CÁC LOẠI SÚNG HỎA MAI TRONG BIÊN CHẾ QUÂN ĐỘI NHÀ MINH

by admin
CÁC LOẠI SÚNG HỎA MAI TRONG BIÊN CHẾ QUÂN ĐỘI NHÀ MINHQuân đội nhà Minh luôn chú trọ…

CÁC LOẠI SÚNG HỎA MAI TRONG BIÊN CHẾ QUÂN ĐỘI NHÀ MINH

Quân đội nhà Minh luôn chú trọng rất nhiều vào hỏa khí cầm tay và cũng chính họ đã thành lập Thần cơ doanh (神機營) – đơn vị sử dụng súng chuyên dụng đầu tiên trên thế giới. Trên thực tế, khi chất lượng của quân Minh ngày càng tệ đi, họ bắt đầu phụ thuộc ngày càng nhiều vào súng đến mức nó gây bất lợi cho khả năng cận chiến của họ. Trong số các loại súng hỏa mai mà người Minh sử dụng, loại súng mà họ tâm đắc nhất là súng Đại Việt (người Minh gọi là súng Giao Chỉ), vì độ chính xác cũng như trình độ hoàn thiện cao.
Lưu ý: Bài dưới đây chỉ đề cập đến các loại súng hỏa mai, được đưa vào sử dụng tại Trung Quốc vào đầu thế kỷ 16 chứ không bao gồm các loại hỏa khí khác.
CÁC LOẠI HỎA MAI SƠ KHAI:
Nhà Minh tiếp xúc với súng hỏa mai (họ gọi là Điểu Súng 鳥銃 hoặc Điểu Tứ Súng 鳥咀銃) muộn nhất vào năm 1525 thông qua người Bồ Đào Nha và đã nhanh chóng trang bị cho binh lính của mình một số lượng nhỏ vũ khí tiên tiến này. Sau khi “thiên đường” buôn lậu Song Tự 雙嶼 (một cảng trên đảo Lục Hoành 六橫島 ngoài khơi tỉnh Chiết Giang) bị thuỷ quân Minh triều phá huỷ, người Trung Quốc bắt đầu cải thiện tay nghề và kỹ năng kiểm soát chất lượng bằng cách buộc các thợ làm súng người Bồ Đào Nha bị bắt phải dạy họ qua đó tạo tiện đề cho việc sản xuất vũ khí hàng loạt. Các thợ đúc súng Trung Quốc đã sản xuất các bản copy dựa trên súng Bồ Đào Nha với số lượng rất lớn, lên tới hàng vạn khẩu và lực lượng quân đội nhà Minh ở miền Nam Trung Quốc đã nhanh chóng làm quen với loại vũ khí mới này. Thật không may, điều tương tự đã không xảy ra với binh lính phương Bắc khi nhiều người trong số họ đã ngoan cố từ chối sử dụng loại vũ khí mới này và tiếp tục sử dụng các loại hỏa khí đã lỗi thời như Hoả thương hay các loại súng tay bằng tre khác (mặc dù vậy, vào những năm cuối cùng của triều Minh thì lính phương bắc vẫn phải tiếp nhận ồ ạt súng hỏa mai).
OA SÚNG (倭銃, ‘SÚNG NHẬT’):
(hình 3-4)
Vì cả người Trung Quốc và Nhật Bản đều tiếp thu súng hoả mai từ người Bồ Đào Nha, nên hoả mai Trung Quốc không khác súng teppō của Nhật Bản từ góc độ kỹ thuật là mấy. Tuy nhiên, độ bền vượt trội của nòng súng Nhật cũng như tay nghề tốt của các thợ đúc súng Nhật đã được người Trung Quốc biết đến từ giai đoạn giữa nhà Minh. Nhiều tướng tá nhà Minh đã rất ấn tượng với chất lượng của hoả mai Nhật.
Triệu Sĩ Trinh (趙士禎) là chuyên gia vũ khí duy nhất của Trung Quốc đời Minh đã chỉ rõ sự khác biệt giữa hỏa mai Bồ Đào Nha được sản xuất tại Goa (thuộc địa Bồ tại Ấn Độ) và một bản sao của Nhật có cùng kiểu dáng y hệt. Ông đã đặt tên cho loại súng Bồ Đào Nha này là Tiểu Tây Dương súng (小西洋銃) để tránh nhầm lẫn với Đại Tây Dương súng (xem bên dưới) – một kiểu hỏa mai khác cũng đến từ châu Âu. Mặc dù cả hai loại súng đều mang hình dáng gần như giống hệt nhau, Triệu Sĩ Trinh vẫn đánh giá súng Bồ Đào Nha là loại cao cấp hơn bởi sự đơn giản cũng như sự tiện lợi của nó.
