“Bill Marriott” chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời có mục đích của Bill Marriott với độc giả. Đó là nhận xét của cựu Đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ Laura W.Bush sau khi đọc cuốn tiểu sử hấp dẫn về tượng đài của ngành công nghiệp khách sạn.
Bill Marriott là bệ phóng đưa Marriott trở thành chuỗi khách sạn toàn cầu lớn nhất thế giới, hiện diện ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. “Bill Marriott” của nhà văn, nhà báo Mỹ nổi tiếng Dale Van Atta không chỉ làm rõ những quyết định lịch sử làm nên đế chế khách sạn thành công nhất thế giới, mà còn khắc họa sắc nét chân dung một doanh nhân có tâm, sống cuộc đời có mục đích.
Ngay đầu cuốn sách (NXB Thế giới, Alpha Books phát hành), tác giả đã đóng khung 10 nguyên tắc thành công của Bill Marriott vừa đậm tinh thần doanh chủ, tinh thần nhập thế vừa sáng giá trị nhân văn, giá trị nhân bản.
- Quan tâm tới những người gần gũi nhất với bạn, và họ sẽ quan tâm tới những người gần gũi nhất với họ.
- Tôn vinh rộng rãi thành công của mọi người quanh bạn; lặng lẽ ăn mừng chiến thắng của riêng mình.
- Tìm ra điểm mạnh của bản thân và phát triển nó.
- Hành động ngay lập tức; ưu tiên cho hành động.
- Nói ít đi; lắng nghe nhiều hơn.
- Quan sát và hiện diện trước những người mà bạn muốn tạo ảnh hưởng; hãy để họ nhìn thấy hành động của bạn và mở lòng với bạn.
- Hãy nhớ rằng thành công luôn nằm trong chi tiết.
- Dùng người có phẩm chất phù hợp, dù họ không có trải nghiệm phù hợp.
- Thu hút những người thông minh hơn mình.
- Hãy coi mỗi vấn đề là một cơ hội để phát triển; đừng bao giờ bỏ cuộc.
Đọc hết 557 trang sách, độc giả sẽ thấy Bill Marriott đã thành công rực rỡ nhờ trung thành với 10 nguyên tắc của mình, đặc biệt là không bao giờ bỏ cuộc mà ưu tiên cho hành động.
Ông có người cha nóng tính, hà khắc, phản đối hầu hết quyết định của mình; ông từng bị bỏng nặng suýt chết, đau khổ khi thấy khách sạn của mình đổ sụp trong vụ khủng bố 11/9… Nhưng ông đã phát triển được đế chế Marriott với hơn 7.000 khách sạn, trở thành hoàng đế khách sạn thế giới.
Và người ta không chỉ nhớ tới các khách sạn Marriott đậm chất nghỉ dưỡng, khuyến khích lối sống lành mạnh (Marriott là một trong những khách sạn tiên phong cấm hút thuốc, không dùng thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa, không cung cấp dịch vụ video theo yêu cầu – chiếu phim “tươi mát”). Nhiều người còn biết tới Bill Marriott với tư cách một người đàn ông có đức tin mạnh mẽ, giàu lòng trắc ẩn (quyên tặng hàng tỷ đô la cho nghiên cứu y học…).
Bill Marriott là con người của ý tưởng và hành động. Đầu những năm 60, ông quyết định xây một khách sạn hạng sang ở trung tâm thành phố Atlanta, nhưng lại chọn một mảnh đất toàn người vô gia cư và bợm rượu cư ngụ để động thổ. Lúc khai trương (năm 1965), khách sạn Atlanta vẫn chưa hoàn thiện xong, trong khi đối thủ là chuỗi khách sạn Hilton đã có vị thế vững vàng. Khai trương rồi, sáng sáng nhân viên vẫn phải ra ngoài cửa khách sạn để dọn vỏ chai whiskey vứt lăn lóc. Thế nhưng, dưới tài điều hành của Bill Marriott, một công ty nhỏ bé, yếu ớt đã cho ra đời vô số sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp “giống như con chim yến đẻ ra voi vậy”.
