Mình ghét câu nói này.
Cái câu nghe tới nghe lui, nghe mòn cả tai, nghe đi nghe lại.
Hồi cấp 1: bố mẹ không nói, vì có nói con cũng chẳng hiểu. Chỉ biết bố mẹ hay đi tâm sự là nuôi chúng nó còn vất vả lắm, đầu tư cho ăn học chỉ mong chúng nó nên người.
Hồi cấp 2: Lịch học thêm dày lên, tất bật với những kì ôn đội tuyển. Mỗi năm học mới là lại được nghe cái câu “Bố mẹ cho tiền thì cố gắng mà học”. Chẳng khác nào một lời thúc ép. Mình không thích câu nói đó.
Lên cấp 3: Lười và chán nản với bài vở. Mẹ luôn nhận được cuộc gọi của cô, về việc bạn Hường bỏ bê việc học, chỉ đâm đầu theo các hoạt động ngoại khóa. Mỗi bữa cơm lại là bài ca “Bố mẹ cho tiền thì cố gắng mà học”. Chẳng khác nào một nhiệm vụ bắt buộc. Mình ghét câu nói đó.
Vào Đại học: Tìm ra những điểm mạnh của bản thân ở môi trường mới. Chú tâm đến việc học hơn. Xa gia đình, đủ thứ chi phí phát sinh. Mỗi dịp về ăn cơm với bố mẹ vẫn là câu nói quen thuộc. Lần này, mình không ghét câu nói đó nữa.
Ra đi làm: Được tiếp xúc với nhiều câu chuyện, nhiều hoàn cảnh, mình mới biết câu nói đó của bố mẹ không phải là thúc ép, là áp lực, mà nó là quyền lợi, là cơ hội và niềm hạnh phúc. Không phải đứa con nào cũng biết trân trọng đồng tiền cha mẹ nuôi ăn học. Nhưng cũng không phải cha mẹ nào cũng sẵn sàng đầu tư cho việc học của con.
Kiếm được đồng tiền chưa bao giờ là dễ dàng. Nên mình biết bố mẹ đã nói cái câu chán ngấy kia suốt 20 năm nuôi mình ăn học, là cả một kì tích.
Bố mẹ các cậu cũng vậy. Cuối cùng thì người hào phóng với chúng mình nhất, lại chính là bố mẹ mình. Cho nên là, cố gắng học mọi thứ sớm nhất có thể, vì rằng:
Bố mẹ sẽ không mãi ở bên để cho mình tiền ăn học.
Cũng không phải đứa trẻ nào cũng có được may mắn ấy.
Lần này, mình rất thấm câu trong bữa cơm năm ấy “Bố mẹ cho tiền thì cố gắng mà học”