BÀI VIẾT DÀNH CHO NHỮNG BẠN LUÔN BỊ HỎI? “CHÁU HỌC ĐH HÀ NỘI Ạ!

by admin

  • BIẾT LÀ ĐH Ở HÀ NỘI RỒI NHƯNG TÊN TRƯỜNG CỤ THỂ LÀ GÌ?”

Theo giấy khai sinh, ngày mai là sinh nhật của Trường Đại học Hà Nội, ngôi trường của tôi, nơi tôi bước vào học tiếng Nga một năm rồi sau khi trở về từ Liên Xô lại gắn bó cho đến khi về hưu. Ngôi trường này giờ là của con tôi và trong tương lai có thể là của cả cháu tôi nữa!

Tôi vẫn thường chủ quan cho rằng ít có ngôi trường nào ở Việt Nam lại có nhiều người nổi tiếng của tất cả các lĩnh vực theo học, kể cả những vị lãnh đạo cao nhất là Tổng bí thư, Thủ tướng (không phải một đâu nhé) như trường tôi. Chả là trước đây, một thời gian dài ai đi học nước ngoài đều qua trường tôi học ngoại ngữ. Có thời trường tôi dạy những hai chục ngoại ngữ. Mà hồi đó đi học nước ngoài toàn là những người học giỏi hoặc được lựa chọn kĩ càng. Tất cả đều được Nhà nước “nuôi”.

Nhưng tôi cũng chủ quan cho rằng cũng chẳng có mấy trường liên tục “thay tên đổi họ” như trường tôi. Từ khi thành lập ngày 16/7/1959 theo Quyết định số 376/NĐ-BGD Trường có tên là Trường Ngoại ngữ. Mới sau một năm, ngày 20/10/1960 Trường đã đổi tên thành Trường Bổ túc Ngoại ngữ. Rồi mấy năm sau được oai phong lên bậc, trở thành Trường Đại học Ngoại ngữ (8/1967). Nhưng số phận thật long đong là mới hơn một chục năm sau, năm 1978, Trường đã phải “xuống cấp” để có tên Trường Cao đẳng bổ túc Ngoại ngữ. Điều kì lạ là tuy đổi tên và kí hiệu tuyển sinh nhưng Trường vẫn giữ con dấu cũ. Rồi dường như “khó coi” quá năm 1984 Trường chính thức được “trả lại tên cho em” là Trường Đại học Ngoại ngữ. Và thế là chẳng phải đổi con dấu nữa. Lợi cả đôi đường. 

Không hiểu vì sao người ta cứ thêm cái từ Thanh Xuân vào mà gọi Trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân Hà Nội, kể cả trong văn bản chính thống thay cho tên gọi chính thức. Có người bảo gọi thế để phân biệt với Trường Đại học Ngoại ngữ ở mạn Cầu Giấy nhưng nói thế cũng chưa thoả đáng vì trường đó trước đây là Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ và cũng mới đổi tên giống trường tôi trong khi tên của trường tôi đã có từ năm 1967. Tôi thì lí giải cái tên Thanh Xuân rất ý nghĩa vì nó thể hiện cái tươi trẻ, cởi mở vốn là đặc thù khác biệt của Trường (và Trường cũng ở quận Thanh Xuân) nên người ta cứ thích gọi thế.

Năm xứ ta thành lập Đại học Quốc gia, một thiết chế chưa có trong lịch sử nước nhà và kì lạ. Kì lạ ở chỗ nó không phải là trường, không phải tổ chức, không phải doanh nghiệp. Người ta hợp các trường đại học lại với nhau trong đó có Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nổi tiếng để thành lập ra cái gọi là Đại học Quốc gia Hà Nội. Và trong đề án đó nghe nói định nhập cả trường tôi vào. Nhưng có lẽ do nhiều ý kiến “có trọng lượng” nên cuối cùng trường tôi không trở thành thành viên của cái University tuy có rất nhiều University là thành viên nhưng lại không phải là trường đại học!!! Hồi đó bản thân tôi và nhiều giáo viên khác đã phải dùng hết lí lẽ để giải thích mà Tây vẫn không hiểu tại sao trong University lại có nhiều university?!

Tưởng mọi thứ đã an bài mà cứ thế cày cuốc làm ăn thì đùng một cái Trường lại đổi tên một lần nữa. Và lần này không xuống cấp nhưng lại gây ra rất nhiều xáo trộn trong tình cảm của cán bộ giáo viên và sinh viên hồi ấy. Và tôi, vì những chuyện vô tình, cũng bị thiệt hại trong vụ đổi tên này.

