ phạm như lời miêu tả của H, khi dùng dao gây án, thì lực tác động và vết thương gây ra trên cơ thể các nạn nhân phải tương tự nhau chứ không thể nông – sâu khác nhau như vậy?” Mặt khác, khi bác sĩ Sơn hỏi H: “Cháu thuận tay nào?” thì H đáp gọn lỏn “Tay phải ạ”. Bằng linh cảm nghề nghiệp mách bảo, bác sĩ Sơn nhận định, có thể chính H là thủ phạm gây ra cái chết cho người em trai ruột của mình.
Lúc này, hướng điều tra bắt đầu tập trung vào cô chị gái 12 tuổi. Tuy mới độ tuổi thiếu niên nhưng H tỏ ra khá bản lĩnh và ăn nói lưu loát. Trong lúc H đang điều trị vết thương ở bệnh viện, cơ quan điều tra đã tiến hành lấy lời khai của cô bé. Lúc đó, H đã khóc rất to, kêu gào thảm thiết và luôn miệng nói “Tại sao lại có người dã man đến thế? Cháu thương em cháu lắm. Các chú đã bắt được thủ phạm chưa?” khiến không ít điều tra viên bối rối, những người có mặt cũng cám cảnh.
Trong quá trình tìm hiểu được biết, H rất sợ và luôn vâng lời cô giáo chủ nhiệm. Cơ quan điều tra đã tìm hiểu và trao đổi với cô giáo về nội dung cuộc trò chuyện phục vụ quá trình điều tra vụ án. Sau khi cô giáo hỏi thăm sức khỏe của H, cô động viên “Sự việc không có gì đâu em! Nếu lỡ tay đánh em trai như vậy thì cứ nói cho cô biết, mọi người sẽ tha thứ cho em, các bạn cũng mong em về để đi học”. “Thế em trai của em như thế nào rồi hả cô?”, giọng H hốt hoảng. “Em trai em bình phục rồi đấy, đang mong em về nhà”, cô giáo ân cần.
Lúc này, H bỗng òa khóc nức nở, nấc lên từng hồi và kể lại chi tiết sự việc kinh hoàng đó: “Từ khi em trai ra đời, bố mẹ em cưng chiều nó hết mức, rồi bỏ bê em. Được thể, nó lấn tới, suốt ngày bắt nạt và đánh em. Bố mẹ cũng không bênh em. Em cảm thấy mình trở thành người thừa trong gia đình. Buổi trưa hôm đó, hai chị em đang ăn cơm, nó tranh giành đĩa cá không cho em ăn, bắt em phải ăn rau. Quá bực tức, em không kiềm chế được nữa, lấy ngay con dao ở chạn bát rồi chém luôn về phía em trai cho bõ tức. Thấy máu chảy lênh láng, em sợ quá, nghĩ cách lấy dao tự cứa vào tay mình và bịa ra câu chuyện trộm bịt mặt vào nhà để giết hai chị em…”.
“Cô bé 12 tuổi đã không phải ngồi tù về hành vi dã man của mình do chưa đến tuổi vị thành niên, nhưng những người làm cha, làm mẹ sẽ phải day dứt suốt đời bởi chính họ là “tội nhân”, bị “cầm tù về tư tưởng” khi họ vô tình trở thành nguồn gốc gây nên nỗi đau ấy”, bác sĩ Sơn tâm sự.
Lấy mác là cán bộ pháp y có quan hệ rộng, có khả năng xin việc, Tám đã lừa nhiều người đưa tiền để xin việc, chiếm đoạt hàng tỷ đồng.
Người đàn ông chết cháy trong căn nhà hoang
Một ngày đầu tháng 5/2015, Trung tâm Giám định pháp y (Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an) nhận được trưng cầu pháp y của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang về việc giám định tử thi chết chưa rõ tung tích tại căn nhà bỏ hoang.
Trước đó, vào rạng sáng cùng ngày, người dân phát hiện trong căn nhà bỏ hoang ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang có cháy lớn. Bà con hô hào nhau dập lửa, thông báo cho chính quyền địa phương. Có mặt tại hiện trường, lực lượng Công an phát hiện cửa ra vào bị khóa ngoài, bên trong ngôi nhà đang được dập tắt lửa có một tử thi nằm trên giường, buông thõng chân xuống đất.
Ngay sau đó, cơ quan Công an giữ nguyên hiện trường, thu thập thông tin đồng thời mời cơ quan pháp y của Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an cùng các đơn vị nghiệp vụ xuống để giám định tử thi, làm rõ nguyên nhân vụ việc. Sau khi nhận được trưng cầu pháp y, Đại úy Đỗ Lập Hiếu cùng kíp giám định viên tham gia ngay vào vụ việc.
