BÁC TÔI TRONG TIỂU ĐOÀN LÀM NÊN “DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM”

by admin

(Chia sẻ của nhà báo Vũ Mạnh Hà, Phó Tổng Biên Tập Báo BVPL)

Cũng như bao gia đình khác ở đất nước hình chữ S này, họ hàng nội ngoại tôi có 40 cựu chiến binh, hơn mười người là liệt sĩ, trong đó 2 cậu, 2 bác ruột tham gia chiến trường B hy sinh đều chưa biết phần mộ. Ông bà tôi tận đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn day dứt vì chưa đưa được hài cốt con mình về quê cha đất tổ.

Gần nửa thế kỷ sau ngày bác tôi khoác ba lô lên đường đánh giặc, gia đình mới tìm thấy bác ở Nghĩa trang liệt sĩ TP HCM. Bác tôi nằm đó trong ngôi mộ tập thể của d16 Anh hùng – Tiểu đoàn đã lập công xuất sắc, là nguồn cảm hứng để nhà thơ Lê Anh Xuân sáng tác bài thơ bất hủ “Dáng đứng Việt Nam” hơn nửa thế kỷ trước…

1. Ông bà nội tôi có 4 anh em trai, bác là anh cả, sinh năm 1937. Tháng 9/1965, khi bác dâu mang thai anh tôi được 3 tháng thì bác tái ngũ, biên chế trong Tiểu đoàn 5 (d5), Trung đoàn 24, Sư đoàn 304B (Quân khu 3). Vì lý do bí mật (đơn vị huấn luyện chiến đấu) nên bác tôi không quay về thăm gia đình kể cả lúc chuẩn bị vào chiến trường. D5 hầu hết quân số quê ở Hà Nam Ninh (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) và Hải Phòng. Ban chỉ huy tiểu đoàn và các đại đội đều là bộ đội tái ngũ nên khá thiện chiến, do vậy đầu năm 1967, d5 đổi phiên hiệu rồi nhận lệnh vào Nam chiến đấu.

Bác dâu tôi kể rằng, Tết Mậu Thân 1968 dù chồng đã vắng nhà 3 cái Tết nhưng đêm Giao thừa năm đó, tự dưng bác thấy lòng dạ như lửa đốt. Khoảng 5h sáng, thấy chồng mặc độc chiếc quần xà lỏn, mặt mũi bê bết bùn đất, cầm súng đứng trước cửa, bác choàng tỉnh dậy thì đó là một giấc mơ. Ngay hôm đó bác đã linh cảm cuộc đời mình sẽ đối mặt với một mất mát rất lớn nhưng bác không dám tâm sự với ai. Bác đã không bao giờ được gặp chồng nữa, lá thư duy nhất cũng là lá thư cuối cùng bác dâu tôi nhận được vào tháng 6/1968 rồi bặt tin mãi đến năm 1975, gia đình mới nhận được giấy báo tử của bác trai…

Sau ngày 30/4/1975, bố và các chú đi khắp các địa phương tìm mộ bác nhưng đều không thấy, nhiều lần lên Tỉnh đội Hà Nam Ninh (cũ) hỏi tìm nhưng chỉ được các anh làm chính sách nhận đơn và hứa sẽ báo ngay cho gia đình khi có tin mới. Ông bà thương con dâu nên nhiều lần động viên bác dâu tôi đi bước nữa, nhưng bác chỉ cảm ơn, rồi gượng nở một nụ cười trên gương mặt khô héo niềm chinh phụ.

Bác trai tôi hy sinh khi bác mới 22 tuổi, tròn nửa thế kỷ bà như một cái bóng lẻ loi trong căn nhà trống vắng để hương khói nguyện cầu. Trong văn chương cổ người vợ hóa đá thủy chung nhưng bác dâu tôi thì không thể hóa gì, vì bác còn phải nuôi đứa con (là anh Phạm Văn Giỏi) như một “tín vật” bác trai gửi lại để đợi ngày đò xưa về bến cũ…

Có một điều đến bây giờ gia đình đều không thể giải thích được đó là những giấc mơ của bà. Hầu như đêm nào bà cũng mơ thấy con trai với hình ảnh giống như bác dâu mơ thấy chồng năm nào. Nhiều lần trong cơn mộng mị chập chờn, bà hỏi: “Con ở đâu sao không về với mẹ?”. Bác trai trả lời: “Con ở xa lắm, nhiều đồng đội đang nằm ở trên nên con không thể về với mẹ!”. Bác dặn bà (bà kể lại) rằng: “Mẹ cứ ở quê đừng đi đâu, chứ mẹ đi xa con không về thăm mẹ được đâu”.

