1. Content chẳng cần phải viết hay lắm đâu
Nếu đã từng lướt xem các câu chuyện xoay quanh nghề content, có thể bạn đã đọc được những funfact như: “Đi thi văn 5đ giờ làm trưởng phòng content”, “Dân chuyên toán viết content lương tháng 10 củ”… Bất ngờ chưa, đó hoàn toàn là sự thật.
Chúng ta thường nghĩ rằng cốt yếu của viết content là phải viết hay. Nhưng thực chất, nếu muốn viết hay, viết lôi cuốn thì nghề nghiệp bạn cần hướng đến là nhà văn!
Bản chất của content không phải sự lôi cuốn của câu chữ, mà là sức hút từ nội dung mà nó thể hiện đối với từng đối tượng cụ thể. Ví dụ, những chủ đề thường được gen Z quan tâm là: học tập, tình cảm gia đình, áp lực thi cử, hacks,…Khi đã có được chủ đề đủ hấp dẫn, sự khéo léo trong lời văn lúc này mới phát huy tác dụng, khiến cho người đọc không thể dời mắt mà lướt mãi đến cuối bài.
Vậy nên, nếu bắt đầu viết content, bên cạnh lời văn hay, hãy biết nghiên cứu thị hiếu của đối tượng mà bạn đang nhắm đến, và đưa ra những topic thật chất lượng. Đó mới là cách để bài viết của bạn trở nên hấp dẫn.
2. SEO là một mảng lớn, nhưng không phải là tất cả!
Những bài đăng tuyển dụng viết bài chuẩn SEO luôn luôn tràn ngập trong các hội nhóm về content. Và đôi khi, nó khiến chúng ta bị lầm tưởng đó là con đường duy nhất mà content writer có thể lựa chọn.
Content là tất cả những gì có ẩn chứa một nội dung nào đó, bao gồm cả SEO. Nó có thể là một kịch bản phim, một vài hình ảnh, hay một câu chuyện nhỏ gửi gắm thông điệp ý nghĩa…và vì thế, bạn cũng có rất nhiều lựa chọn khi bước vào nghề Content.
Tuy nhiên, SEO hiện tại đang là một xu hướng mà người người nhà nhà hướng tới. Cơ hội việc làm của mảng này cũng nhiều hơn, vì bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn được tối ưu miễn phí. Vì vậy, học viết content chuẩn SEO đồng nghĩa với việc tạo ra lợi thế và cơ hội phát triển cho bạn đấy!
3. Xin đừng nhầm content writer và copy writer
Đây là hai khái niệm rất dễ bị nhầm với nhau, thậm chí nó xảy ra cả với nhiều tổ chức còn non trẻ.
Nếu Content Writer tạo các bài viết có dung lượng dài nhằm mục tiêu duy nhất là cung cấp thông tin hữu ích cho người đọc, thì Copywriter với các nội dung ngắn gọn, súc tích muốn thu hút độc giả đến với sản phẩm và thực hiện một hành động nào đó.
Content thường xuất hiện dưới dạng các bài SEO trên website, trong khi Copywriting thường là các bài viết trên facebook. Việc xác định rõ hai nghề này sẽ giúp bạn định hướng công việc của mình tốt hơn.
4. Thích viết – lười đọc
Mình không biết đây có phải là vấn đề cá nhân không, nhưng mình nhận ra một điều, càng viết nhiều, mình lại càng trở nên lười đọc.
Còn nhớ những ngày đầu khi mình mới bắt đầu tập viết content, mình chăm đọc cực kỳ. Từ tiếng việt đến tiếng anh, từ ngắn đến dài, dù là chủ đề yêu thích hay không có hứng thú, mình đều đọc hết. Có những ngày mình đọc đến hơn chục bài viết. Mình có cảm giác, mỗi một bài đọc, mình đều học được một điều gì đó, về kiến thức, về lối tư duy, về cách dùng từ cho chuẩn, giống như mình “khôn ra” sau mỗi lần đọc vậy.
Thế nhưng, chẳng hiểu sao khi bắt đầu viết nhiều rồi, mình lại không còn đọc nhiều nữa. Là do không có thời gian, hay chủ quan nghĩ mình đã đủ tốt rồi? Mình không biết.
Nhưng đó chắc chẳn là điều không nên, thậm chí là tối kỵ trong ngành viết. Bởi vì lười đọc đồng nghĩa với việc bạn không bắt kịp xu thế, không biết được mọi người đang theo đuổi điều gì và ưa chuộng cái gì. Và nếu như những nội dung của bạn không đủ cuốn hút, sẽ không ai muốn đọc bài viết của bạn nữa.
Nguồn: Nguyễn Hải Vân
——————————————————-