Lúc này, dư luận hoang mang, đặt nhiều giả thiết: Có thể tử thi bị nhốt bên trong, khóa trái bên ngoài, phóng hỏa đốt? Nguyên nhân chết của tử thi là gì? Tử thi chết rồi mới đốt phi tang hay là bị nhốt, bị đốt bên trong? Hơn lúc nào hết, công tác giám định được quan tâm, được kỳ vọng để cơ quan điều tra phá án. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, nhiều mũi phá án, trong đó lĩnh vực pháp y là mấu chốt.
Việc giám định được tiến hành khẩn trương nhưng tỉ mỉ, thận trọng để xác định chính xác nguyên nhân chết và cơ chế hình thành thương tích của tử thi. Theo giám định viên, trên người tử thi có những dấu vết trên đầu, mặt, ngực, bụng, tay, chân. Nhiều vết thương sắc, nhọn. Bằng nghiệp vụ, giám định viên đánh giá và nhận định ban đầu những vết thương đó không là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân. Những vết thương này là tổn thương sau khi nạn nhân chết.
Điều đó giúp cơ quan điều tra dựng lại hiện trường, xác định được nguyên nhân dẫn đến những vết thương trên người tử thi là do mái ngói khi bị cháy, vật trên nóc nhà bị cháy rơi xuống, găm vào người nạn nhân. Cơ quan chức năng cũng xác định nạn nhân chết trước khi bị mái ngói bị cháy rơi xuống.
Qua giám định tử thi, giám định viên đã mô tả nhận dạng nạn nhân, xác định tổn thương trên cơ thể giúp cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang định hướng tìm được người nhà nạn nhân, giải quyết vụ việc, giúp dư luận yên tâm.
Cơ quan Công an xác định nạn nhân là một nam giới có ý định tự sát nên trước đó đã đi mua xăng, khóa cửa bên ngoài sau đó tẩm xăng tự thiêu.
Nhiều ý kiến cho rằng, Giám định viên pháp y thuộc công an cấp tỉnh lâu nay vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ và phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
Đấu tranh với nghi can hiếp dâm trẻ em
Theo thượng tá, bác sĩ Trần Ngọc Sơn, khi giám định những vụ việc nhạy cảm, ngoài nắm chắc tâm lý, tư tưởng của nạn nhân còn phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm khai thác của giám định viên. Những tình tiết nhỏ nếu vô tình bỏ qua đôi khi sẽ ảnh hưởng đến tính chất vụ án.
Đó là câu chuyện bé gái 10 tuổi được Công an đưa đến Trung tâm để giám định do nghi bị người hàng xóm hiếp dâm, tuy nhiên nghi can lại không thừa nhận hành vi. Bé gái lại đang bị bệnh sùi mào gà phải điều trị tại Viện da liễu Trung ương. Để phục vụ việc điều tra, cơ quan điều tra yêu cầu giám định xác định dấu vết thương tích ở bộ phận sinh dục và tình trạng màng trinh của bé.
Gia đình cho hay hàng ngày bé tự vệ sinh cơ thể. Một lần bé đang mặc quần áo thì bị mẹ phát hiện ở vùng kín nổi các nụ sồi, ngứa. Truy hỏi rất lâu, gia đình mới biết các nốt này xuất hiện sau khi ông bác hàng xóm có một số hành vi “lạ” với con mình. Bé bảo bị ông ta dọa nếu mách cha mẹ thì sẽ “giết”.
Xác định đây là vụ án phức tạp, cơ quan điều tra trông chờ vào các kết quả giám định để có phương án đấu tranh với nghi can hiếp dâm trẻ em. Các giám định viên sau đó đề nghị Cơ quan điều tra đưa nghi can đi khám da liễu. Kết quả cho thấy, người đàn ông này mắc bệnh sùi mào gà đã lâu, đây là bệnh lây trực tiếp qua quan hệ tình dục. Từ các căn cứ này, nghi can đã bị đưa ra xét xử.
“Có thể nói, giám định pháp y là một ngành khoa học thực nghiệm, bắt đầu điều tra từ ngõ cụt và để làm sáng tỏ sự thật, các giám định viên đã phải làm hàng trăm, hàng ngàn cuộc xét nghiệm. Họ luôn luôn là những người đầu tiên đến hiện trường, thường xuyên phải tiếp xúc với xác chết… Nghề nghiệp buộc họ phải nhiều đêm thúc trắng vì sự thật chưa được làm sáng tỏ và đằng sau thành công của mỗi vụ án, luôn luôn là chiến công thầm lặng của các giám định viên pháp y”, thượng tá, bác sĩ Trần Ngọc Sơn chia sẻ.
Không trực tiếp cầm ống nghe, không đo huyết áp, không trò chuyện với bệnh nhân, các bác sỹ pháp y vẫn từng ngày âm thầm trò chuyện với… quá khứ, truy lùng dấu vết của quá khứ để tìm ra câu trả lời cho hiện tại và nói thay nỗi oan khuất của người bị hại, trả lại lẽ công bằng cho xã hội./
Nguồn: ampvov