Không biết bác có sống khôn chết thiêng mà về báo mộng cho bà không nhưng tuyệt nhiên mấy chục năm trời cho đến lúc mất (1996), bà hầu như không bao giờ đi khỏi cái thôn Hoài Dương, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên (Hà Nam)…

Gần Tết Quý Mùi (2003), tôi có chuyến công tác Hà Nội, xong việc từ nhà khách Bộ Công an, tôi lang thang đi bộ từ phố Nguyễn Quyền ra hồ Thiền Quang thì gặp một bác cựu binh khoảng 70 tuổi đang ngồi ở trên ghế đá (ông tên Quang). Ông vui vẻ bắt chuyện và chủ động ngồi nhích ra đầu ghế bảo tôi ngồi xuống. Ông đang cầm một nguyệt san “Sự kiện và Nhân chứng” (chuyên đề của Báo Quân đội nhân dân). Ông hỏi thăm và nói chuyện với tôi như thể hai người đã quen nhau từ lâu. Khoảng nửa tiếng sau, ông đứng dậy ra về và đưa cuốn tạp chí cho tôi rồi nói: “Cháu cầm lấy mà xem, biết đâu trong này có nhiều thông tin mình đang tìm kiếm”.

Tôi cảm ơn ông, lật qua xem lướt qua rồi cầm tờ nguyệt san về nhà khách. Sau chuyến công tác, tôi vô tâm quên mất cuốn nguyệt san cho đến một tuần sau, đêm hôm đó trằn trọc, nóng ruột không ngủ được (tôi là người rất hiếm khi mất ngủ) tôi dậy bật đèn, với tay lên tập báo trên giá sách lấy bừa một cuốn để đọc. Thật bất ngờ, ở trang 34 nguyệt san “Sự kiện và Nhân chứng” có bài viết của một cựu chiến binh viết về trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất đêm 30, rạng 31/1/1968 của Tiểu đoàn 16.

Trong bài viết này, tác giả kể lại rằng ông là nhân chứng ít ỏi còn lại trong trận đánh đó, Tiểu đoàn hầu hết đã hy sinh, mấy người còn sống bị địch bắt đày ra Côn Đảo. Tiểu đoàn sau này bị xoá phiên hiệu nên thân nhân không biết con em mình đã hy sinh trong trường hợp nào, qua nguyệt san “Sự kiện và Nhân chứng”, tác giả muốn cung cấp tên tuổi những người trong Tiểu đoàn 16 đã hy sinh đêm Giao thừa năm Mậu Thân đỏ lửa đó.

Thật bất ngờ và xúc động khi tôi đã tìm thấy tên bác trong danh sách đi kèm bài viết: “Phạm Văn Chản, sinh năm 1937, con ông: Phạm Văn Lời; quê quán: Mộc Báo, Duy Tiên, Hà Nam”. Điểm khác biệt duy nhất là lẽ ra xã Mộc Bắc thì trong bài viết tác giả ghi là Mộc Báo.

Ngay trong đêm tôi gọi về cho bố, bố tôi gọi về quê cho bác dâu tôi, rồi gọi cho bác tôi ở Quảng Ninh, chú tôi ở Hà Nội. Đêm ấy được coi như “đêm hồng ân”, cả nhà tôi không ai ngủ. Vậy là sau 35 năm gia đình đã biết về trường hợp hy sinh và nơi chôn cất hài cốt của bác, đặc biệt vinh dự hơn khi biết bác là một trong những chiến sĩ quả cảm của d16 Anh hùng LLVTND với những trận đánh đi vào lịch sử…

2. Tiểu đoàn 16 (d16) tiền thân là Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304B thuộc Quân khu 3 được thành lập vào tháng 9/1965. Các chiến sĩ của tiểu đoàn hầu hết quê ở Hà Nam Ninh (cũ). Tháng 2/1967, với phiên hiệu Đoàn 209A, Tiểu đoàn nhận lệnh vào Nam chiến đấu. Từ tháng 7/1967, tiểu đoàn đổi phiên hiệu d16 trực thuộc Quân khu 7.

