“Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học” – Cụm từ có thể khiến nhiều người nghĩ tới “nỗi ám ảnh” trong quãng đời học sinh. Nhưng trong cuốn sách Chiếc thìa biến mất, những nguyên tố hóa học lại là khởi nguồn của những giai thoại về sự điên loạn, tình yêu, và lịch sử thế giới. Đoạn trích dẫn dưới đây sẽ tiết lộ cho bạn về quá trình ứng dụng nguyên tố để chế tạo vũ khí hóa học trong chiến tranh của các cường quốc.
Như các điều thiết yếu khác của xã hội hiện đại – nền dân chủ, triết học, kịch nghệ – chúng ta có thể theo dấu các nguyên tố hóa học để trở về thời Hy Lạp cổ đại. Trong cuộc vây hãm Athens vào những năm 400 TCN, thành bang Sparta quyết buộc đối thủ cứng đầu cứng cổ phải khuất phục bằng vũ khí hóa học tiên tiến nhất thời đó: khói độc. Quân lính Sparta mím chặt môi, rón rén tiến đến Athens với những bó gỗ độc, hắc ín và lưu huỳnh nồng nặc. Họ đốt chúng và mai phục sẵn bên ngoài tường thành, đợi những người Athens ho sặc sụa lao ra, để lại thành không nhà trống. Tuy sáng tạo không kém gì con ngựa thành Troy nhưng chiến thuật này đã thất bại. Khói bốc lên khắp Athens nhưng thành bang này vẫn trụ vững và giành chiến thắng.
Thất bại này minh chứng một điều. Chiến tranh hóa học cho dù có tiến triển trong suốt 2.400 năm sau đó thì cũng rất nhạt nhòa khi so với cách đổ dầu sôi vào kẻ địch. Cho đến Thế Chiến I, giá trị chiến lược của các chất khí là rất ít. Không phải các nước không nhận ra mối đe dọa này. Tất cả các quốc gia có nền khoa học tiên tiến đều đã ký vào Công ước Hague 1899 cấm sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh, trừ một nước. Mỹ từ chối tham gia vì cho rằng: cấm các loại khí (mà tác dụng lúc đó chỉ mạnh cỡ bình xịt hơi cay) nhưng vẫn vui mừng khi hạ gục lính địch trẻ tuổi bằng súng máy, đánh chìm tàu chiến bằng ngư lôi và bỏ mặc thủy thủ chết đuối trong biển đêm là đạo đức giả. Các quốc gia khác chế giễu sự hoài nghi của Mỹ, công khai ký Công ước Hague và đã lập tức nuốt lời.
Trước đó, nghiên cứu bí mật về các tác nhân hóa học chủ yếu tập trung vào brom nhằm tạo ra một loại lựu đạn mạnh. Giống các halogen khác, brom có bảy electron ở mức năng lượng ngoài cùng và rất muốn có đủ tám. Nguyên tử brom bất chấp thủ đoạn và sẵn sàng cướp electron của nguyên tố yếu hơn trong tế bào (như cacbon) để thỏa mãn mục đích của mình. Brom đặc biệt gây khó chịu cho mắt và mũi; và vào năm 1910, các nhà hóa học quân sự đã phát triển hơi cay từ brom mạnh đến mức ngay cả một người trưởng thành cũng phải “rơi lệ”.
Chẳng có lý do gì để không sử dụng hơi cay trên chính người dân của mình (Công ước Hague chỉ áp dụng cho điều kiện chiến tranh), chính phủ Pháp đã dùng etyl bromaxetat để tóm một nhóm cướp ngân hàng ở Paris năm 1912. Tin tức về sự kiện trên nhanh chóng lan sang các nước láng giềng và khiến các quốc gia này lo ngại. Khi Thế Chiến I nổ ra vào tháng 8 năm 1914, người Pháp đã lập tức ném lựu đạn brom vào quân Đức đang lao tới. Nhưng ngay cả những người Sparta hai thiên niên kỷ trước đó cũng còn làm tốt hơn. Lựu đạn rơi xuống một đồng bằng lộng gió, nên hơi cay không mấy hiệu quả và bị thổi bay trước khi người Đức kịp nhận ra họ vừa bị “tấn công”. Nói chính xác hơn, chúng ít có tác dụng tức thì vì những tin đồn giật gân về hơi cay tràn ngập mặt báo của cả hai phe. Người Đức châm ngòi khi cáo buộc hơi ngạt bí mật của Pháp khiến một người lính trong doanh trại của họ ngộ độc (mà thực ra là do không may ngộ độc cacbon monoxit). Đây là cái cớ của Đức nhằm biện minh cho chương trình chiến tranh hóa học của chính họ.