CẠN KIỆT

by admin

Có lẽ chưa bao giờ mình thấy có quá nhiều phong cách xuất hiện tại thời điểm hiện tại. Cái cách mà chúng ta đặt tên cho một kiểu mặc đồ dưới hai cái từ “style” giờ quá dễ dàng, quá phóng túng mà nhiều lúc mình có thể nói là vô lý vì nó không có một định nghĩa nào rõ ràng cả. Người nổi tiếng A mặc = Style A, người nổi tiếng B mặc = Style B, Style dựa vào tính cách – một lối sống hời hợt cũng trở thành phong cách. Sẽ rất dễ để gán ghép một thứ gì đó trở thành từ “Phong cách” – chắc tới đây mọi người sẽ nhớ tới Tiktok.

Đúng vậy, không phải là Tiktok – nó chỉ là một gia vị cực mạnh đẩy nhanh điều này lên mà thôi. Đó chính là công nghệ, công nghệ thay đổi cuộc sống của con người. Nó có thể khiến con người sống một cuộc đời dễ dàng hơn, đa dạng hơn, tiếp cận nhiều thứ hơn nhưng cũng chính nó cũng có thể khiến con người trở nên ỷ y và bào mòn sự tưởng tượng vốn dĩ trước đó rất phong phú. Điều này có thể được thể hiện về khả năng tiếp cận những thứ văn hóa, nghệ thuật đòi hỏi sự tưởng tượng của con người như văn học, âm nhạc nhưng giờ đây sức mạnh của các con chữ, của trí thức đã dần bị đè nén bởi sức mạnh của truyền thông, của sắc đẹp, của những thứ hình ảnh “meaningless” (Vô nghĩa).

Công nghệ khiến con người có nhiều cơ hội thể hiện bản thân hơn, đặc biệt là với mạng xã hội. Trong sâu thẳm của mỗi cá nhân đều muốn cái tôi của mình được bộc lộ ra – dù bất cứ hình thức nào. Nếu như ngày xưa chúng ta phải ra nơi công cộng để có thể diện một bộ đồ, một outfit thì ngày nay không cần mất công như thế. Một chiếc điện thoại, một chiếc đèn chiếu sáng – ai cũng có thể tự tin thể hiện cá nhân bằng nội dung liên quan tới thời trang. Nó đẩy nhanh quá trình sử dụng thời trang lên càng nhanh, càng nhanh, càng nhanh hơn nữa để thỏa mãn “cơn đói” của lượng lớn người sử dụng mạng xã hội. Chẳng ai muốn một bộ đồ xuất hiện trên feed Instagram 2 lần cả.

Cạn kiệt.

Đúng vậy, cạn kiệt. Sức tưởng tượng của con người là không giới hạn – mình có thể khẳng định điều đó. Nhưng good thing takes time – chúng ta cần thời gian để khiến 1 tưởng tượng trở nên dày và phong phú hơn. Huống chi là thời trang là một dang vật lí – một dạng hữu hình – một thứ chúng ta có thể cầm nắm được. Thứ chúng ta không cầm nắm được là câu chuyện thương hiệu, là tinh thần hay ngôn ngữ thời trang của những người thiết kế. Đó là thứ mà chúng ta trả tiền cho thứ đó. Thời trang là sự “Tưởng tượng” của nhà thiết kế. Tưởng tượng là 1 chuyện, còn biến tưởng tượng thành 1 sản phẩm thực tế thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Có những thứ tưởng tượng chưa thành thực tế vì sự hạn chế của công nghệ, của chất liệu. Đó là giới hạn của thời trang. Iris Van Herpen là 1 ví dụ điển hình khi mà chất liệu mới giúp mới có thể biến những kiểu dáng mà chúng ta sẽ chỉ nghĩ xuất hiện trên sketch mà thôi.

Nhưng đó là thời trang cao cấp, còn cộng đồng thời trang của chúng ta đã cạn kiệt trong mức ý tưởng để thể hiện ra bên ngoài. Xu hướng và cách thể hiện đã bào mòn trong sự sáng tạo và ứng dụng thời trang của chúng ta.

Nếu như ngày xưa (nói là vậy thôi, chứ cũng chỉ 6 năm trở lại), dù các cụm từ techwear hay darkwear nổi lên thời đó nhưng ít nhất nó cũng kéo dài trung bình từ 3 đến 6 tháng. Vẫn có một khoảng thời gian để chúng ta trải nghiệm và bàn tới nó. Còn giờ đây thì sao, chắc trung bình khoảng 1 tháng mình sẽ được nghe khoảng 4-5 phong cách khác nhau mà đa phần là phong cách “Tự chế”, “Tự sáng tác” vô cùng trời ơi đất hỡi. Và đáng nguy hiểm hơn là thứ phong cách này lại lan truyền với tốc độ vô cùng chóng mặt bởi công nghệ. Phong cách nào cũng được, nhưng chúng ta chưa kịp trải nghiệm – chưa kịp hiểu nó là 1 cái gì thì đã có một xu hướng khác trồi lên và xóa ngang những thứ trước đó. Rồi những con người lại chạy theo trend mà không có 1 foundation/ 1 nền tảng vững chắc nào cả.

Đó là minh chứng cho sự “Cạn kiệt”. Vì “Cạn kiệt” nên con người mới phải quay trở lại tìm những khái niệm cũ – ban cho chúng 1 cái tên mới rồi sử dụng cái tên mới để trở thành một thứ mới tại thời điểm hiện tại. Thực ra đây cũng là 1 cách lí giải cho việc vì sao “Thời trang là một vòng lặp”. Bản chất nhiều phong cách mà các bạn đang tạo xu hướng, đang nói nó có chung nguồn gốc với nhau trong quá khứ chứ không hẳn là 1 khái niệm hoàn toàn mới.

“Bình mới, rượu cũ”

Nhưng có thứ luôn bền vững và không bao giờ cạn kiệt. Đó là Con người và Kiến Thức.

You may also like

Leave a Comment