Biến “ Giặc biển” Lê Duy Phụng

by admin
[ Biến “ Giặc biển” Lê Duy Phụng ]

– Đây là cuộc nổi loạn chống lại triều đình Huế những năm 1860-1865. Dù ít được nhắc đến trong các sách lịch sử trong giai đoạn này Nhưng hậu quả của nó để lại cho tinh thần của triều đình Huế quả không nhỏ, theo nhiều nhà sử gia thì chính sự biến loạn này đã góp phần làm cho triều đình Tự Đức chán nản, không kịp xoay sở dẫn đến kết cục thê thảm ở Nam Kì trước người Pháp.

– Tạ Văn Phụng (chữ Hán: 謝文奉; ? – 1865), còn có các tên là Bảo Phụng, Lê Duy Phụng (黎維奉), Lê Duy Minh (黎維明), là người Việt thân Pháp, sinh tại huyện Thọ Xương, thuộc Hà Nội, trong một gia đình theo Thiên Chúa giáo. Trước đây, ông được một giáo sĩ đưa đi nuôi dạy ở nước ngoài, sau lại theo đoàn quân viễn chinh Pháp về đánh Quảng Nam. Đến tháng chạp năm Quý Dậu (1861) thì ông ra Bắc Kỳ tự xưng mình là Lê Duy Minh, nhận là cháu của vua Lê Trang Tông nhằm thu hút tầng lớp sĩ phu và quan lại Bắc Hà về phe mình để làm cuộc lật đổ nhà Nguyễn.

– Sách Quốc triều sử toát yếu chép:
Tháng 12 năm Quý Dậu, tỉnh Quảng Yên nổi giặc biển. Cố đạo Trường làm chủ mưu giặc, tôn Tạ Văn Phụng làm Minh chúa; Văn Phụng mạo xưng con cháu nhà Lê tên là Lê Duy Minh; bọn tên Ước, tên Độ làm tướng giặc; sau hiệp với các thổ phỉ tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An; lại thông với giặc Cổ phỉ Tàu. Chúng nó tụ hội ở các phần biển châu Tiên Yên phủ Hải Ninh,…mà giặc ấy ngày càng nhiều…
Theo sử liệu thì chỉ trong thời gian ngắn Tạ Văn Phụng đã chiêu mộ được một đạo quân đông đảo, mà đa phần là những người dân đói khổ lưu vong, cùng nổi dậy tại đất Quảng Yên rồi kéo nhau đi đánh phá các nơi.

– Lo ngại, tháng giêng năm Nhâm Tuất (1862), vua Tự Đức sai Tổng đốc Định An Nguyễn Đình Tân sung chức Hải Yên Kinh lược Đại thần, Nguyễn Tư Giản làm Tham tán quân vụ, nhưng chỉ được ít lâu thì bị cách, vì không làm tròn nhiệm vụ. Lúc bấy giờ, Tạ Văn Phụng đã làm chủ được vùng Hải Ninh (thuộc Quảng Yên).
Tháng 3 (âm lịch) năm ấy, Cai Vàng ở Bắc Ninh cũng lấy danh phù Lê (tôn Lê Duy Uẩn làm minh chủ) để làm cuộc nổi dậy. Sau đó, Tạ Văn Phụng và Cai Vàng liền hợp tác với nhau để tăng thanh thế.

– Tháng 5 (âm lịch), sau khi đã đánh chiếm phủ Hải Ninh, Tạ Văn Phụng bèn cho quân bao vây và uy hiếp thành tỉnh Hải Dương.

– Câu kết với người Pháp :
Theo sách Lịch sử Việt Nam (1427-1858), thì trong khoảng thời gian này, Tạ Văn Phụng có cử người vào Nam Kỳ nhờ tướng Bonard trợ lực, với lời hứa hẹn rằng sẽ lập một vương quốc Công giáo dưới quyền Pháp bảo hộ sau khi đánh đổ được nhà Nguyễn. Nhưng vì trong ấy phong trào kháng chiến đang tăng mạnh, và việc hòa ước với triều đình Huế cũng sắp xong, cho nên viên tướng này đã không thuận .

