Mặc dù sự trì hoãn thật sự tệ hại, giải pháp của nó rất đơn giản: một phương trình được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu, những người không chỉ đưa ra mẹo vặt để thoát khỏi nó, mà còn thật sự nghiên cứu mọi góc độ của vấn đề
Sự trì hoãn ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống của bạn. Chỉ khi hiểu đúng về phương trình trì hoãn bạn mới có thể thay đổi hành vi và hành động duy lý hơn.
Sự trì hoãn bòn rút tiền của bạn. Bạn đã có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền nếu trả hóa đơn đúng hạn và không bị tăng tiền phạt. Tiền trong tài khoản sẽ nhiều hơn nếu bạn chịu khó đi mở tài khoản hưu trí và được hưởng lãi suất kép. Bạn cũng có thể cứu được chiếc xe nếu đem nó đi sửa ngay khi nhận ra tiếng động lạ ở động cơ thay vì chờ đến khi nó bốc khói.
Sự trì hoãn lấy đi cơ hội của bạn. Nếu bạn dành thêm thời gian để chuẩn bị cho bài kiểm tra thay vì cố gắng nhồi nhét vào đêm cuối cùng, có thể bạn đã qua môn. Chỉ cần nộp đơn đúng hạn, bạn đã không vụt mất cơ hội thực tập tốt nghiệp.
Sự trì hoãn cũng khiến sức khỏe của bạn gặp nguy hiểm. Nếu bạn bắt đầu tập thể dục và ăn kiêng sớm hơn, giờ đây bạn không cần lo lắng về bệnh tiểu đường. Nếu bạn đến gặp bác sĩ ngay khi cảm thấy đau, bạn đã được chữa trị kịp thời trước khi trở nên vô phương cứu chữa.
Và cuối cùng – tác động này tuy ít nghiêm trọng nhất nhưng lại gây ra hậu quả nặng nề nhất vì nó đè nặng lên tâm trí bạn mỗi ngày – sự trì hoãn khiến bạn mất đi cảm giác yên bình và hài lòng. Khi bạn nhìn quanh nhà và thấy quần áo bẩn còn chất đống, nghe thấy tiếng rỉ nước vào ban đêm vì không chịu sửa vòi nước, đến gọi điện cho nha sĩ để đặt hẹn cũng thật khó khăn. Bạn dễ cảm thấy mất tinh thần vì đã bị đánh bại bởi những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.
May thay, mặc dù sự trì hoãn thật sự tệ hại, giải pháp của nó rất đơn giản: một phương trình được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu, những người không chỉ đưa ra mẹo vặt để thoát khỏi nó, mà còn thật sự nghiên cứu mọi góc độ của vấn đề.
Phương trình trì hoãn
Tại sao con người chúng ta lại vất vả đấu tranh với sự trì hoãn? Đó là vì ta thích những niềm vui ngắn hạn hơn sự khó chịu ngắn hạn kể cả khi sự khó chịu ấy mang đến lợi ích dài lâu hơn. Chúng ta muốn làm bất kỳ điều gì khiến ta cảm thấy tốt ngay lập tức.
Vì thế, chìa khóa để vượt qua sự trì hoãn là tăng động lực lên khi bạn cần giải quyết một nhiệm vụ, khiến bạn muốn thực hiện nó ngay bây giờ và ít có xu hướng trì hoãn hơn.
Đó là kết luận của Tiến sĩ Piers Steel, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về sự trì hoãn. Trong phương trình trì hoãn, ông giải thích rằng động lực của chúng ta được xác định bởi bốn yếu tố sau:
Động lực = Kỳ vọng x Giá trị / (Sự bốc đồng x Trì hoãn)
Hãy bóc tách vai trò của mỗi biến số trong việc khiến chúng ta có nhiều động lực hơn (Kỳ vọng x Giá trị) và biến số làm giảm điều đó (Sự bốc đồng x Chậm trễ).
