Trích đoạn trong cuốn Đồng tiền lên ngôi
Ngày nay, bất chấp thực tế là sức mua của đồng đô la đã giảm sút đáng kể trong năm mươi năm qua, chúng ta vẫn khá hài lòng với tiền giấy, không kể tới tiền xu là thứ trên thực tế được làm từ đồ đồng nát. Chúng không phải là những vật trữ giá trị. Ngạc nhiên hơn nữa, chúng ta hài lòng với những thứ tiền mà chúng ta thậm chí không nhìn thấy. Ngày nay, tiền điện tử có thể rời khỏi người thuê mướn chúng ta, đến tài khoản ngân hàng của chúng ta, đến các cửa hàng bán lẻ yêu thích của chúng ta mà có khi chẳng cần phải hiện hữu bằng vật chất. Chính loại tiền “ảo” này hiện đang thống trị cái mà các nhà kinh tế gọi là cung tiền. Tiền mặt mà những người Mỹ bình thường giữ chỉ chiếm 11% tổng lượng cung tiền được gọi là M2. Tính chất phi vật chất của hầu hết tiền tệ ngày nay có lẽ là bằng chứng tốt nhất cho bản chất thực sự của nó.
Những người đi chinh phục đã không hiểu được rằng tiền là vấn đề của niềm tin, thậm chí là đức tin: tin vào người chi trả; tin vào người phát hành tiền hay vào tổ chức sẽ chấp nhận tờ séc hoặc các khoản chuyển khoản của người chi trả. Tiền không nhất thiết phải là kim loại. Nó là sự tín nhiệm được ghi dấu. Và việc ghi dấu vào đâu không quá quan trọng: có thể vào đất sét, vào giấy, vào một màn hình tinh thể lỏng. Bất cứ cái gì cũng có thể trở thành tiền tệ, từ vỏ những con ốc sứ trên quần đảo Maldives tới những chiếc đĩa bằng đá khổng lồ trên quần đảo Yap ở Thái Bình Dương. Và ngày nay, trong thời đại điện tử thì dường như một thứ vô hình cũng có thể trở thành tiền tệ.
Mối quan hệ trung tâm kết tinh trong tiền tệ là quan hệ giữa người cho vay và người đi vay. Hãy nhìn lại những tấm đất sét ở Lưỡng Hà. Các giao dịch được ghi lại trên đó là việc trả nợ những hàng hóa đã cho vay; những tấm này hiển nhiên được người cho vay ghi lên và giữ lại (thường chúng được đặt trong những bình đất sét được niêm phong) để lưu lại số nợ và ngày trả nợ. Hệ thống cho vay của Babylon cổ đại rõ ràng khá phức tạp. Các khoản nợ có thể được chuyển nhượng, vì thế người ta viết “trả cho người mang” chứ không phải cho một chủ nợ có tên tuổi rõ ràng. Các phiếu chứng nhận bằng đất sét hay hối phiếu (draft) được phát cho những người gửi ngũ cốc hay các hàng hóa khác tại cung điện hay đền đài. Người cho vay phải trả lãi (khái niệm này có lẽ bắt nguồn từ sự gia tăng tự nhiên đàn gia súc) với mức lãi suất thường lên tới 20%.
Các bài tập toán từ thời trị vì của Hammurabi (1792-1750 TCN) cho thấy người ta có thể đã áp dụng lãi suất kép với các khoản cho vay dài hạn. Nhưng nền tảng của tất cả những điều này nằm ở mức độ tin cậy trong lời hứa chi trả của người đi vay. (Không phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Anh, gốc của từ “tín dụng” (credit) lại là credo, có nghĩa là “tôi tin” trong tiếng Latin.) Những người vay nợ có thể được xóa nợ theo định kỳ – trên thực tế, Luật Hammurabi quy định xóa nợ ba năm một lần – nhưng điều này có lẽ không ngăn cản việc làm ăn của những người cho vay cá nhân hay công cộng với kỳ vọng hợp lý rằng họ sẽ nhận lại được tiền của mình. Trái lại, xu hướng lâu dài ở Lưỡng Hà thời cổ đại là mở rộng tài chính khu vực tư nhân. Tới thế kỷ 6 TCN, các gia đình như nhà Egibi ở Babylon đã trở thành các chủ đất và chủ nợ đầy thế lực, với các lợi ích thương mại trải dài tới Uruk cách đấy hơn 100 dặm về hướng nam và tràn vào Ba Tư về hướng đông. Hàng ngàn tấm đất sét còn tồn tại từ thời đó cho chúng ta biết số người đã trở thành con nợ của nhà Egibi vào lúc này hay lúc khác. Việc gia đình này thịnh vượng trong năm đời cho thấy nhìn chung họ đều thu lại được các khoản cho vay của mình.
Sẽ không hoàn toàn chính xác khi nói rằng tín dụng được phát minh ra ở Lưỡng Hà cổ đại. Hầu hết các khoản cho vay ở Babylon chỉ là các khoản tiền ứng trước đơn giản từ các nhà kho thuộc hoàng gia hay tôn giáo. Khi ấy vẫn chưa có tín dụng theo nghĩa hiện đại như sẽ được thảo luận ở cuối chương này. Mặc dù vậy, đây là bước khởi đầu quan trọng. Nếu thiếu đi nền tảng đi vay và cho vay thì lịch sử kinh tế thế giới sẽ khó lòng khởi sắc. Và nếu không có mạng lưới ngày càng phát triển của mối quan hệ giữa chủ nợ và con nợ thì kinh tế toàn cầu ngày nay sẽ bị ngừng lại. Trái ngược với bài hát nổi tiếng trong vở nhạc kịch Cabaret, tiền không làm Trái đất quay tròn theo nghĩa đen. Nhưng nó khiến cho một số lượng khổng lồ những con người, hàng hóa và dịch vụ di chuyển vòng quanh thế giới.
Điều đáng ngạc nhiên là ý tưởng về tín dụng bắt rễ rất chậm chạp và lừng khừng ở chính vùng đất mà nó đã phát triển hết sức ngoạn mục.
Trích đoạn thú vị lý giải về bản chất của đồng tiền và sự manh nha của tín dụng trên nằm trong cuốn Đồng tiền lên ngôi, một cuốn sách chứa tri thức đồ sộ về lịch sử tài chính thế giới. Nhân dịp 10 năm ra mắt sách, Omega+ mới đây đã xuất bản phiên bản mới, được chính tay tác giả bổ sung thêm 2 chương mới. Bạn đọc quan tâm có thể đặt sách ngay tại đây: https://omegaplus.vn/san-pham/dong-tien-len-ngoi-lich-su-tai-chinh-the-gioi-bia-mem