Cải tiến:
Dưới triều Minh Thần Tông Vạn Lịch (trị vì 1572 – 1620), nhà Minh bị vướng vào 3 cuộc chiến khác nhau (chiến tranh Nhâm Thìn với Nhật, chiến dịch Ninh Hạ với bộ lạc Sát Ha của Mông Cổ cũng như Khởi nghĩa Bá Châu) và cuộc xung đột biên giới với triều đại Toungoo của Miến Điện cũng như mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng từ người Nữ Chân. Trong khoảng thời gian này, người Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm các loại súng hỏa mai được nhập khẩu từ các nơi khác trên thế giới vì nhu cầu cải thiện hiệu suất của điểu thương thủ (鳥槍手, lính hỏa mai).
SÚNG TÂY DƯƠNG (西洋銃, ‘SÚNG CHÂU ÂU’)
(hình 5)
Tây Dương súng là tên tiếng Trung của một loại hỏa mai châu Âu khác. Đặc trưng của loại hỏa mai này là nó có cơ chế khóa, kim hỏa hướng về phía sau (trái ngược với hỏa mai Bồ /Nhật, có kim hỏa hướng về phía trước) cũng như nòng khá dài.
Triệu Sĩ Trinh đánh giá loại hỏa mai châu Âu này nhẹ, tính di động cao, đáng tin cậy và bắn xa hơn so với hỏa mai Nhật Bản, nhưng xét về uy lực thì không bằng súng Nhật và súng Lỗ Mật. Tuy nhiên đánh giá này của Triệu Sĩ Trinh có lẽ là dựa trên một phiên bản súng để bắn chim, chứ không phải phiên bản dành cho mục đích quân sự.
LỖ MẬT SÚNG (魯密銃, SÚNG THỔ NHĨ KỲ):
(hình 6)
Lỗ Mật súng được đưa vào Trung Quốc bởi một phái viên người Ottoman mà họ gọi là Đoá Tư Ma (朵思麻). Loại súng này được thiết kế dựa trên súng fitilli tüfek của người Thổ bao gồm nhiều tính năng y hệt. Triệu Sĩ Trinh cũng đã thiết kế thêm một lưỡi kiếm sắc bén trên phần họng súng (kiểu lưỡi lê) vào để tăng khả năng cận chiến trong hoàn cảnh bắt buộc.
Triệu Sĩ Trinh đánh giá cao loại súng Lỗ Mật này vì độ tin cậy, tầm bắn và hỏa lực, thứ mà ông cho là vượt trội so với hoả mai châu Âu lẫn Nhật Bản. Do có trọng lượng khá lớn nên nó thường được bắn từ tư thế quỳ.
Cả Tây Dương súng và Lỗ Mật súng cuối cùng đều được quân đội Minh đưa vào sử dụng. Sau khi nhà Minh sụp đổ, nhà Thanh dường như thích thiết kế của súng Lỗ Mật hơn các biến thể khác và hoả mai châu Âu lẫn Nhật Bản trở nên ít phổ biến hơn trong biên chế quân đội Trung Quốc.
LỖ MẬT SÚNG (ĐỜI HẬU KỲ NHÀ MINH):
(hình 7)
Tuy cũng được gọi là Lỗ Mật súng nhưng loại súng này có cơ chế khác hoàn toàn so với súng Thỗ Nhĩ Kỳ nguyên bản. Cơ chế thanh răng và bánh răng (rack and pinion) trang bị trên loại súng này có lẽ là một phát minh bản địa của người Trung Quốc.
TAM TRƯỞNG SÚNG (三長銃):
(hình 8)
