Biến động: Các quốc gia ứng phó với khủng hoảng và thay đổi như thế nào?

by admin

Trích dẫn chương dẫn nhập, cuốn sách Biến động – Jared Diamond

NHỮNG TÀN DƯ CỦA VỤ HỎA HOẠN Ở HỘP ĐÊM COCOANUT GROVE

Ở một hay những thời điểm nào đó trong đời mình, hầu hết chúng ta đều phải trải qua một biến động hay biến cố riêng tư mà có khi xử lý được, có khi không, nhưng lại làm thay đổi cả cuộc đời. Diễn rộng ra, các quốc gia cũng đều kinh qua những biến cố như vậy, và cũng có khi xử lý được, có khi không, nhưng lại làm thay đổi cả đất nước. Đã có nhiều nghiên cứu và thông tin mang tính giai thoại, do các nhà tâm lý trị liệu đưa ra, về phương cách xử lý những biến cố cá nhân. Vậy những đúc kết đó có giúp chúng ta hiểu được phương cách xử lý những biến cố quốc gia hay không?

Để minh họa cho những biến cố cá nhân hay quốc gia, tôi sẽ bắt đầu với hai câu chuyện của chính bản thân mình. Người ta thường cho rằng những ký ức lâu bền của trẻ em được lưu giữ sớm nhất là ở khoảng độ tuổi lên bốn, dù trẻ nhỏ vẫn lưu giữ những ký ức mờ nhạt về các sự kiện trước đó. Tình trạng chung đó có thể rơi vào trường hợp của tôi, vì ký ức sớm nhất tôi lưu giữ được là vụ hỏa hoạn ở hộp đêm Cocoanut Grove ở Boston, xảy ra ngay sau sinh nhật lần thứ năm của tôi. Mặc dù (may thay) không có mặt trong vụ hỏa hoạn đó, nhưng tôi được nghe gián tiếp từ những lời kể đầy kinh hoàng của ông bố làm bác sĩ.

Vào ngày 28 tháng 11 năm 1942, một đám cháy bùng phát và lan nhanh tại một hộp đêm chật kín người ở Boston tên là Cocoanut Grove (người chủ hộp đêm đặt như vậy) vốn chỉ có duy nhất một lối thoát hiểm nhưng đã bị chặn. Tổng cộng có 492 người chết cùng hàng trăm người khác bị thương, do ngạt thở, hít phải khói, bị dẫm đạp hay bị bỏng (Ảnh 0.1). Đội ngũ bác sĩ và bệnh viện ở Boston đều quá tải – không chỉ do những nạn nhân bị thương hay sắp chết do vụ hỏa hoạn mà còn do những nạn nhân về mặt tâm lý: những thân nhân quẫn trí vì vợ, chồng, con cái, anh chị em của mình tử vong một cách khủng khiếp; và cả những người sống sót sau vụ cháy bị sang chấn tâm lý vì mặc cảm tội lỗi khi được sống trong khi hàng trăm vị khách phải chết.

Cho đến 10:15 tối, cuộc sống của họ vẫn bình thường, chỉ tập trung vào dịp nghỉ cuối tuần đúng lễ Tạ ơn, một trận bóng bầu dục và ngày nghỉ phép của lính tráng thời chiến. Nhưng đến 11:00 tối, hầu hết các nạn nhân đều đã chết, và cuộc sống của những người thân cũng như người còn sống rơi vào khủng hoảng. Con đường đời của họ đã bị trật bánh. Họ cảm thấy hổ thẹn do mình còn sống trong khi người thân yêu lại chết đi. Thân quyến những người chết đã mất đi trụ cột của mình. Vụ hỏa hoạn này làm lay chuyển niềm tin vào một thế giới công bình cho không chỉ những người sống sót mà cả người dân Boston ở xa đám cháy (kể cả tôi, lúc đó mới năm tuổi). Những người bị trừng phạt không phải là kẻ hư hỏng hay xấu xa: họ chỉ là những con người bình thường, bị chết không phải do lỗi lầm của họ.

Một số người sống sót và những người thân vẫn còn bị sang chấn tinh thần trong phần đời còn lại. Một số tự vẫn. Nhưng hầu hết, sau một vài tuần dằn vặt dữ dội do chưa thể chấp nhận nỗi mất mát của mình, đã bắt đầu bớt đau buồn, xem xét lại bản thân, tạo dựng lại cuộc đời và thấy rằng không phải mọi thứ trong thế giới này đều đã bị hủy hoại. Nhiều người bị mất vợ hoặc chồng trong vụ này đã tái hôn. Dù vậy, ngay cả ở những trường hợp tốt nhất, mãi nhiều thập niên sau họ vẫn là những mảnh ghép giữa căn tính mới hình thành sau vụ hỏa hoạn Cocoanut Grove và căn tính cũ trước khi đám cháy xảy ra. Trong suốt cuốn sách này, chúng ta sẽ thường xuyên có cơ hội áp dụng phép ẩn dụ về “mảnh ghép” đối với những cá nhân và quốc gia mà các yếu tố khác hẳn nhau cùng tồn tại một cách khó chịu. 

