Bằng Đại học thực sự có giá trị?

by admin

Ngày hôm nay chính thức được cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp từ Keuka College. Một vài điều mình chợt muốn chia sẻ tới mọi người.

4 năm vừa qua mình đã học chương trình Lấy bằng Đại học Mỹ tại Việt Nam, nghĩa là học tại Việt Nam mà học tập thi cử hoàn toàn bằng tiếng Anh, và lấy bằng chính thức của trường Mỹ. Tấm bằng này có thể sử dụng để làm việc trong và ngoài nước không giới hạn quốc gia, vì vậy mà cơ hội làm việc vô cùng rộng mở.

Ít người biết về điều này bởi vì đây là một chương trình không phổ biến, cũng như trong toàn bộ quá trình học mình đã gặp vô cùng nhiều khó khăn. Cả về kiến thức ở trường lẫn tinh thần trong cuộc sống. Nên mình rất ít chia sẻ chuyện học tập.

Khi bắt đầu bước vào Đại học, mình còn nhiều bỡ ngỡ, không biết mình thích gì, có khả năng hay thế mạnh gì, thậm chí còn ngờ vực về lợi ích của việc học đại học. Vì vậy trong 6 năm qua, mình đã chuyển 3 trường, đổi 3 ngành, ở 3 thành phố, đi 3 đất nước khác nhau để trải nghiệm.

Ngày đầu tiên nhập học ở Đà Nẵng, mình đã xác định một tinh thần: đây chính là cuộc sống hoàn toàn mới và tạm biệt hết những gì cũ kỹ đằng sau, trường cũ, bạn cũ, nơi ở cũ, tinh thần cũ, ngôn ngữ cũ. Vì thế, khi thấy chương trình đại học Mỹ này, học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh, yêu cầu có bằng IELTS tối thiểu 5.5 trong năm nhất, thì mình cũng đắn đo một chút và quyết định thử sức xem sao. Trong khi lúc đó đang sử dụng tiếng Nhật, mà tiếng Anh của mình rất kém. Nên quyết định này cũng khá “liều”.

Hiện tại nhìn lại 4 năm, các ký ức với mình không quá rõ ràng và chính xác. Vì vậy những gì mình chia sẻ là góc nhìn, chiêm nghiệm ngay thời điểm này. Mong bạn đọc cởi mở nhìn nhận.

1. Năm đầu tiên với nhiều niềm vui bất ngờ

Năm đầu tiên học ở đây. Mình vừa trải qua 1 cú sốc tinh thần rất lớn, tới nỗi mình suy sụp tụt hẳn vài cân, 1 tháng liền không ăn uống được. Vì thế mình cũng không thiết tha đi học gì cả. Mẹ mình kéo đi nhập học, còn mình lê lết theo sau. Cho đến những buổi gặp gỡ sinh viên đầu tiên, mình cũng chỉ đi rồi về, chẳng để ý nhiều.

Dần dần, càng đi học, mình càng thấy cô giáo chủ nhiệm vô cùng tâm huyết với sinh viên. Cô mở ra các hoạt động cho tụi mình cùng đi chơi, cùng ăn uống, cùng chia sẻ với nhau. Từ những chuyến đi Ngũ Hành Sơn, tới đi Hội An, villa 2 ngày,… Hay là các buổi học tiếng Anh vô cùng vui nhộn, mỗi buổi cô đều bày các trò khác nhau để học. Vì vậy mà dần dần mình vô cùng yêu quý lớp học, rất thích đi học gặp cô giáo và bạn bè.

Ngày trước mình sống rất trầm lặng, mình muốn làm nhiều điều nhưng mình quá sợ ánh mắt của đám đông. Nhờ có năm đầu tiên ở đây, mình đã cho phép bản thân thử sức với các vai trò khác nhau như tổ chức sự kiện, làm MC, quản lý lớp, dạy lại bài tập cho các bạn khác, lên kế hoạch chương trình, tham gia các câu lạc bộ,… Vậy là mình cũng khám phá ra những tài năng khác bên trong, những ngày tháng đó vô cùng sôi động.