Súng Tam Trưởng là một sản phẩm bản địa không chỉ Made in China mà còn Made by Chinese được Triệu Sĩ Trinh thiết kế, hội tụ đủ các lợi thế của hỏa mai Nhật-Âu-Thổ thành một khẩu hỏa nhỏ gọn. Nó có một báng súng tương tự súng Nhật, vốn đã rất quen thuộc với hầu hết binh lính nhà Minh, cũng như cơ chế và nòng dài từ hỏa mai Thổ tăng độ tin cậy, tốc độ và hỏa lực. Triệu Sĩ Trinh cũng cố tình làm giảm trọng lượng của nó để có thể bắn ở tư thế đứng tương tự như hỏa mai châu Âu.
Tam Trưởng súng có lẽ là loại hỏa mai thường duy nhất do Triệu Sĩ Trinh thiết kế. Ngoài ra ông này cũng thiết kế một số loại vũ khí khác như Hỏa mai nhiều nòng, Hỏa khí chịu được mọi loại thời tiết và loại súng nạp ở khoá nòng với mức độ thành công khác nhau
CỬU ĐẦU ĐIỂU (九頭鳥):
(hình 9)
Loại súng hỏa mai hạng nặng này có lẽ được xếp vào thể loại pháo hạng nhẹ hơn là súng cầm tay. Quân Minh chỉ sử dụng vũ khí mạnh mẽ này với số lượng hạn chế.
BAN CÂU SÚNG (搬鉤銃):
(hình 10)
Có lẽ là loại hỏa mai mạnh nhất trong tất cả các loại hỏa mai Trung Quốc, Ban Câu súng là một loại vũ khí cực kỳ nặng có thể so sánh về kích thước lẫn sức mạnh với một khẩu súng amusette hạng nặng của châu Âu. Uy lực của nó thậm chí còn vượt cả Cửu Đầu Điểu (xem ở trên) và được gán lên một cái cọc có thể xoay được vì thế mà nó có thể được sử dụng bơi một người.
Do thực tế là Ban Câu súng đặt trên cái cọc trông rất giống một con chim bồ câu đứng bằng một chân nên nó còn được gọi là Ban Cưu cước súng (斑鳩腳銃, nghĩa là ‘Chân chim cưu hoang’).
GIAO SÚNG (交銃, ‘SÚNG GIAO CHỈ’):
(hình 11)
Còn gọi là súng Trảo Oa (爪哇銃, Trảo Oa = đảo Java), súng Việt du nhập vào Đại Minh qua các cuộc xung đột biên giới giữa nhà Mạc và các thổ ty ở Vân Nam và Quảng Tây. Sau khi nhà Thanh nhập quan, các lực lượng phản Thanh phục Minh và thậm chí cả người Mãn đều sử dụng hàng loạt, khiến nó trở thành 1 trong những hỏa khí cầm tay được sử dụng nhiều nhất thời Minh mạt.
Súng hỏa mai Đại Việt không chỉ được đánh giá rất cao bởi người Trung Quốc mà còn được các nhà quan sát phương Tây đặc biệt khen ngợi về độ chính xác cao qua những gì họ nhìn thấy trong các cuộc chiến tranh Lê-Mạc và Trịnh-Nguyễn. Người Trung Quốc còn đánh giá súng điểu thương Đại Việt là “thiên hạ đệ nhất”, thậm chí còn vượt mặt cả súng Ottoman, súng Nhật Bản (teppo 鉄砲) và súng châu Âu. Lưu Hiến Đình sống cuối đời Minh đầu đời Thanh có nhận xét: “Hỏa thương Giao Chỉ là tinh hoa của thiên hạ” (交善火攻,交槍為天下最。).
Súng Đại Việt có loại có thể xuyên thủng nhiều lớp giáp sắt, có loại có thể sát thương từ 2 đến 5 người bằng một viên nhưng lại không phát ra âm thanh quá lớn khi bắn. (dịch theo nguyên văn, nghe có thể hơi điêu)
NHƯỢC ĐIỂM:
Tuy người Trung Quốc thời bấy giờ đã nhanh chóng chấp nhận và thậm chí cải tiến các công nghệ vũ khí mới, họ không bao giờ có thể bắt kịp các nước phương Tây. Tệ hơn nữa, do nạn tham nhũng tràn lan và các hoàng đế đời sau của nhà Minh đa số lại bất tài khiến quốc khố cạn kiệt làm suy yếu hệ thống quân sự
—-
Nguyên văn: Đoàn Chí Bảo, đã qua chỉnh sửa




You may also like

Leave a Comment