Quyết định tuyển dụng nhân sự của Bill Marriott cũng khác người. Trước lễ khai trương khách sạn Marriott thứ tám vào năm 1967, hơn 2.000 người tới nộp đơn, trong đó có một người đàn ông mù tên là John McDonald từng bị hơn 50 công ty từ chối tuyển dụng. Bill nhận John vào làm trong nhà bếp khách sạn và người đàn ông mù có 4 con này luôn phân loại nhanh và chính xác đồ bạc trong bếp. “Phòng bát đĩa là một trong những phòng xuất sắc nhất công ty. John luôn nở nụ cười lớn, không ngừng truyền cảm hứng cho người khác bằng sự chuyên cần, nhiệt tình và chăm chỉ của mình. Anh ấy luôn là nguồn cảm hứng to lớn cho cá nhân tôi. Có những lúc đi đường khi tự hỏi bản thân những phiền muộn này có đáng hay không, tôi lại nghĩ tới John ở Chicago đang vui vẻ phân loại những món đồ bạc mà anh ấy sẽ không bao giờ nhìn thấy. Vì vậy, tôi lại tiếp tục tiến lên với công việc trước mắt”, Bill kể.
Vừa làm bố vừa điều hành một công ty lớn khi tuổi đời còn trẻ là một thách thức đáng kể, đòi hỏi Bill Marriott phải hy sinh và biết cách sắp xếp công việc. Nếu có mặt trong thành phố, Bill luôn về nhà ăn sáng và ăn tối. Thứ Bảy, Bill đưa các con đi thăm Học viện Hải quân Mỹ ở thành phố Annapolis hoặc xem đua thuyền trên sông Potomac. Bill quyết tâm trở thành người bố khác bố mình. “Tôi không quá hà khắc với con mình. Tôi muốn tạo dựng một mối quan hệ. Tất nhiên là tôi sẽ bảo với chúng những thứ chúng không nên làm, đề ra nguyên tắc cho chúng, nhưng nhìn chung, tôi để cho các con được thoải mái. Tôi cho phép chúng làm những việc của riêng mình, tôi quyết định phải yêu thương các con”, Bill nói.
Tuy nhiên, khi đế chế Marriott mở rộng khắp nước Mỹ và vươn ra nước ngoài, Bill vắng nhà ít nhất 180 ngày trong năm. Vì sao vậy? Vì ông trung thành với phương pháp quản lý từ thời bố mình. Đó là Quản lý từ bên ngoài văn phòng (Management by Walking around) – lãnh đạo cần bỏ ra ít nhất 1/4 thời gian làm việc hằng ngày để ra ngoài tiếp xúc thực tế với công việc và nhân viên. Báo chí Mỹ gọi Bill là “Gulliver hiện đại” vì mỗi năm ông bay trung bình 240.000 km để trực tiếp gặp các nhà quản lý và nhân viên, thăm hơn 100 khách sạn của mình, 75 khách sạn của đối thủ cạnh tranh, hàng chục bếp ăn của các hãng hàng không và 100 điểm cung cấp suất ăn của mình.
Sống trên đống vàng nhưng Bill không ngồi mát và hưởng thụ. Ông không có du thuyền, hiếm khi tiệc tùng với người giàu có và nổi tiếng. Thú chơi xa xỉ duy nhất của Bill là sưu tầm xe hơi cổ; với ông, xe cổ là tranh của danh họa Renoir chạy trên đường phố.
Khi Bill về già, có phóng viên hỏi: “Ông muốn được nhớ đến vì điều gì nhất?”. Ông trả lời: “Tôi nghĩ tôi muốn được nhớ đến vì đã giúp đỡ mọi người, rằng tôi đã có thể đem lại cho nhiều người cơ hội đạt được khát vọng của mình”