Những yếu tố tạo nên Động lực
Kỳ vọng: Là mức độ thành công bạn mong đợi khi thực hiện nhiệm vụ. Một số yếu tố sau đây có thể ảnh hưởng đến sự Kỳ vọng. Nghiên cứu của Steel cho thấy một cá nhân có ý thức cao về quyền tự quyết – nghĩa là tự tin tuyệt đối vào năng lực của họ – sẽ có mức độ kỳ vọng cao hơn những người cảm thấy mình đang mắc kẹt và không có quyền kiểm soát môi trường xung quanh.
Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến Kỳ vọng là độ khó của nhiệm vụ. Điều này được miêu tả kỹ hơn trong cuốn Tiny Habits (Thói quen vi mô) của nhà tâm lý học hành vi BJ Fogg. Nếu bạn đặt mục tiêu cuối năm sẽ giảm được 20 ký thì cảm giác đây là một nhiệm vụ to lớn sẽ làm suy yếu sự tự tin rằng bạn có thể thực hiện được nó. Ngược lại, một mục tiêu như “đi bộ 10 phút mỗi ngày” dễ thực hiện hơn nhiều, do đó làm tăng động lực của bạn và có khả năng bạn sẽ cam kết với mục tiêu hơn.
Giá trị: Mức độ yêu thích của bạn đối với nhiệm vụ và mức độ yêu thích đối với phần thưởng sau khi bạn hoàn thành nó (hoặc sự không thích đối với hình phạt nếu chẳng may bạn thất bại). Giống như Kỳ vọng, có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới Giá trị. Sở thích cá nhân của bạn có tác động đáng kể đến việc bạn xem đó là một nhiệm vụ hay không và ảnh hưởng đến khả năng bạn sẽ thực hiện nhiệm vụ đó. Nếu bạn muốn tập thể dục nhưng lại ghét chạy bộ và bạn đặt mục tiêu chạy bộ mỗi ngày thì khả năng cao là bạn không làm điều đó đâu. Nhưng nếu bạn thích đạp xe và đặt mục tiêu sẽ đạp x phút mỗi ngày thì khả năng cao bạn sẽ hình thành được thói quen đạp xe rất nhanh chóng.
Việc bạn thích phần thưởng đến đâu cũng ảnh hưởng đến Giá trị. Nếu việc đạt điểm tối đa trong bài kiểm tra quan trọng với bạn, thì bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho nó. Nếu với bạn điểm số chỉ cần trên trung bình là được, bạn sẽ có ít động lực hơn để ngồi xuống bàn và mở sách ra.
Một điều mà Fogg bổ sung vào ý tưởng của Steel về Giá trị cho những nhiệm vụ là suy xét đến hình phạt cho việc không hoàn thành đúng giờ. Hình phạt càng lớn, bạn càng coi trọng việc thực hiện nhiệm vụ để tránh bị phạt.
Ví dụ như đi nộp thuế. Hầu hết mọi người không thích làm điều đó, nhưng nếu bạn không khai thuế hoặc không nộp thuế, bạn sẽ gặp phải những hậu quả nghiêm trọng về tài chính và pháp lý. Bạn không nhận được phần thưởng nào khi phải đóng các khoản thuế, nhưng chắc chắn bạn không muốn vướng vào rắc rối vì đã không làm điều đó.
Những yếu tố làm giảm Động lực
Tính bốc đồng: Mức độ phân tâm của bạn khi cần phải tập trung. Theo Steel, tính bốc đồng là một yếu tố quan trọng để tính toán động lực trong phương trình trì hoãn.
Do di truyền, một số người nóng tính hơn so với những người khác, nhưng thực tế là tất cả chúng ta đều bốc đồng ở những mức độ khá nhau. Điều đó càng đúng hơn trong thời hiện đại khi điện thoại thông minh và các thiết bị kỹ thuật số luôn thu hút sự chú ý của chúng ta. Khi bạn thử đọc Chiến tranh và Hòa bình trên điện thoại, chỉ cần cảm thấy hơi chán là bạn có thể lướt sang Instagram để xem bạn bè có cập nhật gì mới hay không.