Vụ hỏa hoạn Cocoanut Grove cung cấp một ví dụ khắc nghiệt về biến cố cá nhân. Nhưng sự khắc nghiệt này chỉ xảy ra với một số lượng lớn nạn nhân cùng lúc – trên thực tế, có quá nhiều nạn nhân bị kích động bởi đám cháy đòi hỏi phải có những liệu pháp mới trong lĩnh vực tâm lý trị liệu, như chúng ta sẽ thấy ở Chương 1. Nhiều người trong chúng ta từng trực tiếp trải nghiệm bi kịch cá nhân trong đời sống riêng, hay gián tiếp qua người thân hoặc bạn bè. Tuy nhiên, những thảm kịch như vậy không chỉ nhằm vào một nạn nhân và gây đau đớn cho họ, mà còn cho cả bạn bè của người đó, như trường hợp vụ hỏa hoạn Cocoanut Grove đối với những người thân quen của 492 nạn nhân.

Bây giờ, để so sánh, đây là một ví dụ về tầm biến cố quốc gia. Tôi sống ở Anh vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, đúng vào thời điểm đất nước này đang trải qua một biến cố quốc gia tiệm tiến, mặc dù cả tôi và những người bạn Anh đều không thấy rõ điều đó. Nước Anh vốn dĩ đứng đầu thế giới về khoa học, được ban tặng một lịch sử văn hóa phong phú, đậm chất Anh đầy tự hào và độc đáo, đồng thời vẫn còn lưu giữ những hồi ức về việc từng sở hữu hạm đội lớn nhất thế giới, sự thịnh vượng và đế chế trải rộng nhất trong lịch sử. Thật không may, đến thập niên 1950 thì Liên hiệp Anh lại bị chảy máu kinh tế, mất đi đế chế và quyền lực, gặp xung đột về vai trò của mình ở châu Âu, và phải đấu tranh với những khác biệt giai tầng lâu đời và làn sóng nhập cư gần đây.

Trong giai đoạn 1956-1961, mọi thứ lên đến đỉnh điểm khi Anh thải hồi mọi tàu chiến còn lại của mình, vướng vào các cuộc bạo loạn sắc tộc đầu tiên, phải trao trả độc lập cho các thuộc địa ở châu Phi, đồng thời chứng kiến Khủng hoảng Suez làm phơi bày thất bại nhục nhã về khả năng hành động độc lập của một cường quốc thế giới. Những người bạn Anh của tôi phải gắng hiểu về những sự kiện đó để giải thích chúng cho một người khách Mỹ như tôi. Chúng làm thổi bùng những tranh luận sôi nổi trong dân chúng và các chính trị Anh về bản sắc và vai trò của nước này.

Đến nay, sau 60 năm, nước Anh vẫn là một mảnh ghép giữa bản sắc mới và bản sắc cũ của nó. Nước Anh đã rũ bỏ đế chế của mình để trở thành một xã hội đa sắc tộc, chấp nhận một nhà nước phúc lợi và trường học chất lượng cao do chính phủ điều hành để giảm trừ sự khác biệt giai cấp. Nước này giờ đây không còn giành lại được sự thống trị về hải quân và kinh tế trên thế giới và hiển nhiên vẫn còn tồn tại mâu thuẫn (như vụ Brexit) về vai trò của họ ở châu Âu. Nhưng Anh vẫn nằm trong số sáu quốc gia giàu nhất thế giới, vẫn có một nền dân chủ nghị viện theo thể chế quân chủ lập hiến, vẫn là một đất nước hàng đầu về khoa học và công nghệ và vẫn sử dụng đồng bảng Anh chứ không phải đồng euro.

Hai câu chuyện trên minh họa cho chủ đề của cuốn sách này. Biến cố, và những áp lực phải thay đổi, đe dọa đến những cá nhân và nhóm người ở đủ cấp độ, từ những con người đơn lẻ, đến các nhóm, doanh nghiệp, quốc gia, và trên toàn thế giới. Biến cố có thể phát sinh từ những áp lực bên ngoài, chẳng hạn như một người bị bạn đời bỏ rơi hoặc trở thành góa bụa, hay một quốc gia bị đe dọa hoặc tấn công bởi một quốc gia khác. Ngoài ra, biến cố có thể phát sinh từ những áp lực bên trong, chẳng hạn như một người bị bệnh hoặc một quốc gia gánh chịu bất ổn xã hội. Đối phó thành công với áp lực bên ngoài hoặc bên trong đòi hỏi sự thay đổi có chọn lọc. Điều này đúng cho cả quốc gia cũng như cá nhân.

Từ khóa ở đây là “chọn lọc.” Việc thay đổi hoàn toàn và loại bỏ mọi thứ về căn tính trước đó là điều bất khả và bất cầu đối với những cá nhân hoặc quốc gia. Thách thức đối với các quốc gia cũng như cá nhân đang gặp biến cố là tìm ra được phần nào trong căn tính của họ đã vận hành tốt không cần thay đổi và phần nào không còn vận hành cần phải thay đổi. Cá nhân hay quốc gia nào đang chịu áp lực thì phải đánh giá một cách trung thực về khả năng và giá trị của mình.

Họ phải quyết định những gì của chính mình vẫn vận hành và vẫn phù hợp với ngay cả dưới các hoàn cảnh đã thay đổi để lưu giữ lại. Ngược lại, họ cần đủ dũng khí để nhận ra những gì phải thay đổi để đối phó với tình huống mới. Điều đó đòi hỏi các cá nhân hoặc quốc gia phải tìm giải pháp mới phù hợp với khả năng và với phần còn lại của chính họ. Đồng thời, họ phải phân định ranh giới và khoanh rõ những yếu tố nào là quan trọng đối với căn tính của mình đến mức khước từ việc thay đổi chúng.

You may also like

Leave a Comment