Bộ ba không thể tốt cùng nhau của chính sách tiền tệ

by admin

“Tam nan kinh tế” hay còn gọi là “Bộ ba không thể tốt cùng nhau” là một vấn đề vô cùng hóc búa mà mọi nhà kinh tế học vĩ mô đều biết, nhưng mọi nhà hoạch định chính sách thì dường như lại quên béng mất tiêu. Nó là một mệnh đề cho rằng một quốc gia bất kỳ phải chọn giữa (1) tự do dòng vốn, (2) tỷ giá hối đoái cố định và (3) chính sách tiền tệ độc lập. Dù là quốc gia nào đi chăng nữa thì cũng chỉ có thể thi hành đồng thời hai trong ba chính sách trên chứ không thể làm cả ba cùng lúc.

Vấn đề này hiểu đơn giản thì cũng giống như đời sinh viên của bạn vậy. Bạn có thể chọn ngủ nướng, ăn chơi với bạn bè hoặc một bảng điểm chói lọi nhưng không thể có cả ba cùng lúc. Ví dụ này cũng là một bộ ba không thể tốt cùng nhau, nhưng tam nan kinh tế thì nghiêm trọng hơn thế nhiều.

Hãy cùng tìm hiểu xem tại sao chúng ta không thể làm cả ba việc cùng lúc.

Một nước ưu tiên chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái thì không thể để dòng vốn lưu thông tự do.

Đây là con đường mà chính phủ Trung Quốc đã chọn trong nhiều năm qua. Họ đã neo tỷ giá Nhân Dân Tệ (NDT) với một rổ tiền tệ mạnh, mà ở đây chủ yếu là USD. Tỷ giá hối đoái cố định này đem lại cho họ một ưu thế, dù nó gây ra rất nhiều tranh cãi, là cho phép hàng hóa xuất khẩu của họ rẻ hơn. [1]

Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc (PBOC) đạt được điều này bằng cách mua vào USD và bán ra NDT (hoặc ngược lại) khi tỷ giá biến động. Điều này nghĩa là Trung Quốc phải (và họ đã làm) duy trì một lượng dự trữ ngoại hối lớn kinh khủng.

Tuy nhiên, vì Trung Quốc duy trì tỷ giá hối đoái cố định và chính sách tiền tệ độc lập nên họ phải hy sinh lựa chọn về dòng vốn lưu chuyển tự do. Giới đầu tư ở Trung Quốc và những nơi khác biết rằng giá trị của NDT thấp nhưng lợi nhuận lại cao; dòng vốn ngoại đổ vào Trung Quốc làm nhu cầu về NDT tăng cao, kết hợp với nguồn cung bị giới hạn khiến NDT tăng giá, và cuối cùng sẽ phá vỡ tỷ giá hối đoái cố định của PBOC. Trong trường hợp PBOC cắt giảm lãi suất thì dòng vốn ngoại sẽ nhanh chóng chảy ra khỏi Trung Quốc để tìm tới những nơi có lợi nhuận cao hơn, cuối cùng cũng sẽ khiến tỷ giá hối đoái cố định không còn giữ được nữa. Điều này đã xảy ra tại Trung Quốc vào năm ngoái. [2]

Để chống lại điều đó, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đối với các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước, tăng cường yêu cầu tiết lộ thông tin đối với các cá nhân mua ngoại tệ và thắt chặt các hạn chế với các khoản đầu tư của công ty ở nước ngoài, cũng như các hình thức kiểm soát vốn khác. Nhiều người cho rằng chính sách này hạn chế khả năng NDT trở thành một loại tiền tệ toàn cầu thực sự như Đảng Cộng Sản Trung Quốc mong muốn (tôi sẽ nói thêm về điều này sau).

Một nước ưu tiên tự do lưu chuyển dòng vốn và chính sách tiền tệ độc lập thì phải thả nổi tỷ giá hối đoái.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đã đạt mức độ toàn cầu hóa rất cao như hiện nay, đây là lựa chọn của nhiều nước phát triển. Nó cho phép dòng vốn tự do lưu chuyển ở mức cao nhất, thích hợp cho việc kinh doanh quốc tế của các tập đoàn. Vốn luân chuyển tự do giữa các quốc gia, cho phép phần lớn các công ty không bị cản trở trong việc tiến hành đầu tư ở nước ngoài. Các chính phủ (cụ thể hơn là các ngân hàng trung ương) có thể giảm lãi suất trong điều kiện kinh tế xấu để bơm thêm tiền ra thị trường nhằm tăng cho vay và tiêu dùng, hoặc họ có thể tăng lãi suất khi nền kinh tế tăng trưởng nhanh để ngăn lạm phát.

Tất nhiên là điều này khiến quốc gia đó không thể kiểm soát giá trị đồng tiền của họ với các loại tiền tệ quốc tế khác. Điều này đã tạo ra các thị trường đầu cơ mua bán tiền tệ dựa trên việc niềm tin rằng chúng bị định giá thấp hay quá cao. Điều này vô hiệu hóa công cụ kiểm soát tỷ giá để làm cho xuất khẩu cạnh tranh hơn và đầu tư trực tiếp nước ngoài rẻ hơn.

Một nước muốn kiểm soát tỷ giá hối đoái và theo đuổi tự do lưu chuyển vốn thì không thể có chính sách tiền tệ độc lập.

Các nước đang phát triển hoặc các nước trải qua lạm phát rất cao (hoặc một số biến cố khác), dân chúng và các doanh nghiệp mất niềm tin vào đồng nội tệ có thể chọn con đường này. Nó cho phép các quốc gia này có được một đồng nội tệ ổn định với lạm phát thấp mà vẫn để dòng vốn tự do ra vào các nước đó. Điều này có thể khôi phục niềm tin vào đồng nội tệ và một môi trường kinh doanh thân thiện để nền kinh tế tăng trưởng.

Tất nhiên là điều này sẽ xóa bỏ khả năng kiểm soát lãi suất của ngân hàng trung ương. Vì nội tệ được neo với đồng tiền của một hoặc nhiều quốc gia khác, nên chúng là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách tiền tệ của các nước đó. Với nhiều nước phát triển, cái giá phải trả này là quá lớn. Tuy nhiên, nó dường như là một phương án chấp nhận được để họ ổn định nền kinh tế và tăng cường sức mạnh thương mại trong nền kinh tế toàn cầu hóa.

Theo: Hoàng Hải Đăng

You may also like

Leave a Comment