BỆNH ĐẬU MÙA VÀ NGUỒN GỐC CỦA VACCINE

by admin

Có thể bạn chưa biết, chữ vaccine ngày nay có xuất phát từ việc phát hiện và điều trị bệnh đậu mùa “Smallpox”

Đậu mùa là một căn bệnh đã xuất hiện từ hơn 3000 năm trước, nhiều nhà Khoa học ngày nay cho rằng mầm bệnh virus đậu mùa tồn tại trong các xác ướp Ai Cập, một số nghiên cứu khảo cổ cho thấy bệnh đậu mùa còn có dấu vết ở Trung Quốc (thế kỷ thứ 4 Công nguyên), ở Ấn Độ (thế kỷ thứ 7) và tại các vùng tiểu Á (thế kỷ thứ 10). Bệnh đậu mùa ban đầu có tỉ lệ tử vong lên đến xấp xỉ 30%. Số người tử vong do bệnh đậu mùa từ trước đến nay ước tính lên đến hàng trăm triệu người.

P/s: Bệnh này có một biến chứng mà chị em phụ nữ sẽ khá sợ, đó là nó sẽ để lại tình trạng rỗ mặt và sẹo sau khi khỏi.

Sự bùng phát của bệnh đậu mùa được các sử gia và nhà khảo cổ cho rằng chính sự phát triển giao thương và mở rộng các con đường thương mại giữa các quốc gia trong hàng thế kỷ chính là nguyên nhân cho sự lây lan này. Cụ thể:

  • Thế kỷ thứ 6: Sự gia tăng việc mua bán, trao đổi hàng hoá giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã mang mầm bệnh này lây lan sang Nhật Bản.
  • Thế kỷ thứ 7: Sự mở rộng của bán đảo Ả Rập đã mang dịch bệnh đến Bắc Phi, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
  • Thế kỷ thứ 11: Các cuộc chiến tranh liên miên (chính trị & tôn giáo) cũng dẫn đến việc dịch bệnh lan rộng và bao trùm lấy Châu Âu.
  • Thế kỷ thứ 15: Bồ Đào Nha đô hộ một phần Tây Phi và đậu mùa cũng đã có những sự tàn phá tại đây.
  • Thế kỷ thứ 16: Chính sự vận chuyển nô lệ và sự di cư ở Châu Âu cũng làm đậu mùa bùng phát ở bán đảo Caribe, Trung và Nam Mỹ.
  • Thế kỷ thứ 17: Người Châu Âu mang dịch bệnh đến Bắc Mỹ.
  • Thế kỷ thứ 18: Sự bành trướng của đế quốc Anh làm cho bệnh đậu mùa lây lan ở Châu Đại dương.

Bệnh đậu mùa ở thế kỷ thứ 10 xuất hiện một quyển sách mang tên “The correct treatment of smallpox”, trong đó có nói rằng một nhà sư ở Trung Quốc đã nghĩ ra một phương pháp để giải quyết căn bệnh này, cụ thể, ông dùng bệnh phẩm đậu mùa và thổi vào mũi những người bình thường. Phương pháp “Variolation” này cho ra kết quả là nếu như người được thử nghiệm bị nhiễm và sau đó qua khỏi thì sau đó sẽ không còn bị nhiễm bệnh nữa dựa vào hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này vẫn chưa đảm bảo được sự an toàn cần thiết vì tỉ lệ tử vong vẫn khá cao. Một thời gian sau, phương pháp phòng bệnh được cải biến hơn đó là, người ta sẽ dùng những bệnh phẩm đậu mùa bôi lên da, người được bôi sau đó sẽ nhiễm bệnh (triệu chứng nhẹ hơn) và sau đó sẽ không bị tái nhiễm nữa, phương pháp này đã giúp giảm tỉ lệ tử vong xuống chỉ còn 3%.

Sau này đến thế kỷ 18, có một người tên là Edward Jenner trong một lần đi mua sữa bò thì được chị bán sữa khoe là chị ấy không lo bị nhiễm đậu mùa nữa, vì trước đó chị đã từng nhiễm đậu bò “Cowpox”. Đậu bò thực chất chỉ là bệnh đậu mùa trên bò, về mặt sinh học thì hai chủng virus gây bệnh đều khá giống nhau nhưng mức độ gây hại sẽ khác nhau tuỳ vào vật chủ. Như thế, khi mà đậu bò lây trên người thì nhờ vào việc khác vật chủ đã giảm đáng kể tính nghiêm trọng của bệnh. Nhờ đó ông nảy ra ý tưởng dùng đậu bò thay thế làm dự phòng đậu mùa. Sau đó, ông đã liên hệ và xin được một mẫu thử nghiệm của một người phụ nữ tên Sarah, người bị mắc bệnh đậu bò từ cô bò tên Blossom (aka Bông). Edward dùng mẫu bệnh để bôi lên người James Phipps (con trai chị giúp việc), đúng như dự đoán, James bị nhiễm đậu bò và khỏi sau vài ngày. Tiếp đến, Edward dùng mẫu bệnh đậu mùa tiếp tục bôi lên người James để xác nhận việc cậu có tiếp tục nhiễm bệnh hay không?

Kết quả, ông nhận thấy James vẫn bình thường và không bị nhiễm bệnh. Do đó ông kết luận rằng, người bị nhiễm đậu bò sẽ không nhiễm đậu mùa. Sau đó phương pháp này được lan truyền rộng rãi và góp một phần lớn vào việc thúc đẩy phòng chống bệnh đậu mùa.

Chữ Vaccination cũng bắt đầu từ đây, với việc chữ này có từ gốc là “Vacca”, nghĩa là con bò trong tiếng Latin.

Tham khảo:

https://www.cdc.gov/smallpox/history/history.html

Bác sĩ Gấu

Không có mô tả ảnh.

You may also like

Leave a Comment