Ngày nay, đâu đâu người ta cũng nhắc đến chánh niệm, và có vẻ như nó hứa hẹn mang lại mọi thứ tốt đẹp cho chúng ta. Chúng ta thấy từ “chánh niệm” được kết nối đến mọi thứ, từ làm vườn cho đến trị liệu, huấn luyện thể thao hay tin học. Thậm chí, ta còn thấy những tập tô màu để rèn luyện chánh niệm. Về cơ bản, tất cả đều hướng về một mục tiêu duy nhất là sống tỉnh thức.
Đường Về Tỉnh Thức
(29 lượt)
Mua sách giảm giá 30% >>
Về căn bản, chánh niệm là khả năng nhận biết sâu sắc, toàn vẹn những gì mình đang làm, đang tiếp nhận hoặc chứng kiến như-nó-đang-là. Do vậy, chánh niệm là điều ai cũng có thể đạt được ở mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, chánh niệm không chỉ là nhận biết về khoảnh khắc hiện tại, nó còn là một dạng siêu nhận thức, hay còn gọi là nhận thức nâng cao, tức là hướng toàn bộ nhận thức về khoảnh khắc hiện tại theo cách không phản ứng và không phán xét. Cho nên, điềm tĩnh, thích tìm hiểu và đầy tình thương là những dấu hiệu cho thấy bạn đang sống tỉnh thức.
Chánh niệm có nghĩa là gì?
Ngày nay, đâu đâu người ta cũng nhắc đến chánh niệm, và có vẻ như nó hứa hẹn mang lại mọi thứ tốt đẹp cho chúng ta. Chúng ta thấy từ “chánh niệm” được kết nối đến mọi thứ, từ làm vườn cho đến trị liệu, huấn luyện thể thao hay tin học. Thậm chí, ta còn thấy những tập tô màu để rèn luyện chánh niệm. Về cơ bản, tất cả đều hướng về một mục tiêu duy nhất là sống tỉnh thức.
Nhưng chánh niệm gắn với những hoạt động khác nhau này có hoàn toàn giống nhau không? Việc sử dụng rộng rãi thuật ngữ này đã gây ra nhiều sự nhầm lẫn, nhất là khi những người phấn khích bởi triển vọng của chánh niệm đã cố gắng đưa nó vào những lĩnh vực quá rộng. Khám phá xem chánh niệm thực chất nghĩa là gì trong những phần tiếp theo của quyển sách sẽ giúp bạn bớt cảm thấy rối rắm.
Ngoài việc nhận thức một cách trọn vẹn những gì bạn đang làm, chánh niệm còn bao gồm cả việc tư duy về lý do tại sao chúng ta muốn trau dồi khả năng nhận thức này. Định nghĩa về ý định là thật sự quan trọng, bởi những ý định của chúng ta chính là chiếc la bàn tinh thần dẫn dắt mọi hành động. Tại sao việc có mặt ở hiện tại, cân nhắc và thận trọng lại quan trọng đối với bạn? Câu hỏi bao quát này là chìa khóa mở ra tiềm năng về đời sống tỉnh thức của riêng bạn. Hãy xem kỹ phần Tiêu điểm để tìm hiểu sâu hơn về những gì là quan trọng nhất đối với bạn.
Tiêu điểm: Khám phá những gì thật sự quan trọng đối với bạn
Tùy theo những gì mà bạn cho là quan trọng nhất đối với bạn và những gì bạn muốn thay đổi, bạn sẽ tiếp cận chánh niệm theo nhiều cách khác nhau. Bạn có thể tự vấn bản thân những câu hỏi dưới đây và ghi xuống các câu trả lời:
- Điều gì khiến bạn chọn quyển sách này?
- Bạn muốn thay đổi điều gì trong cuộc sống?
- Bạn sẵn sàng dành ra bao nhiêu thời gian và công sức để thay đổi những điều đó?
- Đối với bạn, điều gì là quý giá nhất trong cuộc đời?
Khi đã xác định được những điều ưu tiên và mục tiêu của bản thân, bạn sẽ sử dụng năng lượng tinh thần và thể chất của mình một cách khôn ngoan hơn. Bạn sẽ hành động với nhận thức rõ ràng và phù hợp với những khao khát chân thành nhất của bạn. Cứ một khoảng thời gian định kỳ, bạn nên quay lại những câu trả lời này của mình để kiểm tra xem chúng còn đúng vào thời điểm hiện tại hay không.
Một định nghĩa phi tôn giáo
Tâm lý học hiện đại đã đưa ra nhiều định nghĩa khác nhau về chánh niệm. Phần lớn đều đề cập yếu tố chú ý mạnh mẽ vào khoảnh khắc hiện tại mà không phê phán. Ba trong số những định nghĩa thường được trích dẫn nhiều nhất là:
- Chánh niệm là chú ý một cách cụ thể vào khoảnh khắc hiện tại, có chủ đích và không phê phán. (Kabat-Zinn, 1994)
- Chánh niệm là trạng thái chú ý và nhận biết về những gì đang xảy ra trong hiện tại. (Brown và Ryan, 2003)
- Chánh niệm là sự quan sát không phê phán về dòng chảy không ngừng của những động cơ bên trong và bên ngoài khi chúng xuất hiện. (Baer, 2003)
Dựa trên hai mươi năm kinh nghiệm lâm sàng, tôi cũng có định nghĩa riêng về chánh niệm: chánh niệm là “nhận thức + 3”. Đối với tôi, điều này có nghĩa là những kỹ năng nhận biết thông thường của bạn được nâng cao bằng việc:
- Hoàn toàn được hướng về khoảnh khắc hiện tại
- Không phản ứng (cầu thị nhưng điềm tĩnh)
- Không phán xét (từ bi)
Chánh niệm cũng có tác dụng tốt nhất khi có liên quan đến một điều gì đó lớn lao hơn mục đích chính của bạn và với một thái độ đặc biệt tử tế với bản thân (tự cảm thông). Định nghĩa này bao hàm được một số ý như: ta đang làm gì đây, chúng đang diễn ra như thế nào và lý do tiềm ẩn đằng sau nó.
