Ô Sơn bộ lạc và Hắc Sơn bộ lạc là hai Man tộc sống lân cận nhưng đã mang mối thù oán từ ngàn xưa. Đến nay hai bên vẫn sống trong yên bình, bởi vì thực lực tương đương nhau.
Một ngày, Man Công của Hắc Sơn là Tất Đồ đột phá cảnh giới, tu vi cao hơn hẳn Man Công của Ô Sơn là Mặc Tang. Thế là cuộc chiến chính thức khởi động.
Hắc Sơn ồ ạt tấn công. Ô Sơn, vốn lực lượng chiến đấu không đông đảo bằng Hắc Sơn, chỉ đành tìm cách rút lui đến nơi an toàn.
Chiến tranh thì phải có người chết. Những man sĩ Ô Sơn chiến đấu bảo vệ tộc nhân đến hơi thở cuối cùng rồi chết một cái chết anh dũng, người khác đau lòng nhưng không bất ngờ. Cuộc đời của một chiến binh, vinh quang nhất là khi chiến đấu vì lý tưởng vì quê hương và những người yêu quý, dẫu chết cũng là cái chết đáng tự hào. Rất nhiều man sĩ Ô Sơn đã ngã xuống, nhưng tôi chỉ cảm thấy bi tráng chứ không cảm động, bởi những cái chết ấy là chuyện đương nhiên, không thể tránh khỏi!
Nếu tộc Ô Sơn bị đánh bại và các tộc nhân bình thường bị tàn sát, tôi sẽ thấy cảm thương chứ không cảm động, bởi “Bộ lạc tồn tại rồi diệt vong, kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu là trời định”. Âu cũng là quy luật tự nhiên!
Điều khiến tôi cảm động mà viết nên bài này, chính là những cái chết bất ngờ nhất!
Lâu nay, trong tộc Ô Sơn vẫn có đám thanh niên trai tráng không làm gì, suốt ngày chỉ chơi bời trác táng. Họ là con cái của các man sĩ đã bỏ mình vì bộ lạc, vì vậy, tuy rất nhiều người nhìn bọn họ không vừa mắt nhưng không ai nói gì cả. Khi chiến tranh xảy ra, cả bộ tộc phải dời đi, bọn họ sợ chết nên đi theo phía sau Tộc trưởng, có thể nói là vị trí an toàn nhất. Thế nhưng mọi người lọt vào bẫy của đối phương (vì trong Ô Sơn có kẻ phản bội), kẻ địch vây khắp nơi. Tất cả man sĩ liều mạng chiến đấu, người nào sức tàn lực kiệt liền không ngần ngại tự nổ để ôm kẻ địch chết chung. Tình cảnh vô cùng thảm khốc. Tộc trưởng cũng gần như không thể chống đỡ nữa rồi, kẻ địch sắp kết liễu ông rồi. Đột nhiên một thanh niên ăn chơi chạy ra hứng đòn cho ông, miệng kêu lớn: “A ba, thế là con không hổ thẹn với người nữa!”. Cứ thế, các thanh niên khác lần lượt chạy ra hứng đòn cho Tộc trưởng. Chỉ trong chốc lát, mười mấy thanh niên bình thường chỉ biết ăn chơi lêu lỏng, bỗng nhiên chết sạch, chỉ để đổi lại cho Tộc trưởng hai giây quý giá xoay chuyển tình thế. Hai giây ngắn ngủi ấy đã kết liễu sinh mệnh của mười mấy con người vô dụng, và biến họ thành người hùng không hổ thẹn với trời đất.
Man sĩ mà sợ chết không chiến đấu, đương nhiên là đáng khinh, không thể chấp nhận. Nhưng các thanh niên này, họ chỉ là người bình thường mà thôi, họ không hề tu Man, họ không có khả năng chiến đấu. Dù có trơ mắt nhìn Tộc trưởng bị giết chết, cũng không ai trách cứ gì họ. Không tham gia cuộc chiến mà cứ ru rú trong vòng an toàn, biết đâu còn tia sống sót? Chạy ra, chỉ có thể là cái chết! Sinh mạng thật đáng quý biết bao! Nhưng có những thứ còn quan trọng hơn sinh mạng bản thân, chính là sự tồn vong của bộ tộc. Nếu phải tiếp tục sống một đời vô dụng, không bằng hiến dâng sự sống ấy cho kẻ hữu dụng hơn, để kẻ đó có thể lèo lái chống đỡ trước cơn sóng hung tàn. Sống có gì vui, chết có gì phải sợ!
Không biết có phải vì tấm gương của những thanh niên này hay không, sau trận chiến và tộc Ô Sơn tiếp tục lên đường, thì những người già trong bộ tộc xin phép không đi tiếp nữa, vì họ biết mình đang làm giảm tốc độ của đoàn người. Họ xin Man Công một vật có thể tự nổ, để khi kẻ địch đi qua, họ sẵn sàng chết chung với kẻ địch. Man Công không nói gì, lặng lẽ đưa vật ấy, đoàn người cũng quay mình bước đi, những người già ngồi xuống cùng kể cho nhau chuyện xưa… Với người chưa đọc truyện mà đọc bài này tới đây, có thể bạn nghĩ Man Công vô tình? Hay đoàn người vô tình? Không, đây là cuộc chiến vô cùng khốc liệt, người ta có thể ngã xuống bất cứ lúc nào, không có thời gian cho cái sướt mướt ủy mị. Sự tồn vong của cả tộc mới là điều quan trọng nhất. Nhiệm vụ hàng đầu là phải bảo vệ trẻ em và phụ nữ bởi họ chính là tương lai của bộ tộc. Những người cảm thấy mình không thể có cống hiến cho bộ lạc, càng tự hiểu không thể trở thành gánh nặng. Vì vậy họ tự nguyện lựa chọn hy sinh, coi như cũng là một cách để cống hiến. Mười mấy thanh niên ấy là vậy, mấy mươi người già này cũng vậy.
“Bỉ thương giả thiên, cớ gì ngươi khóc”
Tôi không hiểu câu này, chỉ như có một cảm giác tang thương và hoài niệm về điều gì đã qua không thể vãn hồi.
————————————-
HEEN
Viết xuống “Cầu Ma: Bỉ Giả Thương Thiên, Cớ Gì Ngươi Khóc?” không dễ, mọi người tán dương chính là động lực để tiểu biên tiếp tục kiên trì viết tiếp! Hẹn gặp lại a…