Có thể bạn đã không còn xa lạ gì với cụm từ “peer pressure” (áp lực đồng trang lứa) trong thời gian gần đây. Cụm từ này đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh tâm lý nặng nề đối với người trẻ hiện đại bởi chúng ta bắt gặp nó ở mọi nơi từ trường học đến nơi làm việc, từ gia đình đến ngoài xã hội, từ cuộc sống thực đến thế giới ảo.
“Peer pressure” hay còn được gọi là “áp lực đồng trang lứa”, là hiện tượng xảy ra khi bạn trẻ chịu ảnh hưởng bởi nhóm bạn cùng tuổi, các bạn cùng lớp hay đồng nghiệp. Hội chứng này tồn tại sâu trong tiềm thức, khiến cho chúng ta thường so sánh bản thân và những người đồng lứa tuổi, từ đó làm nảy sinh những áp lực và cảm xúc tiêu cực không đáng có.
Khi đối mặt với hội chứng này chúng ta bị ám ảnh bởi những câu nói kiểu như “Nhìn người ta kìa, xem con nhà họ đi…” và bạn cũng thường tự hỏi bản thân “Tại sao mình không được như vậy?”, “Phải chăng bản thân mình quá tệ so với mọi người?”. Dần dần những câu nói từ mọi người xung quanh và cả những câu hỏi tự bản thân bạn đặt ra sẽ trở thành chiếc dao tiêu cực khiến bạn mất đi sự tự tin, niềm tin vào bản thân, khiến chúng ta trở nên mệt mỏi, chán nản, quên đi mục tiêu và chỉ chạy theo những chuẩn mực mơ hồ.
Hội chứng này bất kỳ ai cũng có thể gặp phải nhưng đặc biệt nó được thể hiện rõ nhất ở độ tuổi thanh thiếu niên, những con người mới bắt đầu cuộc sống của một người tự lập, mới bước vào sự phức tạp của xã hội, chưa có nhiều kinh nghiệm và dễ bị tổn thương bởi những người xung quanh. Hơn thế nữa với sự phát triển của mạng xã hội như ngày nay thì việc tác động đến người trẻ là không thể tránh khỏi.
Các chuyên gia tâm lý cho biết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do nhu cầu mong muốn được hòa nhập, được công nhận bản thân hay áp lực muốn thể hiện sự đồng đều bởi “Thật khó để trở thành một kẻ đi ngược lại số đông”.
Tuy nhiên “Áp lực đồng trang lứa” không phải chỉ có mặt tiêu cực. Ở mức vừa phải, nó giống như một động lực giúp bạn đi đúng hướng và nâng cao khả năng bản thân, giống như câu nói “Áp lực thì sẽ tạo nên kim cương”.
Các bạn trẻ nếu đang trải qua giai đoạn cảm xúc này, hãy chủ động tìm cách để thoát khỏi nó. Trước tiên hãy đối diện và chấp nhận bản thân mình. Chấp nhận nhưng đừng cam chịu. Đừng để “áp lực đồng trang lứa” trở thành gánh nặng bởi ai rồi cũng phải trải qua áp lực rồi mới có thể trở thành một người mà bản thân mong đợi.