Vấn đề với việc cho rằng bản ngã được xã hội định nghĩa chính là không có sự phân biệt giữa cái tôi đích thực và cái tôi giả tạo. Quan niệm ấy không nhận ra rằng mỗi người đều có một bản ngã bên trong (dù nó chỉ mới được sinh ra), cũng như các năng lực để tiếp tục tinh chỉnh và trau chuốt bản ngã đó.
Sao Ta Làm Điều Ta Làm
Một trong những thứ làm tôi kinh ngạc nhất về hàng trăm sinh viên đại học sáng sủa, được đào tạo kỹ lưỡng mà tôi biết qua nhiều năm chính là số sinh viên nói với tôi rằng họ đã che giấu cảm xúc và niềm tin thật sự của mình nhiều đến mức nào. Họ nói rằng nếu thể hiện chúng ra, họ sẽ cảm thấy bản thân thật ích kỷ và tội lỗi, và người ta sẽ không thích họ. Họ không thể là con người thật sự của mình vì sợ hãi hay xấu hổ.
Những sinh viên này có những sự nội nhập về việc họ nên trở thành người như thế nào và những sự nội nhập này neo chặt trong tâm trí họ. Một số sinh viên thậm chí còn nói rằng họ không biết bản thân mình là ai nếu tách rời với những gì họ nên, buộc và phải trở thành. Bị những sự nội nhập này chế ngự, người trẻ khoác lên mình vỏ bọc bên ngoài – một dạng của bản ngã giả tạo – vì họ không kết nối được với bản ngã thật sự của mình. Họ tìm sự chấp nhận từ những người khác bằng cách vay mượn một căn tính xa lạ, bằng cách nội nhập một cách cứng nhắc thay vì linh hoạt hợp nhất các khía cạnh của thế giới xã hội.
[…] Hầu hết các nhà tâm lý học và xã hội học hiện đại đều cho rằng bản ngã được lập trình xã hội, nghĩa là họ cho rằng những quan niệm của con người về bản thân họ được xây dựng dựa trên định nghĩa của xã hội. Theo góc nhìn đó khi người khác khen bạn thân thiện, bạn liền nhìn bản thân mình như một người thân thiện. Khi người khác băn khoăn không biết bạn có thành công hay không bạn liền nảy sinh ý nghĩ nghi ngờ về khả năng của chính mình. Khi những người khác cắt ngang các hoạt động của bạn để cho bạn thấy cách làm tốt hơn, bạn chấp nhận niềm tin bạn không đủ khả năng. Đối với những nhà lý luận này bất kể thế giới xã hội có lập trình chúng ta thế nào đi nữa, thì đó cũng chính là những gì tạo nên bản ngã của chúng ta.
Vấn đề với việc cho rằng bản ngã được xã hội định nghĩa chính là không có sự phân biệt giữa cái tôi đích thực và cái tôi giả tạo. Quan niệm ấy không nhận ra rằng mỗi người đều có một bản ngã bên trong (dù nó chỉ mới được sinh ra), cũng như các năng lực để tiếp tục tinh chỉnh và trau chuốt bản ngã đó. Do đó, bản ngã có thể phát triển đúng với bản chất của nó, hoặc nó có thể được xã hội lập trình. Thế nhưng bản ngã sinh ra từ hai quá trình này sẽ rất khác biệt.
Tuy nhiên, bản ngã bên trong không phải là một thực thể được lập trình về mặt di truyền sẽ đơn giản bộc lộ theo thời gian. Thay vào đó, nó là một tập hợp các tiềm năng mối quan tâm và khả năng tương tác với thế giới, mỗi bên đều ảnh hưởng đến bên kia. Tại một thời điểm cụ thể, bản ngã là kết quả phát triển của mối quan hệ biện chứng này. Khi quá trình này vận hành một cách hiệu quả, bản ngã đích thực sẽ hình thành; khi quá trình thất bại, bản ngã không đích thực sẽ được tạo ra. Như vậy, sự phát triển của bản ngã chịu ảnh hưởng rất nhiều của thế giới xã hội, nhưng bản ngã không phải do thế giới đó dựng lên. Thay vì vậy, các cá nhân đóng một vai trò chủ động trong sự phát triển của bản ngã, và bản ngã đích thực phát triển khi thế giới xã hội hỗ trợ cho hoạt động của cá nhân.
Bản ngã đích thực bắt đầu từ bản ngã bên trong – từ những mối quan tâm và tiềm năng vốn có, cùng khuynh hướng sinh vật hợp nhất những khía cạnh mới trong trải nghiệm của chúng ta. Khi bản ngã đích thực được bồi đắp và hoàn thiện, người ta sẽ phát triển một ý thức to lớn hơn về trách nhiệm. Ngoài nhu cầu cần có sự tự chủ, năng lực và sự kết nối, con người phát triển nên một ý thức sẵn lòng cho đi và hồi đáp lại những gì cần thiết trong mối quan hệ với người khác. Bằng cách hợp nhất những hành vi và giá trị như vậy, con người trở nên có trách nhiệm hơn, khi vẫn duy trì được ý thức về tự do cá nhân.
Nhưng quá trình hợp nhất và phát triển của bản ngã đích thực đòi hỏi phải thỏa mãn các nhu cầu của con người. Khi thế giới xã hội mà con người phát triển trong đó khuyến khích tự chủ – khi nó đặt ra những thử thách tối ưu cùng cơ hội lựa chọn và tự bắt đầu – thì bản ngã đích thực sẽ phát triển sum suê. Khi thế giới xã hội chấp nhận con người vì chính bản chất của họ, trao đi yêu thương khi họ khám phá môi trường bên trong và bên ngoài, thì bản ngã đích thực sẽ phát triển một cách tối ưu. Nhưng khi những nhu cầu này không được thỏa mãn, quá trình ấy sẽ bị cản trở. Sự phát triển của bản ngã đích thực đòi hỏi phải khuyến khích tự chủ – nó đòi hỏi sự chấp nhận và tình yêu không điều kiện.