Nếu bạn sử dụng Internet thường xuyên, có khả năng là bạn bị suy giảm khả năng tập trung – đặc biệt là khi cần đọc sâu và phản biện vấn đề. Thậm chí bạn còn không thể lau bếp mà không dừng lại sau vài phút để kiểm tra điện thoại. Những lần kiểm tra ngắn ngủi này có thể làm tiêu tốn một lượng thời gian rất lớn khiến bạn liên tục trì hoãn nhiệm vụ cần thực hiện ngay.
Chậm trễ: Thực tế là thời gian để thực hiện nhiệm vụ càng dài, bạn càng có ít động lực để thực hiện nó trong hôm nay. Việc gì càng cần hoàn thành sớm thì bạn càng có nhiều động lực để thực hiện ngay lập tức. Sự cấp thiết buộc ta phải hành động. Không có sự khẩn trương, ta sẽ tự mãn và nghĩ rằng mình dư dả thời gian.
Tất cả chúng ta đều trải nghiệm những cảm xúc này trong đời. Thời đại học, khi có một bài nghiên cứu cần hoàn thành trong hai tháng, bạn cảm thấy rằng mình có rất nhiều thời gian để làm việc và trì hoãn việc bắt đầu. Vào đêm cuối cùng chắc chắn bạn sẽ hoàn thành nghiên cứu thôi vì bạn buộc phải làm như vậy.
Theo Steel, để tăng động lực, bạn cần tăng các chỉ số ở tử số trong phương trình Động lực (Kỳ vọng và Giá trị) và làm giảm các yếu tố trong mẫu số (Tính bốc đồng và Chậm trễ).
Chỉ đơn giản là như vậy.
Rắc rối là làm sao để thực hiện điều đó mà không gặp khó khăn.
May thay, Steel đã đưa ra một số gợi ý tuyệt vời cho phương trình trì hoãn. Tôi xin nêu bật những mẹo mà tôi cảm thấy hữu ích. Tôi cũng thêm vào một vài đề xuất riêng của mình dựa trên nghiên cứu của Fogg về động lực.
Những cách để gia tăng Kỳ vọng
Hỏi hỏi từ người đi trước
Steel gợi ý rằng bạn có thể gia tăng mong muốn thực hiện mong muốn bằng cách tìm hiểu về những người thành công: đọc tiểu sử của những vĩ nhân làm được điều phi thường mà không ngại gian khó, hoặc xem một bộ phim truyền cảm hứng hoặc một video thú vị trên Youtube.
Mặc dù đắm chìm trong sách self-help thường bị chỉ trích, miễn là bạn biết chọn lọc và ý thức được bạn đọc chúng để thúc đẩy bản thân thì nó thật sự hiệu quả.
Sử dụng sự tương phản tinh thần
Hầu hết những cuốn sách truyền động lực đều khuyên bạn tưởng tượng thật cụ thể kết quả cuối cùng và chỉ tập trung vào kết quả đó. Tuy nhiên nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ hình dung mỗi kết quả tích cực lại khiến bạn khó mà hoàn thành việc bạn muốn làm hơn.
Thay vào đó, Steel khuyên bạn nên rèn luyện “sự tương phản tinh thần”. Bạn cần suy nghĩ về kết quả lý tưởng của mình rồi sau đó đối chiếu với tình hình thực tại. Bằng cách so sánh hiện tại với tương lai, bạn được gợi nhắc rằng xem những khó khăn hiện tại là thử thách cần phải vượt qua và từ đó có nhiều động lực hơn.
Vượt qua cảm giác bất lực
Để vượt qua cảm giác bất lực cần thay đổi trạng thái tinh thần của bạn. Thay vì nói với bản thân: “Tôi là một người hay trì hoãn trong mọi khía cạnh của cuộc sống và sẽ luôn như vậy!”, hãy thay đổi những cách nghĩ tiêu cực về mình.
