BÀI HỌC TRONG ĐỜI 

by admin

Tôi nhớ hoài buổi học cuối cùng năm cuối cấp một. Đó là buổi học không khí cả lớp trầm lặng đến kì lạ. Không tiếng gõ thước, cáu gắt của cô giáo cũng không một tiếng ồn ở dưới lớp. Tất cả ngồi ngay ngắn lắng nghe cô giáo nói.

Cô nói rất nhiều về chuyện học nhưng tôi không thể kể chi tiết ở đây nên sẽ nói đại khái một câu giản đơn mà sâu sắc như thế này :

” Bình thường cô hay la rầy cũng vì muốn cho các em tiến bộ chứ thật ra cô rất yêu thương lớp mình. Mai một lên cấp hai nhiều môn học khó hơn cô mong lớp mình sẽ cố gắng học tập ngày một tiến bộ. Cô chúc các em thành công ! ” Bấy nhiêu thôi nhưng trong đôi mắt ngây thơ, đứa nào đứa nấy cũng ánh lên ít nhiều xúc cảm. Và tôi cũng thế.

Cô giáo tôi tên Hiền mà tính cô cũng hiền thật. Nhưng có những lúc nét hiền dịu nhường chỗ cho sự hung dữ hiện trên khuôn mặt của cô. Đó là những lúc điểm thi đua của lớp xếp hạng áp chót. Lớp vi phạm quá nhiều. Cờ đỏ không thể bao dung.

Như bạn biết rồi đó, một khi lớp có thành tích không tốt người đầu tiên chịu trách nhiệm chính là người chủ nhiệm lớp học đó. Điều này cũng giống như việc đứa cháu, đứa con hư hỏng thì ông bà, cha mẹ là người phải chịu mắc lòng với người ta chứ không thể ai khác vô đây được. Người xưa nói câu nào có sai : ” con dại cái mang”. Lời cô giáo lúc đó khiến tôi nhớ đến hình ảnh bà nội ở nhà thỉnh thoảng cũng bặm môi, trợn mắt rồi bắt tôi nằm úp giữa nhà thưởng cho mấy roi đỏ chót trên mông. Tất cả cũng chỉ vì muốn cho đứa cháu mình thành người.

Học lớp năm, tôi cũng ít nhiều hiểu lời cô giáo mình nói. Tôi hiểu rằng trên đời này không có sự dạy dỗ nào là ngọt ngào một trăm phần trăm. Phải có lúc giận dữ, la mắng và đánh đòn. Đúng như câu : ” thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi “. Câu nói ấy như thay lời người lớn nói với con trẻ rằng : ” bọn con phải hiểu và cảm thông cho người lớn”. Và tôi đã thông cảm cho cô giống như hoàng tử bé phải thông cảm cho những việc làm kỳ quặc của thế giới người lớn ở những nơi cậu ghé thăm.

Rồi thời gian trôi qua, và những gì năm xưa tôi đã học từ cô giáo trong buổi học cuối cùng ấy vô tình bị lãng quên khi con người trong tôi đang lớn dần. Cái mới thay cái cũ, quá khứ thành dĩ vãng xa xưa khi con người ta đi qua thời tuổi thơ mộng mơ. Lãng quên nên đôi khi tôi cứ hỏi tại sao người lớn lại có quyền đánh trẻ nhỏ, tại sao cô thầy có quyền la mắng học sinh. Để rồi một ngày thật sự trưởng thành tôi đã học được một bài học đắt giá.

Trưởng thành – thế giới quan trong tôi mở rộng và nhận thức cũng chín chắn hơn. Quan sát và chiêm nghiệm cuộc đời rồi nghĩ lại những ngày xưa tôi nhận ra rằng lớp năm và cô giáo Hiền chỉ có một. Bà nội tôi cũng chỉ có một. Tuổi thơ chỉ có một đã mãi xa. Bây giờ có muốn nghe cô la mắng cũng không còn cơ hội nữa vì cô đâu còn dạy tôi, muốn bà đánh cho chục roi cũng không thể nào vì người lớn không đánh người trưởng thành bao giờ.

Được nghe giọng chí chóe của cô, được biết mùi roi của bà hóa ra là điều may mắn. Vì có những đứa trẻ thèm ước một lần trải qua khoảnh khắc ấy mà có được đâu. Nó nghèo không được đi học và không có sự hiện diện của bà trong đời.

Con trẻ lúc nào cũng muốn được nghe lời ngọt ngào, hiền dịu, ấm áp còn những lời chói tai nó không thích bao giờ, ngược lại còn rất ghét. Nhưng nhúng tâm hồn thơ dại ơi, hãy hiểu cho người lớn nhé. Bởi vì chỉ khi mình ở vị trí và hoàn cảnh của người lớn mình mới hiểu tâm trạng và cảm xúc của người lớn nó như thế nào. Đừng bao giờ nghĩ đến những điều không hay để đe dọa người lớn vì những điều mình không thích. Đừng oán ghè và ghim lòng. Hãy để yêu thương đong đầy khỏa lấp mọi sự không vui. Ngày mai nắng lên nước mắt sẽ được lau khô và cơn đau sẽ không còn. Chỉ còn lại trái tim ôm lấy trái tim thôi.

You may also like

Leave a Comment