“Bẫy” bận rộn: Ngưng cân đo giá trị cuộc sống bằng thời gian biểu kín mít!

by admin

Nếu bạn sống trong thế kỉ 21 thì bạn có thể phải nghe rất nhiều người kể lể rằng họ bận rộn như thế. “Bận!”, “Rất là bận!” hay “Bận kinh lên được” đã trở thành phản ứng điển hình khi bạn hỏi ai đó họ đang làm gì.

Rất rõ ràng, câu nói đó thể hiện sự tự hào dưới hình thức lời kêu ca. Và phản ứng của người đối thoại sẽ là một kiểu ca ngợi: “Thế thì tốt quá” “Bận còn hơn chả có việc gì mà làm.”

Hãy chú ý rằng những người kêu bận đó không phải là những người làm việc trong phòng cấp cứu hay phải làm tới vài ba công việc, họ không bận rộn mà là mệt mỏi. Kiệt quệ. Mệt muốn chết. Đa phần là những người than thở bận rộn đều là mua dây buộc mình: công việc và các bổn phận là họ tự nguyện chấp nhận, các tiết học và hoạt động là họ “khuyến khích” các bạn nhỏ tham gia. Họ bận rộn vì những tham vọng, nỗ lực hay lo lắng của riêng mình, vì họ nghiện sự bận rộn và sợ rằng họ sẽ phải đối mặt với điều gì đó khi không còn bận nữa.

Gần như tất cả mọi người tôi biết đều khá bận. Họ sốt ruột và thấy tội lỗi khi họ không làm việc hoặc làm gì đó để nâng cao năng lực bản thân. Họ xếp lịch đi chơi với bạn bè đúng kiểu các sinh viên đạt loại giỏi vẫn thường đăng kí tham gia các hoạt động cộng đồng vì như thế có lợi cho việc xin vào đại học sau này.

Dạo gần đây tôi mới viết thư cho một người bạn để hỏi xem bạn đã có kế hoạch gì tuần này chưa, anh bạn tôi trả lời rằng anh ấy không có thời gian nhưng nếu có phi vụ gì thì cứ nói anh biết, rất có thể anh ấy sẽ dứt công việc ra vài giờ cho tôi. Tôi muốn làm rõ rằng câu hỏi của tôi không hỏi về tương lai mà là quá khứ. Nhưng sự bận rộn của anh bạn tôi giống như một xô nước lạnh tạt thẳng vào mặt tôi và tôi chẳng muốn đáp lại.

Thậm chí giờ đến cả trẻ con cũng bận, chạy sô với đủ các lớp học và hoạt động ngoại khóa. Cuối ngày chúng về nhà cũng mệt mỏi y như người lớn.

Tôi là một đứa trẻ được bố mẹ nuôi thả và tôi có ba tiếng đồng hồ hoàn toàn tự do, ba tiếng đó hầu như là thời gian không phải học phụ đạo mỗi chiều. Lúc đó tôi dùng để làm đủ thứ từ lướt mạng đến làm film hoạt hình rồi thì chơi bời với bạn bè, những việc này cho tôi những kĩ năng quan trọng và những hiểu biết vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Những khoảng thời gian rảnh rỗi đó trở thành khung giờ cố định tôi muốn duy trì cho đến hết đời.

 

Cảm giác hưng phấn đối với sự bận rộn không phải là một điều kiện cần hay không thể thiếu trong đời. Đó là một thứ do chúng ta lựa chọn.

 

Không lâu trước, tôi skype với một người bạn đã rời khỏi thành phố vì chi phí thuê nhà quá cao và giờ đang cư trú tại một thị trấn nhỏ ở phía Nam nước Pháp. Cô kể rằng lần đầu tiên trong nhiều năm, cô cảm thấy rất hạnh phúc và thư thái. Cô vẫn hoàn thành công việc đầy đủ, nhưng cô không còn mất cả ngày và nghĩ về công việc suốt như trước nữa. Cô nói cuộc sống tựa như thời còn đi học đại học – cô có rất nhiều bạn bè cùng đi cà phê mỗi tối. Cô lại có bạn trai. Những đặc điểm tính cách cô từng lầm tưởng về mình như: tham vọng, lập dị, hay lo lắng và buồn bã – hóa ra là hiệu ứng do môi trường xung quanh tạo ra. Không ai trong chúng ta muốn thế, không ai muốn bị tắc đường, chen chúc trong sân vận động hay bị bắt nạt ở trường – những việc đó thường là chúng ta ép người khác phải làm.

Sự bận rộn trở thành một loại chứng minh sự tồn tại, đối lập với sự vô dụng. Rõ ràng là cuộc sống của bạn không thể tủn mủn và vô nghĩa nếu như bạn rất bận rộn, lúc nào cũng có việc để làm. Ngày càng có nhiều người không còn làm những công việc không cho kết quả rõ ràng, nếu công việc bạn làm không cho ra sản phẩm là một con mèo hay gì đó, tôi không chắc rằng liệu tôi có nghĩ công việc của bạn là cần thiết không. Tôi không khỏi băn khoăn những sự kiệt quệ đầy châm biếm này có phải là một cách để nói lên sự thật là phần lớn những thứ chúng ta làm là vô nghĩa.

