Chắc hẳn ai cũng quen biết, hoặc ít nhất là có dịp tiếp xúc hay gặp gỡ với một kiểu người – kiểu người mà làm cho mình có cảm giác cái gì họ cũng biết, vấn đề nào họ cũng có thể thảo luận. Những người như vậy, nếu lại còn thêm cái tính hoạt bát xởi lởi, hoạt ngôn luôn mồm luôn miệng thì đúng là át vía hết các đồng đội xung quanh chứ chưa nói đến các đồng chí hướng nội.
Có những người, dù muốn mở lời bắt chuyện với đối phương nhưng không biết phải bắt đầu thế nào, đò đưa lèo lái câu chuyện ra sao để rồi đối phương nghĩ mình khó gần, hoặc có nói thì cũng bâng quơ được dăm ba câu rồi bầu không khí tĩnh lặng lại bao trùm, cuộc trò chuyện lại rơi vào thế bí như chặt phải hẻm cụt.
Có những người, chả cần quan tâm ai mở lời trước, gió đằng nào xuôi đằng đó. Gặp ai họ cũng nói được, bất kể nhỏ tuổi hay lớn tuổi, đều linh hoạt ứng biến các chủ đề sao cho cuộc trò chuyện luôn được tiếp diễn một cách trơn tru. Lắm lúc phải dừng lại mà nghĩ: “Mẹ thằng này tra dầu vào mồm hay sao mà nói năng nghe mượt mà bùi tai thế..” Để rồi nhìn lại mình thật thảm, cái nào mình mà thích là nói xôm xả lắm, nói như từ bé tới lớn bị cấm nói mà tội mỗi cái là chỉ biết nói mỗi cái đó, ngoài cái đó ra thì mấy cái khác tịt ngòm, mặt mày xám xịt. Cũng may là có cái smartphone làm cứu cánh chứ không khối ông khối bà chả biết làm gì ngoài cắn móng tay khi lâm vào tình cảnh khó chịu như vậy.
Hai kiểu như vậy, tôi nghĩ hầu hết mọi người đều ở kiểu thứ nhất, hoặc không thì cũng đã từng. Vài cá thể nổi bật được ông trời trao cho thiên phú về giao tiếp thì khỏi nói, những người như vậy chúng ta không bàn tới ở đây. Bài viết này tập trung vào việc xác định tư tưởng đúng đắn về hai trạng thái kể trên và cách mà bạn có thể thay đổi, từ kiểu thứ nhất sang thứ hai (nếu bạn cho rằng điều đó là nên làm, giống như tôi).
Tôi viết bài này với tư cách một người đã từng thuộc cả hai kiểu trên. Như phần lớn mọi người, tôi đã từng được cho là lầm lì, thái độ mỗi khi có người bắt chuyện (tất nhiên rồi vì làm gì có chuyện tôi dám bắt chuyện với người ta ). Tất cả những gì tôi có thể nói là: game. Cuộc sống của tôi ngày đó chỉ có game, nên game là thứ duy nhất tôi có đủ tự tin và hứng thú để trao đổi với người khác. Mà người khác ở đây thì cũng toàn mấy khứa đực choai tuổi tôi, cũng chỉ biết nói về game giống như tôi. Thành ra ngày qua ngày chỉ có mấy mống béo béo mập mập bốn mặt tụ tập chửi nhau vì thằng này chơi ngu, thằng kia đánh gà. Tuyệt đối không có vấn đề học tập trong chuyện của chúng tôi, vì chúng tôi không có học.
Những năm tháng cấp hai và cấp ba của tôi đã trôi qua như vậy, một cách bình thường như bao thằng khác và vô vị như tôi vẫn luôn thường tự ngẫm lại. Những ngày tháng đó lướt qua trong đầu tôi như một thước phim xoèn xoẹt rồi tới màn kết, để lại âm hưởng trống rỗng và sự bế tắc giờ đây tôi gánh chịu. Tôi đã hối hận vì mình không chịu tìm hiểu nhiều hơn về các vấn đề khác, tôi đã ước mình đã chăm đọc sách hơn, chăm xem phim hơn, chăm chỉ ra ngoài kết giao bạn bè và dành thời gian bên cạnh họ, tôi đã ước mình đi theo anh chị lớn nhiều hơn để nghe được nhiều câu chuyện hơn là chỉ cắm mặt vào màn hình từ sáng tới chiều.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, bạn sẽ không bao giờ nhận ra bạn bất lực thế nào cho tới khi gặp phải một người đối lập với bạn, một người thuộc kiểu hai. Họ tự tin, sôi nổi và cá tính. Trong khi bạn còn đang lúng túng không biết phải break the ice thế nào thì nó càn quét hết tất cả lĩnh vực mất rồi Cảm giác đó, là cảm giác bị áp đảo. Những người như vậy, tôi gặp nhiều, gặp từ sớm là đằng khác.