Mình cũng đã thi được IELTS 6.0 trong vòng 1 tháng ôn luyện. Đây là một thành tựu đầu tiên mình tự hào. Vì mình luôn cho rằng bản thân rất kém tiếng Anh, học mãi không vào, niềm tin giới hạn về việc mình không học tốt được, sự mất tập trung và dễ duôi đã thắng mình trong nhiều năm trước đó. Vì vậy khi nhận được tấm bằng Ielts, mình đã thấy bản thân “ghê gớm phết”.

2. Khủng hoảng của sinh viên năm 2

Sau này thì mình thấy đa số sinh viên đều trải qua giai đoạn này ở năm 2 Đại học. Đó là việc muốn bỏ học.

Năm 2 giống như thời gian đỉnh điểm của sự chán nản với việc học. Vỡ mộng về đại học. Phốt của trường. Hệ thống học tập gặp vấn đề. Giảng viên không chất lượng. Ban đào tạo thiếu quan tâm tới sinh viên. Bạn bè vô cảm, etc. Gần như tất cả những gì xấu xí nhất về Đại học bị phóng đại trong năm thứ 2.

Vì thế mà mình cũng không ngoại lệ. Năm 2 mình vô cùng chán nản. Đúng lúc dịch Covid nên phải học online. Cô giáo chủ nhiệm cũ cũng rời đi. Dường như tất cả những niềm vui của năm 1 đã bay biến đi đâu hết, không đủ sức kéo mình lại ở chương trình học này.

Thêm cả việc trong năm 2, gia đình mình muốn mình thi CFA, là một chứng chỉ về đầu tư tài chính quốc tế. Do bản thân mình lẫn gia đình thấy mình vừa thi được IELTS xong, nghĩ mình có đủ khả năng để học CFA, nên mình cũng thử đầu tư ôn luyện. Nhưng sau 6 tháng thì mình trở nên lo âu, ocd, anxiety đủ thứ hết. Tới lúc cơn căng thẳng này lên đến đỉnh điểm thì mình vỡ oà ra, tưởng như trầm cảm thêm lần nữa, mình bỏ cuộc thi ngay lập tức. Đúng là ảo tưởng sức mạnh, haiz.

Mọi chuyện trở nên ổn hơn thì Covid tới. Đột nhiên việc ở nhà nhiều khiến cho mình hoảng loạn. Có nhiều thời điểm mình cứ trống rỗng nằm nhìn trần nhà cả ngày, khóc liên miên vài tuần liền mà không hiểu vì sao mọi thứ lại bùng ra như vậy. Tâm lý bất ổn, nên mình cũng không học tập trọn vẹn được. Stress lại càng thêm stress. Cũng từ thời gian bất ổn đó mà mình biết tới chữa lành, tìm về đứa trẻ bên trong, quán lại toàn bộ cuộc đời.

Cơn khủng hoảng lên tới đỉnh điểm khi mình cảm thấy không nên đi học nữa, học online thì không chất lượng mà học phí quá cao. Mình nghỉ thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền cho mẹ. Thời gian đó mình học chỉ để cho qua môn. Bởi vậy bảng điểm của mình cũng có thêm vài chữ B, C. Mình trò chuyện và hỏi thăm rất nhiều người để xem là mình có nên quyết định nghỉ không. Hỏi cả mẹ, thì mẹ nói rằng mẹ hoàn toàn đồng thuận dù mình nghỉ hay đi học tiếp, nhưng mẹ khuyên là mình vẫn cứ nên cố gắng. Và nếu vì lý do tài chính, thì đừng lo cho mẹ, mẹ hoàn toàn chi trả được số tiền học đại học mà không gặp vấn đề gì.