– Nhận tin báo nguy, vua Tự Đức liền cử Thượng thư bộ Hộ Trương Quốc Dụng làm Thống đốc Hải An quân vụ Đại thần, Thị lang bộ Hộ Phan Tam Tỉnh làm Hộ lý tổng đốc, Chưởng vệ Đặng Hạnh, Lê Xuân đều sung chức Đề đốc, rồi đem lính ở Huế và ở Thanh Nghệ đi đánh quân Tạ Văn Phụng. Tiếp theo, nhà vua lại điều thêm Kinh lý đại thần Đào Trí đang làm nhiệm vụ ở Trung Kỳ ra làm Tham tán quân thứ Hải Yên.

– Tháng 6 (âm lịch), nhà vua lại truyền cho Nguyễn Bá Nghi từ quân thứ Bình Thuận về lãnh chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên.
Tháng 7 (âm lịch), các tướng là Trương Quốc Dụng, Đào Trí, Phan Tham Tĩnh từ Hưng Yên dẫn quân qua lấy lại được phủ Bình Giang và giải vây cho tỉnh thành Hải Dương.

– Tháng 11 (âm lịch), đạo quân thứ tỉnh Đông (Hải Dương) lại đụng độ với quân Tạ Văn Phụng tại phủ Nam Sách và phủ Kinh Môn (đều thuộc tỉnh Hải Dương). Quân triều thắng trận liền kéo thẳng đến tỉnh thành Quảng Yên, đuổi quân Tạ Văn Phụng chạy ra Đồ Sơn, Cát Bà.
Tháng 3 năm Quý Hợi (1863), Phó đề đốc Vũ Tảo đánh lấy lại thành Tuyên Quang và bắt sống được Lê Duy Uẩn (minh chủ của quân Cai Vàng).

– Tháng 5 (âm lịch) năm ấy, vua Tự Đức điều động Nguyễn Tri Phương sang làm Tổng thống Hải Yên quân vụ, đổi Trương Quốc Dụng làm Hiệp thống để cùng hiệp lực đi đánh dẹp. Ngay sau đó, Hải Yên thủy đạo Thống chế Lê Quang Tiến đánh đuổi được quân Tạ Văn Phụng tại tổng Hà Nam thuộc tỉnh Quảng Yên.

– Sau lần thua trên, tháng 9 (âm lịch), Tạ Văn Phụng quyết định thay đổi chiến lược. Ông cho tập hợp toàn bộ lực lượng lại, gồm khoảng 500 chiến thuyền, từ Cát Bà và Đồ Sơn tiến thẳng vào kinh đô Huế. Theo Phạm Văn Sơn thì Tạ Văn Phụng cho rằng quân lực của triều đình đã chuyển hết ra Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Ở đấy quân đơn tướng ít mà bị đánh úp dễ bị mất như chơi. Nhưng chẳng may kế hoạch này không thành vì binh thuyền của Phụng bị bão tan vỡ gần hết.
Đề đốc Lê Quang Tiến và Tuần phủ Bùi Huy Phan bắt được tin ấy vội đem quân ra định tiêu diệt nốt, không ngờ quân của Tạ Văn Phụng tuy không còn khả năng tấn công Huế, nhưng vẫn còn đủ sức đánh tập hậu, khiến quân triều bị thua đậm. Thất bại, cả hai võ quan trên đều nhảy xuống biển tự vẫn.

– Tháng 6 năm Giáp Tý (1864), đạo quân thứ Hải Yên lại tổ chức tấn công quân Tạ Văn Phụng ở tại La Khê, tổng Hà Bắc. Lần này, quân triều bị thua to, biền binh bị thương và thất lạc rất nhiều. Các tướng nhà Nguyễn là Hiệp thống Trương Quốc Dụng, Tán lý Văn Đức Khuê (Văn Đức Giai), Tán tương Trần Huy Sách đều tử trận. Riêng Chưởng vệ Hồ Thiện bị bắt sống, nhưng sau đó cũng bị giết chết. Nhận được tin đại bại, vua Tự Đức liền sai người đi thuê tàu chiến của nhà Thanh để đánh giặc.

