BÁNH GẠO – 2 CHỮ GỢI MỞ CHO VIỆT NAM CHÚNG TA ĐI XA HƠN TRONG NGÀNH LÚA GẠO

by admin

“Đồ hai lúa”, với ai thì tiếng chửi này nghe khó chịu nhưng với những người con tự hào về ngành nghề truyền thống bao đời của người Việt thì nghe lại có gì đó rất mộc mạc, thân thương. Nhắc đến 2 chữ “lúa gạo” phải nói là cảm xúc lạ lắm, chúng ta tự hào vì ngành sản xuất gạo nước nhà đã ở hàng đỉnh của thế giới, tự hào có giống gạo ngon nhất thế giới là ST25 được công nhận vào năm 2019. Nhưng cũng xót xa khi nghĩ đến những người nông dân của mình, làm nông vất vả, chắt chiu lắm mới khá, vậy mà không bao giờ họ giảm tình yêu với lúa gạo. Trong suy nghĩ của nhiều người, có một câu hỏi luôn tồn tại, đau đáu rằng: Làm sao để ngành lúa gạo chúng ta đi xa hơn để công sức của nông dân được bù đắp xứng đáng hơn?

NHỮNG Ý TƯỞNG BIẾN PHỤ PHẨM CÂY LÚA THÀNH CHÍNH PHẨM!

Cách đây khoảng mười năm, trong cuộc họp mở đầu của LBC, anh Phạm Minh Thiện – Tổng giám đốc Công ty Cỏ May có nói: “Người nông dân của mình làm ra hạt gạo nhưng mà khổ quá, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, cơ cực quá”. Cho nên, anh muốn làm sao giá trị của hạt gạo phải tăng lên, thậm chí là làm sao cho tất cả những phụ phẩm của cây lúa trở thành chính phẩm và hạt gạo thì trở thành phụ phẩm. Khi nghe ý tưởng có vẻ ngông cuồng thì nhiều người nghĩ “Anh này trẻ mà anh nghĩ cũng ghê quá”, ông bà mình mấy ngàn năm làm gạo và sinh sống bằng nghề nông luôn quan niệm “con trâu đi trước, cái cày theo sau” nên cũng chưa từng dám nghĩ được như thế, vậy mà khi anh trình bày thì mọi người lại đồng tình.

Lý giải cho ý tưởng đó, Anh Minh Thiện muốn lấy rơm làm nấm rơm hữu cơ và làm nước chấm từ nấm rơm hữu cơ đó, trấu thì sẽ làm gạch và những chất để đun, còn cám gạo có thể trích xuất ra dầu cám để bán cho người Nhật làm mỹ phẩm với giá rất cao. Và có một điều đã tiếp thêm sức mạnh cho anh để thực hiện ý tưởng là khi anh biết Công ty Kova đã lấy trấu làm ra loại áo giáp chống đạn.

BÁNH GẠO LÀ MỘT Ý TƯỞNG TUYỆT VỜI ĐỂ TĂNG GIÁ TRỊ CHO LÚA GẠO

Có một cách đơn giản hơn những ý tưởng trên là lấy gạo làm bánh và phối hợp với vị trái cây, sữa, bắp, phô mai…để trở thành những sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Một phương pháp đổi mới, sáng tạo và tìm giá trị gia tăng cho sản phẩm truyền thống của nước nhà, đó chính là làm bánh gạo.

Chúng ta ngẫm nghĩ về gạo – sản phẩm lâu đời nhất của mình. Một sản phẩm phong phú, có số lượng lớn và chất lượng đang được nâng cao đáng kể. Vậy mà có một nước có thể nói là xuất sắc trên thế giới về chế biến lương thực, thực phẩm – Đài Loan chọn Việt Nam để làm nhà máy sản xuất bánh gạo, họ đủ tự tin đến sản xuất, bán cho người tiêu dùng Việt Nam và cũng có thể xuất khẩu ra thị trường khác từ Việt Nam.

Cụ thể, họ đã chọn Tiền Giang để bắt đầu, nơi thị trường gạo phát triển nhất ở Việt Nam, thu hút nhiều nguồn gạo đổ về, đồng thời rất gần các trung tâm và cảng để xuất khẩu như Thành phố Hồ Chí Minh – một trung tâm tiêu thụ lớn nhất. Họ đã xây một nhà máy để sản xuất bánh gạo tại tỉnh Tiền Giang với chi phí xây dựng là 50 triệu Đô la – một con số không hề nhỏ.

Nghe có vẻ đơn giản nhưng đó là tất cả hàm lượng về tri thức, về công nghệ, về thị trường ẩn chứa ở trong hai chữ rất ngắn gọn – bánh gạo. Phải chăng chúng ta nên suy nghĩ nhiều hơn về sự phát triển nông sản của Việt Nam? Nó gợi cho chúng ta đi xa lắm, hai chữ “bánh gạo”.

Nguồn: 5W1H

Nghe nhiều hơn về chuyện thị trường cùng nhà báo Vũ Kim Hạnh tại TikTok/Spotify 5 phút Chuyện Thị Trường (link tại comment)

You may also like

Leave a Comment