CHA MẸ PHẢI CÓ BAO NHIÊU SỰ NHẪN NẠI VỚI CON CÁI? 

by admin

“Nói cho cùng ba chỉ hy vọng niềm yêu thích của con đem lại cho con niềm vui chứ không phải đem cho con sự phiền não và khổ sở”.

Có một sự thật là cha mẹ sẽ luôn phải chịu sự thay đổi của con cái, và chấp nhận nó sẽ không lớn lên theo cách mình mong đợi. Tác phẩm “Mệnh tử” kể về hai cha con nhà Quả và nỗi lòng của người làm cha với con trai mình trong suốt quá trình trưởng thành. Xuyên suốt câu chuyện là sự hồ nghi của người cha về cách giáo dục và làm cách nào để hiểu được con trai khi tâm lý thằng bé mỗi ngày lại một thay đổi.

Ngày còn nhỏ, cha của Quả thường bật nhạc cho con, ngắm nhìn bé con bên cạnh giường, vỗ nhè nhẹ lên lưng, đôi mắt nhỏ từ từ khép lại trong bóng tối. Nhưng đến thời kỳ thanh thiếu niên, cảm giác thân mật ấy luôn bị thay thế bởi cảm giác xa cách, đứa con dần rời xa vòng tay cha mẹ, nghĩ về khoảng thời gian đầu đời khiến ông không khỏi có chút chạnh lòng.

Quả biết nói từ rất sớm, năm 2 tuổi rưỡi cậu đã có thể đọc vài bài thơ Đường, việc ghi nhớ như thể đang chơi một trò chơi, khiến cha mẹ không khỏi tự hào với mọi người. Nhưng khi lớn lên, Quả lại không chịu đọc sách, thậm chí là luôn đứng đội sổ, tính cách có phần quái dị. Dù không hy vọng con mình có thể trở thành ông nghè ông cống, nếu ý muốn của con trai là một vận động viên, người vẽ truyện tranh hay đầu bếp, ông hoàn toàn đồng ý, nhưng thằng bé ngay từ nhỏ chỉ có hứng thú với xe buýt và mong muốn trở thành một người lái xe, điều này khiến người cha không khỏi đau đầu. Vậy nhưng người làm cha ấy cũng chỉ có thể tự an ủi chính mình: “Con cái không thể ép mà được, nhẫn nại chút đi! Rốt cuộc thằng bé cũng thấy được điều mà mình mong muốn làm mà thôi.’

Bởi vậy, dù có một chút nuối tiếc, nhưng cha của Quả tuyệt đối không hề bộc lộ sự thất vọng với cậu con trai. Ông vẫn luôn nuông chiều theo ý muốn của cậu con trai để cậu có thể tìm được niềm yêu thích của mình, chẳng hạn thành lập “Công ty TNHH Xí nghiệp họ Đổng” với tất cả các thành viên trong gia đình bao gồm ông bà và bố mẹ và cậu làm quản lý, xuất bản sách và mở triển lãm tại nhà,… thậm chí rong ruổi cùng con trên những chuyến xe buýt dù không có bất cứ niềm yêu thích nào.

Có bậc cha mẹ nào mà không có sự kỳ vọng ở con trai mình chứ? Bản thân họ cũng từng phải đánh đổi, lùi về phía sau, gạt đi những niềm yêu thích của mình để nhường lại sân khấu cho những đứa con. Nhưng bản tính thiên phú và chí hướng của con cái lại không thể do cha mẹ cưỡng cầu và làm chủ được. Mỗi đứa trẻ lại có một niềm yêu thích riêng, và cũng có thể thay đổi nó trong chợp mắt, điều mà ba mẹ có thể làm được, chính là cổ vũ con cái mình phiêu lưu mà thôi. Nếu như còn có lời gì muốn dặn dò con cái, chỉ dám hy vọng trong bốn chữ “làm người cho tốt”.

You may also like

Leave a Comment