Cùng với xu hướng hội nhập trong giáo dục trường tôi có thể nói là đã đi đầu trong các trường sớm tiếp cận giáo dục nước ngoài. Năm 2002 lần đầu tiên tại Việt Nam một chương trình giảng dạy đại học bằng tiếng Anh học phí bao cấp Nhà nước được thực hiện tại trường tôi: Chương trình Cử nhân Quản trị kinh doanh. Rồi sau đó một loạt chương trình đại học khác cũng dạy bằng tiếng Anh được ra đời. Trường trở thành trường đa ngành đào tạo chứ không chỉ đào tạo mỗi ngành ngoại ngữ như trước đó. Và tên gọi Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội đã không còn phù hợp. Ai lại dùng cái tên trường ngoại ngữ để cấp bằng quản trị kinh doanh, kế toán, quản trị du lịch…!

Thông tin đổi tên Trường hồi ấy đã là “cơn sốc” đối với nhiều giáo viên, đặc biệt là những người gắn bó lâu năm với Trường, trong đó có tôi, một người luôn trân trọng quá khứ và nuối tiếc kỉ niệm. Khắp nơi người ta xì xào. Người ta bàn tán. Người ta chê bai. Tuy vậy, theo truyền thống văn hoá của xứ này, thái độ phản đối công khai dường như ít thể hiện. Và dường như cái tên mới Trường Đại học Hà Nội – HANU đã được quyết định. Lại còn nghe đâu Trường sẽ được cổ phần hoá để bán cho tư nhân! Đâu đó chỉ còn là tiếng thở dài chấp nhận!!!

Giữa bối cảnh đó một sự kiện xảy ra như tiếng sấm giữa trời xanh. Một buổi sáng, trên trang mạng quản lí điện tử nội bộ của Trường, gọi tắt là “Tác nghiệp”, vốn cũng chả mấy trường có, xuất hiện một bài viết công khai phản đối việc đổi tên Trường. Mọi người thi nhau vào đọc. Rồi bàn tán. Rồi hi vọng. Rồi lo lắng…Tiếp đó lại xuất hiện một bài nữa rồi lại một bài nữa. Giọng điệu càng ngày càng cứng cỏi, kiên quyết và cũng không thiếu thuyết phục! Tuy không nói ra nhưng mọi người đều căng thẳng chờ đợi phản ứng của sếp trưởng, một người vừa thông minh vừa có tiếng là quyết đoán, trước một hành động hầu như chưa từng xẩy ra trong lịch sử của trường: Một người dám nêu ý kiến công khai phản bác trên trang mạng nội bộ “Tác nghiệp” của Trường. Nên nhớ thời điểm đó chưa hề nghe đến khái niệm mạng xã hội! Vì vậy một hành vi phản bác công khai như vậy quả là “vuốt râu hùm”.
Nhưng người đó là ai thì vẫn là một bí ẩn. Người ta thì thào với nhau, đoán non đoán già. Và sếp trưởng cuối cùng cũng có một cái tên để nghi ngờ. Oái oăm thay lại rơi vào tác giả của bài này. Người ta biết sếp trưởng trước đó mấy năm đã không hài lòng với thái độ của tôi vì một chuyện không tiện kể ra nên người ta đã tìm cách “tìm ra kẻ cả gan chống phá” kia và bịa thông tin để lập công với sếp. Người ta lập luận rằng tôi oán hận sếp và chỉ có tôi mới có lối viết châm biếm sâu cay đến thế. Kết cục thật buồn cho tôi những ngày tháng đó và mấy năm về sau đến mức tôi chẳng viết làm gì ngoài viết bài thơ ” Viết cho em lúc buồn”.

Cuối cùng thì việc đổi tên Trường cũng xong xuôi (Quyết định số 190/2006/QĐ-TTg ngày 17/8/2006) và trường tôi đã có 1 cái tên mới, đủ hợp lí để bước sang 1 giai đoạn mới: Trường Đại học Hà Nội – Hanu.
Nghe bảo có được cái tên này cũng đâu đơn giản. Người ta đã có ý định dành cái tên này cho một trường khác nhưng sếp trưởng vốn quen biết rộng và được các VIP ủng hộ nên sau nhiều nỗ lực mọi việc đã xong xuôi.

Phải mất bao năm cái tên Hanu mới trở thành thương hiệu như ngày nay đến mức lớp trẻ hầu như không còn biết tiền thân của Hanu là Trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân rợp bóng bạch đàn thân thương một thời. Cho dù tác giả của bài viết này cũng từng đau đáu khi Trường bị đổi tên và vô tình bị sếp trưởng “ghét bỏ” nhưng phải công nhận một điều rằng việc đổi tên Trường là một quyết định dũng cảm, quyết đoán, hợp lí, khéo léo và thể hiện một tầm nhìn xa thấy rộng mà ngôn ngữ bây giờ gọi là “tầm nhìn chiến lược”. Sau này chính một trường đại học của Thủ đô Hà Nội đành phải đặt tên là Trường Đại học Thủ đô Hà Nội vì cái tên Trường Đại học Hà Nội – Hanu đã có danh phận rồi.

Ảnh: trong bộ sưu tập của Tác giả Dang Dinh Cung

You may also like

Leave a Comment