Cảm Ơn Vì Đã Đến Trễ: Phần I – Chương 1

by admin

Tôi vừa đọc xong phần mở đầu của cuốn Cảm Ơn Vì Đến Trễ. Tác giả của cuốn sách là Thomas Friedman, cũng là người viết cuốn Thế Giới Phẳng.

Xoay qua xoay lại và giờ đã là gần 3h sáng. Không phải lúc nào tôi cũng có cơ hội thức khuya để đọc sách vào thời điểm này trong ngày. Tôi tắt máy lạnh, mở cửa sổ và bật quạt. Làn gió mát lạnh đem theo mùi vị phố thị len lỏi vào phòng ngủ. Tôi thấy thời gian chậm lại một nhịp. Trùng hợp thay, đó cũng là điểm khởi đầu của cuốn sách tôi đang cầm trên tay.

Dưới đây là gạch đầu dòng tóm tắt nội dung của chương đầu tiên: Suy Ngẫm.

  1. Thomas Friedman là một phóng viên viết phóng sự giải thích.
  2. Ông thích công việc này vì nó giúp khai sáng chính ông và cả mọi người về các vấn đề xã hội: “Nền dân chủ của chúng ta chỉ có thể hoạt động được nếu các cử tri hiểu thế giới vận hành thế nào.”
  3. Hiện nay, vì thế giới đang trải qua giai đoạn luôn ở trong trạng thái tăng tốc (a state of acceleration), mọi người rất dễ choáng váng và kiệt sức.
  4. Qua những lần cảm thấy biết ơn những vị khách trễ hẹn với mình vì đã cho ông một chút thời gian rỗi để suy ngẫm, Friedman nhận thấy được tầm quan trọng của nút tạm dừng (pause).
  5. Đây cũng chính là lý do đằng sau tựa đề sách: Cảm Ơn Vì Đã Đến Trễ.
  6. Việc tạm dừng cho ta quãng thời gian để (1) suy ngẫm về kiến thức và (2) gây dựng niềm tin và các mối quan hệ dựa trên giá trị thật.
  7. Điều (2) trực tiếp xảy ra với Friedman khi ông bắt gặp Bojia – một nhân viên giữ xe người Ethiopia, sở hữu một trang blog về chính trị tại quê hương.
  8. Cả hai trao đổi với nhau: Friedman sẽ kể cho Bojia về cách để tạo dựng một chuyên mục riêng, còn Bojia sẽ kể cho Friedman nghe về cuộc đời của mình.
  9. Qua việc trò chuyện cùng và hướng dẫn Bojia, Friedman được dịp tạm dừng để nhìn lại nghề nghiệp của mình, về câu hỏi “làm thế nào để trở thành một người viết chuyên mục hữu dụng.”
  10. Ông đưa ra 3 câu hỏi / vấn đề chính cần được làm rõ: (1) Khung giá trị của bản thân là gì, chúng từ đâu đến? (2) Tôi nghĩ Cỗ máy vận hành thế giới hiện nay chạy ra sao? (3) Các dân tộc và nền văn hóa đang bị ảnh hưởng bởi Cỗ máy như thế nào, và phản ứng lại nó ra sao?

Tôi liên tưởng đến một số thứ trong lúc đọc.

  • Đầu tiên nhất phải kể đến việc các dân tộc và văn hoá là một trong ba câu hỏi lớn mà Friedman đề ra trong cuốn sách. Điều này giống với quan điểm của tôi về tầm quan trọng của văn hoá và nhóm ngành nhân văn trong quá trình tự nhận thức Cỗ máy vận hành thế giới.
  • Thứ hai chính là “khung giá trị của bản thân” và tính chất vô giới hạn của nó. Đây là một đề bài mà tôi đang theo đuổi, cả trong vô thức lẫn có ý thức. Tôi lờ mờ nhận ra được tầm quan trọng của việc có một cái sườn để dựa vào, bắt nguồn từ việc dựa vào những lý thuyết (theory) có sẵn, rồi tự tạo ra giả thuyết (hypothesis) của mình để đem đi kiểm định qua nhiều tình huống khác nhau. Cuối cùng, nó sẽ biến thành một định luật (law) nhằm dự đoán những điều sẽ xảy ra.
  • Thứ ba, lại là một câu hỏi: “Ngoài việc thể hiện được ý kiến và viết một chuyên mục hữu dụng thì 3 câu hỏi chủ chốt trên sẽ giúp được cho tôi thứ gì?” Tôi nghĩ ông đã trả lời phần nào qua đoạn viết về sự khác biệt giữa một phóng viên và một người viết chuyên mục. Đối với người viết chuyên mục, ngoài việc truyền tải thông tin như một phóng viên, thì họ còn gây ảnh hưởng và kêu gọi sự phản ứng. Jordan Peterson từng nói, việc trau dồi khả năng giao tiếp sẽ khiến bạn trở thành một người có năng lực hơn trong mọi việc bạn làm. Tôi nghĩ khả năng giao tiếp là một dạng sức mạnh. Nhưng sức mạnh này dùng để làm gì? Có lẽ đó là câu hỏi chỉ có tôi mới giải đáp được. Chúng ta lại quay về với điều thứ hai.
  • Thứ tư là việc tôi từng lờ mờ nhận ra về câu hỏi số 2 của Friedman, về Cỗ máy vận hành thế giới. Từ lâu, tôi đã có ý niệm rằng tất cả mọi thứ trên thế giới đều liên quan đến nhau bằng một cách nào đó. Gần đây, tôi có nói cho một vài người bạn về việc tôi nghĩ rằng những nhóm đường dây nào càng liên kết chằng chịt, thì ý niệm mà chúng thể hiện sẽ càng quan trọng. Ví dụ như việc bắt đầu từ nền móng để xây lên: ở trong kiến trúc, làm mô hình, dạy học, nền nếp gia đình, hay thể dục cổ vũ, quy luật đó đều hiện hữu. Tuy nhiên cũng phải cẩn thận nhìn lại rằng thứ tôi tìm được là quy luật hay chỉ là lý thuyết mà thôi. Định luật dự đoán điều gì sẽ xảy ra, còn lý thuyết thì gợi ý lý do khiến điều đó xảy ra.
  • Thứ năm là một câu cảm thán: cuốn sách này thú vị đấy! Tôi đã đánh giá thấp Thomas Friedman, chỉ vì bản thân chưa cố gắng hiểu sâu hơn về những điều ông nói. Nhưng nếu có thể, tôi sẽ khuyên người khác đọc cuốn này trước hai cuốn kia (Thế Giới Phẳng và Nóng, Phẳng, Chật). Ngẫm lại thì hai cuốn đó chính là nói về cách Friedman nhận định Cỗ máy.

Vậy…

(1) Khung giá trị của tôi là gì, chúng từ đâu đến?

(2) Cỗ máy vận hành thế giới chạy ra sao?

(3) Các dân tộc và nền văn hóa đang bị ảnh hưởng bởi Cỗ máy như thế nào, và phản ứng lại nó ra sao?

What great questions!

You may also like

Leave a Comment