Mình mới tự nhìn lại bản thân xem vì sao mình lại muốn bỏ học? Và câu trả lời trung thực nhất với chính mình là mình muốn bỏ vì quá chán nản với việc học, học quá khó khăn và stresss, mình cảm thấy kém cỏi không đủ sức học tốt, kỳ vọng trong chuyện học của mình quá cao nhưng sức lực thì chưa tới đó, áp lực từ bạn bè khi thấy ai cũng giỏi hơn chăm hơn.

Nếu nghỉ vì mình đã có dự định riêng, có một con đường riêng và nó nhiều tiềm năng hơn, thì điều đó là xứng đáng. Nhưng mình nghỉ vì chán nản muốn bỏ cuộc, vì thấy mọi điều không như ý, vậy thì ở trong con đường khác mình cũng sẽ dễ buông xuôi như vậy. Trong khi cuộc sống còn rất nhiều thử thách khó khăn.

Vì thế, mình quyết định là sẽ đi tới cùng với việc học. Mình cần phải hoàn thành xong chương trình Đại học để có được kỹ năng hoàn tất một kế hoạch dài hạn. Mình sắp xếp lại ưu tiên trong việc học. Hạ bớt kỳ vọng về điểm. Ưu tiên việc hoàn tất môn học và ra được trường.

3. Thành quả xuất hiện

Ở năm thứ 3 và thứ 4. Mọi thứ dần dần được cải thiện, mặc dù việc học vẫn rất khó khăn, ở các môn chuyên ngành thì cường độ học tập lẫn yêu cầu học phần còn chặt chẽ hơn nữa.

Trong năm thứ 3. Vì tâm lý mình rất bất ổn, trải qua nhiều giai đoạn trầm cảm khác nhau nên mình đã học tập với chiến lược: phần nào dễ ăn điểm thì cố gắng, phần nào khó hơn thì tập trung vừa phải, và đặc biệt nhờ tới sự trợ giúp từ bạn bè. Trong các môn học thì phần thuyết trình và làm bài tập nhóm luôn dễ lấy điểm cao hơn là phần thi lý thuyết. Vì thế mà nhiều môn mình cứ hoan hỷ với điểm A thuyết trình thì tụt mood thảm hại khi nhận điểm C, D, F lý thuyết. May mắn là mọi thứ bù qua sớt lại nên mình vẫn qua hết các môn ở năm 3.

Tới năm thứ 4 thì mình dần học được cách đi sâu vào nội tâm, tự tháo gỡ các khúc mắc trong tâm lý. Nên tinh thần đã vững vàng hơn nhiều, việc đối mặt với học tập trở nên nhẹ nhàng. Việc học vẫn là ưu tiên số 1, tuy nhiên thì nó thành 1 thói quen cần thiết rồi nên không còn vật lộn với nó nữa. Thế là mình có rất nhiều thời gian rảnh rỗi khác.

Trong thời gian rảnh rỗi của năm 4 này, mình bén duyên với công việc healing, sử dụng những khả năng và kinh nghiệm trong vấn đề tinh thần mình đã trải qua để giúp người khác. Từ tarot, tới thôi miên hồi quy, shamanic healing, và bây giờ chủ yếu là spiritual coaching.

Thấy không? Việc làm healing là điều không nằm trong dự tính với mình. Nhưng nó lại đến bất ngờ và trở thành 1 công việc phù hợp nhất. Mình đã có một công việc vừa đúng với thế mạnh, vừa kiếm được tiền ngay trong năm cuối đại học. Mà để có thể đón nhận cả việc học lẫn công việc riêng. Thì chìa khoá là sự Buông Xả.

