Bản tự thuật nhẹ nhàng về những bước lãng du của một người Việt Nam dù nhiều năm sống xa tổ quốc nhưng luôn hướng về quê hương với trái tim đầy tình cảm chân thành.
Mỗi giai đoạn lịch sử của từng quốc gia, dân tộc đều là kết quả của vô vàn hoạt động, tương tác của hàng triệu con người. Bởi thế, tìm hiểu một giai đoạn lịch sử nào đó qua số phận, góc nhìn của một người đương thời sẽ đem lại một lát cắt không thể toàn diện nhưng lại sống động, với những ngóc ngách riêng đôi khi rất thú vị mà không cách tiếp cận nào khác cho phép có được. Lẽ đương nhiên, một người đương thời càng chứng kiến trực tiếp, hoặc tuyệt hơn nữa là đóng vai trò tích cực “trong cuộc” tới các biến cố quan trọng của một giai đoạn lịch sử, thì những gì diễn ra trong cuộc đời người đó, những điểm mốc tạo nên số phận người đó sẽ càng giúp cho những ai quan tâm tìm hiểu về giai đoạn lịch sử đó có được cái nhìn sống động, cận cảnh hơn về nó, như thể được một hướng dẫn viên có kinh nghiệm cùng đồng hành thực hiện một chuyến du lịch ngược thời gian về lại thời quá khứ ấy.
Lịch sử Việt Nam giai đoạn nửa sau thế kỷ hai mươi, chính xác hơn là từ năm 1945 trở lại, là một thời kỳ của những biến động lớn lao với dấu ấn quan trọng tới sự phát triển của đất nước. Đó là giai đoạn nhà nước độc lập hiện đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, ra đời ngày 2/9/1945 sau thành công của Cách mạng Tháng Tám. Sau đó là ba mươi năm gian khổ để đất nước được hoàn toàn độc lập, thống nhất. Và một phần tư cuối cùng của thế kỷ hai mươi cũng là quãng thời gian Việt Nam phải đương đầu với nhiều thử thách để giữ vững độc lập, thống nhất trong khi dần dần hội nhập trở lại với toàn thế giới trên tinh thần “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả” để xây dựng nước Việt Nam phát triển hơn.
Quãng thời gian đầy biến động đó cũng ôm trọn toàn bộ hay một phần quan trọng cuộc đời của nhiều thế hệ người Việt, trong đó có những người là nhân chứng trong cuộc của những biến cố quan trọng, đồng thời cũng đóng vai trò tích cực vào những bước ngoặt có ý nghĩa lâu dài đã diễn ra trên đất nước ta. Một trong những con người như vậy là Bùi Kiến Thành, một người đã trải qua một cuộc đời đầy thăng trầm trong nửa cuối thế kỷ hai mươi, đồng thời là nhân vật “trong cuộc” với nhiều điều thú vị để kể cho những ai quan tâm tới lịch sử Việt Nam thời kỳ này.
Cuộc đời ông đã được khắc họa một cách sống động trong cuốn sách “Bùi Kiến Thành – người mở khóa lãng du”. Một người đàn ông mà thời trẻ đủ cuốn hút khiến bao người phải lòng, theo đuổi; tới mức tự quyết lôi ông đi… mua nhẫn đính hôn. Một người dù làm bất cứ việc gì cũng luôn bắt tay vào việc với tất cả đam mê, nhiệt huyết và sự nhạy bén. Một người luôn biết cách gây dựng cho mình một cách kiếm tiền đàng hoàng và một sự nghiệp thành công. Và trên hết, ông là một người Việt Nam yêu nước luôn mong muốn đóng góp sức mình để làm những điều có ích cho đất nước.
Từ một nhân vật thân cận với anh em Ngô Đình Diệm thời Đệ nhất Cộng hòa đến khi trở thành “người mở khóa” tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Bùi Kiến Thành là một trường hợp thú vị minh họa cho quá trình hòa hợp dân tộc và tinh thần yêu nước của con người Việt Nam. Và với một người ưa thích lịch sử nói chung, đặc biệt là lịch sử Việt Nam nửa sau thế kỷ hai mươi nói riêng, lần bước theo cuộc đời sôi nổi của ông sẽ đem đến những trải nghiệm đầy cảm xúc qua từng trang sách khi dõi theo những khoảnh khắc rất mực đời thường xen lẫn với những thời điểm lịch sử vốn quen thuộc nhưng lại được nhắc tới theo một góc nhìn mới mẻ của người trong cuộc.
Bên cạnh nhân vật, điểm thứ hai đáng chú ý của “Bùi Kiến Thành – người mở khóa lãng du” là cách cuốn sách được viết. Cả cuốn sách như một dòng tâm tình lúc rủ rỉ trầm lặng, lúc hào hứng sôi nổi, lúc vui tươi, lúc thoáng chạnh lòng của nhân vật chính. Không hài lòng bó gọn vào những việc liên quan tới vai trò “người mở khóa” được nhắc tới trong tên sách, các tác giả đã thuật lại toàn bộ cuộc đời của nhân vật chính từ thời thơ ấu dựa trên chính lời kể của nhân vật, để độc giả có thể từ từ, nhẩn nha mà kỹ lưỡng, hiểu dần con người của Bùi Kiến Thành, hiểu những thăng trầm ông đã trải qua, những kinh nghiệm đã tích lũy trong con người ông, cho phép ông trở thành “người mở khóa” như đã làm một cách hết sức thành công.
Với một cuốn sách “người thật việc thật”, điều đáng giá nhất là sự thuyết phục của những gì được viết ra. Và sự thuyết phục đó có một phần không nhỏ được tạo ra từ cách hành văn trong sách. Ở cuốn sách này, nhóm tác giả đã chọn cách thức đơn giản nhất, song cũng hiệu quả nhất. Không chút khiên cưỡng, cuốn sách đơn thuần chỉ ghi chép lại những gì được ông Bùi Kiến Thành kể lại, với sự “gia công” đáng kể nhất có lẽ là việc sắp xếp những lời kể đó theo trình tự thời gian một cách tương đối cho độc giả tiện theo dõi. Còn lại, nhân vật chính tự do thoải mái cho dòng ký ức của mình đi từ chủ đề này sang chủ đề khác, thoạt nhìn tựa như không theo chỉnh thể nào, nhưng khi đọc kỹ có thể thấy những chủ đề đó thực ra lại có liên hệ khăng khít với nhau, như các mảnh ghép có hình thù không mảnh nào giống mảnh nào song lại vừa vặn ráp nên một bức hình tổng thể trọn vẹn.
Các tác giả của “Bùi Kiến Thành – người mở khóa lãng du” đã tự nhận không có ý định viết một cuốn sách lịch sử, dù là về thời kỳ hay nhân vật. Cuốn sách chỉ là bản tự thuật nhẹ nhàng về những bước lãng du của một người Việt Nam dù nhiều năm sống xa tổ quốc nhưng luôn hướng về quê hương với trái tim đầy tình cảm chân thành. Chính sự giản dị này là điểm cộng lớn nhất tạo nên sự chân thực, cuốn hút cho bức chân dung của nhân vật được tái hiện qua từng dòng chữ, cùng nhiều chi tiết thú vị vẫn còn chưa được biết đến nhiều về sự đóng góp thầm lặng của những con người yêu nước đã giúp Việt Nam vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong quá khứ.
Trạm Đọc