Bạn thường làm gì khi ai đó đến và tâm sự với bạn nỗi lòng của họ?
Bạn sẽ ngồi yên, lắng nghe, gật đầu, và động viên họ:
“Thôi đừng lo lắng quá, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi!”
“Thôi cố gắng lên!”
“Em bị sao vậy? Làm gì mà suy nghĩ tiêu cực quá!”
Hoặc bằng một vài cách “tệ” hơn, như cho đối phương những lời khuyên tới tấp.
Nhưng liệu đó có phải là cách khiến đối phương cảm thấy được đồng cảm? Có khiến đối phương giảm bớt bất an hay không, khi họ đang mang nhiều cảm xúc bế tắc.
Câu trả lời là KHÔNG! Đó chỉ đơn thuần là cách động viên nghèo nàn mà ta có thể nghĩ ra.
Có thể những lời khuyên của ta là đúng, có thể những hành động đó đều xuất phát từ trong tâm ta, mong cầu điều tốt cho họ, với hy vọng họ sẽ suy nghĩ thông thoáng hơn.
Nhưng có một điều đáng tiếc, đó không phải thứ họ mong muốn được nghe vào thời điểm ấy.
Giống như họ đang ở trong căn phòng cháy, vội vàng muốn mở cửa sổ ra để lấy oxi, nhưng ập vào lại toàn là khói đen mù mịt do ta mang tới vậy.
Hãy thử dừng lại để ý xem. Mỗi khi bạn cần đồng cảm, cần tìm ai đó để trút bầu tâm sự, điều bạn mong muốn nhất khi ấy là gì?
Có phải là để được nghe những lời nói quen thuộc, như được lập trình sẵn kia không?
Hay là muốn được giải tỏa nỗi lòng, tìm được ai đó “đứng về phía mình, công nhận cảm xúc của mình là đúng”, bất kể đó là cảm xúc tiêu cực đến cỡ nào.
Điều đó vốn dĩ là bản năng của con người, dù lớn hay nhỏ, thì việc tìm được một người đứng về phía mình, nói rằng “Bạn đúng”, vẫn là điều chúng ta luôn mong muốn.
Tôi từng quen một cô gái. Có một lần cô ấy đi thực tập ở xa. Sau khi đáp chuyến bay đầy mệt mỏi, cô vội bắt taxi về nhà mà quên không hỏi giá tiền.
Không may cho cô ấy khi bị tính tới 80k cho vỏn vẹn 1,5km đi taxi.
Mặc dù bực tức lắm, nhưng thân là con gái đi một mình, đồ đạc lỉnh kỉnh, người cũng đang mỏi mệt, đâu dám đôi co với gã taxi xấu tính.
Nếu là bạn, bạn có thấy cảm cô ấy ngốc nghếch vì quá chủ quan không?
Cô ấy chỉ còn biết đem câu chuyện về nhà, kể cho ba mẹ, kể cho người yêu là tôi nghe.
“Tại sao em không hỏi giá trước khi lên?”
“Ai bảo con không hỏi kỹ rồi hãng đi, cái đấy là cơ bản nhất rồi. Lần sau biết đường mà chừa nhé.”
Giống như được lập trình vậy, cả ba mẹ, cả người yêu, đều phản xạ giống hệt nhau, nói với cô ấy răm rắp những điều mà cô ấy ĐÃ THỪA BIẾT.
Cô ấy biết mình thiếu sót, biết mình ngây ngô nên bị thiệt, biết mình nên rút kinh nghiệm vào lần tới thế nào.
Vậy nên cô ấy không muốn nghe lại những lời đó, vì nó trái ngược với điều cô mong muốn nhất lúc ấy, là có ai đứng về phía mình.
Cô đã nói với tôi như thế này:
“Những điều anh nói em thừa biết, nhưng sao cả bố mẹ, lẫn anh đều không ai đứng về phía em vậy? Trong khi ông taxi kia mới là kẻ xấu tính. Và chuyện em kể ra, cũng chỉ muốn được m.n lắng nghe, hiểu cảm xúc của em, chứ em không cần ai giáo huấn mình thêm nữa.”
