Trong mắt Mẹ Thiên Nhiên, chúng ta và loài ruồi muỗi đều tầm thường y như nhau.
Sáng nay có một con ruồi, theo đúng như tự nhiên đã tạo ra nó, bay xung quanh bàn làm việc của tôi. Nó bé tí – chắc là một con ruồi giấm. Bỗng nhiên nó đậu trước mặt tôi. Tôi xua nó đi và nó tiếp tục bay vòng vòng một cách vô định. Và rồi nó lại đậu xuống, và rồi tôi lại xua nó đi. Nhưng mà lần này tôi lỡ nhắm trượt. Hình như chỉ khoảng vài milimét thôi, nhưng ngón tay tôi đã hạ xuống, không phải bên cạnh con ruồi, mà ngay bên trên nó. Và thế là hành động xua tay trở thành một phát đập.
Con ruồi bé tới mức mà tôi chẳng cảm nhận được gì ở ngón tay. Và nó trở thành một vệt tối màu. Không có chút máu thịt gì cả; ít nhất nhìn bằng mắt thường là như vậy. Chỉ là một đốm nhỏ mờ nhạt.
Tôi không phải một nhà sinh vật học nhưng tôi biết ruồi là một loài động vật, cụ thể hơn, là một con côn trùng. Nó có cánh, chân, mắt, ăngten và nội tạng. Những phần trên được làm từ các tế bào, và nó vô cùng phức tạp. Và bên trong những tế bào đó, là ADN của con ruồi, những di sản được để lại qua hàng triệu năm tiến hóa. Những thế giới nằm trong thế giới, nay đã bị ép thành một chấm mờ tối màu, rất khó để phân biệt giữa những vết xước và vết ố cà phê trên bàn. Một cuộc sống đã chấm dứt trước mặt tôi.
Vào lúc này, tôi đoán các bạn đọc sẽ chia làm hai luồng suy nghĩ. Một nhóm, đa số sẽ nghĩ: ‘Chỉ là con ruồi thôi mà, bỏ qua đi’. Đây là một thái độ hợp lí. Mỗi ngày đều có rất nhiều ruồi chết – có những con thì chết trên tay tôi dù tôi có hay không định giết nó. Những buổi tối mùa hè, khi ngồi trên bãi cỏ và nghe những tiếng kêu của bọn côn trùng, giữa khung cảnh tuyệt vời đó, tôi biết rằng có rất nhiều côn trùng chết đi.
Một nhóm nhỏ khác sẽ cảm thấy kinh tởm vì tôi đã lấy đi một mạng sống. Họ sẽ chửi tôi là thằng vừa ngu vừa ác nhất thế giới. Và đây cũng là một thái độ hợp lí. Tôi đã hủy hoại một trong những tạo vật phức tạp và đẹp đẽ nhất từ Mẹ Thiên Nhiên, một thứ tinh tế hơn rất nhiều lần so với bất cứ thứ gì tôi đã tạo ra trên đời này.
Vì thế có vẻ như khá hợp lí khi nghĩ rằng cái chết của một con ruồi là hoàn toàn không đáng kể và cũng là một thảm họa. Những mâu thuẫn như vậy thường khiến mọi người không thoải mái, nhưng trong trường hợp này sự mâu thuẫn đối lập trong việc lựa chọn cũng bình thường như khi chúng ta chọn mua gì, ăn gì hay giết gì; làm nổi bật sự bất nhất trong triết lí của con người, những nỗ lực của chúng ta để hiểu được vị trí của mình trên thế giới và mối quan hệ của chúng ta với những loài vật cùng chung sống trên Trái Đất.
Đó là một trong những vấn đề hóc búa nhất của loài người, bởi vì bản chất của tự nhiên là một dòng chảy không ngừng, một bữa tiệc vô tận của cái chết. Hôm nọ khi đi dạo trong công viên tôi thấy nhiều đám trứng ếch nổi trên mặt hồ. Cái bọc nhớt nhớt này là một đám sự sống đang được thành hình. Mỗi bọc chứa hàng trăm thậm chí hàng ngàn quả trứng. Lần sau khi quay lại đó, cái hồ đã đầy nòng nọc bơi lội tung tăng, như một trang giấy chứa rất nhiều dấu phẩy. Nhưng sau đó một thời gian, số lượng bọn nó sẽ giảm đi rất nhiều, và lần sau nữa tôi phải nhìn chăm chú để tìm ra những chú ếch tí hon mới biến hình, một vài con vẫn còn cả đuôi. Những con mà tôi nhìn thấy là một trong những kẻ sống sót cuối cùng, và chúng nó sẽ vẫn giảm đi cho đến chu kì đẻ trứng của chúng. Cách để tồn tại của loài ếch là cho Thần Chết ăn no và ngủ quên.