Theo báo cáo thành tích đề nghị tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (2013), d16 đã lập nhiều chiến công xuất sắc với những trận đánh xuất quỷ nhập thần. Từ tháng 7/1967 đến cuối năm 1971, trên chiến trường Tây Ninh, Sài Gòn, Long An, d16 đã đánh hơn 250 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương 3.500 tên địch (trong đó có 450 lính Mỹ), diệt gọn và đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn, 5 đại đội Mỹ – nguỵ, bắn rơi 15 máy bay các loại, phá hủy và bắn cháy 77 xe quân sự và sơn pháo; bắn chìm và cháy 26 tàu xuồng chiến đấu, thu 360 súng các loại cùng nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn đã được tặng thưởng 45 Huân chương Chiến công, hơn 500 Huy hiệu Dũng sĩ Quyết thắng và Dũng sĩ diệt Mỹ…

Trận đánh bi tráng đã đi vào lịch sử với “dáng đứng Việt Nam” của tiểu đoàn là trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất đêm 30, rạng 31/1/1968. Trong đội hình Trung đoàn 31 BTL Miền (gồm 3 đơn vị là d16, d12 và d267), Tiểu đoàn được giao nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, phát triển sang đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Đêm 30/1/1968, mặc dù không được chi viện của pháo binh theo kế hoạch, đến giờ G, tiểu đoàn vẫn quyết định nổ súng, sau khi vượt qua hơn hai mươi hàng rào kẽm gai, các chiến sĩ đánh thẳng vào tung thâm sân bay Tân Sơn Nhất, tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá huỷ nhiều máy bay, xe tăng.

Sáng 31/1/1968, địch được tăng viện hoả lực mặt đất và trên không phản kích. Cuộc chiến đấu ác liệt kéo dài trong ngày 31/1/1968. Các chiến sĩ của Tiểu đoàn đã dũng cảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng; 380 người đã anh dũng hy sinh. Sau này khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (năm 1990), một người lính chế độ Sài Gòn đã chỉ nơi chôn cất các liệt sĩ d16, các cơ quan chức năng đã khai quật và tìm được 181 bộ hài cốt đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TP HCM.

Hình ảnh những người lính quân giải phóng d16 hy sinh, tựa trên xác máy bay địch trong tư thế hiên ngang, lẫm liệt, chĩa súng về phía trước làm kẻ thù khiếp nhược. Chính hình ảnh bi tráng đó khơi nguồn cảm hứng để nhà thơ Lê Anh Xuân cho ra đời thi phẩm xuất sắc: “Dáng đứng Việt Nam”, với những câu thơ bất hủ: “Anh chẳng để lại gì cho anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ…”. Mãi mãi trận đánh quả cảm sân bay Tân Sơn Nhất đi vào biên niên oai hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam! Mãi mãi câu thơ “Anh tên gì” như một lời “chất vấn lịch sử”, làm nhói buốt con tim thân nhân những người lính Tiểu đoàn 16 anh hùng!…

DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM

(Thơ Lê Anh Xuân)

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất

Nhưng anh gượng đứng lên tỳ súng trên xác

trực thăng

Và anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng

Có thằng sụp xuống chân anh tránh đạn

Bởi anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm

Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công

Anh tên gì hỡi anh yêu quý

Anh vẫn đứng lặng im như bức tường đồng

Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên bao xác Mỹ

Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:

Anh là chiến sĩ giải phóng quân.

Tên anh đã thành tên đất nước

Ôi anh Giải phóng quân!

Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

You may also like

Leave a Comment