Lại điểm 2 (Опять двойка) là một bức tranh nổi tiếng của họa sĩ kiêm nhà giáo dục người Nga Soviet Fyodor Reshetnikov (Фёдор Павлович Решетников), vẽ năm 1952 trong thời đại Stalin.
Bức tranh mô tả tâm trạng rầu rĩ của một cậu bé với chiếc cặp nhàu nát từ trường về nhà, lại bị thêm một điểm 2 . Tâm trạng của mẹ, chị, rồi cậu em, và đặc biệt là chú chó được diễn tả rất tài tình trong tranh.
Chị của cậu bé, một Đội viên thiếu niên tiền phong chỉn chu quàng khăn đỏ, nhìn nó với vẻ trách móc và cao ngạo. Mẹ cậu ngồi ở ghế với vẻ mặt buồn rầu thất vọng ‘không nói nên lời’ về con. Còn cậu em chưa biết thế nào là ‘xơi ngỗng’, cười vô tư nhìn nó như một kẻ xa lạ. Còn cậu bé, xách chiếc cặp nhàu nát trên tay, vẻ mặt đau buồn tuyệt vọng, ánh mắt nhìn xuống đất, dường như đang muốn tránh né những cái nhìn của mọi người trong nhà đang đổ dồn về mình. Tâm trạng của cậu lúc này ư? Có lẽ là buồn bã, sợ hãi và lạc lõng trong chính ngôi nhà thân yêu của mình.
Và duy chỉ có con chó là vẫn thân thiết, chồm lên ngực cậu bé vui mừng đón chủ. Duy chỉ có con chó là biết cảm thông và chia sẻ.
Bức tranh được vẽ từ năm 1952 vào thời đại Stalin, nhưng dường như nó vẫn không mấy xa lạ trong thời đại hiện nay. Trong xã hội đang ‘chạy theo thành tích’ như ngày nay, thì những ánh mắt của người mẹ, người chị trong bức tranh không phải là hiếm.
Ở đâu đó, trong nhiều ngôi nhà, rất nhiều đứa trẻ “bị điểm 2” cũng đang phải đối diện với ánh mắt lạnh lùng và xỉa xói của chính những người thân của mình như vậy.
Ở đâu đó, vẫn có những đứa trẻ chỉ vì điểm số, vì thành tích học tập ‘không bằng bạn bằng bè’ mà phải lạc lõng, cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Và rất nhiều, rất nhiều các bậc cha mẹ, phụ huynh và nhà trường đều đang đánh giá con trẻ bằng điểm số.
Nhưng, thay vì trách móc, lạnh lùng hay cố tình gây áp lực đối với một tâm hồn non nớt, tại sao chúng ta không đón nhận trẻ bằng sự yêu thương và cảm thông nhất.
Bởi suy cho cùng, điểm số ở trường không thể kết luận một đứa trẻ là giỏi hay kém. Và thái độ của gia đình đối với điểm số đó có thể dẫn trẻ đi đến hoang tưởng hay đẩy trẻ xuống tuyệt vọng.
Quynh Chi – NDT Vietnam