– Sách Quốc triều sử toát yếu chép:
Tháng 7, Ngài (Tự Đức) sai Thị lang bộ Hộ Trịnh Lý Hanh qua quân thứ Hải Yên, hội đồng với quan quân thứ thuê tàu khách đánh giặc .
Tháng 4 năm Ất Sửu (1865), Tạ Văn Phụng đem hơn 300 chiến thuyền từ đảo Phù Long , quần đảo Cát Bà, chia làm ba đạo đến quấy phá ở mạn Hải Dương. Tướng Nguyễn Tri Phương khiến Nguyễn Văn Vĩ đốc thuyền đến đánh, bắt sống và chém nhiều quân nổi dậy. Cũng trong tháng này, quân Tạ Văn Phụng lại tràn vào sông Võ Định xứ Lang Thâm thuộc tỉnh Hải Dương, dùng kế hỏa công đánh tan tác đạo quân thủy ở nơi sông Cấm, bắt sống được Thống chế Nguyễn Doãn rồi giết chết. Hay tin, tướng Nguyễn Tri Phương liền đốc lính bộ tới đánh đuổi.

– Sức cùng lực kiệt :
Tháng 5 (âm lịch) năm Ất Sửu (1865), Tạ Văn Phụng lại đem quân tấn công đồn Quỳnh Lâu và An Trì thuộc Quảng Yên. Tán lý Đặng Trần Chuyên đánh đuổi được. Đốc binh là Ông Ích Khiêm lại đánh được quân nổi dậy tại khe Vị Dương . Đề đốc Mai Thiện chia quân đến các xứ Hạ Đoan, Lang Thâm , đánh hơn 10 trận lớn nhỏ đều thắng.

– Sau khi bị đánh thua ở nhiều nơi, Tạ Văn Phụng buộc phải cho quân lui về giữ Hải Ninh. Đến tháng 6 (âm lịch) năm ấy, quân Tạ Văn Phụng bị các tướng là Nguyễn Tri Phương, Phạm Chi Hương, Nguyễn Văn Vĩ, Mai Thiện cầm quân thủy bộ đến vây đánh.

– Tiếp đó (tháng 7 âm lịch), khoảng trăm chiếc tàu của Tạ Văn Phụng đang neo đậu tại sông Thác Hàn ngoài thành Hải Ninh, cũng bị Đốc binh Ông Ích Khiêm và Phó vệ úy Phan Đình Thảo hiệp đồng với quan nhà Thanh ở Khâm Châu là Lý Văn Yên đến đánh. Trận diễn ra vào buổi tối, đến sáng thì quân triều lấy lại được thành Hải Ninh, đuổi đoàn tàu chiến (ước chừng 70, 80 chiếc) của quân nổi dậy chạy đến vũng Ngọc Sơn (làng Trà Cổ, nay thuộc phường Bình Ngọc, Móng Cái). Bị truy đuổi, Tạ Văn Phụng cùng tùy tướng tên là Ước (không rõ họ) lại đem đoàn thuyền chạy vào tới vùng biển Thanh Hóa, Nghệ An.

– Bị bắt và hành hình:
Tháng 8 (âm lịch) năm Ất Sửu (1865), đạo quân thứ Hải Yên do Nguyễn Tri Phương chỉ huy lại truy đuổi một đội tàu của Tạ Văn Phụng tại sông Gia Luận thuộc xứ Hà Lai. Tại đây, ông sai Tri huyện Nghiêu Phong là Nguyễn Hữu Thuận đem binh thuyền đi thăm dò địa phận sông, thì chợt gặp thuyền Đô thống Hậu quân của quân nổi dậy là Phạm Văn Khương và Oánh (không rõ họ) nên hô quân bắt được. Sau đó, ông Oánh bị giết ngay, còn ông Khương thì bị nhốt cũi giải về Kinh đô Huế.

– Sang tháng sau (tháng 9 âm lịch), thì đoàn thuyền Tạ Văn Phụng bị “bang thuyền nước Tàu” đánh tan ở ngoài Hải Ninh và hòn Thảo Dự ở Quảng Bình. Đến lúc ấy quân nổi dậy, người thì phải bắt, người thì chạy trốn được. Phần Tạ Văn Phụng và tùy tướng tên là Ước, sau đó cũng bị bắt sống giải về Huế.

– Tháng 10 năm 1865, Tạ Văn Phụng bị xử án lăng trì.