Những thời điểm trầm cảm, khủng hoảng. Mình đã dần dần buông xả kỳ vọng về bản thân, buông xả kỳ vọng về điểm số, buông xả kỳ vọng về công việc sau tốt nghiệp, buông xả về những gì ở tương lai, buông xả những ký ức đau khổ trong quá khứ. Tất nhiên trong thời gian đó thì buông xuôi cũng nhiều lắm, lười biếng cũng nhiều lắm. Nhưng nhìn lại, nó đều giúp mình hiểu sâu sắc hơn về chính mình và cuộc sống này, để mình từng chút từng chút học cách sống yêu thương trọn vẹn.

Quay lại câu hỏi: liệu bằng Đại học thực sự có giá trị?

Hiện tại mình không ngại show ra toàn bộ điểm số. Nó không hoàn hảo với đầy A, A+. Mà còn có cả B, C,… Bởi vậy giá trị của tấm bằng chính là toàn bộ sự tự tin, toàn bộ trải nghiệm mình đã đi qua trong suốt quá trình học Đại học.

Mình cũng đã từng để cho tư tưởng “Đại học không giúp ích gì, nhiều người giàu mà không học đại học” khiến cho sống buông xuôi buông thả.

Mình cũng đã từng hoài nghi “tại sao cứ phải học hết Đại học trong khi các kiến thức không mấy thực tiễn?”

Mình cũng đã từng xỉu up xỉu down xỉu ngang dọc, than thở trách móc trường học, ghét thầy cô bạn bè, sống vô cùng tiêu cực.

Mình cũng đã từng hoà đồng mà cũng đã từng vô cùng cô lập. Mình đã từng vô cùng mặc cảm và tội lỗi về bản thân, về những bất ổn bên trong mình phải trải qua.

Thế rồi, mọi thứ cũng đi qua. Bằng tinh thần cố gắng thêm 1 chút xíu nữa thôi mỗi lần chán nản. Và đón nhận sự trợ giúp từ người khác.

Mình nhờ tới sự hỗ trợ từ bạn bè cùng lớp trong các môn học, những phần mình chưa nghe rõ hay không hiểu. Vì vậy mà mình cũng tôn trọng các bạn hơn và hạ cái tôi xuống. Mình cũng không phải là gì đó “ghê gớm” cả mà thành quả Đại học chính là cộng hưởng từ tất cả mọi người.

Mình nhờ tới sự trợ giúp từ therapist, coach, healer,… nhờ gia đình, người thân trong vấn đề tâm lý tinh thần. Mình thừa nhận rằng mình trầm cảm và gặp khó khăn với nó nên mong muốn mọi người có thể giúp mình bất kể điều gì.

Khi mình nói rằng mình trầm cảm, thì gia đình phản ứng dữ dội, một mực nói rằng mình hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên mình biết rõ bên trong ra sao, nên chấp nhận rằng điều này tự mình cần phải tìm cách. Gia đình hỗ trợ tiền ăn, chỗ ở, tiền học đã là điều rất rất may mắn rồi.

Một điều giá trị nữa sau 4 năm học chương trình Lấy bằng đại học Mỹ đó là tiếng Anh trở thành 1 ngôn ngữ tự nhiên.

Khi qua Mỹ vào tháng 11/2022, mình mới nhận ra nhiều giá trị vô hình từ chương trình học này. Chi phí sống ở Mỹ rất tốn kém, nhưng mình được học tập và lấy bằng ngay tại Việt Nam, chi phí này đã được giảm đi 10 lần.

Sự rèn luyện tại Việt Nam đã giúp mình thấy thành quả này có thể mang đi bất cứ nơi đâu, trở thành công dân toàn cầu đúng như lúc nhập học đã giới thiệu.

Tất nhiên nó đánh đổi bằng sự nỗ lực và kiên trì suốt 4 năm qua, và tuỳ vào lựa chọn cũng như khả năng mỗi người.

Hy vọng bài viết mang lại lợi lạc tới các bạn! Chúc bạn an vui!

Có thể là hình ảnh về 1 người và trong nhà

You may also like

Leave a Comment