Bạn có thật sự trì hoãn mọi vấn đề trong cuộc sống không? Không. Bạn hoàn thành bài tập đúng hạn và trả hóa đơn đúng kỳ. Bạn chỉ gặp một chút khó khăn trong việc hoàn thành báo cáo mà thôi. Bằng cách đẩy lùi những suy nghĩ tiêu cực, bạn sẽ nhận ra mình đáng tin cậy hơn bạn nghĩ, và tăng cảm giác Kỳ vọng ở chính bạn.
Khiến nhiệm vụ trở nên dễ dàng nhất có thể
Theo mô hình hành vi của Fogg, nhiệm vụ càng dễ hoàn thành bạn càng nhanh chóng thực hiện nó. Nhiệm vụ càng khó, xác suất bạn thực hiện lại càng thấp hơn. Đây chỉ là lẽ thường, nhưng lẽ thường thường bị bỏ qua.
Nếu cảm thấy bạn đang trì hoãn một nhiệm vụ nào đó, hãy xem thử có cách nào để gia tăng Kỳ vọng bằng cách khiến nó dễ dàng hơn hay không. Dễ một cách không tưởng luôn ấy. Nghĩ về chuyện bạn muốn thực hiện, chia một nhiệm vụ lớn thành những nhiệm vụ nhỏ rõ ràng và ngắn hạn hơn. Fogg cho rằng chia việc lớn thành càng nhiều việc nhỏ thì càng tốt
Ví dụ, nếu bạn đang cố gắng luyện tập thói quen sử dụng chỉ nha khoa, thay vì nói: “Tôi sẽ dùng chỉ nha khoa mỗi đêm”, Fogg gợi ý hãy đặt mục tiêu: “Mỗi đêm tôi sẽ dùng chỉ để làm sạch một chiếc răng.” Thật dễ dàng để có động lực xỉa răng, vì thế bạn sẽ bắt đầu làm điều đó. Khi bắt đầu chăm sóc một chiếc răng vào mỗi đêm, bạn sẽ dần muốn chăm sóc cả hàm.
Nếu bạn đang làm báo cáo cuối kỳ, thay vì đặt mục tiêu “Viết bản nháp đầu tiên cho bài nghiên cứu vào cuối tuần”, hãy tự nhủ: “Tôi sẽ dành năm phút cho phần giới thiệu.” Viết toàn bộ bản nháp đầu tiên rất khó, nghĩa là bạn sẽ cố gắng trì hoãn lâu nhất có thể. Viết trong năm phút lại dễ hơn nhiều, vì vậy bạn sẽ làm được. Sau khi bắt đầu, bạn sẽ muốn viết nhiều hơn. Cho dù không viết thêm, ít nhất bạn đã hoàn thành một mục tiêu nhỏ. Tiếp theo hãy đặt mục tiêu: “Dành năm phút để viết thân bài.”
Thay vì “Tiết kiệm 1 triệu đô la để nghỉ hưu”, hãy sửa thành “Gửi mail cho bộ phận nhân sư để tự động trích một khoản lương đi đầu tư.”
Thay vì “Dọn sạch nhà kho”, hãy chuyển thành “Soạn 1 thùng những vật không cần thiết.”
Bạn hiểu cách áp dụng rồi đấy.
Vòng xoáy thành công
Thực hiện những hành động nhỏ không chỉ giúp bạn có thêm tiến triển trong việc hoàn thành một nhiệm vụ lớn hơn mà còn tạo ra một “vòng xoáy thành công” tiếp tục thúc đẩy kỳ vọng và giúp bạn hoàn thành nhiều việc hơn nữa.
Vòng xoáy thành công xuất hiện khi bạn hoàn thành hết mục tiêu nhỏ này tới mục tiêu nhỏ khác. Khi thấy bản thân đạt được những mục tiêu nhỏ, sự tự tin của bạn vào khả năng thành công sẽ tăng lên đồng thời tăng cả Kỳ vọng và Động lực.
Sau khi hoàn thành một việc trong danh sách việc cần làm, hẳn bạn sẽ cảm thấy phấn khởi hơn. Hãy dùng sự phấn khởi đó cho đầu việc sắp tới.