Bữa tiệc chết chóc này tồn tại cùng lúc với bữa tiệc sự sống. Cùng với những con nòng nọc bị chết, một vài con vẫn sống và trở thành ếch; điều đó đã và đang diễn ra từ cách đây 200 triệu năm. Nhiều con ếch từ to đến nhỏ là đồ ăn của vô số sinh vật khác, từ ấu trùng dòi bọ cho đến những cái cò, cái vạc, cái nông. Thật vậy, ếch được coi là một trong những loài động vật mấu chốt trong chuỗi thức ăn, có nghĩa là cái chết của chúng cũng như con cháu chúng vô cùng quan trọng quyết định sự hưng thịnh của cuộc sống. Trong ngôn ngữ sinh học, cuộc sống và cái chết là sự cộng sinh bắt buộc, mỗi cái hoàn toàn phụ thuộc vào cái còn lại.
Chúng ta cũng được tạo ra từ từng lớp xương của ông cha được chôn dưới các tầng đất. Sự tiến hóa của loài Homo sapiens là sản phẩm của vô tận bồi đắp của những kẻ không phù hợp và không may mắn. Nếu loài Vượn người phương nam gục ngã trước thứ thuốc mê của sự sống, thì có lẽ bạn và tôi sẽ không tồn tại trên cõi đời này. Chúng ta nên cúi đầu biết ơn tất cả tổ tiên đã chết để chúng ta được sống.
Tôi bỗng tưởng tượng có một ngón tay vĩ đại đập nát mình, cuộc đời tôi trôi qua trong nháy mắt khi người tôi bẹp dí, mắt tôi lồi ra.
Nhưng tôi – cũng như nhiều người khác, muốn mình vẫn được sống trên đời này. Một cuộc đời mà con nòng nọc là thức ăn cho các sinh vật sống trong ao cũng tự nhiên như lá rụng mùa thu; con ruồi bị đập nát cũng giống quả táo thối trên cây. Thay vào đó, cái chết của một người như một thứ vô cùng phi tự nhiên; một lỗi lầm, một sự xúc phạm, một tội ác cấp vũ trụ; một lí do để đứng lên và đấu tranh chống lại chế độ giết chóc những người vô tội.
Nhưng hóa ra tất cả chúng ta chỉ là khách mời của bữa tiệc của cuộc sống và cái chết. Chúng ta biết rằng chúng ta cũng phải rời đi cùng với bọn ruồi, và bọn nòng nọc. Nhưng chúng ta không muốn nghĩ về nó. Và điều đó có lẽ cũng là vấn đề với con ruồi chết của tôi. Khi tôi đập nó, tôi đã triệu hồi Thần Chết tới bên bàn. Tôi bỗng bắt gặp ánh mắt của Thần. Giá như tôi quay đi đủ nhanh, thì cái chết của con ruồi sẽ vẫn tầm thường như hàng trăm hàng nghìn đồng loại của nó chết mỗi ngày. Nhưng tôi đã bị hấp dẫn bởi cái đầu bé xíu của nó, đã vẽ ra tưởng tượng cuộc sống của tôi trong chớp mắt bị cướp đi bởi một ngón tay khổng lồ. Từ sự thờ ơ, tôi đã lạc vào thảm họa, tự biến cái chết của con ruồi thành cái chết của mình.
Những người ăn chay, như những người theo đạo Jain ở Ấn Độ, và một vài tôn giáo khác cố gắng hành xử phi bạo lực với các loài vật khác, như một câu trả lời cho nhận thức của chúng ta về tử vong – bản chất thảm khốc của nó. Họ có những niềm tin rằng cái chết của bất kì sinh vật có cảm giác nào, cho dù là ruồi, muỗi, kiến gián và các loại côn trùng khác cho tới chuột hay thậm chí là người, đều là thảm họa. Và họ nói rằng: cái chết của bọn chúng không do bàn tay tôi, không được chứng kiến bằng mắt tôi, và tôi cũng chẳng làm được gì. Họ là những người chống đối cái chết, những tín đồ cam chịu không bao giờ đập ruồi muỗi.
Một vài nghiên cứu tâm lí học xã hội đã chỉ ra một mối liên hệ gần gũi giữa tâm trí của chúng ta với động vật, sản phẩm từ động vật và cái chết. Những nghiên cứu trên là một phần của công trình lớn được gọi là “lí thuyết quản lí nỗi sợ hãi”, giải thích rằng thế giới quan của chúng ta hoạt động để giúp chúng ta đương đầu với nỗi sợ chết. Có thể bắt gặp nó ở mọi nơi, từ những tôn giáo như Thiên Chúa giáo với hứa hẹn về cuộc sống vĩnh hằng, hay những hệ thống tín ngưỡng khác cũng có cơ chế chống lại cái chết tương tự. Ví dụ, giống như những người theo Thiên Chúa giáo tin rằn họ sẽ được Chúa hồi sinh, những người đăng kí ngủ đông – được làm lạnh cho tới chết – cũng tin rằng họ sẽ được hồi sinh bởi các nhà khoa học.
