Bất cứ nỗ lực nào hòng thấu hiểu ý thức dưới dạng hoạt động của não bộ đều chỉ tương quan với khả năng tường thuật lại một trải nghiệm (cho thấy rằng người ấy ý thức về nó) theo những trạng thái cụ thể của não bộ. Dù những tương quan ấy có thể giải thích bằng khoa học thần kinh vô cùng lý thú, thì chúng cũng chẳng mang chúng ta đến gần hơn với sự ra đời của bản thân ý thức.
Thức Tỉnh Điều Vô Hình (Hành Trình Khám Phá Tâm Linh)
(56 lượt)
Mua sách giảm giá 30% >>
Ýthức – cái sự thật hiển nhiên rằng vũ trụ này được khả năng tri giác soi sáng – đích xác là cái đối nghịch với vô tri. Và tôi tin rằng chẳng có mô tả nào về sự phức tạp của vô tri giải thích được trọn vẹn điều này. Đơn giản xác quyết rằng ý thức nảy sinh ở một điểm nào đó trong quá trình tiến hóa của sự sống, và rằng ý thức là kết quả của một cách sắp xếp nhất định các neuron thần kinh truyền dẫn xảy ra bên trong một bộ não con người, cũng chẳng cho ta chút gợi ý nào về cách ý thức nảy sinh từ các quá trình vô thức, dù chỉ trên nguyên tắc. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là phải có một luận thuyết nào khác về ý thức là đúng. Ý thức hoàn toàn có thể là sản phẩm hợp luật của quá trình xử lý thông tin vô thức. Nhưng tôi chẳng hiểu câu này thật sự có nghĩa là gì – và tôi nghĩ bất cứ câu nào khác cũng thế. Tình huống này đã được đặc thù hóa bởi cái gọi là “khoảng cách lý giải” và là “vấn đề khó nhằn của ý thức”, và chắc chắn là cả hai. Một số triết gia đề nghị rằng mối quan hệ giữa tâm trí và thể xác sẽ chỉ được hiểu thông qua các khái niệm không thuộc về thể xác cũng không thuộc về tinh thần, mà theo một cách nào đó là “trung lập”. Số khác cho rằng ý thức có thể được hiểu là một sản phẩm của các nguyên nhân vật chất nhưng không thể quy giản về mặt nhận thức thành chính chúng được. Tuy nhiên những người khác đã tranh luận rằng ý niệm về một cách lý giải mang tính vật chất không thể quy giản thật không đâu vào đâu.
Tôi đồng tình với những ai cho rằng có lẽ sự xuất hiện của ý thức đơn giản là chẳng thể hiểu được theo ngôn ngữ của loài người, như triết gia Colin McGinn và nhà tâm lý học Steven Pinker đã nói. Mọi mối dây lý giải phải dừng lại ở đâu đó – thường là với một sự thật phũ phàng từ chối tự lý giải về bản thân nó. Có lẽ ý thức tỏ ra là một ngõ cụt theo cách này.
Trong bất kỳ trường hợp nào, việc giải thích về ý thức theo các định nghĩa vật chất chẳng có gì giống với các lý giải khác đã thành công trong lịch sử khoa học. Các trường hợp tương tự mà các nhà khoa học lẫn triết gia dẫn giải ở đây đều nhất loạt chẳng đưa đến đâu. Chẳng hạn như, thực tế là chúng ta giờ đây có thể mô tả các thuộc tính của vật chất, ví dụ như tính lỏng, bằng cách sự kiện vi mô tự thân chúng chẳng có gì là “lỏng”, chẳng hề đưa ra một cách gì để hiểu được ý thức như là một thuộc tính xuất hiện trong một thế giới vô thức cả. Dễ thấy rằng không một phân tử nước nào có thể “lỏng”, và cũng rất dễ thấy hàng tỉ phân tử như thế, vượt qua nhau tự do, hóa ra lại “lỏng” nếu ở trong phạm vi bàn tay người. Điều khó khăn ở đây chính là làm thế nào các trường hợp giống nhau kiểu này có thể thuyết phục rất nhiều người rằng ý thức có thể dễ dàng được giải thích dưới dạng xử lý thông tin.
Để sự lý giải về một hiện tượng có thể thỏa mãn được chúng ta, trước hết tối thiểu nó phải dễ hiểu. Trên phương diện này, sự xuất hiện của tính lỏng không gây nên vấn đề gì: sự trượt do các phân tử dường như chính là điều phải có thật đối với một chất để bảo đảm cho tính lỏng của nó. Làm sao tôi có thể đưa tay xuyên qua nước lỏng, nhưng với nước đá thì không ? Vì các phân tử nước không kết dính với nhau đủ chặt để ngăn chuyển động của tôi lại. Lưu ý rằng lời giải thích này hoàn toàn là giản lược: Tính lỏng thật sự “chẳng là gì khác ngoài” sự di chuyển tự do của các phân tử. Để lời giải thích này được trọn vẹn, ta cần chấp nhận rằng các phân tử tồn tại, dĩ nhiên rồi, nhưng một khi ta đã chấp nhận, thì vấn đề được giải quyết. Chưa có ai từng mô tả một tập hợp các sự kiện vô thức mà sự trọn vẹn của nó, với vai trò là nguyên nhân của ý thức, có thể có ý nghĩa theo cách hiểu này cả. Bất cứ nỗ lực nào hòng thấu hiểu ý thức dưới dạng hoạt động của não bộ đều chỉ tương quan với khả năng tường thuật lại một trải nghiệm (cho thấy rằng người ấy ý thức về nó) theo những trạng thái cụ thể của não bộ. Dù những tương quan ấy có thể giải thích bằng khoa học thần kinh vô cùng lý thú, thì chúng cũng chẳng mang chúng ta đến gần hơn với sự ra đời của bản thân ý thức.