Điềm tĩnh đón nhận những gì xảy đến với chúng ta, ngay cả khi mọi thứ rất khó khăn, sẽ giúp chúng ta thấy rõ những gì đang thật sự xảy ra, chứ không phải những gì mình nghĩ là đang xảy ra. Với tư duy ít bị kích động và ít phản ứng hơn này, chúng ta có thể đưa ra chọn lựa hợp lý hơn về những gì cần làm tiếp theo dựa trên các sự kiện có thật. Khi tỉnh thức, chúng ta thấy mình có thể tạo ra sức ảnh hưởng ở những điểm nào, từ đó có những hành động phù hợp với các mục tiêu lớn hơn của bản thân.
Điều này không có nghĩa là chấp nhận mọi thứ một cách thụ động, mà đó là mục tiêu muốn hiểu biết nhiều hơn về cách chúng ta liên kết với tâm trí và cơ thể, liên kết giữa con người với nhau và với thế giới. Việc học hỏi sẽ trở nên dễ dàng nhất nếu chúng ta có nhiều tình thương hơn, ít chỉ trích và phán xét hơn mỗi khi bản thân ta hoặc người khác phạm sai lầm. Khi không sợ bị phê phán, chúng ta sẽ cởi mở và sáng tạo hơn. Từ đó, ta có thể tạo ra những giải pháp mới hiệu quả hơn khi đối mặt với những thách thức, trở ngại trong cuộc sống, bởi ta đã biết cách nhận thức mọi thứ trong sự toàn vẹn mà không đánh giá một cách chủ quan.
Tại sao thuật ngữ “chánh niệm” vẫn gây nhầm lẫn?
Thậm chí sau khi nghe những định nghĩa về chánh niệm, người ta vẫn thường bị nhầm lẫn. Sau đây là một số lý do:
“Chánh niệm” nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng thực hành thì khó hơn nhiều.
Chúng ta có ý định có mặt ở hiện tại, không phản ứng và không phán xét, nhưng chúng ta thường bị phân tâm, hay phản ứng và hay chỉ trích bản thân cũng như người khác.
Chúng ta muốn nhanh chóng nhưng chánh niệm không phải là một giải pháp nhanh. Bất kỳ ai trong chúng ta cũng có khả năng có mặt trong khoảnh khắc hiện tại bất kỳ lúc nào, nhưng tiềm năng chuyển hóa nó ở mức độ sâu hơn trong sự tỉnh thức lại đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại.
Chúng ta quen suy nghĩ về mọi thứ bằng cách sử dụng óc khái niệm và trí năng. Do vậy, chúng ta đã đánh mất phần lớn khả năng kết nối với trực giác của mình. Chánh niệm đến từ việc cảm nhận trực tiếp bằng các giác quan chứ không phải là “suy nghĩ” một cách có ý thức về những gì chúng ta, hoặc cơ thể của chúng ta đang hoạt động. Có “linh cảm” về một người nào đó hoặc một việc gì đó là ví dụ cho việc “cảm nhận mà không suy nghĩ”.
Trong khi vội vàng để “đạt đến trạng thái tỉnh thức”, chúng ta thường không suy xét kỹ đến mục đích, vốn là nền tảng và củng cố cho mọi hoạt động của mình.
Chánh niệm không bao hàm những gì?
Một điều quan trọng không kém đó là chúng ta nên xem xét những điều không thuộc về chánh niệm. Chánh niệm không giống như trạng thái thư giãn hoặc buồn ngủ. Sự nhận biết có tỉnh thức đòi hỏi bộ não của bạn phải hoạt động và tương tác, không phải trong tình trạng lơ mơ hoặc trống rỗng.
Ngoài ra, xét về mục đích của quyển sách này, chánh niệm khác với thiền định. Đó là vì việc thực hành chánh niệm cung cấp những công cụ cho phép bạn sử dụng tâm trí mình một cách linh hoạt và tối đa tiềm năng của nó cho dù bạn đang thiền định, sáng tạo, hay kết nối với những người khác. Chánh niệm giống như những miếng ghép của trò chơi xếp hình, nó cho phép bạn làm tất cả những điều trên, nhưng làm tốt hơn.
Sự nhận thức và chánh niệm có giống nhau không?
Đây là một câu hỏi phức tạp. Như đã trình bày, nhận thức và chánh niệm là hai khái niệm có liên hệ với nhau nhưng khác nhau. Ở phần trước, chúng ta mô tả chánh niệm như là một loại siêu nhận thức về khoảnh khắc hiện tại. Điều này lần lượt mở rộng nhận thức của chúng ta về cơ thể, tinh thần của mình cũng như mở rộng cách ta cảm nhận về thế giới xung quanh. Chánh niệm cho phép chúng ta khám phá những điều nằm ngoài nhận thức thông thường mà trước đó chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí của chúng ta.
Chúng ta dần nhận thức toàn vẹn hơn về những thói quen và lối tư duy của mình. Vì vậy, chúng ta có thể tìm cách thay đổi bất kỳ tư duy nào không còn hữu ích. Bạn có thể thay đổi thói quen và lối mòn tư duy một cách tốt nhất khi nhận thức theo cách chánh niệm (hoàn toàn hiện diện, không phản ứng, không phán xét); ngược lại, nếu bạn bị phân tâm hoặc phản ứng quá mức, việc thay đổi này sẽ khó khăn hơn nhiều.