Chuyện ấy làm tôi nhớ mãi. Giá như biết cách đồng cảm sớm hơn, có lẽ tôi sẽ khiến cô thấy được cảm thông hơn nhiều:
“Ông taxi vô lý thế! Chắc thấy em con gái đi một mình, đồ đạc lỉnh kỉnh, mà quên chưa hỏi giá, nên cố tình bắt nạt e đấy. Là anh thì anh cũng tức, cạch mặt không bao giờ có lần sau. Mấy người xấu như vậy, không khấm khá nổi đâu. Lần tới e cứ gọi a ra đón, nếu vướng giờ làm thì a xin phép ra ngoài 1 chút rồi quay lại công ty cũng được.”
Là cô ấy, bạn có cảm thấy được giải tỏa hơn khi nghe vậy không?
Mặc dù trong cuộc sống, những người xung quanh ta sẽ gặp nhiều câu chuyện phức tạp hơn, hoàn cảnh mâu thuẫn hơn, cảm xúc cực đoan hơn như thế nhiều. Và trong số đó, có những suy nghĩ là sai trái, có những dự tính là dại dột, là nguy hiểm.
“Mình muốn t ự t ử!”
“Mình muốn đốt cháy cái nơi đó!”
Vậy ta cũng ủng hộ, cũng nói với họ rằng “Bạn đúng” ư?
Xét về lý trí, rõ ràng là ta không thể ủng hộ những hành động đó rồi.
Nhưng diệu kỳ, là việc ta tìm cách thấu hiểu và công nhận cảm xúc của họ lúc đó, lại có thể khiến họ được chữa lành nhanh chóng.
“Phải có lý do gì đó, nên cậu mới muốn làm vậy phải không? Có chuyện gì vậy, kể mình nghe xem”
“Phải chịu nhiều áp lực cùng một lúc như cậu, chắc chắn ai cũng dễ hành động dại dột. Sức chịu đựng của con người cũng có giới hạn mà. Chỉ có sắt đá mới không suy nghĩ về việc đó thôi. Nhưng cứ ở đây, bình tâm lại 1 chút, biết đâu mình có thể giúp bạn gỡ rối phần nào!”
Và 99% họ sẽ ngồi lại, kể ta nghe những uất ức, những áp lực mà trước nay họ không dám nói ra, vì chẳng ai chịu hiểu cho họ. Khi được giải tỏa rồi, họ sẽ sớm buông bỏ suy nghĩ dại dột.
Chỉ đơn thuần là như vậy thôi, đôi khi ta có thể cứu lấy một con người đang trên bờ tuyệt vọng, và chuyển hóa cảm xúc, hành động của họ lúc đó.
Nhưng chúng ta ít ai biết được cách đồng cảm đúng, biết cách lắng nghe và thấu hiểu như thế nào để khiến đối phương an lòng. Chúng ta quen sống và khuyên nhủ họ theo lý trí của mình.
Lỗi cũng không phải do ta vô tâm, hay do ta là kẻ không biết cách thấu hiểu đối phương. Mà chỉ là vì chưa ai chỉ cho chúng ta cách làm điều đó. Ngay cả khi chúng ta gặp bế tắc, đa phần mọi người đều an ủi ta bằng một cách nghèo nàn giống nhau, bằng lý trí chứ không thực sự biết tận dụng con tim. Vậy thì, chúng ta cũng đâu biết thực sự phải làm sao khi có ai đó đến và muốn dựa vào ta!
Khi hiểu được điều này, tâm thức mình gần như thay đổi rất nhiều. Mình nhận ra, những khi bế tắc, người có thể thực sự đồng cảm với mình, sẽ là người mình trân quý và ấn tượng nhất. Tương tự, khi ai đó tìm tới, muốn được lắng nghe, mình sẽ biết cách để khiến họ nhẹ lòng. Đó là khi ta có thể tự chữa lành cho nhau.
Hãy thử dành 5 phút để nhớ xem. Lần gần đây nhất có người tìm tới ta và trút bầu tâm sự là ai? Và ta đã thực sự biết cách đồng cảm, giúp họ vượt qua được giây phút đó?
Ngược lại, lần gần nhất ta tìm tới ai đó để tìm sự cảm thông, lúc đó ta mong muốn nhận được điều gì nhất? Đó có phải là sự thấu hiểu cho cảm xúc của ta không?
Câu trả lời của câu hỏi thứ 2 cũng chính là lối đi cho câu hỏi trước đó.
Hãy xem video dưới cmt này. Đó chính là video khiến mình nhận thức về sự đồng cảm thực sự. Đoạn đầu video hơi lan man, nhưng cứ xem đến cuối đi, bạn có thể sẽ học được cách chữa lành đúng đắn nhất.