Những người ăn chay đều theo những khuôn mẫu giống nhau, một sự kế tục hiện đại của đạo Jain. Phản ứng của họ đối với nỗi sợ chết là cố gắng tạo ra một vùng Không-Chết, một vùng mà Thần Chết hoàn toàn bị ngăn cách với ruồi, với chuột, với chúng ta. Trong đạo Jain, yếu tố chống lại cái chết khá rõ ràng: thành quả cuối cùng của bạn khi giữ cho tay mình sạch sẽ không vấy máu là trở thành thần (đắc đạo). Với chủ nghĩa thuần chay thì nó là luật ngầm, nhưng cũng có không ít nghi lễ mang tính tôn giáo hay hình thức hiện diện. Như một người bạn của tôi khi quyết định trở thành người ăn chay, đã vứt hộp bơ dùng được một nửa của cô ấy vào sọt rác. Có con vật nào đang chịu đau khổ được giúp đỡ vì hành động này không? Dĩ nhiên là không. Nhưng ít nhất thì nó cũng cứu được bánh mì nướng của cô ấy.
Tôi nói rằng coi mỗi cái chết đều là thảm họa có vẻ là một phản ứng hợp lí, và những người theo đạo Jain là phần chứng minh cho điều này. Họ cố gắng giải quyết mâu thuẫn của chúng ta bằng cách phủ nhận một mặt của cái chết. Tuy nhiên điều này chỉ dẫn chúng ta vào ảo tưởng.
Đó là ảo tưởng rằng một ngày nào đó ‘sói ở cùng cừu, hổ nằm với dê’. Nó tạo ra một thế giới mà sự khủng khiếp của cái chết đã chiến thắng sự bình thường không đáng kể của nó. Và sau đó, như thánh Paul viết ‘Cái chết bị nuốt chửng bởi chiến thắng’, và chúng ta sẽ sống đời hạnh phúc, với những con ruồi và tất cả những động vật khác.
Nhưng cuối cùng nó vẫn chỉ là ảo tưởng. Chúng ta không thể xa lánh cái chết nếu như không xa lánh cuộc sống. Trong Bảo tàng Lịch sử Tự Nhiên Berlin, có một gian trưng bày một con sư tử nhìn vào đôi mắt của con ngựa vằn. Chúng chỉ đứng cách nhau vài mét, chẳng có rào chắn, nhưng con sư tử này sẽ chẳng vồ lấy con ngựa, hay bẻ cổ nó, hay xé ruột nó. Trông chúng thật thoải mái với sự hiện diện của kẻ thù, như những người bạn đang hồi tưởng lại mặt trời ấm áp vùng đồng cỏ. Nguy cơ về một cái chết đau đớn và đầy bạo lực đã toàn toàn biến mất. Đó là bởi vì chúng được nhồi bằng khung sắt lạnh và mùn cưa thay cho dòng máu nóng đã từng chảy trong người khi chúng còn sống.
Xin nhắc lại lần nữa, chúng ta không thể xa lánh cái chết nếu như không xa lánh cuộc sống. Và điều này áp dụng cho cả vật nuôi của chúng ta. Người bạn ăn chay ném bơ của tôi đã từng nói với tôi rằng cô ấy không muốn các loài động vật chết vì cô. Nhưng dĩ nhiên là trước khi nó chết vì cô ấy (hoặc bạn, hoặc tôi), chúng đã từng sống. Đó là một sự ngụy biện cho việc đúng nên làm. Chỉ bởi vì tự nhiên là một bữa tiệc của Cái Chết không có nghĩa là chết là lẽ phải hoặc việc tốt. Vì tất cả ruồi đều chết không có nghĩa là con ruồi của tôi xứng đáng với cú đập tay của tôi. Nhưng mặt khác tự nhiên có đặt giới hạn cho mọi thứ. Tự nhiên sẽ không bao giờ chấp nhận chấm dứt vòng tuần hoàn; nó sẽ không chấp nhận sự sống mà không có cái chết.
Có một truyền thống từ lâu coi việc cái chết có mặt ở mọi nơi là sự phủ nhận của tất cả ý nghĩa, hy vọng và giá trị: Chủ nghĩa hư vô. Nhà thơ Alfred Tennyson đã mô tả Mẹ Thiên Nhiên có răng và móng tay đầy máu tươi. Ông than vãn rằng Mẹ chẳng quan tâm gì tới sự sống của vạn vật. Và cuối cùng ông kết luận ‘Cuộc sống thật vô ích và yếu đuối.’