Những cách để gia tăng Giá trị
Chọn những nhiệm vụ thú vị
Mỗi nhiệm vụ đều có nhiều cách để thực hiện. Ví dụ như bạn muốn tập thể dục. Thay vì cố gắng gò ép bản thân bằng kỷ luật để thực hiện một bài tập mà bạn ghét, hãy tìm một bài tập khiến bạn vui. Có thể bạn cho rằng bạn ghét mọi phương pháp tập thể dục, nhưng có khi bạn chỉ mới thử bốn hoặc năm phương pháp khác nhau, vẫn còn hàng trăm bài tập khác. Nếu bạn không thích chạy, hãy thử bơi lội. Nếu không thích tập võ, hãy thử chơi quần vợt. Nếu không thích đạp xe, hãy đăng ký một khóa đấm bốc. Hãy bỏ ngoài tai lời khuyên thế nào mới là một người tập thể thao thực thụ. Hãy thử nghiệm và tìm ra việc bạn thật sự muốn làm.
Hoặc giả sử bạn muốn đọc nhiều sách hơn. Thay vì ép bản thân cố gắng đọc một cuốn sách mà bạn “buộc” phải thích nhưng đọc mãi vẫn không xong, hãy chọn một thể loại thực sự khiến bạn khó lòng đặt sách xuống.
Có nhiều cách để đạt được cùng một kết quả. Hãy chọn cách mang đến nhiều niềm vui hơn.
Khiến nhiệm vụ trở nên thú vị
Tất nhiên trong cuộc sống sẽ có một số nhiệm vụ không có cách thứ hai để thực hiện. Chỉ có một cách để làm mà nó không dễ chịu chút nào. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó bạn vẫn có thể thúc đẩy động lực bằng cách làm cho nhiệm vụ tẻ nhạt ấy trở nên thú vị hơn.
Ví dụ như tôi đề cập ở trên, viết báo cáo chẳng vui vẻ gì. Nhưng bạn có thể khiến nó dễ chịu hơn bằng cách vừa viết vừa uống thứ nước bạn yêu thích. Việc giặt giũ và dọn dẹp nhà cửa sẽ thú vị hơn nhiều khi bạn vừa làm vừa nghe chương trình ưa thích của mình.
Một cách tuyệt vời để khiến nhiệm vụ trở nên thú vị hơn là thêm tính xã hội vào nó. Trong cuốn sách Life Admin (Làm chủ cuộc sống), tác giả Elizabeth Emens đi sâu vào phân tích những chuyện không vui mà ta cần làm để duy trì cuộc sống: nộp thuế, điền các mẫu đăng ký, lập kế hoạch tổ chức tiệc, lên lịch các cuộc hẹn,… những việc mà ta có xu hướng trì hoãn.
Một gợi ý mà Emens đưa ra để khiến việc làm chủ cuộc sống trở nên thú vị hơn là tạo “tập trung đông người”. Nói một cách cơ bản, bạn mời tất cả bạn bè đến nhà và cùng thực hiện những nhiệm vụ đó. Làm việc với người khác buộc bạn phải nghiêm túc hơn đồng thời giúp san sẻ những khó khăn khi thực hiện nó.
Tự thưởng
Và có những việc không thể nào trở nên thú vị dù bạn có cố gắng đến mức nào đi nữa.
Ví dụ như đi nội soi. Ung thư ruột kết là một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất, nhưng nếu bạn phát hiện sớm thì bệnh có thể được chữa khỏi. Để phát hiện sớm bạn cần nội soi đại tràng. Các bác sĩ khuyên bạn nên nội soi thường xuyên khi bạn ở tuổi 50 (hoặc tuổi 40 nếu gia đình bạn có tiền sử bệnh ung thư), nhưng thường ít người làm chuyện đó vì quá trình nội soi không dễ chịu chút nào.
Chẳng có gì có thể khiến một ống dẫn gắn camera chui vào hậu môn trở nên thú vị. Vì thế nếu không thể tăng Giá trị cho chính quá trình thực hiện nhiệm vụ, hãy tạo ra một phần thưởng sau khi nhiệm vụ hoàn thành.
