Nguồn gốc phong trào đòi độc lập tại Okinawa
Trước thời kỳ hiện đại, quần đảo Okinawa ngày nay là vương quốc Ryukyu (chữ Hán: 琉球國, phiên âm Hán Việt: Lưu Cầu), một quốc đảo nhỏ, có quan hệ triều cống với cả Trung Quốc (từ năm 1372) và Nhật Bản (từ năm 1609). Nhật Bản xâm lược Ryukyu và biến nó thành tỉnh Okinawa vào năm 1879.
Năm 1903, Phan Bội Châu mượn câu chuyện vong quốc của Ryukyu để viết “Lưu Cầu huyết lệ tân thư”, kêu gọi lòng yêu nước và ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam. Sau khi vương quốc Ryukyu hoàn toàn bị Nhật Bản xóa sổ năm 1879, phong trào “khôi phục vương quốc Ryukyu” ra đời. Một số thành viên quý tộc Ryukyu tị nạn chính trị sang Trung Quốc cầu viện nhà Thanh nhưng bị từ chối do chính nhà Thanh cũng đang phải bất lực trước làn sóng xâm lược của các nước tư bản phát triển trong đó có Nhật Bản. Tại Ryukyu, hình thành hai phái, một phái chống Nhật, chủ trương dựa vào nhà Thanh đòi độc lập và khôi phụ lại cựu quốc, một phái cho rằng cần canh tân đất nước, khai hóa văn minh Phương Tây và do đó chủ trương nương tựa vào chính Nhật Bản. Sau khi nhà Thanh đại bại trước Nhật trong chiến tranh Nhật – Trung, phái phục quốc gần như tuyệt vọng. Năm 1945, Nhật Bản thua trận và đầu hàng Mỹ, quần đảo Okinawa được đặt dưới sự kiểm soát của Mỹ về mặt hành chính. Đến năm 1972, Mỹ trả Okinawa cho Nhật. Vốn đã hình thành từ cuối thế kỷ 19, cuộc vận động đòi độc lập cho Okinawa phát triển mạnh sau năm 1945 trong bối cảnh quần đảo này bị Mỹ chiếm đóng.
Trong bối cảnh trưởng thành của tinh thần dân chủ, cách xử lý của Nhật Bản sau 1945 khác cách xử lý của họ thời Minh Trị, cũng như khác cách xử lý của rất nhiều quốc gia khác mà tinh thần dân chủ chưa trưởng thành.
Sự trưởng thành của tinh thần đối thoại
Các hoạt động đòi “độc lập”, “ly khai” thường khởi đầu bằng bạo lực, kết thúc bằng bạo lực, hoặc, “oan oan tương báo” đến mức gần như không thể kết thúc được. Tuy nhiên, đặc trưng nổi bật của hoạt động đòi độc lập ở Ryukyu / Okinawa sau năm 1945 lại là tinh thần đối thoại. Tinh thần đối thoại không chỉ thể hiện ở chỗ không sử dụng các hình thức bạo lực như khủng bố, chiến tranh du kích… mà dùng phương thức bày tỏ ý kiến một cách ôn hòa và lý tính. Nói cách khác, họ dùng khoa học thay cho bạo lực. Dưới đây chúng ta xem xét các hoạt động chính của phong trào này.
Những người dẫn đầu phong trào này đã lập các tổ chức như “Hội Nghiên cứu Tổng hợp về Nền Độc lập của Ryukyu” (The Association of Comprehensive Studies for Independence of the Lew Chewans), Đảng Độc lập Okinawa (nay là “Câu lạc bộ Kariyushi”)… để đấu tranh đòi độc lập. Các tổ chức này đều có văn phòng chính thức, hằng năm hoạt động rất đều đặn.
“Hội Nghiên cứu Độc lập Okinawa” hằng năm tổ chức hội nghị khoa học hai lần để trao đổi về các nghiên cứu nhằm mục đích đưa đến độc lập cho Okinawa. Họ không đặt vấn đề về khả năng giành độc lập trong thực tế của Okinawa mà coi sự độc lập này là một tiền đề hiển nhiên và nghiên cứu xem nếu độc lập thì Okinawa sẽ trở thành một quốc gia như thế nào, làm thế nào để “người Ryukyu” có thể xây dựng và phát triển một “quốc gia” mà không có bất kỳ trợ giúp nào từ Tokyo. Các nhân vật tiêu biểu của Hội này là Matsushima Yasukatsu, giáo sư kinh tế Đại học Ryukoku (ở Kyoto), Tomochi Masashi và Toubaru Kazuhiko, giáo sư Đại học Quốc tế Okinawa.
Sau 1945, trái ngược với cách hành xử trước đó, như ta thấy ở trên, chính phủ Nhật và nhiều đảng chính trị Nhật mặc nhiên coi các hoạt động nghiên cứu và bày tỏ quan điểm ôn hòa của những người thuộc phong trào đòi độc lập Okinawa là những hoạt động được luật pháp bảo hộ. Bên cạnh bảo vệ và tôn trọng các hoạt động phát biểu ý kiến không liên quan đến bạo lực, chính phủ Nhật cũng tôn trọng và tham khảo các nghiên cứu về dư luận của người dân Okinawa về vấn đề độc lập. Năm 1996, theo kết quả khảo sát của Đại học Ryukyu, chưa đầy 3% người được hỏi trả lời rằng Ryukyu phải được độc lập hoàn toàn.