Tôi không phải là người bận rộn. Tôi là người lười biếng và tham vọng nhất tôi biết. Như những nhà văn khác, tôi giống như một kẻ đáng trách đang sống một đời lãng phí nếu một ngày tôi không viết ra một thứ gì đó, nhưng tôi cũng cảm thấy rằng bốn hay năm tiếng đồng hồ là đủ để tôi có thể tồn tại trên hành tinh này thêm một ngày nữa. Trong những ngày bình thường nhất của cuộc đời, tôi viết vào buổi sáng, đạp xe đường dài và làm việc vào buổi chiều, còn buổi tối tôi gặp gỡ bạn bè, đọc sách hay xem phim. Đó là nhịp sống mà tôi thích thú. Nếu bạn alo cho tôi và hỏi tôi có thể vừa chăm lo công việc và có thời gian lượn đi chơi không, tôi sẽ trả lời, hẹn nhau lúc nào?

Nhưng trong vài tháng trở lại đây, tôi lại trở nên bận rộn một cách hăng hái, vì yêu cầu nghề nghiệp. Lần đầu tiên tôi có thể nói với mọi người, với một gương mặt rất nghiêm túc rằng tôi “quá bận” để có thể làm cái này cái kia. Tôi có thể nhận ra tại sao mọi người lại thích lời phàn nàn “quá bận” này, nó làm cho bạn cảm thấy mình quan trọng, được săn đón và biết tận dụng thời gian. (Ngoại trừ việc tôi thực sự ghét việc bận ná thở.) Mỗi buổi sáng hộp thư của tôi đầy email yêu cầu tôi làm những thứ tôi không muốn làm hay chỉ ra những vấn đề mà tôi phải xử lí ngay. Càng ngày càng khó chịu đựng cho đến khi tôi đi trốn đến nơi tôi đang ngồi viết những dòng này.

Ở đây, tôi gần như không bị làm phiền bởi công việc. Không ti vi. Tôi phải lái xe đến thư viện để check email. Tôi đi ra ngoài một tuần một lần mà không gặp bất cứ ai tôi quen biết. Tôi nhớ những loài thực vật, động vật và những vì sao. Tôi đọc sách. Cuối cùng tôi cũng viết xong một thứ gì đó lần đầu tiên trong những tháng vừa qua. Nếu không thực sự trải nghiệm, thật khó để nghĩ xem phải nói gì viết gì về cuộc đời nhưng ta cũng không thể hiểu được đời là gì, nói về đời như thế nào nếu không đứng ở một vị trí khách quan mà quan sát.

 

Sự nhàn nhã không phải là một kì nghỉ, hay một thói xấu. Nó là một yếu tố không thể thiếu đối với bộ não cũng như cơ thể người không thể nào không có vitamin D, nếu thiếu thật thì chúng ta sẽ bị suy dinh dưỡng.

Không gian và sự tĩnh lặng mà sự nhàn nhã đem lại là điều kiện cần để ta quay lại với cuộc sống và nhìn lại tất cả, để tạo ra những kết nối bất ngờ và chờ đợi cho những tia nắng hè đốt lên cảm hứng – ngược đời thay, thư thả lại khiến cho công việc hoàn thành. Lịch sử ghi dấu vô số câu chuyện truyền cảm hứng đến từ những giây phút nhàn rỗi và mơ mộng như khoảnh khắc Eureka của Archimedes, quả táo của Newton làm bạn băn khoăn rằng những kẻ rong chơi có thật là không tạo ra những ý tưởng vĩ đại, những phát minh và những kiệt tác nhiều hơn những người chăm chỉ không.

“Mục tiêu của tương lai là thất nghiệp toàn thời gian, do đó chúng ta có thời gian để chơi. Đó là lí do vì sao chúng ta phá hoại hệ thống chính trị kinh tế” Điều này nghe có vẻ giống như tuyên bố của một vài thành phần chống phá nhà nước, nhưng đây lại là phát ngôn của Arthur C.Clarke, người đã rút ra một khoảng thời gian để viết nên tác phẩm “Childhood’s End” và phát minh ra vệ tinh viễn thông trong thời gian lướt sóng và chơi pinball. Một người bạn học của tôi viết một bài báo nói rằng chúng ta tách thu nhập khỏi công việc và cho mỗi công dân một khoản tiền lương được bảo đảm.

Có lẽ thế giới sẽ dần đi tới hủy hoại nếu ai cũng hành xử như tôi. Nhưng tôi sẽ nói với bạn rằng cuộc sống lí tưởng của con người nằm đâu đó giữa sự dửng dưng thách thức của tôi và sự vội vã khôn nguôi của phần còn lại của thế giới. Vai trò của tôi là tạo ra một tấm gương xấu, như một đứa trẻ đứng ngoài cửa sổ nhìn vào cái bàn của bạn, thúc giục bạn chỉ một lần viện cớ nào đó để ra khỏi lớp, ra ngoài và chơi. Sự biếng nhác của tôi là một sự xa xỉ hơn là một đức tính, nhưng tôi đã đưa ra một quyết định tỉnh táo, từ rất lâu trước đây, là chọn thời gian thay vì tiền bạc, vì tôi luôn hiểu rằng phi vụ đầu tư tốt nhất trong quãng thời gian hữu hạn tôi tồn tại là dành cho những người tôi yêu quí.

Tôi nghĩ rằng tôi hoàn toàn có thể nằm trên giường bệnh hối hận vì tôi đã không làm việc chăm chỉ hơn và nói ra những thứ tôi phải nói, nhưng tôi nghĩ điều tôi thực sự mong muốn là tôi có thể thêm một chầu bia, tám chuyện cả tiếng hay làm mấy hành động điên rồ cùng bạn bè. Đời quá ngắn, sao phải bận rộn nhiều!

Trạm Đọc

Theo NYTimes

You may also like

Leave a Comment