Bảy giờ tối. Quận 9. Trời âm u. Tôi dắt xe ra khỏi bãi sau khi tan làm. Anh Việt nhăn nhó:
– Đưa anh cục sạc dự phòng coi Quang. Mẹ nó, trời chắc mưa nữa.
Dọc theo Xa lộ Hà Nội vẫn khói bụi mịt trời. Ẩm ướt. Tiếng còi xe inh ỏi lấn át cả tiếng nói của mình. Ai cũng muốn đi cho thật nhanh để thoát khỏi bầu không khí ồn ào, chật chội, để về với vương quốc riêng của họ. Tôi thì khác, vì đằng nào tôi cũng phải đối diện với chính mình.
– Má kẹt xe!
Tiếng chửi đổng ở đằng sau như muốn nói hộ sự bực tức của cả đám. Mặt đường nóng lên, nóng vì động cơ xe, nóng vì lòng người. Ông trời thấy vậy liền trút xuống một cơn mưa, tất cả như dính bẫy. Mưa xối xả, mưa như muốn đánh trôi giùm nỗi buồn của từng người. Mưa cố ý làm cho họ gỡ bỏ cái khẩu trang đã ướt sũng, như thể muốn hỏi cung kẻ đứng sau chiếc mặt nạ: Anh là ai? Anh đến từ đâu? Anh có hạnh phúc không?
Tôi tạt vào trạm xe buýt gần đó để trú mưa. Trong trạm chỉ có hai người ngồi. Bên cạnh tôi là một cô gái bán hoa.
– Trời mưa quá, anh đợi em chút xíu! – Cúp máy – Anh trai có hộp quẹt không?
Tôi đưa chị, chị mĩm cười. Thật đẹp. Nụ cười đầu tiên trong ngày mà tôi thấy dù không phát thành tiếng.
Trong bộ váy đầm hai dây màu đen ôm sát người. Chiếc túi Chanel đặt ở trước bụng. Hai chân vắt chéo. Tay phải cầm chiếc hộp quẹt, cùi chỏ tựa lên đùi, tay trái đặt điếu thuốc lên môi. Rít một hơi thật mạnh cho bớt cơn lạnh. Thả một làn khói như muốn vứt bỏ hết mọi muộn phiền. Bất giác chị quay sang nhìn tôi:
– Đi hông?
Tôi giật mình cười hì:
– Free thì đi!
– Anh khôn quá vậy! – Cả hai đều nhìn nhau cười – Anh quê ở đâu?
– Cần Thơ
– Trai miền tây hả, mặn mà lắm nha! – Tôi thẹn thùng vì được khen.
– Chị ở đâu?
– Bạc Liêu
– Bạc liêu vậy có biết lấy tiền nấu trứng không?
– Tiền không có mà xài nữa – chị vừa nói vừa lấy cái hộp quẹt của tôi mồi qua cái đã ướt của chị, rồi lặp lại – Có bao nhiêu gởi về cho cha mẹ với mấy đứa em hết rồi – chị nghẹn ngào.
Trời, chỉ là một câu nói đùa, tôi đâu có hỏi chị có bao nhiêu tiền, tiền để làm gì đâu? Có lẽ trong đầu của chị đang vướng bận những suy nghĩ về tiền bạc, đang trực chờ ở đó, đợi ai đi ngang gõ cửa rồi nhảy ra khỏi lồng. Cử chỉ bật lửa cứ lặp đi lặp lại như đang muốn đánh lạc hướng bản thân, quên mình đang trong một cuộc trò chuyện với người lạ, không cần biết người khác có nghe không, có suy nghĩ gì, chỉ muốn nói cho nhẹ lòng. Tôi định hỏi lại “Sao kỳ vậy?”, đó là câu hỏi vô thưởng vô phạt tôi dùng mỗi khi thấy cuộc đời của ai đó không như cách tôi mường tượng. Rằng tôi đã biết rõ về cuộc đời của họ nhưng tại sao họ lại sống khác đi cách mà tôi quy định. Nhưng tôi đã không làm vậy, chỉ mím chặt môi và gật nhẹ đầu.
– Anh lên Sài Gòn lâu chưa?
– Cũng tầm một tháng. Sài Gòn xô bồ quá, chưa quen đường xá.
– Em lên đây cũng sáu năm rồi. Sài Gòn hoa lệ mà, ráng đi, từ từ rồi cũng quen.
Không biết vì sao (tôi xấu hổ khi có suy nghĩ này), ánh mắt của chị như một người lầm đường đang đưa ra lời khuyên cho kẻ khác đồng thời trấn an mình rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi, như cách để an ủi bản thân. Tôi nghe cũng có phần được an ủi. Một lần nữa ánh mắt ấy lại cười với tôi, tôi lại mĩm cười. Sau đó thì chìm trong lặng im. Những cảm xúc không biết gọi tên, những suy nghĩ không nên có và những câu chuyện không biết mở lời như thế nào nữa, tất cả bủa vây bầu không khí. Điếu thuốc đã tàn. Mưa đã tạnh, giải thoát cho hai tâm hồn về lại chốn cũ sau giây phút biết đến sự tồn tại của nhau.
Dọc theo Xa lộ Hà Nội vẫn ẩm ướt. Bóng dáng nụ cười ấy vẫn lấp ló mỗi khi dừng đèn đỏ, và cả nụ cười của tôi nữa. Chúng tôi cười vì điều gì vậy? cười để cưu mang, cười để tỏa ra thiện chí, cười để cố gắng lạc quan hay vì lạc quan mà cười? Dù gì đi nữa, ngày hôm đó, một cái bật lửa ướt đã được một cái khác mồi lên để có thể tiếp tục cháy. Ngày hôm đó, đã có người nhắc cho tôi nhớ rằng mình còn biết cười.