Trong các năm 2005, 2006, 2007, Phó Giáo sư gốc Hồng Kong Lim John Chuan – Tiong (林泉忠 Lâm Tuyền Trung) ở Đại học Ryukyu nghiên cứu so sánh về ý thức “độc lập”/ “quy thuộc” đối với “đất mẹ” của bốn vùng lãnh thổ là Okinawa, Hong Kong, Macao, Đài Loan. Kết quả theo như nhà nghiên cứu này công bố thì số người được hỏi cho rằng Okinawa phải độc lập hoàn toàn là 24,9% (2005), 23,9 % (2006), 20,6% (2007) trên tổng số hơn 1000 phiếu trả lời hợp lệ.
Năm 2011, tờ “Ryukyu Times” tiến hành điều tra về “tư tưởng của nhân dân trong tỉnh Okinawa”, theo đó, có 4,7% cho rằng Okinawa cần được độc lập, 61,8% cho rằng Okinawa nên giữ nguyên hiện trạng là một tỉnh của Nhật và 15,3% cho rằng Okinawa nên là khu tự trị. Năm 2012, tỉnh Okinawa tiến hành lấy ý kiến của nhân dân toàn tỉnh (tất cả các thành phố, thị xã, làng mạc) thì chỉ có 1% đồng ý rằng Okinawa cần độc lập hoàn toàn.
Ngày 17/9, khi được hỏi ý kiến về việc một bộ phận người dân Okinawa muốn đòi độc lập bằng hình thức trưng cầu dân ý tương tự như người Scotland, Bộ trưởng đặc trách Okinawa, Lãnh thổ phương Bắc, Khoa học Kỹ thuật và Vũ trụ là ông Yamaguchi Shunichi trả lời rằng nếu đó là dư luận chung ở Okinawa thì chính phủ sẽ phải xem xét nhưng hiện tại “chưa nghe đến chuyện đó”. Điều đó có nghĩa, số lượng người đòi độc lập chưa đủ nhiều để chính phủ Nhật xem xét, nhưng họ vẫn để mở các khả năng đối thoại, tôn trọng tinh thần của nhân dân.
Yếu tố Trung Quốc
Thực ra, nói theo ngôn ngữ chính trị của Việt Nam, Okinawa là một vấn đề “nhạy cảm” với Nhật. Quần đảo này án ngữ tuyến đường biển tiến ra Thái Bình Dương của Trung Quốc, như một bức tường thành khóa chặt nước này trong lục địa. Do có một vị trí chiến lược tối quan trọng về mặt quân sự như vậy, Okinawa trở thành đối tượng mà Trung Quốc thèm muốn.
Chính phủ Trung Quốc dù chưa chính thức đòi hỏi chủ quyền với Okinawa, nhưng trên các phương tiện truyền thông của Trung ương Đảng Cộng sản như “Nhân dân Nhật báo”, “Hoàn Cầu thời báo”, họ tuyên truyền quan điểm cho rằng Okinawa (Ryukyu) trước đây nộp cống cho Trung Quốc, do đó là lãnh thổ của Trung Quốc, nay bị Nhật Bản và Hoa Kỳ “chiếm đóng”, do đó cần đấu tranh để “giải phóng đồng bào”.
Chính phủ nước này, thông qua hệ thống truyền thông vốn được kiểm soát chặt chẽ, phổ biến các quan điểm nói trên, cung cấp “dưỡng chất” cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát triển. Ở nước này cũng tồn tại một tổ chức là “Hội đồng chuẩn bị cho Đặc khu tự trị Ryukyu”. Tổ chức này có vai trò như một “think tank”, nghiên cứu toàn diện về các chiến lược, chiến thuật và khả năng “giải phóng”, “xây dựng thành đặc khu tự trị” cho quần đảo này. Như vậy, có thể nói Trung Quốc đã mở ra một cuộc cờ và chơi theo phong cách vốn dĩ xưa nay: “chưa cần biết thời điểm thắng”, chỉ cần biết là “sẽ thắng”.
Trong bối cảnh đó, thái độ bình thản của chính phủ Nhật chứng tỏ sức mạnh thực sự của một nền dân chủ trưởng thành. Hệ thống an sinh xã hội hoàn bị được vận hành bởi một cơ chế dân chủ tiên tiến là điều Trung Quốc vẫn chưa thể so sánh được với Nhật trong cuộc chiến giành lấy “trái tim” của người dân Okinawa. Cách làm của Nhật Bản trước Trung Quốc gợi cho ta nhớ đến “Di chúc” của Trần Hưng Đạo: “Trong trường hợp giặc đến đánh như “lửa to gió táp” thì không đáng sợ.
Nhưng nếu chúng không cốt thắng nhanh mà dùng lối tằm ăn lá, xâm lược từ từ, thì đó là một cuộc chiến nguy hiểm. Trong trường hợp này, phải biết kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến như đánh cờ, chuẩn bị chu đáo để có nước cờ thích hợp cho mỗi tình thế. Mặt khác, phải xây dựng được một đội quân cha con một nhà rồi mới có thể dùng được. Thêm nữa, phải khoan thư sức dân để tạo ra thế trận “sâu rễ bền gốc”. Đó là thượng sách giữ nước vậy”.