Nói với bản thân: “Nếu tôi đi nội so, tôi sẽ tự thưởng cho mình món xxx”, và tự thưởng bạn thân vì đã thực hiện cam kết đó.
Nhiệm vụ càng khó chịu, phần thưởng càng lớn mới có thể khuyến khích bạn hành động.
Nếu bạn đã chia nhiệm vụ lớn thành những nhiệm vụ nhỏ dễ hơn, khi hoàn thành một nhiệm vụ nhỏ, phần thưởng không cần quá lớn. Ví dụ, nếu nhiệm vụ của bạn là “lên dàn bài cho báo cáo trong vòng 25 phút” thì phần thưởng của bạn có thể là “lên mạng trong 10 phút”.
Theo Fogg, phần thưởng để thực hiện một thói quen có thể là bất cứ điều gì. Nó chỉ cần:
- Ngay lập tức
- Khiến bạn thật sự cảm thấy thoải mái
Cảm giác vui vẻ sau khi nhận được phần thưởng gia tăng Giá trị của việc thực hiện nhiệm vụ, khiến bạn cảm thấy có động lực hơn và cam kết hơn với mục tiêu của mình.
Tự phạt
Như đã thảo luận ở trên, một cách khác để gia tăng Giá trị cho nhiệm vụ là áp dụng hình phạt khi bạn không hoàn thành đúng hạn. Khi hình phạt tăng lên, bạn càng coi trọng nhiệm vụ hơn vì bạn muốn tránh bị phạt. Đừng đánh giá thấp sức mạnh của đòn roi.
Tôi có sử dụng một trang web tên là StickK. StickK cho phép tôi thực hiện cam kết với chính mình. Bạn điền nguyện vọng của mình và đặt ra khoản phạt bằng tiền nếu bạn không thể hoàn thành nhiệm vụ trong khung thời gian nhất định. Bạn thậm chí có thể thiết lập nếu bạn không thực hiện nhiệm vụ đúng hạn, tiền sẽ được chuyển đến cho người mà bạn ghét. StickK còn có chế độ giám sát của người thứ ba để ngăn bạn khai gian. Nếu người đó không duyệt nhiệm vụ của bạn, thẻ của bạn sẽ bị trừ tiền.
Cũng như phần thưởng, nhiệm vụ càng khó thì hình phạt phải càng lớn để tạo đủ động lực giúp bạn hoàn thành nhiệm vụ sớm.
Kết nối nhiệm vụ cần làm với ý nghĩa cao cả hơn
Một cách dễ dàng để gia tăng Giá trị là kết nối nó với sứ mệnh ý nghĩa hơn mà bạn muốn chính mình đạt được trong tương lai.
Thiết lập kế hoạch chọn trường cho con có thể không thú vị nhưng việc con bạn được hưởng một nền giáo dục tốt có ý nghĩa lớn lao. Hãy nhắc nhở bản thân về tầm quan trọng của ý nghĩa trong việc nâng cao Giá trị của việc cần làm và từ đó có nhiều động lực hơn để hoàn thành nó.
Nếu bạn đang trì hoãn một nhiệm vụ tại nơi làm việc, hãy nghĩ xem hoàn thành nó có thể giúp ích cho bạn cũng như gia đình bạn ra sao. Nghĩ về những bài toán tài chính bạn có thể giải quyết cho gia đình nếu bạn làm việc chăm chỉ ở công ty.
Làm sao để giảm sự bốc đồng: Loại bỏ những gì khiến bạn phân tâm
Cách tốt nhất để kiềm chế bản thân là loại bỏ những yếu tố khiến bạn mất kiểm soát. Hãy để ý những việc gì khiến bạn phân tâm khỏi nhiệm vụ của mình. Với đa số mọi người, điện thoại di động và Internet là hai tác nhân gây xao nhãng lớn nhất. Thay vì phụ thuộc vào sức mạnh của lý trí để ngăn chặn những cám dỗ của kỹ thuật số đó, hãy loại bỏ chúng hoàn toàn.
