Câu nói của một đứa trẻ lớp 8 trong chương trình “Người tử tế” vẫn như in trong đầu tôi dù mấy tuần đã trôi qua. Đứa trẻ khôi ngô sinh ra trong gia đình có cha mẹ đều là người tật nguyền. Thiếu thốn về vật chất là vậy nhưng không vì đó mà cha mẹ cho phép nó thiếu thốn về tinh thần. Đứa trẻ 13 tuổi với gương mặt non choẹt đã trả lời phỏng vấn một cách rành mạch với nhiều nội lực. Nói rõ những điều cha nó dạy về sự tử tế và một trong số đó đã khiến tôi phải suy nghĩ.
“Sống trên đời phải tử tế. Rồi từ tử tế mà thành công”.
Nghe được câu này đã khiến tôi điều chỉnh lại thế giới quan của mình về sự thành công.
Phải chăng cội nguồn của thành công thường bắt đầu từ việc học tập và làm việc chăm chỉ như nhiều người thường nói. Hay nó có thể đến từ lòng dũng cảm và không ngại chấp nhận rủi ro. Điều đó không sai nhưng tôi nghĩ nó vẫn còn ở bề mặt. Gốc gác của thành công nên bắt đầu từ chính sự tử tế, nói cách khác là một tâm hồn luôn hướng đến việc thấu hiểu nỗi đau và làm điều thiện cho con người.
Hay nhà văn Nodar Dumbatze đã từng nói về sự tử tế trong cuốn “Quy luật của muôn đời” :
Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác. Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi… Bởi thế người đời chúng ta chừng nào còn sống phải ra sức giúp đỡ nhau, gắng làm cho tâm hồn trở nên bất tử, ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, cứ thế đến vô cùng… Sao cho cái c.hết của một người không đẩy ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống…
Tôi chưa và cũng sẽ còn lâu mới trở thành một người tử tế. Nhưng bằng sự quyết tâm, tôi chúc bản thân và mọi người không bao giờ mất nghị lực trên hành trình thấu hiểu bản thân. Xa hơn là thấu hiểu nỗi đau của con người, từ đó để trở thành một người tử tế.