Cứ phải gặp mấy người như vậy mới thấy tầm quan trọng của việc giao tiếp, rằng giao tiếp là cả một tài năng, một nghệ thuật để mà học hỏi trau dồi. Và theo tôi mà nói, những thứ làm nên một cuộc trò chuyện hiệu quả là sự cộng dồn của tri thức, sự tự tin và thái độ.
Tri thức đến từ học tập qua sách, báo, đài, mạng mẽo linh tinh đủ cả và đến từ kinh nghiệm, trải nghiệm của cá nhân. Sự tự tin là một yếu tố nội lực, tuy nhiên theo tôi, bạn chỉ có thể tự tin khi bạn có tri thức. Bạn chỉ có thể tự tin khi bạn có hiểu biết, có kiến thức nhất định về chủ đề đang bàn luận. Bởi vậy, tôi mới thấy việc biết mỗi thứ một ít đôi khi thật là tốt, với những cuộc trò chuyện xã giao ta chưa nhất thiết phải đi thật sâu, có thể chỉ dừng lại ở việc tối nay ông có xem Man City đá không, con xe Vision mới tăng giá còn con SH lại giảm, giá xăng tăng liên tục chả thấy đường về là do đâu.. Có khi chỉ cần chăm chỉ xem thời sự, đọc báo hàng ngày hàng tuần là bạn cũng có thể rôm rả vài ba câu chuyện với những anh em bằng hữu đối tác.
Yếu tố cuối cùng mà tôi cho rằng quan trọng nhất, đó là thái độ. Tại sao lại quan trọng nhất ?
Có ai muốn nói chuyện với một người mà trả lời mình với thái độ hời hợt, lạnh nhạt không ? Không.
Có ai muốn nói chuyện với một người mang thái độ khinh khỉnh, miệt thị không ? Không.
Có ai muốn nói chuyện với người kênh kiệu, chảnh chọe không ? Không nốt.
Có liệt kê ra hàng trăm dòng nữa cũng không hết, nhưng để người ta muốn nói chuyện cùng thì rất dễ. Thái độ niềm nở luôn tốt, ai mà chả thích được tôn trọng, niềm nở với họ là thể hiện mình tôn trọng họ, thể hiện được sự chân thành của mình. Thứ hai, là phải biết lắng nghe. Học nghe khó hơn học nói, ít nhất nếu không biết nói gì thì cũng phải biết lắng nghe. Nghe để hiểu, đôi khi cũng chả hiểu, nhưng mà cứ nghe vì đó là quy tắc ứng xử tối thiểu khi giao tiếp.
Tổng kết lại, đơn giản chỉ có. Học nhiều lên, tìm hiểu nhiều lên và giữ thái độ tích cực, niềm nở khi nói chuyện. Hết.
Học mỗi thứ một ít cũng được, thời đại này biết càng nhiều càng tốt, thích cái gì thì chuyên sâu cái đó. Không ai cấm giáo viên dạy vẽ học múa và cũng không ai cấm giáo viên dạy múa học vẽ. Cứ học đi.
Đấy, đơn giản thế thôi. Từ kiểu một sang kiểu thứ hai, hơn nhau chỉ ở cái đầu. Ngày tháng qua đi, ông nào học nhiều biết nhiều thì tiến còn ông nào học ít chơi nhiều thì tụt. Cuộc trò chuyện nó cũng khác nhau một trời một vực, ông học nhiều nói toàn các thuật ngữ kinh tế đao to búa lớn còn ông kia thì chỉ biết có nào bóng bay, nào cần nào cỏ. Thế thì làm sao mà nói chuyện được..
Đôi khi nói chuyện với những như vậy cũng tốt, mình biết được rằng nếu mình không đàng hoàng cẩn thận rồi sẽ thành như chúng nó bây giờ, và chắc chắn đó là cái viễn cảnh tệ nhất mà mình có thể tưởng tượng ra.