Hãy thiết lập chế độ trên máy tính và điện thoại để chặn các trang web gây mất tập trung hoặc không sử dụng điện thoại trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày.
Làm sao để giảm bớt sự trì hoãn: Chia deadline lớn thành nhiều deadline nhỏ
Như chúng ta đã thảo luận ở trên, thời hạn để hoàn thành nhiệm vụ càng xa thì chúng ta càng có ít động lực để làm việc đó.
Một giải pháp thường thấy là tạo ra deadline gần hơn cho riêng bạn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này thường không hiệu quả. Nếu một nhiệm vụ lớn và khó (Kỳ vọng và Giá trị thấp), một deadline giả định khó mà tạo ra đủ cảm giác khẩn cấp để vượt qua cảm giác chán chường. Giả định là thời hạn nộp báo cáo vào ngày 10/2 thay vì 10/3 không làm bạn viết nó nhanh hơn đâu.
Thay vì tưởng tượng một deadline giả, chiến thuật hiệu quả hơn để ngăn sự trì hoãn là chia nhiệm vụ thành những đầu việc nhỏ và ấn định deadline tương ứng cho từng đầu việc cho đến thời hạn cuối cùng. Hành động này giúp tăng Kỳ vọng và từ đó tạo thêm Động lực cho bạn.
Đây là một kỹ năng mà tôi học được khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trước mỗi dự án lớn, tôi đều đặt ra và vạch sẵn kế hoạch làm việc cụ thể. Tôi bắt đầu từ thời hạn cuối cùng và viết ngược trở lại, tạo ra những deadline nhỏ cho từng đầu việc cho đến khi thời gian biểu rõ ràng và tôi biết lúc nào thì mình nên làm gì.
Dưới đây là thời gian biểu khi viết bài của tôi:
29/9: Ngày xuất bản
24/4: Chỉnh sửa và hoàn thiện bản thảo, gửi cho biên tập để chỉnh sửa và sửa đổi
22/9: Hoàn thành bản nháp đầu tiên
18/9: Lên dàn ý
16/9: Xem xét lại ghi chú
14/9: Thu thập tài liệu
Bằng cách chia thành các nhiệm vụ nhỏ hơn, tôi ít cảm thấy nặng nề và không trì hoãn. Hơn nữa, hoàn thành từng việc khiến tôi cảm nhận Vòng xoáy thành công, làm tăng Kỳ vọng trong tôi.
Kế hoạch trì hoãn của bạn
Để giúp bạn vượt qua cám dỗ của sự trì hoãn dễ dàng hơn, đây là một bản hướng dẫn những gì cần làm rõ mỗi khi bạn cảm thấy trì hoãn. Hãy xem như đây là checklist mỗi khi bạn muốn trì hoãn bất cứ điều gì:
- Nhận biết rằng bạn đang trì hoãn
- Tự hỏi bản thân: “Điều gì khiến tôi từ bỏ nhiệm vụ này?” Xem xét các yếu tố khác nhau của phương trình trì hoãn.
- Có cách nào để tôi tăng Kỳ vọng cho nhiệm vụ này không? Tôi có thể tạo ra một vòng xoáy thành công không? Có cách nào để khiến nhiệm vụ này trở nên dễ dàng hơn không?
- Có cách nào để tăng Giá trị của nhiệm vụ này không? Tôi có thể làm cho nó trở nên thú vị hay không? Tôi có thể tự thưởng sau khi nhiệm vụ hoàn thành hay không? Tôi có nên tự phạt mình không? Nhiệm vụ này có ý nghĩa gì không?
- Tôi có thể loại bỏ phiền nhiễu không? Làm sao để mình tập trung hơn? Tôi có thể chia nhỏ nhiệm vụ và đặt deadline cho từng nhiệm vụ nhỏ không?
Và cuối cùng, hãy hành động. Chỉ cần mở máy tính lên, mở file Word và bắt đầu viết một dòng, bạn sẽ muốn viết nhiều hơn. Chỉ cần một hành động nhỏ để phá vỡ guồng quay của sự trì hoãn.
Vũ | The Art of Manliness