Từng thấy có rất nhiều người thắc mắc rằng “thấy các hiệp khách quanh năm suốt tháng không làm ăn gì, chỉ có đi đây đi đó mà vẫn có tiền tiêu” hay “các đại hiệp tiền tiêu mãi không hết, chẳng biết là từ đâu mà có ?”
Ở đây, mọi người đã có một sự hiểu lầm đó là : không phải các đại hiệp ai ai cũng giàu có sung túc, tiền tiêu như nước, muốn bao nhiêu là có bấy nhiêu đâu. Dưới đây là 2 ví dụ điển hình, 2 người này họ đều là những lãng tử – thái muội có tiếng trên giang hồ nhưng họ đều nghèo:
(1) A Kha (tác phẩm Lộc Đỉnh Ký):
Nàng A Kha này có một sở thích ăn quà vặt nhưng nàng không có tiền để mua. Sư phụ của nàng – Cửu Nạn sư thái rất hiếm khi cho nàng tiền tiêu vặt. Thi thoảng mua một gói đậu đường, nàng cũng ăn đến mức rất say sưa thèm thò.
Vi Tiểu Bảo thì lại rất giàu, giàu không tả được (dưới một người mà trên vạn người), hắn có một chiêu dụ dỗ lấy lòng A Kha đó là mua những đồ ăn vặt cao cấp cho nàng. Chiêu này cho đến thời đại ngày nay vẫn không bị cho là lỗi thời đâu.
(2) Lệnh Hồ Xung
Kim Dung nói rằng phái Hoa Sơn rất nghèo, Lệnh Hồ Xung là con nghiện rượu, mỗi lần hắn muốn uống rượu thì phải xin tiền sư phụ hoặc sư nương (khả năng cao là sẽ xin sư nương nhiều hơn vì sư nương hiền lành, dễ tính, hay chiều chuộng, thông cảm cho con cái). Tài vụ của phái Hoa Sơn rất là nghiêm trọng, đến nỗi ngay cả chưởng môn nhân Nhạc Bất Quần dẫn theo môn hạ đi Phúc Kiến cũng không có kinh phí.
Kim Dung không những là một văn nhân, ông còn là một thương nhân vô cùng thành công. Đối với tiền, ông cũng rất nhạy bén. Vấn đề “làm thế nào để kiếm tiền” trong thế giới võ hiệp, đương nhiên Kim Dung cũng đã cân nhắc tới.
Trong phim và truyện, có một số hiệp khách, một số môn phái đích thực là rất có tiền, tiêu như hất nước. Vậy số tiền đó từ đâu mà có ?
Có 4 con đường để kiếm tiền :
(1) Cấp dưỡng, cống nạp
Một số môn phái chỉ cần có võ lực, nhất định họ sẽ có tiền.
Thiên hạ bao la, có biết bao nhiêu “công ty” lớn nhỏ kiểu như Phúc Uy Tiêu Cục ?
(2) Thổ địa trang viên
Môn phái giang hồ thường thường là có đất có ruộng, không những thế, có một số môn phái còn chiếm hữu một lượng đất đai rất đáng kể.
Tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ từng có một đoạn nói về việc người của Ma Giáo tặng lễ cho phái Hằng Sơn như thế này :
“Tệ giáo chủ lại mua ba ngàn mẫu ruộng tốt ở dưới chân núi Hằng Sơn để cúng vào Vô Sắc am”
Kể ra thì người của ma giáo cũng rất bạo chi và hào phóng, vừa phất tay một cái là đã mua được hơn 3 ngàn mẫu ruộng. Hằng Sơn phái tổng cộng cũng chỉ có mấy mươi ni cô, có ăn cả đời ăn mãi cũng không thể nào hết.
Ví dụ nữa thì có rất nhiều, tựu chung thì có rất nhiều môn phái là địa chủ, trang chủ và đương nhiên từ đó mà họ sẽ sở hữu khá nhiều tiền.
(3) Tiền từ chiến lợi phẩm
Dương Quá có một lần từng đánh một tên thổ hào rồi lấy đi 4200 lạng bạc, lấy một nửa trong số đó làm từ thiện.
Các môn phái như Cự Kình Bang, Hải Long Bang còn làm cướp biển, Hải Sa Bang thêm nghề buôn muối lậu.
(4) Đồ đệ cấp dưỡng
Có thể so sánh với việc chúng ta đóng học phí cho giáo viên bây giờ vậy. Mỗi khi thu nhận đệ tử, sư phụ thường nhận được một khoản tiền học phí nào đấy tùy lòng sư-đồ. Ví dụ :
*”Học viện” Trùng Dương Cung – Toàn Chân của Vương Trùng Dương. Học viện của Vương hiệu trưởng có rất nhiều rất nhiều học sinh. Đám học sinh lứa đầu của ông không phải theo ông từ khi còn bé, trước đó họ đều có nghề nghiệp của riêng mình, có thể nói họ đều là những kẻ có tiền dù ít hay nhiều. Đàm Xử Đoan trước khi gặp Vương Trùng Dương là một gã thợ rèn có tiếng.
Nhà của Hách Đại Thông thì lại rất là giàu,v.v…
*Phái Hoa Sơn của Nhạc Bất Quần tuy nghèo nhưng đồ đệ mới thu nhận của ông – Lâm Bình Chi là kẻ xuất thân trong gia đình có điều kiện (Con cháu của Lâm gia cơ mà!)
Mọi người để ý mà xem, sau khi thu nhận Lâm Bình Chi thì Nhạc tiên sinh có dẫn anh em của Hoa Sơn đi du lịch ở Lạc Dương đấy.
*Trong tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Cái Bang có thu nhận một người là đại tài chủ ở Hà Bắc, lại còn để cho hắn làm đệ tử 6 túi. Người của Cái Bang tuy đông không tả được nhưng những nhân vật lớn mặt trong bang có thể hưởng lời từ vị tài chủ này khá nhiều.
(5) Tự kinh doanh
Họ dựa vào năng lực của họ để buôn bán hoặc làm công việc này nọ kiếm tiền.
Kim Dung từng nói rằng cuộc sống kinh tế vốn không phải là đề tài quan trọng trong tiểu thuyết võ hiệp, cho nên thường được các tác giả bỏ qua không nhắc tới.
Hà Túc Đạo