– Như vậy, loạn phản của Tạ Phụng ở Bắc Kì nổ ra trong thời điểm chiến ở các tỉnh Nam Kì đang rất gay gắt, phong trào chống Pháp của người dân vô cùng sôi nổi, dâng cao, đã có dấu hiệu cho thấy người Pháp đã sa lầy ở Nam Kì, nhưng để dẹp yên mắt bắc, vua Tự Đức đã dốc đại quân và đổ nhiều tiền ra bắc để dẹp loạn và chấp nhận hòa hoãn với Pháp ở Nam Kì, nên vội vàng sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Tiếp vào Gia Định để lo việc hòa ước Nhâm Tuất, có lẽ vì Bắc Kì thời điểm đó đang trong tình trạng cấp bách hơn chăng, và triều đình có niềm tin có thể đòi lại đất đã mất trong tay người Pháp ?
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, Lê Duy Phụng chỉ là con cờ được người Pháp dựng lên với sự tiếp tay của các linh mục nhằm giúp Pháp nhanh chóng thoát khỏi tình trạng khó khăn ở Nam Kì và mặc cả với triều đình Huế. Bởi :
Sau khi tàu liên quân Pháp-Tây Ban Nha nã đại bác vào Đà Nẵng (1 tháng 9 năm 1858), giám mục Retord liền nảy ra ý định tạo ra một ông vua theo đạo Thiên Chúa dưới sự bảo trợ của Pháp, và ông đã nghĩ ngay đến Tạ Văn Phụng. Tạ Văn Phụng nhận lời trở lại Bắc Kỳ vào giữa năm 1861, rồi phất cờ phù Lê và chọn cố đạo Trường làm mưu sĩ. Chỉ trong vài tuần lễ, Tạ Văn Phụng chiêu mộ được một đạo quân có hơn hai vạn. Đáng nói đạo Trường không phải là người Việt, mà là linh mục Le Grand de Liraye. Sau (ngày 14 tháng 10 năm 1866), cũng chính ông là người đã cùng đi với Paulin Vial với tư cách là thông ngôn ra Huế để bức bách vua Tự Đức nhượng luôn ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ cho Pháp.

– Đầu năm 1862, gián điệp Duval bí mật đến Bắc Kỳ, tiếp xúc với Tạ Văn Phụng với mục đích đẩy mạnh cuộc nội chiến, nhằm gây áp lực với vua Tự Đức phải nhận ký hòa ước thua thiệt với người Pháp vào ngày 5 tháng 6 năm 1862 (Hòa ước Nhâm Tuất). Đến đây kể như số phận của “con bài Tạ Văn Phụng” đã kết thúc, vì thực dân Pháp đã đạt được thắng lợi trong giải pháp chính trị. Và bất kể tương lai cá nhân của Tạ Văn Phụng, sau khi làm tròn nhiệm vụ của mình, Duval đã rời đất Bắc ngày 17 tháng 7 năm 1863.

– Ý đồ biến Tạ Văn Phụng thành một ông vua theo đạo Thiên Chúa dưới sự bảo trợ của Pháp, cũng đã được linh mục Theurel đề cập đến. Ông viết: “

Nếu các nhóm phản loạn đoàn kết, chúng có hy vọng thành công. Với ông vua mới này, con cái của chúng ta chắc chắn sẽ có được sự hòa bình tôn giáo, và dân chúng sẽ theo vua chúng mà theo đạo. Nhưng y chỉ là một tên giả mạo”
Giống như số phận của bao con cờ chính trị khác cả xưa và nay, khi đã hết giá trị lợi dụng với ngoại bang, thì những lời hứa khi trước sẽ không còn mà chỉ còn lại những tai họa cho đất nước và dân tộc mình. Buồn cười ở chỗ, dù lịch sử đã ghi tên bao nhiêu kẻ bắt tay ngoại bang để tư lợi bản thân, bán đứng lợi ích của dân tộc dưới danh nghĩa hết sức cao quý tốt đẹp, nhưng hiện nay vẫn có những cá nhân, tổ chức tình nguyện làm những con cờ để người ngoài giật dây để đổi lại những lời vinh danh ,ca tụng sáo rỗng.

You may also like

Leave a Comment