Nhưng cũng như sự cố gắng thoát khỏi nghịch lí sống chết của chủ nghĩa thuần chay, chủ nghĩa hư vô cũng sa vào việc phủ nhận những thứ không thể phủ nhận. Cái chết không thể hủy diệt được ý nghĩa của cuộc sống: nó làm thế giới tràn đầy những điều ý nghĩa và giá trị; với một sinh vật sống, luôn có những lựa chọn tốt hơn hay xấu hơn, rõ ràng hay không rõ ràng; luôn luôn có thứ gì đó để làm. Đó là những gì phân biệt chúng ta với hòn sỏi trên bãi biển.
Có lẽ như những gì Tennyson tin, cái chết đi thu hoạch mạng sống không ngừng nghỉ có thể dẫn chúng ta tới sự tồn tại của cái gì đó cao cả hơn – một thứ đứng trên và vượt qua tất cả chúng ta. Nhưng ai mà nghĩ rằng có thứ như thế tồn tại chứ? Không phải bọn ếch nhái và nòng nọc. Và không phải tôi – tôi không bị cám dỗ bởi sự tuyệt vọng, ít nhất là khi có một bữa tối ngon lành đang đợi tôi.
Bởi vì cuộc sống đầy những ý nghĩa và dự định, cái chết của mỗi sinh vật thực sự là một thảm họa. Nhưng chúng ta nên tập sống chung với nó: như đã thấy, sự đối nghịch của nó – chủ nghĩa hư vô là tư tưởng tuyệt vọng và rối rắm nhất.
Tôi còn nhớ lúc còn là một đứa trẻ, khi đi nghỉ cùng gia đình, tôi thấy cha cầm một bình xịt côn trùng và xịt vào những con kiến đang xâm nhập vào căn nhà mà chúng tôi thuê. Nghĩ rằng đó là một trò vui, tôi lấy bình xịt và tấn công một tổ kiến. Trước sự ngỡ ngàng của tôi, cha tôi nói rằng tôi nên dừng lại, cha không định giết tất cả bọn kiến. Tôi thấy thật kì lạ: cha tôi là một người lớn lên ở nông trại, chẳng ngại gì giết các loại chuột bọ, và vừa mới đây thôi ông còn dùng cái bình tôi đang cầm trên tay. Nhưng tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm. Tôi mừng rằng ông biết mình vừa làm điều gì đó sai lầm; ông đã nhận ra rằng cái chết của một con kiến vừa chẳng là gì, vừa là một thảm họa.
Từ góc nhìn của Chúa, cái chết của chúng ta và của bọn ruồi đều tầm thường y như nhau.
Cha chẳng giải thích cho tôi vì sao ông nghĩ rằng việc săn kiến của tôi là sai. Ông ấy không cố biện minh hành động của mình. Nhưng nếu bị ép thì có lẽ ông sẽ nói rằng: chúng ta không thể ngăn Thần Chết làm việc của mình, và chúng ta không nên giả vờ rằng bỏ qua cho bọn kiến (hay ruồi, hay nòng nọc) sẽ đuổi Thần Chết ra khỏi cửa; Nhưng chúng ta không cần phải đuổi theo gót chân của thần.
Những người hi vọng rằng tôi sẽ giải quyết nghịch lí này có lẽ sẽ hơi lo lắng bởi vì chúng ta đã đọc đến khổ cuối cùng của bài viết này mà chẳng có phương án nào khả thi. Nhưng phải làm rõ một điều là tôi tin rằng chẳng có cách giải quyết nào cả. Tôi tin rằng cái chết của con ruồi vừa tầm thường lại vừa quan trọng. Và tôi tin rằng cái chết của bọn ếch, bọn lợn, của tôi và của bạn cũng thế.
Và Shakespeare cũng biết điều đó, nó là nguồn gốc của bi kịch: ‘Con ruồi khốn khổ với loài người thế nào, thì chúng ta cũng như thế với Chúa’, theo lời của Gloucester trong vở kịch King Lear.
Những triết gia hàn lâm và những kẻ nghiệp dư – như chúng ta – luôn nghĩ rằng nghịch lí phải có một cách giải quyết nào đó, nhưng dường như chúng ta đã lầm, hoặc chúng ta bị sa vào chữ nghĩa. Việc quan trọng là đón nhận cả hai mặt của cái chết một cách thật nghiêm túc và tim ra con đường để sống chung với nó vừa là những gì một con người nên làm, vừa là những gì một vị khách của bữa tiệc của cuộc sống và cái chết nên làm.
Theo Aeon.co
Trạm Đọc