Câu chuyện về người thầy tận tụy đã tạo nên hiện tượng xuất bản

by admin

James Hilton đã viết nên áng văn cảm động về một người thầy đáng kính. Trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, ở đó chúng ta còn học cách trao đi yêu thương.

Tạm biệt thầy Chips là tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp của nhà văn người Anh James Hilton. Tác phẩm này được in lần đầu vào năm 1933, như một phụ lục của tuần báo British Weekly. Đầu năm sau, câu chuyện trở nên nổi tiếng khi nó được in lại trên tạp chí The Atlantic. Sự thành công của ấn bản này đã giúp James Hilton ký được hợp đồng xuất bản với Little, Brown and Company của Mỹ.

 Mùa hè năm 1934, sách được phát hành ở xứ sở cờ hoa. Lúc đó nước Mỹ đang rơi vào thời kỳ đại suy thoái kinh tế, nhà xuất bản khá thận trọng trước khi phát hành tác phẩm của một nhà văn không mấy tên tuổi người Anh, số lượng bản in lần đầu không nhiều. Nhờ sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả, cuốn truyện được in lại sau một tháng phát hành. Sau đó, sách đều đặn được tái bản hai tháng một lần.

Thấy được sự thành công của cuốn sách tại thị trường Mỹ, Nhà xuất bản Hodder & Stoughton đã cho in số lượng lớn lên tới hàng chục nghìn bản tại Anh. Vào ngày đầu phát hành, tác phẩm này đã bán được 15.000 bản và được tái bản liên tục sau đó.

Vì sao Tạm biệt thầy Chips hấp dẫn đến vậy?

Một con người phi thường dưới lớp vỏ xù xì

Thầy Chips đã dành gần ba phần tư cuộc đời mình cho trường Brookfield. Nơi đây đã trở thành gia đình của vị giáo viên già có vẻ ngoài nghiêm khắc. Trong mớ ký ức hỗn độn của tuổi xế bóng, ông nhớ về ngày đầu tiên đặt chân tới đây. Buổi chiều hôm đó nắng rất vàng. Khi ấy, thầy Chips là một giáo viên trẻ mới ngoài 20, phải khó khăn lắm, thầy giáo trẻ mới quản lý được đám học trò nghịch ngợm.

Trường Brookfield là một nơi khá buồn tẻ, mọi thứ đều toát lên vẻ cũ kỹ. Ban đầu, thầy Chips nghĩ mình sẽ không gắn bó lâu dài với ngôi trường . Đến một ngày, ông chợt nhận ra mình yêu ngôi trường này từ lúc nào không hay. Buổi sáng, thầy Chips sẽ ngắm nhìn dáng vẻ cổ kính của trường Brookfield ẩn hiện sau hàng cây du trăm tuổi.

Để lũ trò nhỏ vâng lời và học hành nghiêm túc, thầy Chips buộc phải giấu đi vẻ hiền lành vốn có và chứng tỏ mình là người không dễ bị bắt nạt. Những cậu học trò hiếu động và ưa quậy phá thường xuyên bị chép phạt. Dần dần lớp học cũng vào khuôn khổ.

Còn độc thân, thầy Chips sống trong ký túc xá của trường để tiện lên lớp. Bởi thế, sau giờ học thầy có nhiều thời gian tiếp xúc với bọn trẻ, lắng nghe câu chuyện của chúng, sau đó đưa ra lời khuyên hoặc vài câu an ủi. Lâu dần, thầy Chips không chỉ là một người thầy mà còn là một người bạn, một người anh lớn của những cậu học sinh trường Brookfield.

Thầy Chips đã gặp tình yêu lớn của đời mình trong những năm tháng ở trường Brookfield. Nơi đây lưu giữ nhiều kỷ niệm ngọt ngào của thầy và Katherine. Đám cưới của hai người cũng được tổ chức tại đây. Khi người vợ yêu quý và đứa con đầu lòng của thầy Chips ra đi mãi mãi, chính những cánh cửa nhẵn bóng dấu vết thời gian của ngôi trường này đã chia sẻ nỗi đau với người đàn ông tội nghiệp.

 

Trước khi giảng bài, hãy dạy học trò cách yêu thương

 

Trường Brookfield đã trở thành người thân của thầy Chips. Người thầy giáo già chưa từng nghĩ mình sẽ về hưu. Cho đến một ngày, hiệu trưởng đương nhiệm nói rằng thầy Chips đã không còn phù hợp để đứng trên bục giảng, cách truyền đạt của ông quá cũ kỹ và không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.

Trong nhiều năm cống hiến cho trường Brookfield, không ít lần thầy Chips bất đồng quan điểm với hiệu trưởng. Với thầy Chips việc mặc một chiếc áo có đôi chỗ bị nhàu lên lớp cũng chẳng sao. Ông thường cười xòa nếu cậu học trò nào đó đọc sai một từ tiếng Latin. Thầy Chips quan niệm, nghiêm khắc một cách cực đoan sẽ phản tác dụng.

Ông giáo ấy có thể về hưu, nhưng đâu thể xa trường Brookfield. Với ông, nó đã trở thành một người bạn. Lũ học trò ở đây cũng không muốn xa thầy giáo đáng kính của mình. Thầy Chips quyết định thuê một căn phòng bên kia đường. Mỗi buổi chiều, thầy đều mời những chú nhóc đến nhà mình dự tiệc trà, cho chúng ăn bánh và hỏi về một ngày trên lớp học.

Căn phòng nhỏ của thầy Chips lúc nào cũng rộn rã tiếng nói cười. Đám học trò cũ sẽ đến tìm thầy khi gặp bế tắc trong cuộc sống. Dù giờ chúng đã lớn và trở thành những chàng trai ưu tú. Ký ức của thầy được lấp đầy bằng những cái tên, có người trở thành doanh nhân, nhà khoa học, có người chết trên chiến trường…

Thầy Chips yêu trường Brookfiel và luôn có mặt khi nơi này cần tới. Khi biết mình sắp phải đến thiên đường, người thầy ấy đã chọn ra đi một cách lặng lẽ, bởi ông không muốn mọi người đau lòng.

Lời tạm biệt ở phần kết của tác phẩm không chỉ là lời chào của một cá nhân, nó đại diện cho nhiều thế hệ học sinh của trường Brookfield gửi tới người thầy kính yêu, biểu tượng của ngôi trường này trong hơn nửa thế kỷ.

Không chỉ là câu chuyện về một người thầy, Tạm biệt thầy Chips còn mang nhiều bài học ý nghĩa về giáo dục. Tuy lớn tuổi, nhưng thầy Chips mang nhiều tư tưởng tiến bộ trong giảng dạy. Người thầy ấy luôn coi học trò là trung tâm và quan tâm đến việc giáo dục nhân cách cho con trẻ.

Với thầy Chips, trường học không chỉ là nơi kết nối tri thức, ở đó trẻ nhỏ còn được dạy cách yêu thương, sống chan hòa và thân ái .

Theo Zing News

You may also like

Leave a Comment