BẠN ĐÃ THỬ MỘT LẦN YÊU ĐẤT NƯỚC CHÚNG TA CHƯA?

by admin

Tôi tự hỏi, tại sao một phim ngắn kể vể hành trình hơn hai năm đi vòng quanh đất nước Việt Nam, vậy mà hơn hai mươi phút thời lượng, có một nửa dành cho vùng quê sông nước ấy.

“Quê hương là chùm khế ngọt.

Cho con trèo hái mỗi ngày.”

Phải chăng hai tiếng quê hương luôn khiến cho người ta nặng lòng.

Chàng trai ưa lang thang đó không khoe khoang những nơi xa xôi anh ta đến, không lấy điểm nhấn là những cảnh đẹp nao lòng từ chiếc flycam ghi hình trên cao, mà lại đi sâu vào miêu tả con người với những tiếng cười giòn tan như tiếng động cơ của chiếc ghe máy nổ tành tạch trên mặt sông. Tiếng cười làm cho người xem thấy hạnh phúc.

Từ lúc ba giờ sắc trời còn tờ mờ sáng, chiếc ghe máy đó chở đầy ắp những người nông dân đi cắt lá hẹ. Nơi gạo trắng, nước trong, vất vả, nhọc nhằn, vùng quê ấy nghèo đến mức mà thanh niên bỏ nông thôn đi làm xa xứ miết, ở nhà chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Vậy mà cái nghèo đói chẳng làm vơi đi được sự lạc quan. Những tràng cười sang sảng của họ tan vào tiếng chân vịt khuẫy bọt nước trắng xoá trên dòng sông, va vào tim tôi gợn lên bao rung động khắc khoải.

Cuộc sống có thể vất vả nhiều lắm. Nhưng ở cái xứ mà người ta hiếu khách đến mức coi một người “dưng nước lã” cũng như con. Thì cái ăn cái uống lại chẳng phải là thứ thiếu thốn.

Người ta nghèo về vật chất, chứ không nghèo tấm lòng. Chàng trai ấy chẳng thể xấu hổ với cái thói quen “ăn chực” nhà dân của mình. Chàng trai ấy lại còn tự hào, vì thứ tình cảm chất phác, thương mến, sự níu kéo nghĩa tình ăm ắp đượm đà mà các bà, các cô, các chú dành cho mình. Ngồi khoanh chân trước nồi lẩu mắm không còn là những người nông dân bình thường nữa. Họ là ông chủ nhà hàng, bếp trưởng, bếp phó, bếp phó của bếp phó. Họ là vương giả trong bữa ăn dân dã của mình. Họ là ông hoàng, bà chúa trong gia đình bé nhỏ mà đầy ắp yêu thương.

Thế mới biết, nếu chỉ nhìn cuộc sống qua khung cửa sổ của văn phòng, đắm chìm trong deadline từ thứ hai đến thứ sáu, làm sao chúng ta biết bên ngoài những lo toan cơm áo gạo tiền còn ẩn chứa trong đó những nét đẹp đơn sơ và bình dị đến vậy.

Khi bạn gõ cửa, sẽ có người mở cửa ra. Càng đến với người khác cùng sự chân thành bao nhiêu, bạn càng dễ bước vào thế giới của họ bấy nhiêu. Từ nam vô bắc, dù lối sống, phong cách, giọng nói có khác. Nhưng tấm lòng con người thì không thay đổi.

Không phải ngẫu nhiên mà hai mảnh đất địa đầu tổ quốc được chọn làm gam màu chính chủ đạo trong đoạn phim ngắn giàu xúc cảm ấy. Không phải ngẫu nhiên mà con người mới là nét đẹp nhất điểm xuyết trong suốt hành trình rong ruổi từ nam tới bắc. Chính những người dân Việt, tâm hồn Việt mới làm nên nét đẹp cho đất nước này.

800 ngày đi khắp đất nước, chàng “khoai” đó đi mãi mà dường như không ra khỏi được “nhà” mình. Lang thang đến đâu cũng nhận được chào đón, đi đâu cũng nhận được yêu thương.

A, người đàn ông lướt vội qua ghe cứ để lại cho tôi những dòng suy tưởng miên man không dứt.

“Xấu chết mẹ, quay gì mà quay”.

Không, chú không xấu đâu, chú đẹp và duyên dáng đến lạ thường.

Việt Nam, tên gọi thiêng liêng của một đất nước lạ kỳ.

Ở đây, đắt giá nhất không phải là kim cương mà là lòng yêu nước nồng nàn.

Hào phóng nhất không phải là những “ông chủ kim tiền” mà là lòng sông nặng hạt phù sa.

Đẹp đẽ nhất không phải là những kỳ quan thiên nhiên được UNESCO công nhận mà là lòng người đôn hậu.

Bạn đã thử một lần YÊU đất nước chúng ta chưa?

You may also like

Leave a Comment